Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

11708 - Bàn về lập luận thiếu kinh phí khiến chất lượng đường cao tốc Việt Nam kém


RFA

Cầu dây văng Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.Cầu dây văng Bạch Đằng nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Tình trạng đường cao tốc nghìn tỷ không đảm bảo chất lượng, bị sụt lún, thấm dột, gần đây được nhiều báo đài trong nước và nhiều chuyên gia quan tâm.
Bên lề Hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 diễn ra tại Thành phố Nha Trang ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời truyền thông trong nước rằng vì kinh phí ít và không áp dụng công nghệ hiện đại nên một số đường cao tốc ở Việt Nam vừa đưa vào sử dụng đã bị sụt lún, thấm dột.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chất lượng kỹ thuật là yêu cầu quan trọng nhất khi xây dựng cao tốc. Tuy nhiên khi kinh phí không đủ thì dự án không thể áp dụng công nghệ, giải pháp thi công hiện đại. Vì vậy phải xây dựng theo kiểu truyền thống nên chất lượng sẽ gặp rủi ro.
Nhận xét về phát biểu này, Giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng:
“Không nên lấy lý do đó và không nên đi theo cách đó. Giả sử chúng ta đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu thì lúc đó chúng ta phải tìm nhiều cách. Kể cả các phương án công nghệ tốt và giá thành hạ, chứ chưa chắc công nghệ cao thì giá thành cao. Vì vậy mà chúng ta cứ tiếp tục theo tư duy vì kinh phí không đủ nên phải hạ chất lượng. Cách tiếp cận ấy là không đúng.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên nhân chính làm cho các đường giao thông mới làm nhưng không đảm bảo được như tuổi thọ và thiết kế ban đầu là do không đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật được đề ra:
“Nói cách khác là rút bớt công đoạn, rút bớt công việc, rút bớt vật liệu, yêu cầu về vật liệu đã bị giảm thể loại, giảm chất lượng.
Tôi cho rằng tình trạng này đã phổ biến và thể hiện nhiều không chỉ ở công trình giao thông mà kể cả công trình xây dựng. Tôi cho rằng Việt Nam đã cố gắng cải thiện nhiều năm nay những vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.”
Ngoài ra, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng việc khảo sát công trình đã bị rút vốn cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng đường cao tốc:
“Sự thực mà nói trên thực tế có thể trong công tác điều tra, thậm chí việc đo vẽ bản đồ rồi tính toán địa chất Việt Nam không tập trung vào việc đó. Do đó cũng có thể giảm chi phí ở khâu này. Cách tiếp cận hiện đại thì người ta cho rằng diều tra khảo sát là khâu phải làm rất kỹ lưỡng, thậm chí không tiếc kinh phí trong việc làm công đoạn này. Chính công đoạn này sẽ quyết định công trình tiếp theo khi xây dựng.”
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam cho rằng nếu khảo sát thiết kế chưa cẩn thận thì khi thực thi sẽ có sai lệch so với dự toán ban đầu, dẫn đến tình trạng đội vốn.
Hình ảnh cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao.
Hình ảnh cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ trên cao. Screen Capture of Zing.vn
Điển hình như dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với chiều dài 245 km đã đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng sau 5 năm xây dựng.
Vì vậy, ông Thịnh cho rằng dù công trình có giá trị cao, nhưng kinh phí đi vào thực tế xây dựng đường không được đầy đủ:
“Đặc biệt nguyên nhân kiểm tra giám sát có vấn đề nể nang, móc nối, nên việc kiểm tra giám sát không đến nơi đến chốn cũng làm cho chất lượng dự án thấp đi. Tất nhiên trong chuyện kiểm tra giám sát này có những móc nối giữa chủ đầu tư – nhà thầu để bớt xén trong tiền thi công dự án. Chúng ta mong muốn giảm thiểu tối đa nguyên nhân đội vốn do tham nhũng, do móc nối kết cấu chủ đầu tư – nhà thầu…”
Để giảm thiểu nguyên nhân gây giảm chất lượng đường cao tốc, Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra giải pháp:
“Tôi cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận. Chúng ta phải làm khảo sát địa chất thật tốt, đo đạc thật kỹ lưỡng và tính toán thật chặt chẽ. Lúc đó chúng ta mới có thể thiết kế được một con đường đảm bảo chất lượng.”
Trên các diễn đàn, nhiều người đưa ra bình luận phí xây dựng đường cao tốc tại việt Nam không hề thấp như lời Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói với truyền thông.
Theo thống kê của các chuyên gia kinh tế đưa ra vào năm 2011, chi phí làm đường cao tốc ở Việt Nam cao hơn 1,5 đến 2 lần so với các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cao hơn cả Mỹ.
Giải thích về nguyên nhân vì sao giá thành xây dựng cao tốc tại Việt Nam cao đáng kể so với các nước khác, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng:
“Kinh phí có thể cao thấp khác nhau ở các quốc gia, có thể du di một chút. Bởi vì giá nguyên vật liệu, lao động, cũng như chi phí máy móc thiết bị và các chi phí khác có thể khác nhau. Vì thế dẫn đến chi phí đường sá khác nhau.”
Ngoài ra, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cũng nghĩ rằng việc so sánh mức phí xây dựng giữa Việt Nam với các quốc gia để từ đó biết giá thế nào là cần thiết, tuy nhiên:
“Hầu hết các dự án giao thông mà chúng tôi có nghiên cứu và xem xét, thực sự mà nói chi phí đền bù đất đai, hoa màu, tài sản, chiếm tỉ trọng rất lớn trong chi phí làm đường sá ở Việt Nam. Nếu bóc tách được vấn đề giải phóng mặt bằng thì chi phí cũng không đến mức cao như chúng ta có hiện nay.”
Vẫn theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, tất nhiên chi phí khi xây dựng đường cao tốc còn phụ thuộc nền móng đường và các yếu tố khác, nhưng nếu những chuyên gia bóc tách được vấn đề đền bù đất đai hoa màu, để chỉ so chi phí về xây dựng 1 mét đường cao tốc không có chi phí đền bù với 1 mét đường cao tốc của nước khác, sẽ thấy khoảng chênh lệch không cao như con số mà mọi người vẫn đọc được.
Vẫn trong buổi hội nghị ngày 21/2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết chính phủ Hà Nội quyết tâm thực hiện tuyến Cao tốc Bắc – Nam, không để việc giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng tiến độ dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên sẽ được áp dụng công nghệ, giải pháp hiện đại để thi công, và sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn ra nhà thầu trước cuối năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng khi dự án được triển khai.
Cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng hơn 2.100 km, đi qua 32 tỉnh thành được xem là tuyến đường trọng điểm kết nối hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh. Cao tốc Bắc – Nam được đánh giá là dự án có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét