Không phải bán mớ rau ở chợ, bán cân thịt ở siêu thị, bán cổ
phiếu ở sàn chứng khoán, mà là bán nước. Nói rõ hơn, bán từng phần của đất nước.
Mà là những phần quý giá có vị trí thiết yếu đến sự an nguy của Tổ quốc như bến
cảng, sân bay!
Chuyện thật tưởng như đùa ấy được một vị tướng từng vào sinh
ra tử trong sự nghiệp xả thân cứu nước chống kẻ thù xâm lược đưa ra trong một Hội
thảo tại Hà Nội gần đây. Nghe đi, nghe lại đoạn băng ghi âm mà vẫn không tin lắm
ở tai mình, phải gọi điện ra Hà Nội hỏi một người bạn có mặt trong buổi Hội thảo
ấy.
Và rồi, tai ù lên không phải đau buốt do vết thương từ chiếc
răng hàm vừa phải nhổ vứt bỏ vì vô phương cứu chữa, nhưng ác nỗi là do nó già cỗi
quá mà không chịu rụng cho, chỉ còn cái chân răng dù đã bị thối rữa vẫn ngoan cố
nằm lại, phải gây tê và đục bỏ từng phần đã vụn nát. Vì thế mà đau buốt cả hơn
tuần nay tính từ hôm 17.2.2017. Thế nhưng lúc này đây thì không phải đau từ đó
mà buốt đau từ chuyện thật đau xót về việc người ta đã bán từng phần của đất nước
vừa nhận được.
Áp tai vào đoạn cuối của băng ghi âm, nghe thấy mấy lời nói
thêm của vị tướng nọ về chất vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm
việc với Trưởng ban Kinh tế Trung ương, mới có thể tự tin về tính chuẩn xác của
thông tin để viết mấy dòng này.
Lật lại bài “Tổng Bí thư: Không phát hiện hay không đủ dũng khí báo cáo?” (của Zing VN, các báo Người Lao Động, Thanh Niên đăng theo, đặt tít khác) quả là có đoạn: “Tổng Bí thư dẫn ví dụ như trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xã hội hoá các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hoá thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết […] Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng nhiệm vụ này”.
Vậy là chuyện người ta đã lần lượt bán những cảng biển, sân
bay quan trọng cho nước ngoài là chuyện thật. Mà thật từ miệng một người được Tập
Cận Bình cho bắn 21 phát đại bác chào mừng như nghi lễ dành cho “nguyên thủ quốc
gia”!?
Mà chào mừng là đúng quá chứ còn gì nữa. 21 phát đại bác và
một cuộc tiệc trà! Một cái giá quá bèo, thay cho việc huy động hơn triệu quân để
rồi bị đánh cho tan tác mà Đặng Tiểu Bình liều lĩnh lấy đó làm mũi đột phá cho
việc xác lập uy quyền. Nói như viên tướng Lưu Á Châu đã có dịp dẫn ra: “dùng
chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. […] Ngày hôm
trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam […]
Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian,
tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau
khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu
tiên của cải cách […] Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền
lực nhanh nhất là gây chiến tranh!”.
Thôi thì cứ cho đây là chuyện bên Tàu, cho dù nó có giúp vào
việc trả lời câu hỏi vừa đặt ra “bán cho ai” cùng với 15 văn kiện đã được ký kết
ở Bắc Kinh, nhưng tạm để đó đã. Hãy trước hết bàn chuyện bên Ta.
Đó là chuyện Tổng Bí thư Trọng vừa phát biểu: “Tôi có cảm
giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng
nhiệm vụ này”.
Một chuyện tày đình như thế này mà bây giờ ngài Tổng Bí thư
mới phát hiện ra. Hơn nữa, đây đâu phải chỉ là chuyện của ông Trưởng ban Kinh tế
trung ương! Đây phải là quyết sách lớn của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu
chứ! Đành phải hỏi thẳng một câu: Có thật ông không biết, mà vì sao chuyện tày
đình như thế mà ông lại không biết?
Nếu ông không biết thật, thì với tư cách một công dân đang
lo lắng về vận mệnh đất nước đang như sợi chỉ mành trước gió dữ của siêu cường
hung đồ, lại là một người từng quen biết ông, có dịp trực tiếp nói chuyện với
ông, gửi thư ngỏ trao đổi với ông, tôi hỏi ông: Ông làm gì với trách nhiệm Tổng
Bí thư, đứng đầu Bộ Chính trị và Ban Bí thư, vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương,
trong Đảng ủy Bộ Công An… những cơ quan có quyền lực trùm lấp cả nước, thế mà
ai đó bán từng bộ phận của đất nước, những bộ phận quan trọng vào bậc nhất như
cảng biển, sân bay ông lại không biết thì ông sẽ phải trả lời trước Dân, trước
Đảng sao đây? Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 sắp tới đây ông có đứng ra nhận
trách nhiệm trước Trung ương, trước toàn Đảng về chuyện tày đình này không đây?
Ông Tổng Bí thư vừa nghiêm khắc đưa ra phương châm “kỷ luật
một người cứu muôn người” tại Ban Kiểm tra Trung ương hôm qua, tốt quá! Xin hãy
kỷ luật thật nặng người chịu trách nhiệm về việc bán từng bộ phận của đất nước
trong quy trình bán nước này thật nặng để cứu đất nước, cứu muôn dân.
Phải nói thêm rằng, bán từng bộ phận quan trọng nhất của đất
nước là cụ thể và dễ kiểm nhận, rồi từ đó mới sẽ dẫn tới một khái niệm “bán nước”
mang tính khái quát cao hơn của cả một “quy trình”, nhưng lại không cụ thể bằng.
Không cụ thể để có thể “bắt được tay day được cánh” hay đo đếm
ngay được, nhưng lại là cái biểu tượng tệ hại và đáng ghê tởm, gây phẫn nộ nhất
trong tâm thế Việt Nam, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam có lương tri.
Chuyện này lại luôn luôn cực kỳ nhạy cảm trong nỗi lòng mỗi người dân Việt. Cho
nên, nhìn suốt tiến trình lịch sử của đất nước ta, những kẻ bán nước dù với bất
cứ lý do, động cơ nào cũng đều ra sức lẩn tránh sự ghê tởm và phẫn nộ đó bằng mọi
thủ đoạn từ trắng trợn cho đến tinh vi.
Nhưng lưới trời lồng lộng vì ý dân là ý trời, “trăm năm bia
đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ!”. Búa rìu của dư luận sẵn sáng
giáng xuống đầu lũ bán nước. Vì thế, chúng ra sức tìm mọi cách lẩn tránh.
Thế, tránh bằng cách nào? Theo cách chuột chui vào bình vì
đã nhận được lời khuyên ném chuột chớ để vỡ bình ư? Nhưng cả lũ chuột đều chui
vào bình, thì vì cắn xé nhau giành chỗ cũng đủ làm cho bình đổ nhào, vỡ tan từng
mảnh!
Ngày 25.2.2017
T. L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét