Ban đầu tôi điịnh bỏ hai chữ “kẻ sĩ” này vào ngoặc kép, nhưng suy đi nghĩ lại, đây là sự đớn hèn có tính phổ quát và hầu như tỉ lệ không đớn hèn thấp đến mức khó nhìn thấy được. Và sự đớn hèn này nằm ở ba đặc điểm dễ nhìn thấy nhất: cung phụng kẻ lổ mãng, sợ quyền lực và không dám nhận trách nhiệm.
Có lẽ sự đớn hèn này không chỉ mới có ở thời Cộng sản, mà từ thời xa xưa, thời lập quốc đã có. Thử nhìn lại các bậc sĩ phu ngày xưa thì thấy ngay, từ Nguyễn Trãi cho đến Nguyễn Du và hầu hết các danh sĩ, họ có thể vừa giỏi võ nghệ, giỏi thao lược đồng thời giỏi văn chương, khoa học. Tư chất của họ cao hơn nhiều lần so với bậc “minh chủ” mà họ phò tá, thờ phụng. Nhưng họ làm được gì ngoài việc cúc cung tôn thờ và kết quả cuối là nhận được sự đối đãi còn tệ hơn đối với con vật từ phía “minh chủ”.
Cái chết từ bản thân cho đến tam tộc, cửu tộc của họ đều do sự đớn hèn sâu thẳm của một kẻ sĩ, không dám làm gì, chỉ biết tìm người để phò và cuối cùng là chịu cảnh trâu ngựa. Nhưng nếu chỉ phân tích theo hướng này và chỉ cần nhìn thấy hầu hết các “minh chủ” đều là kẻ hổ lốn, quen dùng sức mạnh, thậm chí võ biền… thì cũng chưa đủ.
Bởi chuyện hôm nay phản chiếu cái ngày hôm qua, mới đây nhất, vụ bác sĩ Hoàng Công Lương bị 42 tháng tù do vụ chạy thận làm chết 9 người ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang là thông tin nổi cộm trên mạng xã hội lại cho thấy một vấn đề khác về cái sự đớn hèn của kẻ sĩ.
Có thể nói, hầu hết người tham gia và theo dõi mạng xã hội đều có khuynh hướng đồng cảm, chia sẻ với bác sĩ Lương, tôi cũng không ngoại lệ. Cho đến lúc Lương phát biểu trước tòa, tôi thực sự ngỡ ngàng!
Trong các phát biểu cuối cùng của Lương, hầu như câu nào cũng hay, câu nào cũng thấm đẫm nỗi buồn và có chút gì đó oan trái. Nhưng, có hai câu khiến tôi lấy làm lạ và ngạc nhiên, đó là “tôi ngỡ ngàng khi mình bị bắt” và “Bộ Y tế và Bộ Giáo dục sẽ phải thay đổi trong việc đào tạo, trang bị kiến thức cho sinh viên các thế hệ sau. Để, nếu là có ai đó trở thành một bác sĩ chuyên về lọc máu như tôi thì phải bắt buộc biết về chất lượng nước, cách kiểm tra chất lượng nước, về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO và cả quy trình kiểm soát chất lượng nước RO dùng trong lọc máu – đó là thứ tôi không hề được dạy”. Tôi ngạc nhiên vì đằng sau cái câu “tôi ngỡ ngàng khi bị bắt” nó cho thấy một thứ lương tâm máu lạnh đang ẩn nấp, nó khiến tôi chuyển từ thông cảm sang giận dữ. Bởi một khi cầm bút, ký y lệnh chạy thận cho 18 người gây tai biến và trong đó có 9 người tử vong mà anh nói rằng “tôi ngỡ ngàng khi bị bắt” là một trò diễn đạo đức hết sức lố bịch và rẻ tiền. Bởi với một người có trách nhiệm, hiểu được sứ mệnh, chức năng công việc mà mình đang gánh vác (đặc biệt, đây là sứ mệnh, chức năng có liên quan đến tính mạng con người!) thì người ta sẽ nhanh chóng hiểu ra cái sai của mình, thậm chí nhìn thấy cái tội của mình trước 9 mạng người. Nhưng có vẻ như BS Lương nghĩ rằng tội là do người khác chứ không do anh, vì sao? Vì anh không có chuyên môn về nước.
Thế nên Lương mới mong rằng bộ Y Tế, bộ Giáo Dục có chương trình và môn giảng dạy về kiểm định chất lượng nước, cho các bác sĩ/đồng nghiệp/đồng môn của Lương sau này không vấp phải chuyện như Lương. Nói đến đây nghe có chi đó rất cải lương, bởi hai vấn đề: Một người nắm trọng trách mà thiếu chuyên môn nào đó thì phải tự giác đi tìm, học chuyên môn, kiến thức mình đang thiếu chứ không thể thụ động chờ trường dạy và nói rằng “tôi không biết cái đó là do trường không dạy tôi”. Thử hỏi, trường nào dạy luồn lách, biết phải biết trái với cấp trên để thăng chức? Trường nào dạy quà cáp, biếu xén cho sếp dịp Tết? Không có trường nào dạy cả, nhưng hầu hết, có thể nói là toàn bộ trí thức làm việc trong hệ thống nhà nước xã hội Việt Nam đều rất rành rõi, rất giỏi môn này!
Vấn đề thứ hai sau lời phát biểu kia là tính thụ động (nếu như đó là một lời phát biểu thực tâm, không diễn kịch?!) của kẻ sĩ, thụ động học, thụ động làm việc. Nên nhớ, môi trường đại học không phải là môi trường mà người sinh viên ngồi chép bài theo lời thầy cô theo kiểu học sinh tiểu học và trung học. Mà một sinh viên phải biết tự trang bị, tự tìm tòi, nghiên cứu cho bản thân có được hàm lượng tri thức xứng đáng với công việc họ đảm nhận trong tương lai. Chính cái yếu tố “tự trang bị, tìm tòi, nghiên cứu” này mới giúp cho thế hệ kĩ sư, bác sĩ, giáo viên sau giỏi hơn thế hệ trước, vượt qua được những hạn chế của thế hệ trước. Nếu chỉ dựa vào kiến thức của thế hệ trước truyền đạt thì chắc chắc, khi ra trường, tầm mức cao nhất của các sinh viên sẽ là ngang hàng với giáo viên của họ là cùng.
Lời phát biểu của Lương cho thấy quan niệm và kiểu học thụ động đã và đang ăn mòn hầu hết trí thức trẻ. Trường dạy môn nào ta học môn đó, cố thi cho điểm thật cao, ra trường vừa làm vừa học (thực ra là vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ chẳng học hành gì thêm, chỉ chuyện đấu đá, xu phụ, bợ đỡ cấp trên để thăng tiến không thôi cũng đủ mệt bở hơi tai rồi, lấy đâu thời gian mà học)… Mọi chuyện chỉ dừng ở đó, ý thức tự lực hay tinh thần tự trọng, tự tôn của người trí thức nghe ra rất mơ hồ, có chút gì đó lặp lại và thậm chí sao y bản cũ của trí thức xưa – thụ động và đớn hèn!
Tôi từng tiếp xúc nhiều trí thức trẻ, thậm chí có người được xem là kẻ sĩ của thời đại, nhưng có vẻ như kiểu tư duy hay tâm lý phò chủ vẫn chưa thoát ra khỏi não trạng của họ. Thậm chí, họ ao ước cách mạng, họ ao ước thay đổi mọi thứ. Nhưng nếu có một vấp váp nào đó, lý do đầu tiên của họ sẽ là “cái này em chưa được đào tạo, chưa có chuyên môn…”. Thử hỏi, đất nước này sẽ đi đến đâu với kiểu tư duy và nếp nghĩ như vậy của kẻ sĩ!?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét