Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

2671 - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hay ‘bình mới rượu cũ’?

Thiền Lâm 
Cơ chế Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mới được thành lập theo một nghị quyết của Chính phủ Việt Nam cho thấy đảng cầm quyền vẫn còn nguyên trong trạng thái tắc nghẽn giải pháp làm sao quản lý vốn có hiệu quả.
Theo nghị quyết trên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Khối doanh nghiệp này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản đạt đến 5,4 triệu tỷ đồng. Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của các bộ.
Trong đó có nhiều cái tên “nổi tiếng” về tài sản lẫn thói độc quyền không chịu bỏ như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…
Nhiều tập đoàn kinh tế trước dây do bộ quản lý theo cơ chế “bộ chủ quản”. Tuy nhiên sau nhiều năm, đã phát sinh nhiều dự án mang công mắc nợ như chúa chổm với nước ngoài và các ngân hàng trong nước, nhiều dự án thua lỗ trầm trọng và cũng nhiều dự án đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng nhưng kết quả là “trùm mền”.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp của các doanh nghiệp nhà nước về thành tích “chúa chổm’, với số nợ lên đến gần 10 tỷ USD, tức gần 230.000 tỷ đồng theo tỷ giá ngoại tệ hiện thời.
Trong quá khứ, đã có ít nhất một lần một “siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước” được hình thành.
Vào năm 2005, Tổng Công Ty Đầu Tư và Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC) được thành lập. Vào lúc thành lập, SCIC đã được giới chức quản trị và báo chí nhà nước tung hô như một cơ quan sẽ giúp cho bộ máy quản trị tinh gọn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tồn tại hàng chục năm qua của SCIC cũng trùng với thời gian diễn ra phong trào tham nhũng ghê gớm nhất ở Việt Nam, tồn tại dưới “triều đại Nguyễn Tấn Dũng.” Cho đến những năm gần đây, rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hoặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách.” Trong khi đó, vốn nhà nước ở nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn đều đặn thất thoát (Vinashin, Vinalines…).
Với kết quả quá sức hạn chế như vậy của SCIC, liệu một “siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước” – đang được chính phủ và các bộ ngành cho thay thế SCIC – sẽ làm được gì, hay lại chỉ mang đến một tầng nấc trung gian mới?
Mặc dù những quan chức cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mô hình của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khác với SCIC, tức SCIC chỉ là một mô hình về quản lý và kinh doanh vốn nhà nước, thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý tổng thể, là “định chế bao trùm”…, nhưng toàn bộ chức năng nhiệm vụ của ủy ban này lại chẳng có gì mới so với SCIC.
Có khác chăng là ý đồ lập ra Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Theo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ phân tán sang tập trung
Như vậy, đã rõ là sau một thời gian dài thực hiện cơ chế “bộ chủ quản” nhưng đã gây ra quá nhiều hậu quả về tham nhũng và lãng phí, đảng cầm quyền đã tìm cách “ôm” những tập đoàn kinh tế lớn nhất theo mô hình “kinh tế tập trung” để dễ bề quản lý.
Một điểm khác biệt cơ bản của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là được “nâng lên một tầm cao mới” khi trực thuộc chính phủ, trong khi SCIC trước đây chủ yếu thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính.



Rất nhiều dư luận xã hội đã cho rằng SCIC đã không làm gì khác ngoài việc lấy vốn nhà nước đi gửi ngân hàng để lấy lãi hoặc chỉ bỏ tiền vào những vụ việc mang màu sắc “trục lợi chính sách.” Ảnh: Cafef

Một cơ sở quan trọng cho thấy mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ khó có hiệu quả, hay nói cách khác là vẫn “bình mới rượu cũ”, là cho tới nay toàn bộ 12 – 13 dự án đầu tư ngàn tỷ nhưng phải ‘trùm mền” của Bộ Công thương vẫn hầu như được xử lý. Mà nếu không xử lý được các dự án lãng phí này, rất có khả năng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ biến thành một SCIC khác, tức chỉ ngồi chơi và đem một số vốn khổng lồ gửi ngân hàng để “kiếm cơm”.
Một cơ sở quan trọng khác là cho tới nay SCIC vẫn chưa thể xử lý được nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, mà về thực chất đã lên tới 324 tỷ USD, chiếm tới 158% GDP Việt Nam – theo một tính toán của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017. Vậy thì Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ làm được gì với số nợ khủng khiếp này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét