Tôi đang bước đi với một vài người bạn trên con đường rừng phủ rong rêu xuyên qua Fleury-devant-Douaumont, một ngôi làng nhỏ nép mình trong khung cảnh đồng quê của vùng đông bắc nước Pháp.
Trời mưa tầm tã vào đêm hôm trước và trong không gian vẫn còn màng sương mỏng. Một đàn chim với âm thanh huyên náo ẩn mình trong tán cây rậm rạp phía trên đầu tôi. Tiếng hót sống động của chúng thật tương phản với sự im ắng vô cùng của hàng chục ngàn người lính vô danh đang yên nghỉ dưới lòng đất thiêng ngay dưới chân tôi.
Chiến sự ác liệt
Trong Đệ nhất Thế chiến, các binh sỹ Pháp và Đức đã san bằng hoàn toàn chín ngôi làng trong Trận chiến Verdun, trận chiến dài nhất và là một trong những trận đấu pháo binh ác liệt nhất của cuộc chiến.
Kéo dài dai dẳng trong gần 300 ngày đêm vào năm 1916, binh lính các bên đã sử dụng những khẩu pháo khổng lồ - trong đó cỗ pháo 'Big Berthas' khét tiếng của Đức - để nã những loạt pháo không ngừng nghỉ vào vùng chiến sự.
Các quả pháo làm mặt đất nhiễm độc nghiêm trọng với chì, thạch tín và khí độc chết người, đến nỗi Pháp đã quyết định rằng hầu hết các ngôi làng này không thể tái thiết được nữa.
Những người bỏ mình trong cuộc chiến được nói là 'chết vì nước Pháp'.
Trong vòng 100 năm qua, chỉ có một trong số các ngôi làng bị phá hủy được xây dựng lại.
Hai ngôi làng khác được tái thiết một phần, nhưng sáu ngôi làng còn lại, trong đó có Fleury-devant-Douaumont, vẫn không có người ở trong phạm vi Zone Rouge, tức Vùng Đỏ, của nước Pháp.
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1918, chính quyền Pháp xem vùng đất không tiếp giáp rộng 1.200 cây số vuông gần Verdun là quá nguy hiểm để ở và quá tốn kém để làm hồi sinh.
Mặc dù không có ai sinh sống ở bất cứ chỗ nào trên Vùng Đỏ và phần lớn khu vực này vẫn còn được xem là quá nguy hiểm đối với du khách, luật của Pháp vẫn công nhận những ngôi làng bị phá hủy này là những thị tứ - thậm chí họ còn bổ nhiệm các thị trưởng nhận ngân sách chính phủ để tiếp đón du khách và gìn giữ ký ức của những gì còn sót lại.
Bên cạnh các ngôi làng, vốn mở cửa quanh năm và được xem là an toàn cho du khách, một vài bảo tàng và các địa điểm khác cũng được dựng lên để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh sinh mạng của mình cho đất nước.
Tàn tích của cuộc chiến
Ngay bên ngoài Vùng Đỏ có một bảo tàng tư nhân nhỏ có tên là Romagne '14- '18 để thuật lại những câu chuyện cá nhân đằng sau bộ sưu tập nhiều kỷ vật chiến tranh.
Bên trong Vùng Đỏ, về phía nam của Fleury-devant-Douaumont, Đài tưởng niệm Verdun, vốn là bảo tàng và đài tưởng niệm do Chính phủ khánh thành vào năm 1967, trưng bày những hiện vật ấn tượng để giúp cho du khách có được một cái nhìn tổng quát toàn diện hơn về cuộc chiến.
Chỉ cách đó vài phút lái xe, Nghĩa trang và Nhà cốt Quốc gia Douaumont là nơi chứa xương cốt của khoảng 130.000 lính Pháp và Đức.
Tọa lạc trên một ngọn đồi đổ xuống từ bãi xương và nhà cốt là một nghĩa trang nơi có bạt ngàn hơn 15.000 bia mộ trắng - Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo - lời nhắc nhở rằng binh lính từ các nước thuộc địa của Pháp đóng vai trò quan trọng giúp đánh bại quân Đức ở Verdun.
Mặc dù những địa điểm này rất đáng chú ý, nhưng chỉ đến khi tôi bước đi qua những chiến hào tại chỗ và xung quanh Fleury-devant-Douaumont thì tôi mới bắt đầu cảm nhận được quy mô thật sự của cuộc chiến.
Con đường mà chúng tôi đang đi là một chiến hào liên lạc cũ.
Khi xưa, những người lính chạy qua chạy lại trên con đường này để chuyển tin tức giữa các boong-ke.
Ngày nay, các trạm xi măng cũ vẫn còn nằm trên một số chỗ của con đường vốn luôn bị đe dọa sẽ bị khu rừng nuốt trọn. Đột nhiên, con đường kết thúc và chúng tôi đến một bãi đất trống nhỏ.
"Hãy cẩn thận," hướng dẫn viên của chúng tôi, nhà sử học Guillaume Moizan cảnh báo và chỉ tay về hướng những dây kim loại gỉ sét xoắn lại và nhô lên khỏi mặt đất như rễ cây.
Chúng tôi đang đứng trên tàn tích của một boong-ke. Đá nhỏ và lá kim của cây thông nằm rải rác trên mặt rêu bao phủ cấu trúc này.
Moizan nhặt lấy một hòn đá và đưa cho tôi. Tôi ngạc nhiên vì sức nặng của nó.
Chì. Đó là một bộ phận nhỏ đã gỉ sét của một quả pháo đã nổ. Tôi nhẹ nhàng lăn nó giữa các ngón tay.
Máy nghiền thịt người
Những con chim trên đầu đã trở nên im ắng. Tôi có thể cảm thấy tim đang đập trong lồng ngực khi tôi nhìn xuống hỗn hợp kim loại, rêu và lá thông trên mặt boong-ke.
Một bông hoa nhỏ màu hồng mọc lên giữa tất cả những thứ đó. Ở đài tưởng niệm ngoài trời này, vẫn có chỗ cho sự sống.
Một số sử gia đã gọi Trận chiến Verdun là 'máy nghiền thịt người': trai tráng khỏe mạnh bị đẩy vào trận chiến chỉ để bị nghiền và xé ra từng mảnh bởi những cỗ máy chiến tranh khát máu.
Những ghi chép trực tiếp về trận chiến ghi lại rằng bầu trời lúc đó, đậm đặc khói cay, vào ban đêm bỗng trở nên sống động với tràng pháo hoa kinh hoàng của những quả pháo bốc lửa xanh, vàng và cam.
Các tử thi không thể dọn dẹp từ chiến trường và những người lính còn sống buộc phải ăn, ngủ và chiến đấu bên cạnh xác của những người đồng đội đang phân hủy và bốc mùi.
Đứng giữa khu rừng thì khó mà tưởng tượng được cảnh bắn giết đầy máu me.
Bộ não phía sau trận đánh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Erich von Falkenhayn đã tìm cách chấm dứt toàn bộ cuộc chiến đẫm máu này bằng cách đẩy quân thù vào một cái bẫy mà 'quân Pháp sẽ chảy máu cho đến chết' nhưng đồng thời ông cũng gần như làm cho chính binh sỹ của ông chảy đến khô máu.
Gộp chung lại, cả hai phía chịu mức thương vong ước tính là 70.000 nhân mạng mỗi tháng - hay tổng cộng cả trận chiến là 700.000 người (người ta cho rằng có khoảng từ 80.000 cho đến 100.000 người tử trận vẫn còn mất tích trong khu rừng).
Ông Jean-Pierre Laparra, thị trưởng của Fleury-devant-Douaumont, giúp giữ cho các hồn ma của cuộc chiến sống mãi.
Ông cố của ông đến định cư ở làng vào năm 1909, nhưng đã được di tản cùng với vợ khi binh lửa tràn ngập đến làng vào năm 1914. Con trai của họ - ông nội của Laparra - ở lại chiến đấu.
Sự sống hồi sinh
Không còn dấu vết gì của Fleury-devant-Douaumont còn lại ngoại trừ một số tàn tích bằng đá của nền móng của một số tòa nhà.
Ông Laparra, vốn sống ở gần đó, thường dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới trên một lối đi hẹp vốn đã được xây dựng trên phế tích.
Trên đường đi, ông chỉ vào nhiều điểm nhấn khác nhau: tiệm tạp hóa, xưởng đúc, lò rèn. Ông kể người dân ở đây đã sống như thế nào và chỉ ra nơi lũ trẻ đến trường.
Các ngôi làng trong Vùng Đỏ 'là biểu tượng của sự hy sinh tột đỉnh', ông Laparra nói. "Anh phải luôn biết những gì đã xảy ra trong quá khứ để tránh lặp lại chúng. Chúng ta không bao giờ được phép quên."
Sau khi chiến tranh kết thúc, quả sồi và hạt dẻ được thâu nhặt từ bãi chiến trường hoang tàn và được Thị trưởng Verdun gửi đến nước Anh như là những vật tưởng nhớ đến cuộc chiến giữa lính Pháp và lính Đức.
Hai cây được trồng ở Vườn Thực vật Hoàng gia Kew ở London, và những cây khác có thể được tìm thấy ở nhiều vùng khác nhau trên khắp nước Anh. Ngày nay, những cây này đứng sừng sững trên mặt đất.
Ở những ngôi làng ma ở Vùng Đỏ, thiên nhiên cũng hồi sinh mạnh mẽ.
Trong những thập niên sau chiến tranh, hàng triệu cây con - trong đó có hàng ngàn cây thông Áo được gửi đến từ Vienna như là một hình thức khắc phục chiến tranh - đã được trồng ngay trên và xung quanh những chiến hào trũng xuống.
Ngày nay những cây thông cứng cỏi này mọc trên cùng mảnh đất với những giống cây sồi và cây hạt dẻ đồ sộ vốn đã được gửi đến trồng ở nước Anh.
Trong một thế kỷ qua, những cái cây đã hấp thụ đủ những chất độc từ mặt đất nhiễm độc để giúp cho những loài cây khác sinh trưởng và mảnh đất này ngày nay sum suê sự sống.
Trên thực tế, vùng quê thôn dã của Vùng Đỏ đang trở thành Vùng Xanh, mặc dù với tỷ lệ thạch tín trong đất lên đến cao hơn mức bình thường 35.000 lần thì khu rừng này không có chút gì là trong lành.
Ông Olivier Gérard, giám đốc Quỹ Douaumont Ossuary Foundation đồng thời là thị trưởng của Douaumont (một ngôi làng bị tàn phá khác, nằm về phía bắc của Fleury-devant-Douaumont), nói với tôi: "Thiên nhiên và sự sống luôn có tìm được cách để tồn tại."
Khi chúng tôi bước đi, Moizan dừng lại, cúi xuống và lấy lên một mảnh kim loại từ mặt đất: một chiếc nĩa.
Mưa từ đêm hôm trước đã cuốn trôi lớp đất mặt trên cùng, làm nhô ra những mảnh vụn của cuộc chiến.
Bên cạnh những quả pháo thì mũ cối, thẻ đeo cổ của những chú khuyển và thậm chí cả xương đôi khi cũng xuất hiện.
Chúng tôi nhìn vào chiếc nĩa một chốc và tôi tự hỏi nó thuộc về ai. Độ tuổi trung bình của những người lính ra trận trong Đệ nhất Thế chiến là 24.
Con trai của ai đó đã từng dùng chiếc nĩa đó để ăn. Có lẽ anh ấy đã dùng chiếc nĩa đó để ăn bữa cuối cùng.
Ở bìa rừng, chúng tên đến một nhà nguyện nhỏ được xây dựng sau khi chiến tranh kết thúc như là một nơi để cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã chết.
Chúng tôi rảo bước đi một vòng xung quanh và tôi nhìn mê mẩn. Đó là công trình duy nhất trong hàng dặm.
Nhìn chăm chăm vào nhà thờ, tôi có cảm giác như thể là tôi có thể nhìn thấy hồn ma của những người đã từng sống ở đây.
Khi chúng tôi rời đi, một ông lão chậm rãi bước ngang qua chúng tôi trên lối đi.
Ông ấy là ai? Tôi tự hỏi. Hậu duệ của một trong những người lính đã ngã xuống?
Hoặc có lẽ là một binh sỹ đã xuất ngũ từng tham gia vào một cuộc chiến khác đến đây để tỏ lòng kính trọng với những người đồng đội?
Tôi nhìn lại vào ông lão, nhìn về phía nhà thờ và xa hơn nữa đến khu rừng đung đưa trong gió bên trên bãi chiến trường loang lổ.
Mặt trời đã nhô lên cao trên những ngọn cây và khu rừng tắm trong ánh nắng vàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét