Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

11742 - 'Cẩm nang' cần có về Thượng đỉnh Trump Kim tại Hà Nội



Trump Kim

Tổng thống Donald Trump sẽ gặp gỡ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội tuần này trong Thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai.
Hai nước cựu thù được chờ đợi sẽ đi đến những thỏa thuận đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bắc Hàn. Nếu bạn quan tâm tới sự kiện tuần này thì đây là những điểm chính có thể bạn cần biết.
Trump - Kim sẽ thảo luận gì?
Vẫn là điều mà họ từng thảo luận tại Thượng đỉnh lần một tại Singapore tháng 6/2018: Vũ khí hạt nhân.
Hầu hết thế giới muốn Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân - một quá trình thường được gọi là phi hạt nhân hóa. Nhưng Bắc Hàn đã liên tục nói rằng họ sẽ không làm như vậy cho đến khi họ không còn cảm thấy phải đối mặt với mối đe dọa từ Mỹ và những nước khác.
Vì vậy, Bắc Hàn phải chịu một loạt các biện pháp trừng phạt, ngăn chặn họ giao dịch hoặc tương tác bình thường với thế giới rộng lớn hơn. Bắc Hàn muốn thực hiện hành động ít nhất có thể để đảm bảo nới lỏng các biện pháp trừng phạt đó.
Bắc Hàn đã hứa sẽ bỏ vũ khí hạt nhân?
Không hề.
Khi gặp gỡ vào năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã ký Thỏa thuận Singapore, một thỏa thuận được cho là rất lạc quan nhưng thiếu chi tiết.
Họ nói họ cam kết phi hạt nhân hóa nhưng thực tế lại không đạt được thỏa thuận rằng điều này thực tế có nghĩa là gì cũng như nó sẽ được thực hiện như thế nào.
Bắc Hàn đã cho nổ tung địa điểm thử nghiệm hạt nhân của mình - mặc dù họ không thực sự cần nó nữa vì đã biết rằng hạt nhân của mình hoạt động - nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm gì khác để ngăn chặn sự phát triển hạt nhân.
Trên thực tế, giới chức tình báo cấp cao của Mỹ nói rằng Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, bởi vì họ tin rằng nó "quan trọng đối với sự sống còn của chế độ".
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã giảm bớt tham vọng của mình, nói rằng ông sẽ hài lòng miễn là Bắc Hàn không thử thêm bất kỳ tên lửa hay bom hạt nhân nào, tức giữ nguyên hiện trạng.
Mỹ cũng có thể thúc đẩy Bắc Hàn chỉ đơn giản là cung cấp một danh sách đầy đủ tất cả các công nghệ hạt nhân của nước này - nhưng ngay cả việc này Bắc Hàn cũng chưa từng bao giờ sẵn sàng đáp ứng.
Tại sao không nên để Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân?


Trump KimBản quyền hình ảnhKCNA
Image captionKim Jong-un theo dõi một vụ phóng thử tên lửa tháng 9/2017

Bom hạt nhân là một trong các vũ khí nguy hiểm nhất từng được chế tạo.
Với một vài ngoại lệ, thế giới đồng ý rằng không nên có thêm có các quốc gia mới nào có khả năng hạt nhân. Bắc Hàn đã phá vỡ luật pháp và điều ước quốc tế bằng cách phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Bên cạnh nỗi lo sợ rằng Bắc Hàn một ngày nào đó có thể sử dụng những vũ khí này trong sự tức giận, nước này còn có khả năng bán công nghệ cho các quốc gia khác, phạm sai lầm dẫn đến tai nạn hoặc nếu chính phủ sụp đổ, các công nghệ này có thể rơi vào tay kẻ xấu.
Nếu Bắc Hàn được phép có vũ khí hạt nhân riêng, họ có thể khuyến khích các quốc gia khác theo đuổi con đường tương tự.
Bắc Hàn thực sự là mối đe dọa?
Đúng vậy. Có tiềm năng là như vậy. Nước này đã luôn lặp đi lặp lại rằng họ sẽ không e ngại sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị đe dọa.
Hai nước khiến Bắc Hàn lo lắng nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ hiện có hàng ngàn binh lính đóng tại hai quốc gia này. Nhưng Bắc Hàn cũng khẳng định có trong tay tên lửa có tầm phóng tới Mỹ.
Mối đe dọa an ninh mạng cũng đang gia tăng tại Bắc Hàn trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng nếu Bắc Hàn khơi mào xung đột, đây sẽ là một động thái mang tính 'tự sát' của chế độ này.
Mỹ và Bắc Hàn đang chiến tranh?


Trump KimBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Trên nguyên tắc thì là vậy. Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc với thỏa thuận đình chiến - nhưng một hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký kết.
Theo hiệp ước sau chiến tranh, Mỹ vẫn có hơn 23.000 nhân viên quân sự đóng tại Nam Hàn và thực hiện các cuộc tập trận thường xuyên với quân đội Nam Hàn.
Một kết quả của hội nghị thượng đỉnh có thể là một tuyên bố hòa bình, một điều mà Kim chắc chắn muốn.
Đó sẽ không phải là một hiệp ước hòa bình chính thức - đó là cả một quá trình chính trị phức tạp với ý nghĩa thực tiễn to lớn - mà là một động thái mang tính biểu tượng để khiến cả hai nhà lãnh đạo trông có vẻ tốt đẹp hơn trong mắt người dân của họ.
Tại sao Trump Kim gặp nhau tại Việt Nam?


Trump KimBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Việt Nam được coi là một địa điểm lý tưởng để tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim lần hai vì nhiều lý do.
Hà Nội có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Bắc Hàn, dù là cựu thù với Mỹ - và có thể được Mỹ nêu như một ví dụ về chuyện hai quốc gia hợp tác và gạt bỏ những bất đồng trong quá khứ.
Về mặt ý thức hệ, cả Việt Nam và Bắc Hàn đều là các nước Cộng sản - dù Việt Nam nhanh chóng phát triển kinh tế, hai nước vẫn theo chủ nghĩa chuyên chế.
Sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam có thể được Mỹ lấy làm ví dụ để chỉ ra hướng mà Bình Nhưỡng có thể đi theo nếu họ chọn mở cửa.
Ông Kim cũng sẽ không cần phải lo lắng về các cuộc biểu tình - Việt Nam sẽ không cho phép biểu tình - và các nhà báo đưa tin về hội nghị thượng đỉnh đang được theo dõi chặt chẽ.
Bắc Hàn là một nước như thế nào?
Chính phủ Bắc Hàn là một trong những chính phủ tàn bạo nhất trên thế giới, kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của người dân. Chương trình Lương thực Thế giới cho rằng hơn 10 triệu người Bắc Hàn bị suy dinh dưỡng.
Đối với giới tinh hoa chính trị và dân đô thị, cuộc sống đã tốt hơn rất nhiều trong những năm gần đây, bất chấp lệnh trừng phạt, nhưng các chuyên gia về nhân quyền cho biết không có nhiều thay đổi kể từ khi Bắc Hàn bắt đầu tham gia ngoại giao.
Nhân quyền gần như chắc chắn sẽ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, nhưng họ có thể thảo luận về một thỏa thuận cứu trợ nhân đạo hoặc cho phép các gia đình ly tán kể từ khi chiến tranh gặp lại nhau.
Tại sao Bắc Hàn không có điện?


Trump KimBản quyền hình ảnhSPL
Image captionCác hình ảnh vệ tinh chụp ban đêm cho thấy có một dải ánh sáng từ thủ đô Bình Nhưỡng, nhưng các nơi khác cùa Bắc Hàn thì tối thui

Đây là câu hỏi được tìm kiếm rất nhiều trên Google. Bởi hình ảnh vệ tinh cho thấy có một vùng tối đen kẹp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đó là Bắc Hàn.
Câu trả lời là Bắc Hàn không có nguồn cung cấp điện rộng rãi hoặc đáng tin cậy. Các nhà máy điện và đập thủy điện đã cũ và bị thiếu hụt nhiên liệu và phụ tùng. Điện được ưu tiên cho các mục đích quân sự hoặc hành chính.
Bên ngoài các thành phố, nhiều người phải dùng máy phát điện đắt tiền và ồn ào, tuy nhiên, theo NK News, các tấm pin mặt trời - vốn rẻ và đáng tin cậy - đang ngày càng trở nên phổ biến để sử dụng trong nước.
Mỹ có thể tấn công Bắc Hàn?
Câu hỏi này thường xuất hiện trên mạng xã hội, phản ứng lại các câu chuyện về mối đe dọa từ Bắc Hàn.
Về lý thuyết thì có thể, nhưng ít chuyên gia sẽ cho rằng đó là một ý tưởng hay.
Đầu tiên là vấn đề đạo đức - có 25 triệu người ở Bắc Hàn - hầu hết trong số họ là nạn nhân của chính phủ chứ không phải là một phần của mối đe dọa.
Loại bỏ Kim và các lãnh đạo cấp cao sẽ có nguy cơ gây mất ổn định lớn ở một quốc gia dễ bị tổn thương và nghèo đói - điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn, điều mà các nước láng giềng của Bắc Hàn muốn tránh bằng mọi giá, và khả năng gây bất ổn cho cả khu vực.
Và Bắc Hàn có vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học và một lực lượng quân đội hùng hậu sẵn sàng chiến đấu. Trừ khi tất cả bị vô hiệu hóa cùng một lúc, Bắc Hàn sẽ tấn công trở lại, ngay cả khi chỉ trong một thời gian ngắn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét