Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

11164 - Học thuyết Monroe và chính sách biến Nam Mỹ thành sân sau của Hoa Kỳ





      Dịch từ bài “Monroe Doctrine” của Từ điển Encyclopædia Britannica.

Ngày 2 tháng 12 năm 1823, Học thuyết Monroe – “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại Hoa Kỳ đã được Tổng thống James Monroe đưa ra trong thông điệp hàng năm của mình trước Quốc hội Mỹ. Học thuyết tuyên bố rằng Cựu Thế giới và Tân Thế giới có hệ thống vận hành khác nhau, phải duy trì các lĩnh vực riêng biệt, và đưa ra bốn luận điểm cơ bản: (1) Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ hoặc các cuộc chiến tranh giữa các cường quốc châu Âu; (2) Hoa Kỳ công nhận và sẽ không can thiệp vào các thuộc địa và các lãnh thổ lệ thuộc đương thời ở Tây bán cầu; (3) Tây bán cầu được bảo vệ khỏi tiến trình thực dân hóa; và (4) bất kỳ nỗ lực nào của một cường quốc châu Âu nhằm đàn áp hoặc kiểm soát bất kỳ quốc gia nào ở Tây bán cầu sẽ được coi là một hành động thù địch chống lại Hoa Kỳ.
Học thuyết này làm dấy lên lo ngại lớn ở cả Anh và Mỹ vì rằng các cường quốc lục địa châu Âu sẽ cố gắng khôi phục lại các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha, trong khi ở châu Mỹ Latin, nhiều thuộc địa cũ mới vừa trở thành các quốc gia độc lập. Hoa Kỳ cũng lo ngại về tham vọng lãnh thổ của Nga ở bờ biển phía Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ. Do đó, George Canning, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, đã đề xuất một tuyên bố chung giữa Hoa Kỳ và Anh cấm thực dân hóa trong tương lai ở châu Mỹ Latin. Tổng thống Mỹ Monroe ban đầu chấp thuận ý tưởng này, và các cựu tổng thống Thomas Jefferson và James Madison cũng đồng tình. Nhưng Ngoại trưởng John Quincy Adams lập luận rằng Hoa Kỳ nên đưa ra một tuyên bố đơn phương về chính sách đối ngoại của Mỹ (thay vì tuyên bố chung) và quan điểm của ông cuối cùng đã thắng thế.
Bản thảo đầu tiên của Tuyên bố đã trích dẫn lời quở trách của người Pháp về cuộc xâm lược của thực dân Tây Ban Nha, đưa ra sự thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong cuộc nổi dậy chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và một số dấu hiệu khác về mối quan tâm của nước Mỹ trong các vấn đề nội bộ của châu Âu. Adams đã tranh luận gần hai ngày để bác bỏ những dấu hiệu như vậy, cuối cùng chúng đã bị loại khỏi Tuyên bố.
Adams viết trong cuốn Nhật ký của ông: “Nền tảng mà tôi muốn xây dựng là sự phản đối kịch liệt và quyết tâm nhất chống lại sự can thiệp bằng vũ lực của các cường quốc châu Âu ở lục địa Nam Mỹ, và không can thiệp vào châu Âu; đưa nền tảng ấy thành tôn chỉ của nước Mỹ, và tuyệt đối trung thành với nó.”
Bản đồ Nam Mỹ. Đồ hoạ: Getty.
Học thuyết Monroe, bằng việc khẳng định sự bảo vệ đơn phương của Hoa Kỳ đối với toàn bộ Tây Bán cầu, là một chính sách đối ngoại không thể duy trì nổi về mặt quân sự vào năm 1823. Do đó, Monroe và Adams đã nhận thức rõ về sự cần thiết của hạm đội Anh để ngăn chặn những kẻ xâm lược tiềm năng ở châu Mỹ Latin. Bởi Hoa Kỳ không phải là một cường quốc vào thời điểm đó và bởi các cường quốc lục địa châu Âu rõ ràng không có ý định nghiêm túc về việc tái thực dân hoá châu Mỹ Latin, nên tuyên bố chính sách của Monroe (nó không được biết đến như là “Học thuyết Monroe” trong gần 30 năm) phần lớn bị thế giới phớt lờ.
Hoa Kỳ đã không viện dẫn (học thuyết Monroe) và cũng không phản đối việc Anh chiếm đóng Quần đảo Falkland (phía Nam Argentina) vào năm 1833 hoặc các cuộc xâm lấn của Anh ở châu Mỹ Latin những năm sau đó. Tuy nhiên, năm 1845 và một lần nữa vào năm 1848, Tổng thống James K. Polk nhắc lại các nguyên tắc Monroe, để cảnh báo Anh và Tây Ban Nha không được thiết lập căn cứ quân sự ở Oregon, California hay bán đảo Yucatán của Mexico. Khi kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ, người Mỹ đã tập trung quân đội trên Rio Grande để ủng hộ yêu cầu Pháp phải rút chính phủ bù nhìn tay sai của mình khỏi Mexico. Năm 1867, một phần vì áp lực của Hoa Kỳ, Pháp đã rút lui.
Sau năm 1870, Học thuyết Monroe ngày càng được giải thích và thi hành nhiều hơn. Khi Hoa Kỳ nổi lên như một cường quốc của thế giới, Học thuyết Monroe đã khẳng định được một phạm vi ảnh hưởng và được công nhận rộng rãi. Tổng thống Theodore Roosevelt đã bổ sung Học thuyết Monroe vào “Hệ quả Roosevelt” (Roosevelt Corollary) vào năm 1904, trong đó tuyên bố rằng, trong trường hợp các hành động sai phạm rõ ràng và có tính chất rõ ràng tại một quốc gia châu Mỹ Latin, Hoa Kỳ có thể can thiệp vào quốc gia đó. Sự quả quyết của Roosevelt về một quyền lực sen đầm (cảnh sát) ở Tây bán cầu của nước Mỹ được thiết kế để ngăn chặn sự vi phạm Học thuyết Monroe bởi các nước châu Âu đang tìm cách xoa dịu mối bất bình (trong nước) đối với các quốc gia châu Mỹ Latin “ngỗ nghịch” và “bất trị”.
Từ nhiệm kỳ tổng thống của Theodore Roosevelt đến Franklin Roosevelt, Hoa Kỳ thường xuyên can thiệp vào châu Mỹ Latin, đặc biệt là vùng Caribbean. Từ những năm 1930, Hoa Kỳ đã cố gắng xây dựng chính sách đối ngoại của mình ở khu vực châu Mỹ Latin có sự tham vấn ý kiến với từng quốc gia trong khu vực và tham vấn với Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Organization of American States – OAS). Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục giữ vai trò “người sở hữu” đối với sân sau của mình khi xuất hiện các mối đe doạ đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ, và Tây bán cầu vẫn được duy trì như là một phạm vi ảnh hưởng chủ chốt của Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét