Người dân Vườn rau Lộc Hưng phần lớn trôi dạt tìm chỗ ở nhờ sau khi nhà bị phá nên không khí Tết chỉ đến nhờ mấy chùm bánh Tét được cộng đồng ủng hộ.
Gần 200 hộ dân Vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn, bị mất nhà và đất sau đợt cưỡng chế ngày 9/1, đã mỗi người một ngả tìm nơi tá túc nên Tết này không thể là Tết đoàn viên, ông Cao Hà Trực chia sẻ với BBC hôm 29/1, khi chỉ còn vài ngày nữa là Giao Thừa.
Tết 'không đoàn viên'
Dân Vườn rau Lộc Hưng vừa qua chủ yếu sống nhờ vào sự hỗ trợ của cộng đồng. Dịp gần Tết, một số người đã đến biếu bà con chút bánh trưng, bánh tét và hỗ trợ chút tiền cho trẻ con đi học. Những thương binh, người tàn tật vốn sống chủ yếu bằng nghề bán vé số dạo, nay thêm cảnh không nhà, đã được nhà thờ cưu mang, cho ở tạm thời, ông Cao Hà Trực kể lại.
Thế nhưng những hỗ trợ này vẫn không thể mang về cho bà con ở đây một cái Tết đúng nghĩa. Nhiều ngày qua bà con chỉ lo đi cầu cứu, đi tìm nơi nương nhờ ở đậu. Mọi người đều chưa hết bàng hoàng nên chuyện đón Tết là điều xa xỉ. Thậm chí có ba người đã phát bệnh, phải điều trị tại Bệnh viện Tâm Thần do quá sốc, ông Trực nói.
Ông Trực, một nông dân trước đây sống bằng nghề làm vườn và nuôi chó cảnh tại Vườn rau Lộc Hưng, nay nói 'không biết phải làm gì tiếp' ngoài cầu nguyện và chờ các động thái tiếp theo từ chính quyền.
"Mọi người đều phải đi ở nhờ ở đậu nhà bạn bè, hàng xóm. Có người phải về lại Hóc Môn, Củ Chi ở nhờ nhà họ hàng. Riêng gia đình tôi 24 người, ba thế hệ nay dồn về ở nhờ nhà bố mẹ. Chúng tôi vẫn chưa hết sốc sau sự việc xảy ra. Cả nhà tôi sẽ không ăn Tết này. Bao nhiêu tiền sẽ để dành đóng học cho bốn đứa con vào học kỳ sau Tết," ông Trực nói với BBC.
Trước đây chỉ ba bước là ra đến vườn, nay nhìn ra chỉ thấy ngổn ngang, ông Trực nói cha ông, 80 tuổi, vẫn như người mất hồn và thường giật mình mỗi khi có tiếng động lớn. Ông cụ tưởng đâu lại có người đến phá nhà.
Nhưng theo ông Trực, phần lớn rơi vào cảnh cùng quẫn vì có bao nhiêu tiền của trong hàng chục năm qua họ đã đổ vào khu vườn rau. Nhiều người vay tiền xây dãy nhà trọ cấp bốn, chưa kịp sinh lời thì bị phá. Nay lâm cảnh nợ nần.
"Bà con cũng không được quay về dựng lều ở tạm trên đất của chính mình vì chính quyền cho hàng trăm người canh gác ở Vườn rau Lộc Hưng cả ngày lẫn đêm."
Cũng theo ông Trực, quà Tết ý nghĩa cho bà con Vườn rau Lộc Hưng cho tới nay có lẽ là các bài báo trên các báo nước ngoài viết khách quan, đầy đủ về vụ việc cưỡng chế đất đai ở Lộc Hưng.
"Mỗi lần có bài báo nào trên BBC, RFA là bà con xúm lại đọc mừng tủi ghê lắm. Vì ở trong nước có ai nghe chúng tôi nói đâu? Không có một nhà báo nào đến nói chuyện với chúng tôi. Trong khi đơn kêu cứu và khiếu kiện, tố cáo chúng tôi gửi đi đã ba tuần nhưng chưa thấy một động tĩnh nào từ chính quyền,' ông Trực nói.
Dân Lộc Hưng giúp đỡ nhau
Trò truyện với BBC cũng trong sáng 29/1, chị Phạm Thanh Nghiên, cựu tù nhân chính trị, người có ngôi nhà mới xây bị phá tại vườn rau Lộc Hưng, nói gia đình chị ngay trước Tết đã phải chuyển tới chỗ ở mới lần thứ năm.
"Trong thời gian chính quyền phá dỡ nhà ở Vườn rau Lộc Hưng, vợ chồng tôi đã phải chuyển tới ba chỗ ở vì bé Tôm, con gái chúng tôi mới 13 tháng tuổi bị hen suyễn và rất nhạy cảm với tiếng ồn, bụi đất nên dễ bị ốm," chị Hiên nói.
"Sau khi nhà bị phá, chúng tôi ở nhờ nhà bạn bè một thời gian ngắn nhưng công an thường xuyên tới sách nhiễu bạn tôi, vặn hỏi mối quan hệ của bạn với vợ chồng tôi. Không muốn làm phiền họ nên chúng tôi lại tìm nơi mới."
Nay Tết cận kề nhưng chị Nghiên nói vẫn đang dọn nhà vì mọi thứ còn rất ngổn ngang. Thêm vào đó, cả nhà chị đều ốm vì phải chuyển nhà quá nhiều lần, ăn uống tạm bợ, vất vưởng và ô nhiễm. Thế nhưng chị cho biết vẫn sẽ mua vài ba bông hoa về cắm trong nhà để đón Tết. Bánh chưng bánh tét đã được cho vài cặp.
Chị Nghiên cũng đang bán cuốn "Những mảnh đời sau song sắt" mà chị viết trong thời gian ở tù, trước đây vốn chỉ dự định xuất bản ở ngoài. Toàn bộ tiền bán sách sẽ được dùng để ủng hộ bà con Vườn rau Lộc Hưng.
Trong ba ngày Tết, vợ chồng chị sẽ đưa con đi nhà thờ cầu nguyện và thăm người thân. "Chỉ đơn giản vậy thôi," chị Nghiên nói và thêm rằng chị dự định sẽ viết tiếp sách về những mảnh đời 'ngoài song sắt', về bà con Lộc Hưng mà chị từng rất gắn bó, và cả về trải nghiệm mất nhà, mất đất, mất vườn vừa qua.
Không ăn Tết để ủng hộ bà con
Theo nhà báo Sương Quỳnh, cộng đồng đã cố gắng giúp bà con Vườn rau Lộc Hưng để họ kịp đón Tết Nguyên Đán, nhưng việc góp tài chính rất hạn chế vì đại diện Vườn rau không nhận.
"Có lẽ họ giữ để không mang tiếng là nhận giúp đỡ của "thế lực thì địch".
Do đó thay bằng tiền, một số nhóm nấu bánh chưng, bánh tét và tặng quà cho bà con nhân dịp Tết. Trong đó nhóm của tôi gồm năm người vừa qua đã kêu gọi 'Góp gạch xây nhà cho bé Tôm' - là con gái hai cựu "tù nhân lương tâm là Huỳnh Anh Tú và Phạm Thanh Nghiên".
"Lý do chúng tôi kêu gọi đóng góp xây nhà cho gia đình họ vì căn nhà mới xây của họ bị phá, trong khi đi đến đâu thuê cũng khó khăn do bị công an sách nhiễu, chủ nhà không dám cho thuê."
"Hiện tại sau hai đợt quyên góp, số tiền đã được khoảng gần 300 triệu đồng. Chúng tôi sẽ giao toàn bộ số tiền này cho anh Tú và chị Nghiên. Tuy thực tế số tiền này nếu có đất cũng chưa đủ xây nhà, nhưng chúng tôi hi vọng nhờ đó gia đình họ có thể xoay sở cuộc sống sau khi trắng tay".
Luật sư Phạm Công Út, thuộc nhóm 17 luật sư hỗ trợ pháp lý cho bà con Vườn rau Lộc Hưng, cũng cho hay trên Facebook cá nhân rằng nhóm luật sư sẽ trợ giúp miễn phí. Ngoài ra, chính các luật sư cũng vừa chung tay quyên góp được hơn 100 bao lì xì cho trẻ Vườn rau Lộc Hưng trong Tết này.
"Riêng gia đình tôi và một số gia đình nhiều luật sư trong nhóm đồng lòng không ăn Tết năm nay để chia sẻ thảm họa với bà con Vườn rau Lộc Hưng," ông Út viết.
Tuy nhiên việc hỗ trợ này không phải dễ thực hiện. Ông Cao Hà Trực cho biết các xe chở bánh trưng, bánh tét tới cho bà con Lộc Hưng bị chính quyền ngăn cản, làm khó dễ.
Trả hết tiền đền bù 'sau Tết'
Truyền thông Việt Nam cho hay việc san lấp nền đã hoàn tất ở khu Vườn rau Lộc Hưng trên khu đất trống 48.000 m2. Chính quyền cũng cho cắm bảng thông tin về quy hoạch xây ba trường học đạt chuẩn quốc gia, trị giá 120 tỷ đồng trên mảnh đất này.
Trang VnExpress phỏng vấn 'một đàn ông 50 tuổi' tới UBND phường 6, quận Tân Bình nhận hỗ trợ với số tiền 700 triệu đồng (50%) đợt một, và sẽ nhận số còn lại sau Tết Nguyên Đán.
Tờ này cũng dẫn lời ông Nguyễn Thành Danh, Chủ tịch UBND phường 6 rằng đã có 65 hộ trong tổng số 124 hộ canh tác ở khu vườn rau đồng ý nhận hỗ trợ. Tất cả các hộ này cũng sẽ nhận 50% tiền đền bù trước Tết và nhận nốt sau Tết. Tới ngày 22/1 đã có 8 hộ nhận tiền với tổng số tiền là hơn 8 tỷ đồng. Hộ nào kê khai hồ sơm sớm được nhận 5 triệu đồng quà Tết.
Trong khi đó, thông tin từ đại diện Vườn rau Lộc Hưng cho rằng không có cái gọi là "đền bù" ở đây. Vì đền bù phải có thương lượng, thống nhất về giá cả. Trong khi đó toàn bộ nhà của họ bị đập phá, đất bị lấy, tài sản bị hủy hoại dù họ có giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, sau đó chính quyền tự áp một cái giá rẻ mạt nên nhiều người không chấp nhập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét