Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

2693 - Sự nổi lên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình



Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, đang vươn lên thách thức Mỹ và phương Tây. Cả Chính quyền Trump lẫn EU đều có lỗi khi Trung Quốc chiếm được ưu thế trên vũ đài toàn cầu.
Năm 2017 đã mở tung cánh cửa cho Chủ tịch Tập Cận Bình của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sải những bước dài trong năm 2018 với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu, cũng như là một nhà lãnh đạo được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tôn sùng bên trong nước này. 
Thực tế ảm đạm là sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, với mỗi một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới xảy ra, thế giới đã ngừng hướng về Washington với tư cách là nhà lãnh đạo Thế giới phương Tây để có sự chỉ đạo. Thậm chí còn đáng buồn hơn là người ta có thể ngừng thảo luận về lập trường của Chính quyền Trump trên trang Twitter hay trong chương trình Saturday Night Live hoặc Steven Colbert Show, cũng như từ tuyên bố của Ngoại trưởng hay bài viết trên tờ Washington Post hoặc New York Times. Giờ đây trên phạm vi toàn cầu, người ta thèm muốn các quan điểm của Tập Cận Bình trước khi ai đó có thể giải mã lập trường của Chính quyền Trump. 
Câu hỏi tiếp theo luôn là “Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức, Anh và Pháp nói gì?”. Nhưng EU đã mất đi phần nhiều sự cố kết của họ bởi Brexit, sự bất lực của Thủ tướng Angela Merkel trong việc thành lập một chính phủ liên minh sau bầu cử và những ý tưởng mới được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn thiếu kinh nghiệm ủng hộ. Điều này, cùng với sự tiếp tục trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, được kích động chủ yếu bởi tư tưởng chống người tị nạn, như ở Hungary, bởi những thay đổi của Ba Lan đối với Tòa án tối cao của nước này, vốn vi phạm nguyên tắc của EU và có thể khiến Ba Lan mất quyền bỏ phiếu trong EU, và việc đặt một nhà lãnh đạo mới vào vị trí cao nhất trong Chính phủ Áo, đã gây ra tình trạng hỗn loạn. Tình trạng hỗn loạn này đã đưa Tập Cận Bình tiến xa hơn đến chỗ trở thành một nhà lãnh đạo tầm cỡ toàn cầu. 
Sự nổi lên như phượng hoàng của Tập Cận Bình đã đưa ông đến chỗ được ĐCSTQ tôn vinh tại lễ bế mạc Đại hội XIX của đảng này hôm 24/10/2017. ĐCSTQ tuyên bố rằng “Tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” của Tập Cận Bình đã dẫn đến việc một nghị quyết của ĐCSTQ được bổ sung vào Điều lệ đảng, văn bản tương đương về mặt chức năng với Hiến pháp Trung Quốc. Nghị quyết này có đoạn viết: “…Tư tưởng Tập Cận Bình…sẽ là một trong những tư tưởng chỉ đạo hành động của đảng trong Điều lệ đảng… Tư tưởng này là sự kế tục và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện và Quan điểm về khoa học phát triển”. Chỉ có một nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc cũng được tôn sùng như vậy là Chủ tịch Mao Trạch Đông, người sáng lập nên nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 
Tập Cận Bình khác với Mao Trạch Đông về vấn đề bành trướng. Trong khi tư tưởng Mao Trạch Đông phản đối việc bành trướng vượt ra ngoài biên giới đã định của Trung Quốc, các tham vọng của Tập Cận Bình lại theo chủ nghĩa bành trướng. 
Quân sự hóa 
Quân giải phóng nhân dân (PLA) là lực lượng quân sự lớn nhất thế giới với quân số khoảng 2.285.000 người, chưa chia thành quân nhân tại ngũ và viên chức quốc phòng, với ngân sách hàng năm ước tính gần 180 tỷ USD. Mỹ có 1.429.995 quân nhân tại ngũ và 681.122 viên chức quốc phòng, với ngân sách là 597 tỷ USD. Sự chênh lệch về quân số giữa hai nước là không đáng kể, 173.883 người. Khó mà so sánh 2 tập hợp số liệu vì không rõ liệu Trung Quốc có đang tính cả quân nhân tại ngũ và viên chức quốc phòng hay không, và dựa trên thực tế thì lương và trợ cấp ở Mỹ luôn cao hơn nhiều so với những người được trả lương ở Trung Quốc. 
Mối đe dọa quân sự mà Trung Quốc gây ra là thật. Phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương hôm 14/11/2017, tướng Denis Mercier, Tư lệnh tối cao Bộ chỉ huy chuyển đổi liên minh Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tuyên bố rằng “nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn giữa các nước đã gia tăng khi các cường quốc không phải phương Tây, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, làm lung lay cán cân quyền lực do Mỹ dẫn đầu bằng nỗ lực của chính họ nhằm có được ảnh hưởng quân sự và kinh tế lớn hơn. Cả hai nước đều đã trải qua các chiến dịch có ý nghĩa nhằm tái tổ chức và hiện đại hóa lực lượng của mình, gây lo lắng cho liên minh xuyên Đại Tây Dương”. 
Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo thường niên về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ trước Quốc hội vào tháng 5/2017: “Năm 2016, lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu tiến hành các cải cách tổ chức sâu rộng mà Chủ tịch Tâp Cận Bình và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc đã tiết lộ vào năm 2015. Công cuộc tái tổ chức này là giai đoạn gần đây nhất trong chương trình hiện đại hóa quân sự dài hạn của Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho là điều thiết yếu để giành được vị thế nước lớn và là điều Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” phục hưng dân tộc. Ban lãnh đạo cho rằng một quân đội vững mạnh là yếu tố then chốt để thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc, ngăn chặn các nước khác thực hiện những bước mà sẽ gây tổn hại đến các lợi ích đó và đảm bảo rằng Trung Quốc có thể bảo vệ chính mình và những tuyên bố chủ quyền của mình”. 
Trong một động thái theo tư tưởng Mao Trạch Đông, để củng cố quyền kiểm soát của mình, Tập Cận Bình đang thanh lọc PLA khỏi nạn tham nhũng. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu vào năm 2012, Tập Cận Bình đã loại bỏ hơn 100 sĩ quan quân đội cấp cao, và PLA đã điều tra 4.000 vụ, dẫn đến hành động kỷ luật nhằm vào 13.000 sĩ quan. Ngày 28/11/2017, tướng Trương Dương, một tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Trung Quốc bị cáo buộc tham nhũng trong quân đội, đã tự tử trong khi đang bị quản thúc tại gia. Vụ tự tử này đã được truyền thông nhà nước đưa tin rộng rãi, phát đi thông điệp rằng những ngày của nạn tự tử theo tư tưởng Mao Trạch Đông lan tràn không vượt ra ngoài cuộc tìm kiếm quyền lực không giới hạn của Tập Cận Bình. 
Ví dụ cho hành động gây hấn và bành trướng quân sự của Trung Quốc được nhiều người biết đến nhất là ở Biển Đông, nơi mà nước này đã xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại các bãi đá ngầm và rạn san hô làm gia tăng các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, xâm phạm EEZ của các nước khác và vi phạm hiệp ước đang có hiệu lực là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Ban đầu, các nước láng giềng phản đối nhưng những sự phản đối đó nhanh chóng mất dần, sau khi Philippines đi xa tới mức giành thắng lợi trong vụ kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực. Giờ đây, Philippines và một số nước có liên quan khác lại làm ngơ trước hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc. 
Về phần Triều Tiên, Trung Quốc đã nhiều lần cho rằng nếu chế độ Kim Jong-un sụp đổ thì hàng triệu người dân Triều Tiên sẽ cố gắng vượt biên sang Trung Quốc dọc theo đường biên giới dài 880 dặm (142 km) của nước này. Dựa vào lý do rõ ràng này mà tháng 4/2017 truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng 150.000 binh sĩ đã được triển khai đến khu vực biên giới Triều Tiên. Những bước khác bao gồm việc xây dựng các boong-ke dân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân hay hóa học và giám sát 24 giờ bằng máy bay không người lái từ trên không. Đồng thời, đã có những báo cáo chưa được xác nhận về các chuyến tàu vận chuyển trang thiết bị quân sự hạng nặng và các hệ thống tên lửa đất đối không TOR-M2 hướng về phía biên giới. Có thể lập luận rằng Trung Quốc, dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của Triều Tiên, có lẽ muốn khẳng định quyền kiểm soát lãnh thổ đối với Triều Tiên nếu chế độ này sụp đổ. 
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của họ bên ngoài Trung Quốc. Căn cứ Djibouti của Trung Quốc tại Somalia, “…cùng với các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân đến các cảng nước ngoài, vừa phản ánh vừa khuếch trương ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, mở rộng tầm với của các lực lượng vũ trang của họ”. Tháng 11/2017, Trung Quốc đã công khai các cuộc tập trận quân sự của họ tại Djibouti. 
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán: “Trung Quốc có nhiều khả năng nhất sẽ tìm cách thiết lập thêm các căn cứ quân sự ở những nước mà họ có mối quan hệ hữu nghị lâu dài và các lợi ích chiến lược tương tự, như Pakistan, Myanmar và Sri Lanka, và ở những nước có tiền lệ cho quân đội nước ngoài đóng quân”. Những khu vực khác có thể được xây dựng để bảo vệ các lợi ích thương mại của Trung Quốc bao gồm bờ biển phía Đông châu Phi, dọc Ấn Độ Dương và biển Arập. 
Cách thức sức mạnh mềm khiến Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu 
Năm 1957, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc Đại nhảy vọt nhanh chóng chuyển đổi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc từ một nền kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp, liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Tập Cận Bình đang thực hiện cuộc Đại nhảy vọt của riêng mình nhưng các chính sách của ông lại tập trung ra bên ngoài. Tập Cận Bình vươn lên cầm quyền sau khi diễn ra một loạt vụ đầu tư tài chính toàn cầu có phối hợp, các cuộc xâm nhập hệ thống ngân hàng, các dự án đa quốc gia quy mô lớn và tăng cường quân sự hóa. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã và đang giữ một vai trò quyết định trên các thị trường toàn cầu thông qua việc phân bổ nguồn lực và các cuộc cải cách cấu trúc trọng cung. Nói cách khác, chính sách đối ngoại của Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng và dựa trên việc sử dụng sức mạnh mềm trên diện rộng. 
Trên toàn thế giới, bao gồm cả thế giới Arập, mà ở đó Trung Quốc hiếm khi tiến hành hoạt động kinh doanh, Trung Quốc có nhiều chương trình kinh tế, cơ sở hạ tầng và cho vay đến mức các nước đã trở nên ngày càng không thể nói “không”. Trung Quốc tiếp tục tiến lên phía trước như là kết quả của nguyên tắc đầu tiên trong kinh tế học – “Không có bữa trưa nào là miễn phí”. 
Dự án lớn đầu tiên là Ngân hàng phát triển mới hay nhóm BRICS thành lập ngày 17/7/2014. Được thành lập bởi Trung Quốc, Liên bang Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ, nhóm BRICS đại diện cho 40% dân số thế giới. Mục đích rõ ràng của nhóm này là sẵn sàng tài trợ vốn để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cho các nước vốn đã bị các nguồn phương Tây, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), từ chối tài trợ. Quan chức chính phủ Trung Quốc và Nga đã công khai tuyên bố rằng BRICS sẽ phát hành một đồng tiền mới để phá giá đồng USD và đồng euro, làm cho IMF và WB bị suy yếu vĩnh viễn. 
Tiếp theo là dự án thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vào tháng 10/2014. AIIB là một thể chế tài chính quốc tế vốn được khái niệm hóa bởi Chính quyền Trung Quốc vào năm 2013. Mục đích của AIIB là tài trợ cho các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng biển và các cơ sở hạ tầng khác. 
Nếu “BRICS cảnh báo rằng giờ đây họ là một liên minh kinh tế thách thức nguyên trạng toàn cầu” với “mục tiêu rõ ràng theo chủ nghĩa dân tộc là tăng cường ảnh hưởng của chính họ so với các trung tâm truyền thống của sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự toàn cầu”, thì lời cảnh báo mà AIIB đưa ra cho cộng đồng toàn cầu là về một mối đe dọa mang tính hủy diệt đối với toàn bộ sự ổn định và an ninh toàn cầu. Mặc dù Mỹ đã cố gắng không trở thành một thành viên của AIIB, nhưng đa số đồng minh nước này lại gia nhập AIIB, bao gồm 27 quốc gia thành viên khác của NATO, Úc và Hàn Quốc. Hiện tại, AIIB có 58 quốc gia thành viên và 22 thành viên tương lai. 
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và dự án Con đường tơ lụa trên biển là những kế hoạch cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhằm kết nối Trung Quốc với các nước láng giềng của họ ở châu Á và xa hơn là với châu Âu. Điều đó dựa trên tiền đề là mô hình trung tâm và các vệ tinh: Trung Quốc – trung tâm – xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước trên toàn thế giới – các vệ tinh – nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Trung Quốc đang xây dựng và tài trợ vốn cho các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay ở hơn 60 nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu thô nhằm thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế của chính nước này trong khi tìm kiếm các thị trường mới. 
Trung Quốc, vốn đang phát triển Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) nhằm mở rộng tầm với kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở châu Á, đã cùng với Mỹ, Afghanistan và Pakistan tham gia Nhóm điều phối 4 bên (QCG). Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, sứ mệnh của QCG là “nỗ lực chung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một tiến trình hòa bình và hòa giải do Afghanistan dẫn đầu và làm chủ nhằm đạt được hòa bình và sự ổn định lâu dài ở Afghanistan và trong khu vực. 
Mối quan hệ đối với nền kinh tế Trung Quốc 
Vấn đề là Trung Quốc được mở rộng quá mức về mặt tài chính. Trong bản báo cáo thường niên mới đây đánh giá về nền kinh tế Trung Quốc, IMF cho biết: “Trung Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ – dự kiến đạt 6,7% trong năm 2017. Và nước này có tiềm năng để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn. Nhưng để làm được vậy một cách an toàn, họ cần tăng tốc các cuộc cải cách để làm cho sự tăng trưởng ít phụ thuộc hơn vào các khoản nợ và đầu tư”. 
Trong 1 thập kỷ qua, nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần lên mức hiện tại là 29.000 tỷ USD, tương đương với 260% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Mặc dù tập trung vào việc giảm bớt ảnh hưởng đòn bẩy của các doanh nghiệp, nhưng tỉ lệ nợ trên tài sản của Trung Quốc trong quý III vẫn giữ ổn định ở mức 55,7%. Đống nợ tại các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang, với mức nợ trong quý III gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 năm. Một số nhà máy Trung Quốc đang trả lương cho công nhân ở nhà. 
Chính sách đối ngoại 
Tư tưởng chống đế quốc của Mao Trạch Đông có thể phần nào được xác định rõ ràng bởi chính sách đối ngoại chống can thiệp của nó. Phải đối mặt với tình hình địa chính trị hoàn toàn khác, Tập Cận Bình đã lựa chọn một con đường khác. Bằng việc tăng cường sự can dự của Trung Quốc vào các sự kiện thế giới bên ngoài, Tập Cận Bình đã đảm bảo hơn nữa vị thế của mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu. 
Đầu tháng 11/2017, Tập Cận Bình đã thông báo với Vua Salman của Saudi Arabia, tại thời điểm diễn ra những căng thẳng khu vực giữa Saudi Arabia, Iran, Liban và Yemen, rằng Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của Saudi Arabia nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và đạt được sự tiến triển lớn hơn. 
Tại hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á (APEC) diễn ra ngày 17/11/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng hai nước sẽ bắt đầu một “khởi đầu mới” đối với mối quan hệ thường có rắc rối của họ. Trung Quốc thậm chí còn đề nghị chia sẻ thông tin quân sự với Nhật Bản. 
Để giúp tài trợ cho kế hoạch theo chủ nghĩa bành trướng của mình, Trung Quốc đã khai thác nguồn lực của các nước yếu và nghèo hơn. Chẳng hạn, có những báo cáo chưa được xác nhận cho rằng Trung Quốc đã ủng hộ việc loại bỏ Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Nếu đúng như vậy thì điều này có thể mang lại cho Trung Quốc khả năng thu mua khoáng sản quý hiếm với giá chiết khấu, bao gồm platinum và dầu mỏ, từ Zimbabwe vốn thê thảm về mặt kinh tế. 
Kết luận 
Cả Chính quyền Trump lẫn EU đều có lỗi khi Trung Quốc chiếm được ưu thế trên vũ đài toàn cầu. Cả Mỹ lẫn EU đều trong tình trạng hỗn loạn. Khi một trong hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, họ đẩy một nước khác đến ngưỡng cửa Trung Quốc. Khi Mỹ cắt giảm viện trợ của mình, rút khỏi sứ mệnh gìn giữ hòa bình hay rút quân, họ cũng khiến các nước bị ảnh hưởng phải tìm kiếm một liên minh với Trung Quốc. Khi không có dấu hiệu nào cho thấy sự thay đổi của phương Tây, người ta chỉ có thể kết luận rằng Tập Cận Bình sẽ tiếp tục trỗi dậy như phượng hoàng với tư cách nhà lãnh đạo siêu cường toàn cầu.
Cynthia Lardner là cây viết của tờ Tuck Magazine và E – The Magazine for Today’s Executive Female Executive. Lardner đã lấy bằng báo chí, luật. Bài viết được đăng trên International Policy Digest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét