Tết Nguyên Đán là dịp rất bận rộn cho các chị em phụ nữ Việt Nam, thậm chí nhiều người còn 'sợ Tết' vì phải lo 'trăm thứ việc'.
BBC Tiếng Việt hỏi chuyện nhà báo Thu Hà, trong dịp trước Tết Mậu Tuất, khi nhiều phụ nữ đang tất bật lo toan vì 'sức ép' phải có cái Tết chu toàn. Bà Thu Hà, nhà báo của tờ Hoa Học Trò, nói về kinh nghiệm giúp chị em có cái Tết mệt ít vui nhiều.
Có những phụ nữ may mắn đã có cách ăn Tết rất thoải mái, vui vẻ và được chồng con, bố mẹ đỡ đần nhiều việc. Nhưng với những ai thấy thực sự mệt mỏi, thậm chí cô độc và tủi thân khi phải chuẩn bị Tết thì có thể thay đổi cách ăn Tết, theo bà Thu Hà.
Dù mỗi gia đình, mỗi vùng ăn Tết có khác nhau, nhưng theo bà Thu Hà, một nguyên tắc chung cho chị em là "cái gì thực sự vui thì hãy làm".
"Những gì không ảnh hưởng đến sức khỏe, tương lai của con cái hay hạnh phúc gia đình thì có thể thay đổi được."
2. Thay đổi tập quán và thói quen
"Đã gọi là tập tục thì có thể biến đổi, cái gì nó phù hợp với cuộc sống bây giờ thì sẽ được giữ lại và phát triển, còn những gì không phù hợp thì sớm muộn sẽ phải thay đổi."
"Chẳng hạn, làm cỗ nhỏ lại," bà Thu Hà nói.
"Trước đây một mâm cỗ hoàn hảo phải có tám đĩa tám bát" nhưng theo bà đây là một lượng thức ăn quá nhiều cho một gia đình nhỏ.
Một ví dụ khác bà nói tới là chuyện cúng rất nhiều trong ngày 30 và mồng một Tết. "Bây giờ nếu vẫn muốn giữ các bữa cúng đó thì có thể chỉ cúng đơn giản thôi, ví dụ một cái bánh chưng và một đĩa giò thôi. "
Tập tục đốt vàng mã cũng là điều khó khăn với một số phụ nữ trẻ mới lấy chồng. "Hồi tôi mới lập gia đình, tôi rất khó nhớ cái gì đốt ở đâu và ngày nào," bà Hà tâm sự.
"Cái đó bây giờ các sư thầy cũng nói là không hẳn là một tập tục tốt đẹp của mình, người âm cũng không nhận được cái mà mình đốt. Cái mà mình nhìn thấy ngay trước mắt là nó rất hại môi trường - từ cây để làm giấy, in ấn đến khi đốt đều có hại."
Mua vàng mã còn vừa tốn kém vừa vất vả, cho nên chị em có thể "bớt chuyện đốt vàng mã và tiền âm phủ lại," bà Hà khuyên.
Một số tập tục thói quen khác có thể thay đổi trong dịp Tết được bà Hà kể đến còn có: kiêng cữ (kiêng tuổi xông nhà, kiêng quét nhà v.v); ép người khác phải ăn uống, mua sắm theo ý mình; hỏi thăm, chúc tụng xâm phạm đời tư của người khác và thậm chí quá coi trọng người già, quá coi thường người trẻ.
3. Bỏ kỳ vọng được mọi người khen
Bà Hà kể trước đây bà làm nhiều việc trong dịp Tết "đến mức kiệt sức" để mong nhận được lời khen "vợ hiền dâu đảm".
"Khi làm một mâm cỗ hoàn hảo thì hay được khen, nhưng để được một lời khen thì đổi lại là mình phải vất vả một tuần trời."
"Nên bỏ bớt kỳ vọng mình được khen, mà thậm chí còn chấp nhận mình bị chê. Ông bà cô dì chú bác có thể sẽ không ủng hộ ngay chuyện mình ăn Tết đơn giản đâu."
Bình luận về nỗi vất vả của chị em quanh mâm cỗ ngày Tết, bà Hà nói: "Từ trước đến giờ các ông không phải làm nên các ông cứ tưởng việc đó là việc nhẹ. Thực ra là những việc đó là cực kỳ mất sức và cực kỳ nặng luôn."
Bà Hà kể trước đây bà phải cố làm để nhận được lời khen vì bà nghĩ nếu không được khen thì mình là vô nghĩa. Nhưng giờ đây bà đã thay đổi quan điểm và ăn Tết đơn giản hơn nhiều.
"Điều nổi bật ở nhiều phụ nữ thay đổi thành công là họ biết được giá trị của họ."
"Có thể là họ giỏi việc đồng áng, nuôi heo giỏi hay bất kỳ một việc nào đó khác mà họ có thể tự tin về nó.
"Nếu biết được như vậy thì dù có bị chê mâm cỗ không ngon hay rửa chén không chăm thì họ vẫn còn tự tin vào giá trị của họ. "
Nhà báo Thu Hà cho rằng điều quan trọng là phụ nữ phải tự tin. "Mà muốn tự tin thì họ phải tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ khoáng đạt, đi ra ngoài, và hiểu biết."
"Chính những người này sẽ nói cho phụ nữ biết giá trị của họ thực ra rất là phong phú, rất cao chứ không chỉ nằm ở mấy việc như rửa chén, lau nhà, nấu nướng."
4. Khuyến khích con cái giúp việc nhà
Ở Việt Nam, Tết là dịp chị em phải làm nhiều việc nhà hơn nhưng con cái cũng ở nhà nhiều hơn. "Đó là cái mệt nhưng cũng là cơ hội để ba mẹ làm cùng với con", bà Hà nhận xét.
"Nếu ba mẹ cùng làm việc nhà với con, nó sẽ thấy vui hơn và thích làm hơn."
Bà Thu Hà nhấn mạnh các phụ huynh nên tôn trọng thành quả lao động của con, mặc dù lúc mới làm có thể "xấu" hay "chưa hoàn hảo".
Nhà báo này nói các bậc cha mẹ cũng nên trân trọng thành quả lao động và có thể khoe với hàng xóm hay những ai tới chơi để động viên con."Nên dành lời khen cho con trong cả quá trình làm việc, làm cái gì tốt là khen luôn chứ không phải đến phút cuối cùng mới khen," bà Hà khuyên.
"Cha mẹ cũng nên cho các còn quyền được sai, được làm hỏng, làm bể, làm cháy đồ.
"Nhiều cha mẹ sợ ngày Tết con làm hỏng hay bể đồ sẽ xui, nhưng nếu con không biết làm, con vụng về, con vô cảm mới là điều xui nhất."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét