Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

11139 - Cái Tết 'chưa biết về đâu' của người vớt xác ở cầu Bình Lợi



Ba ChúcBản quyền hình ảnhINFONET
Image captionVợ chồng ông Ba Chúc gắn bó với bến sông Bình Lợi khoảng 40 năm qua

Người đàn ông chuyên vớt xác, cứu người dưới cầu Bình Lợi ở Sài Gòn nói với BBC rằng ông "chưa biết về đâu" khi sắp phải dọn đi nơi khác để mưu sinh.
Theo báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Chúc, thường gọi là ông Ba Chúc, 62 tuổi, "có 40 năm làm nghề vớt xác trên sông Sài Gòn".
"Vợ chồng ông Chúc sinh được 5 người con gái nhưng gia cảnh nghèo, chỉ cho con học được đến cấp 2. Vợ chồng dọn ra riêng trên một chiếc ghe ở gần cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh. Lần đầu tiên thấy chồng mình vớt xác, vợ ông phát hoảng vì sợ. Tuy vậy, sau nhiều lần chứng kiến, bà quen dần và không sợ nữa," tờ báo mô tả.
Trong một bài về ông Chúc, truyền thông Việt Nam mô tả chiếc ghe của ông cắm tại một xóm chài nhỏ, chỉ còn vỏn vẹn ba hộ gia đình sống lay lắt ngay phía dưới chân cầu đường sắt Bình Lợi.
Hôm 29/1, ông Ba Chúc nói với BBC: "Từ hôm qua đến giờ, tôi vẫn đang tìm xác một cô gái vừa nhảy cầu mà đến lúc này chưa thấy."
"Sống ở bến sông này từ mấy chục năm nay, tôi thấy buồn là cứ độ từ Giáng sinh đến Tết là có nhiều người nhảy cầu và nhiều xác chết trôi từ những nơi khác dạt về đây."
"Có thể do người ta phải chịu áp lực nặng nề quá nên mới tính đến đường cùng là nhảy cầu."
"Những người nhảy cầu thì đủ cả lứa tuổi, 20, 30 cũng có mà 50, 60 vẫn thấy."
"Khi một người nhảy cầu ở đây, thân nhân của họ biết được số điện thoại của tôi để gọi nhờ giúp."
"Nhưng cả khi không có ai nhờ mà biết có xác trôi sông thì tôi cũng lập tức đi tìm."
"Đều là phận người cả, mình thương số phận tội nghiệp, cả người ra đi lẫn người ở lại. Người sống cần có nhà thì người chết cũng cần có nấm mồ trên bờ cho tử tế."
"Mùi tử thi thì ai mà không sợ, nhưng mỗi lần đến gần một cái xác đang nổi trôi, tôi luôn thầm khấn họ nên có lẽ nhờ vậy mà tôi không còn ngửi thấy mùi."
"Sau khi đưa họ lên bờ thì tôi tắm rửa, ăn cơm bình thường."
"Với những trường hợp tôi chứng kiến họ nhảy cầu hoặc vừa nghe hô hoán thì tôi cố gắng hết sức chạy ghe tới không để họ chết."
"Có người được cứu xong, lên bờ vẫn còn hoảng sợ, nói với tôi rằng từ nay không dám ra khúc sông này nữa."
Trong cuộc trò chuyện với BBC, ông Ba Chúc cũng cho biết gia đình ông mưu sinh bằng nghề "ghe ôm". Vì gầm cầu Bình Lợi hiện tại quá thấp so với mực nước sông nên trong thời gian chờ nước rút, các xà lan, tàu neo đậu quanh đó thường phải nhờ ghe ông để lên bờ, giúp mua thực phẩm, xăng, gas...
"Mỗi lần như vậy, họ cho tôi 5, 3 chục ngàn đồng."
"Tôi là người sống theo kiểu biết đủ là đủ, có tiền thì mua đồ ăn, mua xăng chạy ghe."
"Nhiều tiền thì ăn ngon một tý, không thì thôi."
Ông cũng cho biết thêm mình là người Bắc di cư 1954, sau khi vào Nam thì sống tại Gò Vấp, được bố mẹ chia cho khoảnh đất 20m2, sau đó bị giải tỏa nên ông trôi dạt đến sống tại khúc sông này.


bình lợiBản quyền hình ảnhBAODAUTU.VN
Image captionCầu đường sắt Bình Lợi được ghi nhận có 114 năm tuổi

Cái ghe và bến sông

Đề cập về cái Tết đang đến gần, ông Ba Chúc nói với BBC: "Tuần sau Tết rồi mà tôi chưa biết mình sẽ thế nào."
"Cây cầu mới đang xây dựng, chính quyền đã có thông báo trước sau gì thì mình cũng phải dời đi, tôi cũng đâu có chống đối gì."
"Nhưng nói thật là vợ chồng tôi cũng chưa biết rồi sẽ đi đâu về đâu."
"Mấy tháng trước, người của chính quyền có đề nghị sẽ cho tôi vay ít vốn để chuyển qua bán vé số hoặc làm gì nghề khác."
"Nhưng rồi tôi nghĩ vay rồi biết lấy gì trả."
"Tôi sống quen với cái ghe và bến sông này rồi, có việc gì làm đó, thấy người tự tử cứu được thì cứu, thấy xác thì vớt, vậy thôi."
"Thành ra bây giờ thì cứ tới đâu hay tới đó, nói chi chuyện Tết nhất."
"Thật sự tôi mong rằng trời cho mình còn khỏe, chừng nào còn giật máy ghe được thì còn tiếp tục làm những việc mình đang làm."


ông ba chúcBản quyền hình ảnhINFONET
Image captionCác bằng khen do chính quyền tặng trong căn chòi cất tạm bên bến sông mấy năm trước

Hồi tháng 6/2018, báo Zing cho hay: "Theo người dân sống xung quanh cầu Bình Lợi, cứ vào mùa bóng đá, số lượng người tự tử tại cầu Bình Lợi tăng lên khiến người dân nơi đây rất sợ hãi những vụ đá banh."
Vào những dịp "cao điểm" như vậy, báo chí Việt Nam ghi nhận có ngày xảy ra liên tiếp hai vụ nhảy cầu Bình Lợi.
Theo báo InfoNet, ông Ba Chúc "đã vớt hàng trăm thi thể người nhảy cầu tự vẫn" sau khoảng 40 năm sống tại khúc sông này.
Trong lúc thực hiện bài viết, BBC được biết một đạo diễn vừa làm một bộ phim tài liệu độc lập về câu chuyện ông Ba Chúc vớt xác, cứu người dưới cầu Bình Lợi.
Bộ phim vừa được chiếu ra mắt tại xóm chài của ông Ba Chúc.
Tuy vậy, sau khi BBC phỏng vấn thì vị đạo diễn yêu cầu bài viết "phải đảm bảo có nội dung mà chính quyền và lãnh đạo Việt Nam đọc xong không ghét"nên chúng tôi đã không đề cập về bộ phim và phần trả lời của người này.
Câu chuyện của ông Ba Chúc nằm trong loạt bài Global Vietnamese - Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét