Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

2696 - Tỵ nạn


Việt Khang ngày đến Mỹ (hôm nay, khoảng 1g30 pm giờ địa phương; 4g30 am giờ VN)
Thêm một cựu tù chính trị (Việt Khang) lại được qua Mỹ, tiếp nối danh sách dài những cựu tù chính trị được “thả” qua Mỹ dưới sức ép hoặc can thiệp của các tổ chức nhân quyền hoặc chính trị gia Hoa Kỳ. Mỹ lại trở thành nơi “dung thân” của các nhà đấu tranh, cùng chung hàng ngũ với “bọn phản động ba que”, “bọn lưu vong” “bám càng đế quốc”…
Nhưng mà Mỹ cũng là nơi mà con cái của những người trung thành tuyệt đối với chế độ đang theo học với số lượng ngày càng cao. Mỹ bây giờ còn có một thành phần “lưu vong” “bám càng đế quốc” mới: những viên chức chế độ hoặc gia đình viên chức chế độ đang công khai bỏ nước ra đi và họ có nhiều tiền đến mức có thể mua dễ dàng những căn nhà trị giá hàng triệu đôla. Giữa hai nhóm “lưu vong” mới này – thành phần cựu tù chính trị, và thành phần viên chức chế độ, tôi tự hỏi nhóm nào mới là những người đáng tin hơn, khi nói về lòng yêu nước, yêu đồng bào và yêu quê hương? Nhóm nào mới là những người đáng khinh, giữa những người có tinh thần xây dựng một Việt Nam mới tốt đẹp hơn, và những người chỉ tàn phá đất nước rồi phủi tay chuồn mất?
Tôi không nghĩ những người “căm thù bọn nói xấu chế độ” thật sự tin vào sức mạnh của chế độ họ, cũng như tin vào sự tồn tại vĩnh viễn của chế độ họ. Hơn bất kỳ người nào trong chúng ta, họ hiểu rõ và nhìn thấy từng centimet rạn nứt của chế độ, dù họ vẫn luôn tự tin: “Đừng có mà mơ chế độ này bị lật đổ!”. Không chỉ tỵ nạn giáo dục, tỵ nạn môi trường, tỵ nạn thực phẩm, tỵ nạn y tế, họ cũng là những kẻ “tỵ nạn chính trị” đúng nghĩa, để thoát khỏi những hỗn độn mà hệ thống chính trị của họ tạo ra, để tìm đến một xã hội dân chủ và một khái niệm tự do mà chính họ đã bóp nghẹt trong nước của mình. Không như Việt Khang hay những người tương tự, họ là những kẻ “tỵ nạn chính trị” không được chào đón.
Vài lần tận mắt chứng kiến cảnh đàn áp cực kỳ tàn bạo những người biểu tình, tôi thấy có một đám đông nạn nhân đang được sử dụng để trấn áp một đám đông nạn nhân khác. Có những người trở thành “nạn nhân” bởi sự thôi thúc quyền làm người, trở thành nạn nhân hoặc thậm chí tù nhân chỉ vì muốn “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Và cũng có những người đã trở thành “nạn nhân” của một công cụ mà đồng lương của họ không bao giờ đủ để cho con đi học trường tư, để có thể đi nước ngoài chữa bệnh, để được ăn thực phẩm an toàn. Họ là những nạn nhân thấp nhất của chế độ mà họ phục vụ và họ không bao giờ có cơ hội để “tỵ nạn chính trị” như những ông sếp vừa ra lệnh “Đánh chết mẹ chúng đi!” vừa chuẩn bị một cuộc “tháo chạy” cho mình hoặc gia đình mình…
Gần như tất cả đều là nạn nhân, không hình thái này thì cũng hình thái khác. Tất cả đều là những kẻ tỵ nạn, tỵ nạn nước ngoài hay tỵ nạn trên chính quê hương mình. Đừng nghĩ tôi cực đoan và bế tắc. Tôi vẫn luôn hy vọng. Tôi vẫn tin vào thôi thúc của những người có lương tri. Tôi không chỉ tin vào cái chết. Tôi còn tin vào sự tái sinh.
________________________
VIỆT KHANG - “ANH LÀ AI”
Thoạt nghe tin nhạc sĩ Việt Khang sang Mĩ định cư cảm giác của mình lúc đó ko rõ là vui hay buồn. Nhưng giờ thì mình thấy vui.
“Việt Nam Tôi Đâu”, và “Anh Là Ai” của Việt Khang là 2 bài hát đã ngấm sâu vào tâm hồn và cảm xúc của những người xuống đường chúng tôi. Trong những cuộc tuần hành chống Tàu, những lần bị bắt vào đồn công an, những lúc bị đánh đập, đàn áp..., tiếng hát luôn vang lên trong tâm hồn chúng tôi, yêu thương, giục giã, căm hờn...
Mình ko thể quên hôm 9/12/2012 bọn mình xuống đường phản đối Tàu cộng gây hấn ở biển đông, và 24 người đã bị bắt về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà. Một lực lượng an ninh đông gấp mấy lần đã khủng bố tinh thần bọn mình bằng việc dùng vũ lực tách từng người ra một. Và bọn mình đã kịch liệt chống lại bằng cách nắm chặt tay nhau thành một khối ko rời mặc cho bọn chúng giằng xé thô bạo. Đúng lúc việc giằng co đến hồi gay cấn nhất thì phía những người bị bắt bỗng cất lên tiếng hát:
“Anh là ai, sao bắt tôi, tôi làm điều gì sai...Anh là ai, sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi...”.
Rồi tất cả đồng thanh hoà cùng tiếng hát, khi vút lên, lúc chùng xuống:
“Dân tộc anh ở đâu, sao đang tâm làm tay sai cho Tàu. Để ngàn năm ghi dấu bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào..”
“Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam đang ngả nghiêng, dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối...”.
Cứ như thế, bọn mình say sưa hát. Những lời hát như có lửa, thổi bùng lên tinh thần dân tộc khiến ai cũng cảm thấy thật mạnh mẽ, kiên quyết.
Và thật lạ, từ phía bên kia, đám an ninh đứng im...
Những bài hát ấy là vũ khí tinh thần quý giá đối với những người tranh đấu. Và hôm nay mình vừa mới biết, bài hát “Con Đường Việt Nam”, và “Trả Lại Cho Dân” cũng do Việt Khang sáng tác. Thật tuyệt!
Và mình nghĩ nếu Việt Khang còn ở trong nước, anh có thể bị khống chế, bị bắt lại, sẽ không sáng tác được. Hi vọng ở bên đó anh sẽ tiếp tục có những bài hát có thể vang lên cùng những bước chân tranh đấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét