Phần III
Xây dựng thể chế dân
chủ Việt Nam - Những đặc thù cần chú trọng
I/ Những thách thức đặc thù Việt Nam trong
quá trình xây dựng thể chế dân chủ
Việt Nam là một nước có thể chế chuyên
chính, độc tài toàn trị Cộng sản. Nhưng có sự khác biệt hơn so với Liên Xô và
các quốc gia Đông Âu trước khi sụp đổ, đó là Việt Nam đã có một thời gian khá
dài hội nhập với thế giới. Nền kinh tế đã tiếp xúc, làm quen với kinh tế thị
trường, các quan hệ quốc tế đã rộng mở, nhận thức của người dân có rất nhiều
thay đổi từ tiến trình này.
Tuy nhiên, về khía cạnh chính trị, nhà cầm quyền Việt
Nam đã thành công trong việc độc quyền tồn tại một đảng Cộng sản giữ vai trò
lãnh đạo đất nước. Cũng chính vì sự độc quyền về chính trị này, với sự can thiệp
của chính trị vào tất cả các lĩnh vực (dù cách thức can thiệp có khác trước
đây), nền kinh tế Việt Nam đã phá sản hoàn toàn, xã hội Việt Nam bị dồn nén
cùng cực và sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Việt Nam đã hiển hiện trước mắt. Hậu
quả của việc chỉ có một đảng chính trị (đảng Cộng sản Việt Nam) thật là tai hại
trong hoàn cảnh chế độ sụp đổ không có lực lượng chính trị thay thế.
1/ Thách thức lớn - không có lực lượng
chính trị thay thế
Chúng ta đều biết rằng, khi một chế độ sụp
đổ, nếu có lực lượng chính trị thay thế, xã hội sẽ giảm bớt được rất nhiều sự hỗn
loạn, không có khoảng trống quyền lực, một hoàn cảnh nguy hiểm đưa tới thời cơ
cho những kẻ cơ hội chính trị. Bối cảnh về các lực lượng chính trị tại Việt Nam
hiện nay, chỉ có một đảng chính trị, là đảng Cộng sản, các lực lượng đối lập có
một số tổ chức ở hải ngoại nhưng chưa xây dựng được cơ sở tại Việt Nam (về cơ bản).
Khi sự sụp đổ chế độ xảy ra, đảng Cộng sản là thủ phạm đưa đất nước vào ngõ cụt
dẫn tới sự sụp đổ chắc chắn không còn vai trò, tiếng nói gì (với tư cách một lực
lượng chính trị) trong việc xây dựng chế độ mới. Các đảng phái hải ngoại, dù có
chuyển toàn bộ bộ máy từ nước ngoài về trong nước, cũng không thể kịp xây dựng
thành một tổ chức hoàn chỉnh để có thể thay thế vai trò của đảng Cộng sản Việt
Nam. Người dân trong nước, trừ một số người tham gia và quan tâm tới vấn đề đấu
tranh dân chủ, phần lớn còn chưa biết tới sự tồn tại của các tổ chức, đảng phái
đó. Chính vì vậy, cần có một thời gian để xây dựng các tổ chức chính trị. Hệ quả
của việc không có một lực lượng chính trị thay thế, là các lực lượng chính trị,
các tổ chức đảng phái sau này được lập ra, hoặc được đưa từ nước ngoài về (để
hoàn thiện) có vai trò như nhau, không có lực lượng nào, tổ chức nào chiếm ưu
thế. Điều này đòi hỏi một quá trình làm việc chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh,
những hoạt động rất xa lạ với phần lớn người dân trong nước.
2/ Phần lớn người dân bất ngờ khi chế độ sụp
đổ, cả xã hội chưa có sự chuẩn bị cho việc thay đổi chế độ.
Không chỉ có những người dân thường, kể cả
những người đấu tranh dân chủ, rất nhiều người không nghĩ, và không tin chế độ
Cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Đây là điều hết sức bình thường,
ngoài việc sự kiện sụp đổ của một chế độ là vấn đề quá lớn, quá phức tạp thì
nguyên nhân khiến cho phần lớn người dân bất ngờ và không nghĩ có sự thay đổi
chế độ trong thời gian ngắn tới đây là do:
- Hàng ngày, hàng giờ người dân tiếp xúc với
hệ thống công quyền của chế độ, vẫn thấy nó hùng vĩ và không có gì thay đổi so
với trước đây.
- Người dân bị bưng bít thông tin về những
vấn nạn kinh tế, xã hội, chính trị. Về kinh tế, số liệu không chính xác và bị
bóp méo, cũng như cách giải thích né tránh khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của
nền kinh tế. Về xã hội, chính trị, họ không biết được quá trình cướp đất của
quan chức, của nhà nước đã tạo ra đội ngũ dân oan hàng triệu người trên khắp mọi
miền đất nước. Sự đàn áp và dồn nén không trừ một tôn giáo nào khiến cho hàng
triệu tín đồ phẫn nộ. Sự nhu nhược của nhà cầm quyền trước sự thôn tính và bành
trướng của Trung Quốc trên biển Đông và trên khắp đất nước khiến cho bao thanh
niên, trí thức căm phẫn, uất hận…tất cả là một sự dồn nén đến cùng cực của xã hội.
- Điều quan trọng nhất, rất nhiều người
không nghĩ và không tin có sự thay đổi chế độ trong tương lai gần là do người
ta không nhìn thấy lực lượng nào, tổ chức nào thách thức sự lãnh đạo của đảng Cộng
sản Việt nam. Người ta luôn nghĩ, muốn thay đổi một chế độ thì phải có lực lượng
thách thức, đánh đổ đảng Cộng sản và thể chế hiện thời. Người ta không biết,
không nghĩ và không tin rằng, chế độ Cộng sản Việt Nam có thể sụp đổ chỉ giản dị
là hết tiền để nuôi, duy trì hệ thống khổng lồ, giúp cho đảng Cộng sản độc quyền
lãnh đạo đất nước. Người ta không biết rằng, sự cạn kiệt nguồn lực của chế độ
đã đến cùng lúc với một nền kinh tế hoang tàn, niềm tin đổ vỡ hoàn toàn, cùng sự
dồn nén cùng cực của rất nhiều giai tầng trong xã hội. Chính vì vậy mà tuy sống
trong khó khăn, cảm nhận sự bức bối, nhưng phần lớn người dân không nghĩ rằng sẽ
có sự sụp đổ của chế độ trong tương lai gần.
Đây là thách thức không nhỏ, cho quá trình
xây dựng thể chế dân chủ. Bởi vì người dân quá bất ngờ, sự hoảng loạn sẽ diễn
ra rất khốc liệt gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình xây dựng thể chế dân
chủ trong tương lai.
3/ Phần lớn người Việt nam chưa có kỹ năng
làm việc tập thể một cách tự nguyện, các tổ chức, lực lượng chính trị chưa có
kinh nghiệm hợp tác, đối thoại trong những công việc chung.
Như chúng ta biết, người dân Việt Nam có
nhiều phẩm chất tốt, cao đẹp, nhưng cũng có nhiều nét tính cách hạn chế, khiếm
khuyết. Một trong số hạn chế lớn là khả năng, kỹ năng làm việc chung, tập thể.
Có nhiều người gọi khiếm khuyết này, ở phạm vi hẹp, là kỹ năng làm việc theo
nhóm. Ở quy mô lớn hơn, gọi là văn hóa tổ chức. Đây đúng là hạn chế, khiếm khuyết
lớn trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Thực ra, từ trước
tới nay, người Việt Nam chúng ta cũng vẫn làm việc trong nhiều tổ chức khác
nhau. Tuy nhiên, đó là việc làm có tính chất bắt buộc (tham gia các đoàn thể),
làm việc ở cơ quan. Nhưng những công việc xây dựng thể chế dân chủ, tính chất tự
nguyện rất rõ nét và chiếm ưu thế, thì chúng ta yếu và thiếu trầm trọng kỹ năng
cũng như kinh nghiệm làm việc. Mặt khác, do chưa có các tổ chức chính trị, đoàn
thể tự nguyện, nên chúng ta cũng rất hạn chế trong việc phối hợp, hợp tác và đối
thoại giữa các tổ chức, đơn vị đoàn thể với nhau cho các công việc chung. Ở hải
ngoại, chúng ta cũng có một số tổ chức, đoàn thể nhưng kinh nghiệm qua nhiều
năm cho thấy, hiệu quả phối hợp, làm việc chung và đối thoại rất hạn chế và
khiêm tốn.
Đi sâu vào nghiên cứu lịch sử, chúng ta biết
rằng, trước đây tổ tiên của chúng ta, thậm chí đời ông của chúng ta hiện nay,
cũng không phải không có kinh nghiệm làm việc chung. Chúng ta có “lệ làng” ở tất
cả các vùng nông thôn, được tổ chức và điều hành hoạt động rất hay và hiệu quả.
Nhưng đến thời kỳ Cộng sản, những nét tính cách, văn hóa đó bị phá hủy vì bị
đánh đồng với văn hóa phong kiến. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Sau khi mở cửa,
hội nhập, những nét văn hóa và lễ hội đang dần được phục hồi, đi kèm theo là
cách thức làm việc chung, tự nguyện đang được gây dựng trở lại.
Trên đây là khái quát những khó khăn,
thách thức đặc thù trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai.
Còn rất nhiều thách thức đặc thù Việt Nam trong việc này, như tâm lý bầy đàn
khá đậm nét của người Việt Nam, thói háo danh, hư danh và sĩ diện cũng rất trầm
trọng. Hạn chế về những kiến thức xã hội, nhân văn và quản trị xã hội trong môi
trường giáo dục Việt nam cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình xây dựng nền
dân chủ.
II/ Những vấn đề cần quan tâm, thực hiện
khi chế độ thay đổi
Qua nhiều phân tích về tình hình kinh tế,
chính trị, xã hội của Việt Nam, rất nhiều người nghĩ rằng, sẽ có một sự sụp đổ
và sụp đổ toàn diện của chế độ diễn ra trong một tương lai rất gần. Khi chế độ
sụp đổ, việc quan trọng nhất là ổn định tình hình. Vấn đề chuẩn bị xây dựng thể
chế dân chủ đã trình bày ở các phần trên, chúng ta không nhắc lại.
Chúng ta có thể hình dung ra, một số nét
cơ bản của tình hình, khi chế độ sụp đổ toàn diện, không có lực lượng chính trị
nào thay thế ngay được. Khi một chế độ sụp đổ, nhất là chế độ cộng sản với biết
bao nhiêu cơ quan, chủ thể trong hệ thống, đồng thời phần lớn người dân bị bất
ngờ sẽ xảy ra một tình trạng hoảng loạn vô cùng rộng lớn. Sự dồn nén, căm phẫn
của người dân, sự lo sợ hoảng loạn của các quan chức cộng sản... sẽ tạo ra một
bức tranh cực kỳ hỗn loạn và lộn xộn. Đây là hậu quả trực tiếp của việc ngăn chặn,
không cho ra đời bằng mọi giá một lực lượng đối lập có tổ chức của nhà cầm quyền
Việt Nam. Như vậy, tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ chắc chắn xảy ra cho tới
khi các tổ chức, hội nhóm bàn bạc và lập ra được một Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính
phủ lâm thời. Quãng thời gian này, chúng ta không thể biết được có thể xảy ra
những điều gì, và hầu như chưa ai có thể can thiệp được, trừ sự can thiệp của đội
quân gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, nếu tình trạng hỗn loạn dẫn tới bạo loạn.
Như vậy, khi xuất hiện Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời thì nhiệm vụ
quan trọng nhất là vấn đề ổn định tình hình.
Muốn ổn định tình hình, chúng ta cần phải
xác định được thành phần và nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn, và giải quyết theo
các nguyên nhân đó. Có hai nhóm người chính, có thể là chủ thể dẫn tới sự hỗn
loạn, đó là người dân với sự dồn nén, bức xúc và căm thù chế độ khi chế độ sụp
đổ sẽ có hành động trả thù. Việc trả thù sẽ kéo dài và lan rộng nếu như họ nghĩ
rằng không có luật pháp và không ai ngăn cản và chế tài được họ. Như vậy ở đây,
cần có những luật lệ khẩn cấp, cần có những lực lượng ngăn cản sự trả thù một
cách tự phát của người dân. Ngoài ra, sẽ có các cá nhân lợi dụng tình hình để
cướp phá, hôi của cũng cần được ngăn chặn. Một thành phần khác, đó là những cựu
quan chức, công nhân việc chức của chế độ cũ, nhất là công an và an ninh lo sợ
sự trả thù, lo sợ cho tương lai có thể tập hợp nhau lại để đi theo hướng chống
lại chính quyền mới để (họ nghĩ) có thể tự bảo vệ mình. Việc này đặt ra một nhiệm
vụ cấp thiết, cần có một chương trình, chính sách minh bạch, rõ ràng, công bằng
và nhân bản đối với đối với những người thuộc chế độ cũ.
Tóm lại, để ổn định tình hình, Ủy ban khẩn
cấp hoặc Chính phủ lâm thời cần thực hiện những công việc thiết yếu sau.
- Công khai mục đích, mục tiêu, thời hạn của
Ủy ban khẩn cấp hoặc Chính phủ lâm thời.
- Công khai tiến trình, thời gian biểu,
các bước chuẩn bị để xây dựng thể chế dân chủ.
- Công bố chính sách đối với những người,
những vụ việc liên quan tới chế độ cũ.
- Công bố, thông báo và có lực lượng hỗ trợ
ngăn chặn các hành vi quá khích có tính chất trả thù cá nhân hoặc gây bạo loạn.
Về cơ bản, với những gương mặt có uy tín,
một chương trình hành động rõ ràng, minh bạch, có thời hạn đồng thời có phương
án giải quyết các vấn đề nổi cộm được thông tin tới toàn thể người dân, sẽ là
cơ sở để ổn định tình hình trong lúc nước sôi lửa bỏng./.
(Hết)
Hà Nội, ngày 24/02/2017
N.V.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét