Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

Xe ôm và Grab Bike



 Một tài xế xe ôm chờ khách trong trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 09 tháng 1 năm 2017.

Nhiều người Việt Nam làm nghề ‘xe ôm’ để kiếm sống khi khó có thể tìm được một công việc ổn định khác. Tuy vậy một nghề giản đơn như thế nay cũng bị cạnh tranh. Từ ‘Xe ôm’ đối với người bình dân khá thân thuộc và họ cũng chẳng thắc mắc loại hình vận chuyển mà họ thường dùng như thế có từ hồi nào. Chữ ‘ôm’ có thể là khách ngồi sau lưng tài xế vì sợ ngã nên phải ‘ôm’ lấy lưng người điều khiển phương tiện chăng!?


Có câu chuyện truyền miệng rằng trong thời chiến tranh Việt Nam, một người đàn ông thất nghiệp loanh quanh trên phố bằng xe máy thì tình cờ một người Mỹ nhờ chở đi và được cho tiền.



Nghề xe ôm có thể đã bắt đầu từ lúc đó.



Chuyện dùng xe cá nhân làm phương tiện mưu sinh bằng cách chở người khác cần đi đây đi đó trong thành phố trở nên phổ biến hơn. Tác giả Lưu Nhơn Nghĩa trong bài Lải nhải đời tôi 1959 - 1969 có viết: “Dân công chức lương thấp nghĩ cách kiếm sống, dùng xe mình đưa khách kiếm thêm...”



Sau biến cố 1975, nhiều đàn ông- trai tráng không được chế độ mới trọng dụng phải bươn chải kiếm sống bằng  chiếc xe máy hay xe đạp duy nhất của gia đình. Hằng ngày họ đưa những khách quen  là những bà, những chị… đi chợ hay đi đây đi đó.



Nơi chờ khách của họ là những góc ngã tư, bến chợ… Ngồi trên xe và chờ khách. Tự thân làm chủ lấy mình không bị ràng buộc bởi ai!  Khách là nguồn sống duy nhất của họ.



“Làm cái nghề nào đi chăng nữa, ...là mình cũng lệ thuộc vào người ta đúng không, còn nghề này mình thuận mua vừa bán, thích thì đi không thì thôi.”



Suốt mấy chục năm qua nhiều người lặng lẽ theo nghề ‘xe ôm’ để kiếm sống qua ngày không bon chen như nhiều công việc làm khác.



Thế nhưng gần đây từ năm 2014  xuất hiện loại hình cạnh tranh với giới xe ôm tư nhân an phận suốt mấy chục năm qua. Đó là dịch vụ Grab Bike- một loại dịch vụ đặt xe ôm bằng ứng dụng trên điện thoại.



“Cứ Grab tới đây là chú không đồng ý rồi...”.



Một lý do đơn giản được nêu ra là loại hình xe mới khiến người chạy xe ôm tự do bị giảm thu nhập:



“Trước đây mấy chú chạy bình thường ngày 300, 400 giờ còn 200 mấy à... Khách đi Grab bike hết rồi đâu đi xe này nữa”.



“Nhưng mà yêu cầu những khách đó có smartphone mới đặt được Grab Bike...”



Sự cạnh tranh khá dữ dội giữa hai bên. Khi có ý kiến cho rằng tài xế Grab bike đón khách sai nguyên tắc, đó là khách không dùng ứng dụng để gọi nhưng vẫn đón.



Như vậy thường gọi là bắt khách ‘chui’.



Hoặc đôi khi, có những hiểu lầm do những bác xe ôm chưa hiểu cách thức hoạt động của xe ôm mới.



Nhưng nói gì đi nữa, sự lựa chọn phụ thuộc vào người dùng, họ có những lựa chọn mà họ cho là tốt nhất.



“Thứ nhất là nhanh và tiện và rẻ.”



Thực tế cuộc sống với tình trạng cạnh tranh để kiếm sống ngày càng gay gắt buộc một số phải thay đổi để bắt kịp.



Tuy nhiên có những người tuổi tác đã lớn, không thể theo kịp công nghệ hiện đại.



Và nay người đến với nghề xe ôm nhiều thêm; trong lúc lề đường, chỗ đậu đón khách vẫn như xưa dẫn đến tình trạng phải lo lót cho người quản lý khu vực:



“Trước là quen biết và phải lo tiền.. mỗi lần là phải mấy chục chai mà cũng vô không được.”



Cứ tưởng rằng nghề thu nhập khiêm tốn như chạy xe ôm không có chuyện ‘chạy chọt’; nhưng nay để có những bãi đẹp để bắt khách giới này cũng phải bỏ tiền ra mua chỗ đợi khách.



Thế rồi phải cạnh tranh với loại hình mới của thời hiện đại!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét