Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

2672 - Tại sao phải truy tố Vũ Nhôm thêm tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”?



Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin, ngày 7/2/2018 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh là Vũ ‘Nhôm’ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo đó, việc khởi tố thêm tội danh này nhằm để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Vũ và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Trước đây, nhiều người đã thắc mắc và nghi ngờ rằng ông Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ nhôm chỉ là một doanh nhân, tại sao lại có thể “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”? Dẫu rằng trước đây trên mạng có xuất hiện hình ảnh tấm thẻ ngành với ảnh của Vũ Nhôm với chức vụ cấp tá trực thuộc Tổng Cục 5 - TC Tình báo Bộ Công an. Và theo xác nhận chính thức của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa khẳng định chính thức Vũ nhôm là một thượng tá công an. Tuy vậy, sau lệnh khởi tố thứ 3 về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, thì đây là lần đầu tiên Bộ Công An chính thức khẳng định Vũ Nhôm là một thượng tá tình báo thuộc Tổng cục Tình báo- Bộ Công an.

Thực ra việc Vũ nhôm dựa vào ông Nguyễn Bá Thanh cố Bí thư Đà Nẵng - Trưởng Ban Nội chính TW thâu tóm đất đai công sản sai pháp luật ở Đà Nẵng đã diễn ra từ lâu. Khi ấy ông Phan Văn Anh Vũ - tức Vũ nhôm vẫn là một doanh nhân có tiếng kinh doanh trong lĩnh vực Bất động sản tại Đà Nẵng, dưới chiếc ô dù có tên Nguyễn Bá Thanh. Chỉ sau khi ông Nguyễn Bá Thanh chết một thời gian, dù rằng "di sản" chính trị của Nguyễn Bá Thanh vẫn bao trùm tại thủ phủ lớn nhất miền Trung này, song để an toàn hơn và có thể vươn tay sang các địa phương khác thì Vũ Nhôm đã lân la làm quen một số cán bộ ngành công an. Với khả năng tiền bạc vô cùng lớn của mình, đại gia Phan Văn Anh Vũ đã nhanh chóng trở thành một thượng tá tình báo của Bộ Công an trước sự ngạc nhiên của nhiều người

Trước đây, nhiều cán bộ và người dân ở Đà Nẵng biết rất rõ các hành vi lợi dụng mối quan hệ với các quan chức, Vũ Nhôm đã mua rẻ bán đắt đất đai, nhà cửa công sản không qua đấu giá và lấy chênh lệch chia chác cho một số quan chức. Vậy tại sao Bộ Công an, một cơ quan bảo vệ pháp luật lại không biết mà vẫn tuyển dụng và giao công vụ cho Vũ Nhôm tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này dưới danh nghĩa của Bộ Công an?

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 7/2/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo nhà báo Hoàng Hải Vân cho biết, "... trước đây Vũ Nhôm chỉ bị cơ quan An ninh điều tra khởi tố về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", nay có thêm 3 thông tin mới đáng chú ý:

1- Chuyển vụ án từ cơ quan An ninh điều tra sang cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra.

2- Bổ sung tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

3- Điều tra, làm rõ toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của Vũ nhôm và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác."

Như vậy Vũ Nhôm đã bị điều tra 03 tội danh “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”; “Trốn thuế” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao cho đến lúc này Bộ Công an lại tiếp tục khởi tố thêm tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Vũ Nhôm?

Theo thông tin từ nhà báo PVT viết trên facebook cá nhân khẳng định, từ ngày 31/1/2018  bước đầu nhà nước tịch thu số tài sản lên đến 50 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ USD) từ vụ án Vũ Nhôm. Và theo ông Phạm Việt Thắng nghi ngờ rằng, số tiền này không hoàn toàn thuộc về Vũ Nhôm mà thuộc về nhiều quan chức cao cấp khác và con số đó chỉ bằng 1/100 tài sản của Vũ Nhôm đã nắm giữ và chia chác. Nghĩa là trong vòng chỉ hơn 10 năm, thông qua việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác Phan Văn Anh Vũ - Vũ Nhôm đã thu lợi cả trăm tỷ USD.

Chiểu theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, đối với tội Cố ý làm lộ bí mật nhà nước, mức án tối đa trong khung hình phạt này là 15 năm; đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, mức án tối đa là 10 năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý thì chủ thể của 2 tội danh này phải là những người làm trong cơ quan nhà nước hoặc có chức vụ quyền hạn gì đó trong chính quyền. Còn đối với tội danh Trốn thuế, mức án tối đa có thể phải nhận chỉ là 7 năm tù, và số tiền phạt tối đa chỉ là là 4 tỷ 500 triệu đồng. Nếu như vậy, tổng cộng mức tối đa 3 tội danh của Vũ Nhôm với tư cách của một doanh nhân thì chỉ chịu hình phạt là 32 năm và số tiền phạt, tịch thu không quá 5 tỷ đồng.

Như thế, vẫn theo các chuyên gia về pháp lý thì chỉ có một cách duy nhất để tịch thu được số tài sản khủng khiếp như vậy, thì Bộ Công an buộc phải chính thức thừa nhận ông Phan Văn Anh Vũ là người của Bộ Công an, đang thực thi công vụ trong lĩnh vực tình báo. Có như vậy thì toàn bộ số tài sản thuộc sở hữu của Vũ Nhôm đang nắm giữ nghiễm nhiên là tài sản của ngành công an. Vì lâu nay Công ty Nova 79 của Vũ Nhôm vẫn được coi là công ty bình phong của tổng cục tình báo. Bây giờ, Vũ Nhôm sai phạm trong việc thực thi công vụ, thì số tài sản đó bị tịch thu để trả về Bộ Công an.

Điều đáng nói là, một mình Vũ Nhôm thì có tài thánh cũng không thể dễ dàng kiếm được núi tài sản khổng lồ dễ dàng như thế nếu không được sự giúp đỡ, tiếp sức của các quan chức cấp cao. Và nực cười là, rất nhiều tài sản trong khối tài sản khổng lồ của Vũ Nhôm bị mất trắng, được tích lũy từ thời Vũ Nhôm khi còn là đệ tử của cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, người được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng giao cho chức đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng.


Ngày 09 tháng 02 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét