Từ nhiều năm nay, thế giới đã băn khoăn và đôi khi chấn động vì hình ảnh luân lưu trên internet về những đoàn dân tỵ nạn rách rưới phát xuất từ một quốc gia vốn trù phú nhất Nam Mỹ là Venezuela, đi tìm đất sống xuyên quốc gia, và vì đói quá, phải bới móc từ các thùng rác công cộng để tìm miếng ăn. Giới quan sát quốc tế ước định mỗi ngày có khoảng 5000 người dân bỏ xứ kiếm ăn vì đói.
Ngày 10 tháng 1, năm 2019, Tổng Thống xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro thuộc đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Venezuela (United Socialist Party of Venezuela) đăng quang nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhì, sau một cuộc bầu cử mà Hoa Kỳ và các nước tây phương lên án là một cuộc bầu cử hoàn toàn gian lận.
Hàng triệu người dân Venezuela xuống đường liên tục yêu cầu Maduro từ chức. Các lực lượng công an cảnh sát hầu như tê liệt và ngưng đàn áp nhân dân. Tuy nhiên hàng ngũ tướng lãnh vẫn tuyên thệ ủng hộ TT Maduro. Tối Cao Pháp Viện Venezuela gồm toàn những thẩm phán do Maduro bổ nhiệm cũng ủng hộ ông ta.
Lãnh tụ đối lập là một kỹ sư trẻ tuổi tên Juan Guaido, chủ tịch quốc hội, thuộc đảng Dân Ý (Popular Will Party) được dân chúng ủng hộ và tuyên thệ làm tổng thống lâm thời thay thế Madura, trong khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử mới.
Hoa Kỳ và các nước Tây Phương Như Anh, Canada, Úc Đại Lợi và các quốc gia dân chủ Nam Mỹ lên tiếng ủng hộ Guaido, trong khi các quốc gia có khuynh hướng độc tài như Nga Sô, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng ủng hộ Maduro.
Lập tức Maduro tuyên bố cắt đứt mọi liên hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và đòi trục xuất tất cả nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Venezuela về nước. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trả đũa bằng cách tuyên bố TT Maduro không phải là nguyên thủ quốc gia chân chánh nên quyết định không hiệu lực và Hoa Kỳ sẽ không triệu tập về nước những nhân viên sứ quán này. Nếu họ bị đàn áp thì Hoa Kỳ sẽ có biện pháp thỏa đáng, kể cả can thiệp bằng vũ lực.
Vì tình trạng tài chánh tệ hại của quốc gia, sau một thời gian quá dài áp dụng chính sách “định chế xã hội chủ nghĩa” ngân khố của quốc gia cạn kiệt và lạm phát lên đến hằng triệu % mỗi năm, chính quyền Maduro yêu cầu Ngân Hàng Quốc Gia Anh Quốc giải ngân 1.4 tỷ Mỹ Kim trị giá vàng gởi tại ngân hàng này. Tuy nhiên chính phủ Anh từ chối và tuyên bố chỉ xem xét trao lại số ngân lượng này cho tổng thống lâm thời Guaido mà thôi.
Venezuela là một quốc gia như thế nào và tại sao rơi vào tình trạng thê thảm như thế?
Thật sự Venezuela là một quốc gia Nam Mỹ trù phú. Diên tích gần 1 triệu cây số vuông và dân số khoảng 32 triệu người. Số lượng dầu hỏa dự trữ của xứ này khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, lớn nhất thế giới, trên cả vương quốc Saudi Arabia và Liên Bang Nga. GDP đầu người cùa Venezuela từng đạt đến gần $US31,000 vào tháng 12 năm 2015 và là một trong những quốc gia trù phú nhất Nam Mỹ.
Tuy là một quốc gia dân chủ đa đảng, nhưng từ ngày Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất được thành lập năm 2008 đưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Xã Hội Chủ Nghĩa Hugo Chavez và Nicolas Maduro là đệ tử trung thành, thì Venezuela bắt đầu xuống dốc.
Nền kinh tế mang bản chất thị trường nguyên thủy của dân tộc này được Chavez và Maduro kiên trì và cần mẫn định hướng xã hội chủ nghĩa qua sách lược quốc hữu hóa kỹ nghệ, nhất là kỹ nghệ dầu hỏa. Kết quả là kinh tế tụt hậu thê thảm. Dân chúng không còn thức ăn phải tha phương cầu thực nơi các quốc gia lân bang, bơi móc các thùng rác tìm thực phẩm.
Như vậy thì nguồn lợi khổng lồ từ dầu hỏa rơi về đâu? Tuy sự tụt giá về dầu hỏa và cấm vận của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng dĩ nhiên với lượng dầu hỏa lớn lao như thế, không thể nào nhân dân không đủ ăn. Lý do là vì định hướng xã hội chủ nghĩa dù là tại Venezuela hay Việt Nam, đều là chiêu bài để cá nhân lãnh đạo và bè phái tham nhũng. Các doanh nghiệp nhà nước thực sự chỉ là những bình phong để tham quan bòn rút công quỹ không khác gì Việt Nam.
Trong khi người dân Venezuela than đói thì các viên chức cao cấp trong đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất phè phỡn trên xương máu của nhân dân và có hằng trăm triệu Mỹ Kim đầu tư tại các quốc gia tư bản. Tài sản của gia đình cựu lãnh tụ xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez lên đến $US550 triệu và đất đai lên đến 100,000 mẫu.
Trong 2 lực lượng vũ trang bảo vệ chế độ thì công an và cảnh sát đã lùi bước trước những cuộc biểu tình vĩ đại lôi cuốn hằng triệu dân chúng. Tuy nhiên giới tướng lãnh trong quân đội vẫn kiên trì với TT Maduro.
Tuy nhiên áp lực quốc tế ngày một đè nặng trên chế độ. Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy các sĩ quan trẻ tuổi đã lên tiếng, bất đồng chánh kiến với hàng ngũ tướng lãnh và kêu gọi sự hợp tác của quân đội với tổng thống lâm thời Guaido. Ông Guaido cũng hứa hẹn hợp tác và không truy tố các tướng lãnh hoặc chính TT Maduro nếu họ đứng về phía nhân dân và TT Maduro từ chức. Mặt khác Ông Guaido cũng không loại bỏ khả năng yêu cầu Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự.
Khi duyệt xét những yếu tố chính trị và xã hội khách quan của thời cuộc, chúng ta có thể kết luận rằng quan điểm định hướng xã hội chủ nghĩa què quặt sẽ cáo chúng tại Venezuela và nhân dân xứ này sẽ nhanh chóng giành lại quyền tự quyết dân tộc từ tập đoàn đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất.
Chúng ta cũng có thể kết luận rằng tác hại trầm trọng của khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” trên một nền kinh tế vốn phồn vinh như tại Venezuela là một đòn đánh nặng vào tâm lý của thượng tầng lẫn hạ tầng cơ sở của đảng CSVN.
Khái niệm kinh tế thị trường nhưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam cũng sẽ cáo chung một ngày không xa, kéo theo sự sụp đổ của nhà cầm quyền CS và sự khai sinh một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trên quê hương Viêt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét