Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Chuyện mẹ Nấm.





Nói chung là tình hình đấu tranh dân chủ phân hoá và chia rẽ là điều nên thẳng thắn ghi nhận. Bản thân mình không thích gì mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cả. Nguyên nhân lúc chị Bùi Hằng vừa bị bắt , Mẹ Nấm đi nói chị Hằng vì đấu tranh kiểu đanh đá và chợ búa nên mới bị thế.

Lúc đấy mình có viết bài bảo mẹ Nấm nói thế khác nào hợp tác giúp an ninh để dư luận không bênh chị Hằng. Rồi mình viết bài nữa ý bảo hết nạc vạc đến xương, đừng chê những người đấu tranh kiểu chợ búa. 


Vì khi an ninh tóm sạch những người đấy thì đến người ôn hoà sẽ đến lượt. Với quan điểm của mình thì cứ ai bị an ninh tóm, thì người ấy vô tội và bị đàn áp bất công. Đó là lý do khi mẹ Nấm bị bắt mình lên án, chứ không phải là chuộc lỗi lầm gì như nhiều bạn nghĩ.

Mẹ Nấm và nhiều bạn của cô ấy lồng lên bảo mình vu khống mẹ Nấm là an ninh. Trong khi mình viết rõ là hành động như thế khác nào hợp tác giúp an ninh hợp thức hoá dư luận. Mình không thanh minh gì hết, mặc kệ cho thiên hạ kéo thành nếp nói rằng mình vu mẹ Nấm là an ninh.

Nói lại chuyện này không phải để thanh minh, mà để cho rõ là chuyện mâu thuẫn và phân hoá có khi từ câu nói, rồi quăng đi, quăng lại thành thù nhau.

Đặc thù của mình là hoạt động độc lập, sống bằng tiền của bộ văn hoá Đức bao với mức khá xông xênh. Nên mình không phải cần đến tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ cả. Vì thế, nếu mình mang tiếng xấu cũng không ảnh hưởng gì đến đời sống. Nhưng mình cũng rút kinh nghiệm là không nên động chạm , phê phán gì người đấu tranh khác, nhất là trong nước. Nói thật ra những người trong nước hoạt động cũng cần giúp đỡ tài chính,  ngôn luận và sự ủng hộ của nhiều người khác. Nếu họ mất uy tín họ sẽ gặp khó khăn, còn mình có mất thế mất nữa càng tốt.  Lúc không ai tin mình nữa thì mình đỡ phải gửi tiền giúp ai , đỡ phải lên tiếng bênh ai, đỡ phải đi đến tổ chức này kia dự cái này, cái nọ tốn kém tàu xe và khản cổ trình bày.

Nói về chuyện lên tiếng bênh vực ai đó bị bắt, cũng không dễ đâu. Khó nhất ở chỗ mỗi người bị bắt họ đều có bạn bè, đồng đội. Mình bênh mà không thành mâu thuẫn, phải bênh trên ý của những người đồng đội kia. Bênh mà khác ý thành ra cãi nhau, mà cãi nhau thì thành phân hoá, an ninh lại mừng. Ví dụ đồng đội người bị bắt nói họ bắt vì phản đối Formosa, mình bảo bị bắt vì đòi quyền con người do cảnh sát đánh. Thế là lệch nhau, mà lệch nhau lại bị hiểu rằng thằng này nó đưa lý do khác là để phá đám.

Ví dụ báo cáo vụ bắt giữ gửi đến tổ chức quốc tế, bản thì ghi bị bắt do phản đối môi trường, bản thì thì ghi do tố cáo công an đánh chết người, bản thì ghi do phản đối Trung Quốc xâm lược. Như thế mỗi người một ý kiến, các tổ chức họ nhận xử lý cũng khó khăn. Ví dụ về môi trường thì những tổ chức nhận sẽ tiếp xúc với nghị sĩ, quan chức nước đó đang tài trợ cho Việt Nam về môi trường, để chất vấn và có khi ép phải cắt bỏ viện trợ. Về công an đánh chết người, các tổ chức gặp bộ tư pháp hay quan chức viện trợ cho Việt Nam cải cách tư pháp đòi họ cắt viện trợ. Những cơ quan Việt Nam bị cắt viện trợ sẽ áp lực lên cơ quan an ninh vì làm họ thất thu. Đại khái là thế, nên báo cáo hay lên tiếng cần phải cân nhắc trọng tâm. Nhất là oái ăm nước này viện trợ cải thiện môi trường, nước kia viện trợ cải cách tư pháp nữa thì các phức tạp.

Mình nói sơ qua như thế, để mọi người biết chuyện lên tiếng hay bênh vực không phải là đơn giản. Nhất là khi bạn sở hữu một trang thông tin có nhiều người đọc. Các tuỳ viên chính trị ở các sứ quán luôn theo dõi xem bạn phát ngôn gì trong những vụ việc mà họ quan tâm.

 Thế nên đành chọn cách chung chung, không mất lòng ai là lên tiếng cộng sản đàn áp nhân quyền, đàn áp tự do ngôn luận, người bất đồng chính kiến. Thế cho nó lành ( lành cho mình).

Một cây viết, một nhà bình luận mà lên tiếng trên tâm lý như thế, liệu bài viết có nhạt không, có sức hấp dẫn không.?

Đương nhiên sẽ thiếu lửa, thiếu thu hút.

Nhưng mà không lên tiếng, thiên hạ lại bảo là không quan tâm đến người khác. Thôi thì làm cái stt đại khái cho có mặt trong phong trào lên tiếng đòi thả người.

Với cái tâm lý đấu tranh đòi thả người chiếu lệ cho phải phép vì những lý do đã nêu trên, dẫn đến nhiều người bị bắt được dư luận ồn lên bênh vực rồi thời gian sau là thôi. Chỉ còn người nhà và một số đồng đội lẻ leo theo đuổi, những ý kiến của họ chìm nhanh vào bao nhiêu sự kiện nóng bỏng khác, mà người ta quan tâm hơn là chuyện người bị bắt.

 Hôm nay Mẹ Nấm bị bắt lâu rồi, con thì nheo nhóc, thân mẫu thì cô độc đấu tranh. Thông tin hay nhận định  về trường hợp Mẹ Nấm chả có gì để hút được dư luận quan tâm.

Mình quyết định viết vài dòng nhận định của mình về vụ việc cái con Mẹ Nấm đành hanh này.

Thực ra mẹ Nấm rất thông minh, chọn đường lối đấu tranh phù hợp với pháp luật. Suốt chiều dài đấu tranh Mẹ Nấm tích được nhiều kiến thức pháp luật, nên  cô ta chọn những vấn đề rất chính xác và cách đấu tranh cũng rất mực thước. Cô ta làm cộng sản điên đầu vì chọc vào đúng chỗ cộng sản sơ hở nhất mà lại rất chừng mực không tạo ra cớ để cộng sản bắt bớ.

Lẽ ra cộng sản chả có cớ gì để bắt cô ta, bằng chứng là vụ bắt bớ cô ấy diễn ra rất tuỳ tiện, cô đang đòi hỏi quyền thăm gặp giúp gia đình một phạm nhân. Chuyện đâu có gì, thế mà cộng sản bắt luôn, chứng tỏ chúng đang điên vì lý do khác chứ không phải vì việc cô ta lên tiềng quyền thăm gặp, gửi quà giúp tù nhân chính trị. Chính vì bắt tuỳ tiện nên đến tận giờ những tố cáo của cộng sản với cô ta chả ra đâu vào đâu, nếu cô ta cứ kiên cường bác bỏ mọi luận điệu khép tội, thì an ninh cộng sản khá khó khăn khi viết được bản kết luận điều tra ra hồn.

Vậy cô ta bị bắt vì cái gì.?

Tất nhiên thì do cộng sản ghét vì cô ta chọc đúng những chỗ cộng sản khó chịu. Nhưng nói thực , chừng thế chưa đủ, dù khó chịu nhưng cộng sản Việt Nam còn thừa nhân lực để triệt tiêu tối đa sự công phá của mẹ Nấm. Ví dụ như thừa người ngăn cản cô ta đi đây đó, thừa kỹ thuật để làm cô ta phải khó khăn khi lên tiếng.

Cô ta bị bắt vì quan hệ Việt Đức. Lý do mình viết bài này chỉ là đưa ra nhận định đấy thôi.

Cô ta bị bắt khi vừa đi dự quốc khánh Đức ở đại sứ quán Đức về nhà mấy hôm.

Quan hệ Việt Đức từ sau đại hội 12 chẳng còn tốt đẹp như trước, Đức viện trợ hàng trăm triệu usd để Việt Nam cải tạo môi trường, thế mà Việt Nam dung túng cho Formosa xả thải. Những quan chức ở Bộ Công Thương như ông Vũ Huy Hoàng là chủ tịch hội doanh nghiệp Việt Đức bị triệt hạ đến cùng. Các thành phần lãnh đạo chủ chốt sau đại hội 12 như Trọng, Phúc chưa có dấu ấn thân thiện trước đây khi làm việc với Đức.

Cộng với tin đồn Trịnh Xuân Thanh đang cư trú tại Đức, mà thôi nói thẳng là tin thật luôn vào thời điểm đó. Phía Việt Nam gửi công hàm đề nghị Đức dẫn độ, phía Đức bảo bọn mày muốn thế phải thực hiện đúng những điều khoản cam kết và thủ tục trình tự luật pháp Đức. Việt Nam không thể nào làm được những yêu cầu đó. Cay cú hơn, quay sang làm một loạt những hành động trả thù vặt với người Đức là đánh những công dân Việt Nam, quan chức Việt Nam mà Đức có quan hệ và có thiện cảm.

Mẹ Nấm là nạn nhân của âm mưu trả thù chính trị của cộng sản Việt Nam đối với người Đức.

Vào tháng 7 tới đây, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự hội nghị G20 tại Đức. Đây là hội nghị được tổ chức tại Đức nên Phúc Nghẹo đi, không phải là phía Đức mời gì. Tuy nhiên Phúc Nghẹo sẽ qua Berrlin tìm cách chào hỏi mà thủ tướng Đức để xem cải thiện được quan hệ ngoại giao đang khó khăn trong thời gian qua.

 Không phải tự nhiên mình mở đầu bài này bằng cách khẳng định về chia rẽ và thái độ của mình là không ưa mẹ Nấm thẳng thắn như vậy. Mình mở bài như thế để muốn nói với các bạn khác có điều kiện lên tiếng và cũng không ưa mẹ Nấm như mình, gác qua chuyện mâu thuẫn cá nhân. Lên tiếng sớm cho mẹ Nấm trước chuyến đi dự G20 của Nguyễn Xuân Phúc. Những báo cáo, những cuộc biểu tình, đơn thư gửi đến bà thủ tướng, quốc hội Đức tấp cập từ bây giờ có thể là những can thiệp hữu ích giúp cho mẹ Nấm trong lúc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét