Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

2607 - Ngày 06/02/1928: Người tự xưng là con gái Sa hoàng Nicholas II đến Mỹ



Vào ngày này năm 1928, một người phụ nữ tự xưng là Anastasia Tschaikovsky – con gái út của Nga hoàng Nicholas II vừa bị ám sát cách đó không lâu – đã đến thành phố New York. Cô tổ chức một cuộc họp báo trên tàu Berengaria, giải thích rằng mình đến đây để chỉnh lại xương hàm. Theo lời Anastasia, nó bị đánh vỡ bởi một người lính Bolshevik, khi cô cố gắng chạy trốn khỏi cuộc hành hình cả gia đình mình tại Ekaterinburg, Nga vào tháng 07/1918.
Người chào mừng Tschaikovsky đến New York là Gleb Botkin, con trai của bác sĩ riêng cho gia đình Romanov. Cha ông đã bị giết chết cùng với các bệnh nhân của mình vào năm 1918. Botkin gọi Anastasia là “Công chúa” và tuyên bố rằng không nghi ngờ gì, đây chính là Nữ Công tước Anastasia mà ông đã từng chơi cùng khi còn nhỏ.
Trong giai đoạn 1918 – 1928, đã có hơn một nửa tá phụ nữ tự nhận mình là người thừa kế bị lưu lạc của gia đình Romanov, vì vậy một số phóng viên Mỹ tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố của Tschaikovsky. Tuy nhiên, cô vẫn được đối xử như một người nổi tiếng trong thời gian sống tại New York, đặt chân đến nhiều bữa tiệc thượng lưu và các khách sạn đẳng cấp xứng đáng với một người thuộc dòng họ Romanov. Một lần, khi đặt phòng khách sạn trong chuyến thăm của mình, cô đã sử dụng tên Anna Anderson, và cái tên đó sau này đã trở thành bí danh vĩnh viễn của cô.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Hai ở Nga đã buộc Sa hoàng Nicholas II phải thoái vị. Nicholas, cùng vợ Alexandra, bốn cô con gái và cậu con trai duy nhất của họ đã bị giam giữ ở cung điện Czarskoye Selo và sau đó bị đưa đến Ekaterinburg ở Urals sau khi những người Bolshevik lên nắm quyền trong Cách mạng Tháng Mười. Nội chiến kéo dài suốt năm 1918, và vào tháng 07, lực lượng chống Bolshevik tại Nga đã đến gần Ekaterinburg. Sợ rằng Nicholas và gia đình ông sẽ được giải cứu, chính quyền địa phương đã quyết định kết án tử hình toàn bộ gia đình Romanov.
Chỉ sau nửa đêm ngày 17/07/1918, Nicholas, Alexandra, năm đứa con của họ và bốn gia nhân, trong số có Bác sĩ Botkin, đã được lệnh phải mặc quần áo nhanh chóng và đi xuống hầm rượu của ngôi nhà mà họ đang bị giam giữ. Ở đó, gia đình Sa hoàng và các gia nhân bị bắt phải xếp thành hai hàng – để chụp một bức ảnh nhằm dập tắt tin đồn rằng họ đã trốn thoát. Đột nhiên, gần một chục người đàn ông có vũ trang đột nhập vào căn phòng và bắn vào gia đình hoàng gia hàng loạt súng chát chúa. Những người vẫn còn thoi thóp thở sau khi khói súng tan thì bị đâm cho đến chết.
Những kẻ hành hình sau đó đã đưa xác của gia đình hoàng gia đến một hầm mỏ bỏ hoang cách Ekaterinburg khoảng 14 dặm, sau đó đốt xác bằng “lửa trại” và dùng axit sulfuric tưới lên phần xương để che giấu những gì còn sót lại. Sau cùng, mọi tàn tro đều bị ném vào hầm mỏ, sâu trong lớp đất bụi.
Ban đầu, chính phủ Bolshevik nói rằng chỉ có một mình Nicholas bị tử hình, còn vợ con ông đã được chuyển đến một địa điểm an toàn. Sau đó, các nhà điều tra Nga lại xác nhận báo cáo rằng toàn bộ gia đình đã bị giết chết. Tuy nhiên, cùng lúc đó lại có một tin đồn dai dẳng lan rộng khắp châu Âu, nói rằng một đứa trẻ nhà Romanov, thường là Anastasia, đã sống sót qua vụ tàn sát. Một vài kẻ cơ hội đã xuất hiện, hy vọng sẽ chiếm được gia sản của nhà Romanov đang được lưu giữ tại các ngân hàng châu Âu, nhưng họ đã nhanh chóng bị vạch trần thủ đoạn gian lận. Nhưng châu Âu vẫn chưa được diện kiến Anna Anderson.
Năm 1920, một cô gái trẻ cố gắng tự sát đã được kéo lên từ kênh Landwehr ở Berlin. Cô từ chối khai danh tính của mình cho nhà chức trách và chấp nhận chuyển đến nhà thương điên Dalldorf, nơi cô sống ẩn danh cho đến năm 1922, khi cô đột ngột tuyên bố mình chính là Nữ tước Anastasia.
Vào thời điểm đó, châu Âu đã tràn ngập những người Nga lưu vong, những người đã trốn chạy khỏi Cách mạng Bolshevik. Và một số kẻ ủng hộ nhiệt thành cho Sa hoàng đã đổ xô tới giúp đỡ cô gái trẻ này, người có vẻ ngoài duyên dáng và xinh đẹp đủ khiến người khác tin rằng cô là nàng Anastasia mất tích. Trên thân thể cô có những vết sẹo xấu xí, mà cô nói là do những nhát dao của phe Bolshevik trong lần hành hình gia đình cô. Một người lính Bolshevik, cô nói, đã tìm thấy cô còn sống, và giúp đỡ cô. Cuối cùng thì cô cũng đã trốn thoát sang phương Tây. Một vài tháng sau khi tuyên bố là Anastasia, cô đã được thả ra khỏi Dalldorf và chuyển đến sống với người đầu tiên trong hàng dài những người ủng hộ.
Trong vài năm tiếp theo, đoàn tùy tùng người Nga ủng hộ cô ngày một tăng lên, và cô trở nên đặc biệt gần gũi với Gleb Botkin, con trai của vị bác sĩ cho nhà Romanov, người đã dành phần lớn thời thơ ấu sống bên cạnh gia đình hoàng gia. Trong thời gian này, rất nhiều người bà con Romanov và những người quen đã đến phỏng vấn cô, và nhiều người đã rất ấn tượng bởi ngoại hình rất giống với Anastasia của cô, cũng như bởi sự hiểu biết về những chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống gia đình Romanov. Tuy nhiên, những người khác lại hoài nghi khi cô không nhớ những sự kiện quan trọng trong thời niên thiếu của Anastasia. Kiến thức của cô về tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Nga – vốn dĩ là những thứ tiếng mà Anastasia nói rất trôi chảy – cũng rất kém. Nhiều người cho rằng những mâu thuẫn này đến từ căn bệnh tâm thần thường xuyên tái phát của cô, dẫn đến việc nhiều lần cô phải nhập viện ngắn ngày ở các bệnh viện tâm thần.
Trong khi đó, những người ủng hộ cô bắt đầu một cuộc chiến dài lâu để giành được sự thừa nhận pháp lý rằng cô chính là Anastasia. Hành động công nhận đó sẽ không chỉ giúp cô giành được những tài sản của gia đình Romanov nằm bên ngoài Liên Xô, mà còn biến cô trở thành nhà lãnh đạo chính trị đáng gờm của nhóm người theo chế độ Sa hoàng đang lưu vong, những người vẫn nuôi hy vọng lật đổ các nhà lãnh đạo cộng sản Nga.
Công tước Hesse, anh của Alexandra và chú của Anastasia, là một nhà phê bình công khai nỗ lực này. Ông đã thuê một thám tử tư nhằm xác định danh tính thật của Anastasia Tschaikovsky. Vị thám tử này sau đó thông báo rằng cô là Franziska Schanzkowska, một công nhân nhà máy người Ba Lan lai Đức đến từ Pomerania, kẻ đã biến mất vào năm 1920. Schanzkowska đã có lịch sử tinh thần bất ổn và từng bị thương trong một vụ nổ nhà máy vào năm 1916, nguyên nhân của những vết sẹo. Những phát hiện này đã được đăng trên các tờ báo của Đức nhưng không được chứng minh rõ ràng.
Người phụ nữ được biết đến dưới tên Anna Anderson tiếp tục chiến đấu để được công nhận, và đã thua nhiều vụ kiện trong suốt hàng thập niên. Một vở kịch của Pháp về câu chuyện của cô, lấy tên là Anastasia, được ra mắt vào năm 1954. Sang năm 1956, phiên bản điện ảnh của Mỹ xuất hiện và đã giúp nữ diễn viên Ingrid Bergman giành được giải Oscar cho vai nữ chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét