Giới chóp bu Việt Nam chỉ còn biết… cầu nguyện.
Vào lúc này, tình thế đã biến động hẳn. Không còn tiếng hò reo đắc thắng ‘EVFTA sắp được phê chuẩn’ hay ‘thắng lợi của EVFTA’ từ loa tuyên giáo và hệ thống báo đảng của Việt Nam nữa. Thậm chí ngay cả việc EVFTA được ký kết và phê chuẩn tại cấp Hội đồng châu Âu, chứ không phải được bỏ phiếu thông qua ở Nghị viện châu Âu trước tháng 5 năm 2019 là thời điểm nghị viện này tổ chức bầu cử lại, cũng trở nên quá mong manh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Vào tháng 1 năm 2019, ngay sau khi tin tức về EVFTA bị EU quyết định hoãn lại việc phê chuẩn lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trong dư luận (trừ mặt báo nhà nước), một số nguồn tin từ nội bộ đảng CSVN đã xác nhận tâm trạng chung của giới lãnh đạo cao cấp là bị bất ngờ và thất vọng đến mức ‘mặt cứ thượt ra’ mà không biết phải nói gì.
Quyết định hoãn EVFTA của Hội đồng châu Âu là bằng chứng rõ ràng nhất cho tới nay về việc Liên minh châu Âu không còn đáng bị xem là yếu thế và nhu nhược trong con mắt của chính quyền Hà Nội, và quyết định này là sự tuân thủ một cách triệt để và kiên định tinh thần bản nghị quyết nhân quyền của Nghị viện châu Âu ban hành vào giữa tháng 11 năm 2018 - một bản nghị quyết cứng rắn chưa từng có về đòi hỏi Việt Nam phải thỏa mãn nhiều cải thiện nhân quyền về tự do tôn giáo tự do báo chí, tự do Internet, hủy bỏ hay hoãn Luật An ninh mạng, trả tự do cho các tù nhân lương tâm, phải ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động…
Nhưng từ cuộc điều trần ở Bỉ vào tháng 10 năm 2018 cho đến nay, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng chịu làm một điều gì để cải thiện nhân quyền. Cũng đã quá rõ là chính vì nguyên do rất chính yếu ấy mà Cộng đồng châu Âu đã không cho phép Ủy ban châu Âu ký EVFTA với Việt Nam, cho dù bản thảo của hiệp định này đã khá đầy đủ và nằm sẵn trên bàn chỉ chờ ký.
Bernd Lange - Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - tuy là người được xem là hiền hòa, giờ đây cũng phải quyết liệt: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc hội châu Âu thông qua hết”.
Giới chóp bu Hà Nội đã thất bại cay đắng: chiến thuật câu giờ nhân quyền và chỉ hứa không làm của họ đã không còn ma mị được EU theo cái cách mà họ đã qua mặt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để được tham gia vào tổ chức này vào năm 2007. Quá nhiều ‘thành tích nhân quyền’ của chính thể Việt Nam trong một thập kỷ qua, đặc biệt vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đã khiến cả châu Âu được ‘sáng mắt sáng lòng’.
Một cách chính thức và minh bạch, phương án ‘EVFTA trước, nhân quyền sau’ của giới chóp bu láu cá ở Việt Nam đã bị EU đảo ngược thành quyết sách ‘nhân quyền trước, hiệp định sau’.
Cũng một cách chính thức, kịch bản ký kết và phê chuẩn EVFTA ở cấp Hội đồng châu Âu vào cuối năm 2018 đã tuyệt đối phá sản. EVFTA không chỉ bị hoãn, mà còn là hoãn vô thời hạn.
Vậy số phận EVFTA sẽ ra sao?
Kịch bản lạc quan nhất cho chính thể Việt Nam là EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn tại Hội đồng châu Âu vào tháng 3 năm 2019, để ngay vào tháng đó Nghị viện châu Âu sẽ họp và bỏ phiếu thông qua hiệp định này.
Nhưng một nghị viện châu Âu đang quá bận rộn với nhiều việc và nhất là đang phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện mới vào tháng 5 năm 2019 sẽ quá khó để thu xếp một cuộc gặp với 28 nước thành viên chỉ để bỏ phiếu xem xét EVFTA cho Việt Nam.
Một kịch bản khác có vẻ khả dĩ hơn: Hội đồng châu Âu ưu ái ký EVFTA trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, và nghị viện mới sẽ tiếp tục xem xét có phê chuẩn hay không hiệp định này, có thể vào nửa cuối năm 2019 hoặc sang năm 2020.
Nhưng nếu Việt Nam vẫn không chịu cải thiện nhân quyền và do đó Hội đồng châu Âu vẫn chẳng có lý do xác đáng nào để phê chuẩn EVFTA trước tháng 5 năm 2019, tương lai EVFTA sẽ là một màn u tối và không biết sẽ mất bao nhiêu năm nữa để hiệp định này trở thành ‘cứu cánh’ cho một chính thể chỉ biết ăn không chịu làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét