Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

2697 - BOT tại Việt Nam: Hiện tượng hoạt động vô chính phủ



Hình từ video cho thấy công an đang bắt giữ một tài xế ở BOT Cai Lậy, Tiền Giang hôm 30/11/2017.
Hình từ video cho thấy công an đang bắt giữ một tài xế ở BOT Cai Lậy, Tiền Giang hôm 30/11/2017.

Thực trạng các dự án BOT trong năm vừa qua nổi lên như một vấn đề nóng tại Việt Nam. Dư luận đặc biệt quan tâm đến phản ánh của dân chúng về các sai phạm của BOT cũng như Chính phủ giải quyết như thế nào trong năm mới 2018?

Phản ánh của dân được ghi nhận

Phát khởi từ cuộc biểu tình của người dân địa phương phản đối trạm BOT qua cầu Cầu Bến Thủy, Nghệ An thu phí dịch vụ đường bộ không đúng luật, bằng nhiều biện pháp như dùng xe ô tô với băng rôn, khẩu hiệu và dùng tiền lẻ từ tháng 12 cuối năm 2016 kéo dài cho đến đầu tháng 4 năm 2017.
Hình thức phản kháng dân sự của những người dân cư trú tại các huyện Hưng Nguyên và Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh cùng thành phố Vinh đã được Bộ Giao thông-Vận tải, chủ đầu tư và chính quyền địa phương điều chỉnh theo yêu cầu hợp lý của dân chúng và có hiệu lực từ hạ tuần tháng Tư năm ngoái.
Xuyên suốt trong năm 2017, truyền thông trong nước liên tiếp đưa tin liên quan đến hành động phản kháng dân sự tương tự ở các trạm BOT khắp từ Bắc đến Nam, phản đối thu phí quá cao hoặc trạm thu phí đặt sai vị trí, mà đỉnh điểm diễn ra tại trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang.
Trong cùng tình cảnh gặp phải sự phản đối những bất cập một cách quyết liệt của cánh tài xế và người dân địa phương, các trạm BOT Tào Xuyên, Thanh Hóa; BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, Hà Nam; BOT Ninh An, Khánh Hòa; BOT Cà Ná, Ninh Thuận; BOT Biên Hòa, Đồng Nai…đồng loạt giảm giá phí. Thậm chí, Chính quyền tỉnh Thái Nguyên còn đề xuất với Bộ Giao thông-Vận tải dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu, đặt trên Quốc lộ 3 cũ.Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể, khi còn giữ vai trò Thứ trưởng của Bộ này, ký phê duyệt dự án BOT Cai Lậy, đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và bắt đầu thu phí từ đầu tháng 8 năm 2017. Tuy nhiên, trạm BOT Cai Lậy phải buộc tạm ngừng thu phí trong sau khoảng 3 tháng rưỡi vì gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng, không chỉ riêng những người di chuyển qua trạm BOT này do đường xây một nơi mà trạm đặt một nẻo, khiến người dân không đồng thuận. Vào sáng ngày 30 tháng 11, trạm BOT Cai Lậy thu phí trở lại nhưng các tài xế dùng tiền lẻ trả phí nên diễn ra tình trạng ách tắc giao thông nặng nề ở hai đầu trạm, buộc trạm BOT phải liên tục xả trạm. Vào tối ngày 4 tháng 12, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy từ 1 đến 2 tháng để làm rõ mọi vấn đề và đề xuất các phương án phù hợp thực tiễn.

Chính phủ giải quyết

Liên quan về thực trạng BOT tại Việt Nam, dư luận xã hội đồng lên tiếng cho rằng Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải cần giải quyết gốc rễ của vấn đề, chứ không phải là các giải pháp tạm thời mỗi nơi mỗi kiểu. Một số chuyên gia trong nước khẳng định nguyên nhân chính là do tất cả các dự án BOT đều được chỉ định thầu cũng như không có sự minh bạch, do đó khó tránh khỏi xảy ra tình trạng tham nhũng và lợi ích nhóm. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm nói với RFA điều quan trọng là phải minh bạch với người dân:
“Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng nên thu thì không phải cho miễn phí đâu. Người đó phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau. Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn…”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận đa số dân chúng tại Việt Nam đều trông đợi trong năm mới 2018, Chính phủ sẽ quyết liệt giải quyết những bất cập của các dự án BOT qua các đề nghị và kêu gọi của giới chuyên gia liên quan đến lợi ích nhóm. Tuy nhiên, trong buổi họp báo vào chiều ngày 18 tháng Giêng của Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định vận hành BOT có thể sai thủ tục, có thể chọn vị trí nhầm nhưng đảm bảo không có tham nhũng và tư túi. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể còn chuyển tải lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về BOT với các ban ngành trong buổi sáng cùng ngày:
“Thủ tướng có chỉ đạo rằng phải khẳng định BOT là một chủ trương đúng. Hiện nay chúng ta làm, sắp tới chúng ta vẫn làm. Ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Xin thưa các đồng chí là chủ trương này, chúng ta không dừng. Bởi vì dừng là chúng ta không có nguồn vốn để phát triển.”
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải của Việt Nam tuyên bố tại buổi họp báo rằng Bộ Giao thông-Vận tải cam kết không tiếp tục làm BOT trên đường hiện hữu, độc đạo nữa. Bộ trưởng Bộ Giao-thông-Vận tải cũng cho biết Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo bảo vệ trạm thu phí để có thể tiếp tục thu hút đầu tư BOT.
Tại cuộc họp báo của Bộ Công An vào chiều ngày 24 tháng Giêng, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải yêu cầu Bộ Công An phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT, theo Công điện số 82 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công An-Thượng tướng Tô Lâm yêu cầu xem xét, xử lý ngay những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, phá hoại trang thiết bị tại trạm thu phí BOT; các cá nhân, tổ chức có hành vi gây rối, chống phá.
“Bây giờ cánh tài xế cũng như người dân mong muốn một cuộc hội thảo tọa đàm bàn tròn. Nói chung là có đại diện của Chính phủ, chủ đầu tư BOT và những người dân cùng các tài xế ngồi lại họp bàn với nhau để giải quyết những khúc mắc, xem xét ai sai ai đúng. Phía Chính phủ sai thì Chính phủ chịu trách nhiệm. BOT sai thì BOT phải chịu trách nhiệm. Và, tài xế hay dân sai do quậy phá…thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.”Trước các thông tin vừa nêu từ phía Chính phủ, những người từng thực hiện phản kháng dân sự đối với các dự án BOT trong năm qua bày tỏ nguyện vọng của họ là Chính phủ tổ chức các cuộc hội thảo để giải quyết các vấn đề liên quan. Anh Đỗ Thanh Tao, một tài xế nói với RFA:
Trong khi đó, không ít người dân từng chia sẻ với chúng tôi rằng họ sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh chống lại những sai trái của các trạm BOT vì sự công bằng xã hội, cho biết đã bắt đầu làm đơn khiếu nại tập thể gửi cho các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương. Một người dân, ở Biên Hòa-Đồng Nai, nói với chúng tôi có khoảng 70 tài xế cư ngụ tại đia phương đồng ký tên gửi cho Thanh tra Chính phủ:
“Chúng tôi đã gửi đơn cho Thanh tra Chính phủ, đề nghị phải thanh tra lại việc ai cho phép, ai ký đơn cho trạm thu phí Trảng Bom. Bởi vì, trạm BOT Trảng Bom đang thu với mức thu là 1500 tỷ đồng của mục đầu tư dự án giao thông, thì phải thuộc Thủ tướng Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, hiện bây giờ trạm BOT Trảng Bom thu 1500 tỷ đồng cho đường tránh Biên Hòa là do Phó Cục trưởng ký. Chúng tôi đang có trong tay giấy tờ này. Nên yêu cầu Thanh tra Chính phủ là vì vậy.”

BOT đầu năm 2018 vẫn hỗn loạn

Những ngày đầu năm 2018, truyền thông quốc nội tiếp tục loan đi các tin tức về tình trạng náo loạn, kẹt xe nghiêm trọng và phải xả trạm nhiều lần tại trạm BOT Sông Phan-Sông Lũy, Bình Thuận; BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, BOT Cần Thơ-An Giang và BOT Sóc Trăng.
Hồi ngày 5 tháng Giêng, Chủ tịch thành phố Cần Thơ yêu cầu BOT Phụng Hiệp-Cần Thơ phải xả trạm, nếu không thì sẽ cưỡng chế.
Vào ngày 7 tháng Giêng, Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Nhật, dẫn đầu đoàn công tác làm việc với chủ đầu tư dự án BOT Sóc Trăng cho báo giới biết thực hiện giảm thu phí tại trạm này, nhưng tăng thời gian thu phí từ 18 năm 2 tháng lên 23 năm 10 tháng.
Ngày 8 tháng Giêng, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo không ủng hộ chuyện thanh toán tiền lẻ mệnh giá 100 đồng tại các trạm BOT và sẽ không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 3 tháng Hai, Tổng giám đốc Công ty chủ đầu tư trạm BOT Ninh An, Khánh Hòa cho hay Bộ Giao thông-Vận tải không đồng ý đề xuất miễn phí đối với ô tô loại 1 của 16 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa khi qua trạm này, theo sự đồng thuận giữa người dân địa phương với chính quyền và chủ đầu tư.
Một trong những thông báo mới nhất, đặc biệt gây chú ý trong dư luận là đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” cách cabin thu phí của các trạm BOT khoảng 50 mét được thực hiện và có hiệu lực từ ngày 25 tháng Giêng.Ngày 9 tháng Hai, Giám đốc Công ty chủ đầu tư trạm BOT Cai Lậy cho biết mặc dù đã hết thời hạn tạm dừng thu phí từ 1 đến 2 tháng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn chưa hoạt động trở lại trong thời gian Tết Mậu Tuất, do phải chờ quyết định của cấp có thẩm quyền.
Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4, ông Nguyễn Văn Thành nói rằng quyết định này là hoàn toàn đúng thẩm quyền và đúng quy định theo quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Ông Nguyễn Văn Thành còn cho biết các xe vi phạm sẽ bị xử phạt hành chánh, và trong trường hợp xe nào đã bị xử phạt rồi mà còn cố tình tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự, có thể bị phạt từ 3 đến 10 năm tù theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Việc đặt biển cấm vừa nêu gặp phải sự phản đối của giới chuyên gia. Báo giới dẫn lời của Đại tá Trần Sơn, thuộc Cục Cảnh sát giao thông rằng biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” là mang tính áp đặt vì chưa bao giờ thấy áp dụng ở Việt Nam.
Trao đổi với RFA về thông tin này, một số tài xế cho biết có một vài trạm BOT đã đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút”, thế nhưng họ chưa rõ việc chế tài như thế nào khi họ trả tiền lẻ hay tiền có mệnh giá lớn, thì thời gian đếm tiền hay thối tiền của nhân viên thu ngân tại trạm BOT dài hơn 5 phút không do họ gây ra.
Chúng tôi xin được kết thúc bài ghi nhận về thực trạng BOT tại Việt Nam với ý kiến của một vài chuyên gia cho rằng Chính phủ phải nhanh chóng giải quyết minh bạch, để trong năm mới 2018 không còn tái diễn tình trạng hỗn độn tại các trạm BOT như trong năm vừa qua, mà họ gọi là hoạt động một cách vô chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét