Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

15121 - Hồng Kông: Vì sao Trung Quốc cố duy trì "Một quốc gia, hai chế độ"?



Hồng Kông: Vì sao Trung Quốc cố duy trì
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga họp báo ngày 22/07/2019.REUTERS/Edgar Su


Sau khi được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông trở thành « Đặc khu hành chính » hoạt động theo mô hình « một quốc gia, hai chế độ ». Hơn 7 triệu dân Hồng Kông tiếp tục được sống trong một hệ thống chính trị, lập pháp, tư pháp, kinh tế và tài chính độc lập với các định chế ở Hoa lục trong vòng 50 năm, cho tới năm 2047.

Mô hình « một quốc gia, hai chế độ » được ông Đặng Tiểu Bình đề xuất vào năm 1984 nhằm trấn an người dân Hồng Kông rằng cựu thuộc địa của Anh sẽ không bị ép theo chế độ Cộng sản, đồng thời ông cũng cho rằng giữa Hoa lục và Hồng Kông sẽ không còn khác biệt trong nửa đầu thế kỷ XXI.
Trên giấy tờ, Hồng Kông là một nền dân chủ. Luật Cơ bản, « Hiến pháp » của đặc khu, quy định người đứng đầu cơ quan hành pháp được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, từ khi trở về với Trung Quốc, ngày bầu cử tự do chưa bao giờ được ấn định và luôn bị trì hoãn. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), giữ chức trưởng đặc khu từ ngày 01/07/2017, là do một Hội đồng Bầu cử bầu lên. Hội đồng này gồm 1.200 đại biểu của « các khối xã hội-nghề nghiệp » ủng hộ Bắc Kinh.
Tương tự, Hội đồng Lập pháp (LegCo) gồm 70 nghị sĩ, nhưng chỉ có 40 người trong số họ được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu, 30 người còn lại được lựa chọn theo cách có lợi cho những người thân Bắc Kinh.
Chính những điểm này là nguyên nhân dẫn đến phong trào Dù vàng 2014 của sinh viên đòi lại quyền tự chủ cho Hồng Kông, thậm chí là đòi độc lập. Tiếp theo, từ năm 2016, đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc và đưa sang Hoa lục các chủ nhà sách « dám » phát hành sách báo chỉ trích lãnh đạo của chính quyền trung ương.
Dự luật dẫn độ sang Trung Quốc - được đưa ra thảo luận lần đầu tiên vào tháng Ba và theo dự kiến, vòng hai vào tháng Sáu và vòng ba vào trước cuối năm 2019 - có lẽ là giọt nước làm tràn ly, vì nó cho thấy chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào chính trị của đặc khu. Có lẽ Bắc Kinh đã không lường trước được phản ứng ngày càng mạnh mẽ, thậm chí là quá khích, của xã hội dân sự Hồng Kông, đặc biệt là ở giới trẻ.  
Liệu chính quyền Bắc Kinh đang từng bước xóa bỏ quy chế « một quốc gia, hai chế độ » mà Hồng Kông được hưởng ? Hồng Kông còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chính trị Trung Quốc hay không ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist Hồng Kông, trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.
RFI : Thưa giáo sư Jean-Pierre Cabestan, từ phong trào Dù vàng đến làn sóng biểu tình chống luật dẫn độ sang Trung Quốc đang diễn ra ở Hồng Kông, lực lượng nòng cốt của những cuộc biểu tình này là ai ? Sau khi phong trào của sinh viên bị bóp nghẹt năm 2014, vì sao phong trào đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông lại vực dậy được và huy động được đông đảo người tham gia như vậy ?
GS. Jean-Pierre Cabestan : Phong trào Dù vàng là một phong trào ủng hộ mở rộng nền dân chủ ở Hồng Kông. Và đó là một phong trào đầy tham vọng vì họ muốn thuyết phục chính quyền Bắc Kinh chấp nhận bầu cử phổ thông đầu phiếu, nhưng đặc biệt là dân chủ hoàn toàn cho các định chế của đặc khu.
Còn phong trào biểu tình gần đây chống lại dự luật dẫn độ là một phong trào phản đối sự lấn lướt, sự vi phạm về những quyền tự do mà Hồng Kông đang có. Đó là một phong trào chống đối một đạo luật có nguy cơ hạn chế quyền tự do chính trị của người dân Hồng Kông, bằng cách đe dọa dẫn độ họ sang Trung Quốc vì những tội mà chế độ Bắc Kinh có thể cáo buộc họ, trong khi những người này đang sống ở Hồng Kông và hưởng quyền tự do chính trị lớn hơn nhiều so với ở Hoa lục.
Tóm lại, đó là một phong trào phản kháng một đạo luật « giết chết tự do ». Vì thế, theo tôi, phong trào này có quy mô rộng hơn và cũng vì thế mà thu được nhiều thành công hơn. Và ngược lại, chính quyền Bắc Kinh, cũng như chính quyền đặc khi đã phải chùn bước và đình chỉ dự luật này.
Dự luật dẫn độ sang Hoa lục vi phạm quy chế « một quốc gia, hai chế độ ». Phải chăng chính quyền Bắc Kinh có ý định xóa bỏ cơ chế này ?
Tôi không nghĩ là Bắc Kinh có ý định chấm dứt mô hình « mộtquốc gia, hai chế độ » mà ông Đặng Tiểu Bình đề xướng vào đầu những năm 1980. Điều mà Bắc Kinh muốn làm, trước hết có thể là thắt chặt hơn, hạn chế một số thói quen ở Hồng Kông mà có khả năng tác động đến Hoa lục. Tôi nghĩ đến trường hợp bắt cóc một số nhà sách, xuất bản những tác phẩm chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc cách đây vài năm.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn tránh để Hồng Kông trở thành một nơi trú ẩn cho những cán bộ hoặc những doanh nhân Hoa lục bị kết một số tội « tế nhị », đặc biệt là tham nhũng. Một ví dụ là vụ bắt cóc một doanh nhân rất nổi tiếng ở Trung Quốc, tên là Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua), do mật vụ Trung Quốc tiến hành. Người này đã bị đưa về Hoa lục. Hiện tại, nhà tỉ phú đang bị giam giữ để chờ đưa ra xét xử. Đây mới là điều mà Bắc Kinh muốn thực hiện ở Hồng Kông.
Theo tôi, Bắc Kinh không muốn chấm dứt quy chế « một quốc gia, hai chế độ » mà muốn tránh để Hồng Kông trở thành một căn cứ khuynh đảo chính trị đối với Trung Quốc, - đây chính là lằn ranh đỏ -, có nghĩa là tránh để Hồng Kông trở thành một mầm mống đối lập chính trị ngay ở Trung Quốc thông qua các tổ chức xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ, những phái chính trị, báo chí và những tổ chức tôn giáo ở Hồng Kông. Chính vì lý do này, chính quyền Bắc Kinh từng bước kiểm soát báo chí, truyền thông và những hiệu sách ở Hồng Kông.
Và hiện giờ, phần lớn giới xuất bản và truyền thông bị Bắc Kinh kiểm soát; hoặc hoạt động vì lợi ích của Bắc Kinh, dù không phải là kiểm soát toàn bộ, vì vẫn còn một số tờ báo độc lập, như Apple Daily… Nhưng phải nói là phần lớn báo chí bị kiểm soát, kể cả nhật báo lớn South China Morning Post, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba.
Cộng đồng quốc tế có tác động như thế nào trong việc duy trì mô hình « một quốc gia, hai chế độ » được áp dụng ở Hồng Kông ?
Việc duy trì « mộtquốc gia, hai chế độ », đối với chính phủ, thậm chí đối với bản thân ông Tập Cận Bình và với đảng Cộng sản Trung Quốc, còn là uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế. Họ có thể và có quyền chấm dứt quy chế này một sớm một chiều, nhưng như vậy, hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng, đó là còn chưa kể đến hậu quả liên đới đến Đài Loan.
Vì thế, họ tiếp tục duy trì nguyên tắc « mộtquốc gia, hai chế độ » nhưng thắt chặt kiểm soát và điều hành một cách trực tiếp hơn đặc khu này thông qua Văn phòng Liên lạc với Trung Quốc. Văn phòng này đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề quản lý lãnh thổ. Có ý kiến cho rằng Văn phòng Liên lạc với Trung Quốc là một dạng chính phủ « bis », đứng sau bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền Hồng Kông.
Dù sao, phải nói rằng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga và chính quyền Hồng Kông không đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào mà lại không tham vấn Văn phòng Liên lạc này. Và Văn phòng Liên lạc với Bắc Kinh ngày càng can thiệp sâu hơn vào việc quản lý hàng ngày đặc khu Hồng Kông.
Hồng Kông còn giữ vai trò quan trọng như trước hay không đối với nền kinh tế Trung Quốc ?
Trước tiên, về mặt kinh tế, vai trò của Hồng Kông trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm tương đối ấn tượng : Từ 17% đến 20% trước khi được trao trả cho Trung Quốc cách đây 22 năm, xuống còn khoảng 3% GDP của Trung Quốc ngày nay. Nhưng đây lại là 3% quan trọng vì một số lý do.
Theo tôi, không chỉ trọng lượng kinh tế, mà còn phải nhấn mạnh đến vị trí tài chính quan trọng của Hồng Kông. Thực vậy, hơn 1.300 công ty nước ngoài đặt trụ sở cấp vùng của họ ở Hồng Kông vì đây là một thành phố mở với một đồng tiền có tỉ giá cố định theo đồng đô la Mỹ. Vốn được tự do lưu thông ở Hồng Kông, trong khi ở Hoa lục, điều này là không thể được.
Vì thế, Hồng Kông vừa có các công ty đa quốc gia, mà cũng có cả những công ty hoạt động vì lợi ích của Trung Quốc, vì họ được hưởng một số quy định linh hoạt không có ở Hoa lục. Tất cả những công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc, từ xây dựng đến khai thác dầu khí, như Alibaba, Hoa Vi... đều có chi nhánh ở Hồng Kông, qua đó, họ có thể phát triển được hoạt động ra quốc tế nhanh hơn là từ trụ sở ở Hoa lục. Vì thế, Hồng Kông phục vụ cho lợi ích của Hoa lục rất nhiều.
Đó là còn chưa kể đến vị trí của thị trường chứng khoán, cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc gọi vốn từ khắp nơi trên thế giới và hiện giờ người Trung Quốc thích gọi vốn ở Hồng Kông hơn là ở New York, nơi có những quy định nghiêm ngặt hơn, chặt chẽ hơn liên quan đến thông tin về các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vì thế, Hồng Kông phục vụ lợi ích cho rất nhiều người.
Về mặt lợi ích cá nhân, rất nhiều người giầu Hoa lục, từ giới kinh doanh đến những người có chức có quyền trong bộ máy quyền lực, kể cả gia đình nhà ông Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo, đều có một phần tài sản, một phần gia đình, các căn hộ, công ty ở Hồng Kông. Thực ra, các công ty này không đăng ký ở Hồng Kông mà ở những thiên đường thuế như Cayman, Virgin... Đây là những lợi ích thực sự mang tính cá nhân của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tôi không nghĩ là họ muốn chấm dứt những điều kiện dễ dàng như vậy. Vì thế, Hồng Kông vẫn sẽ còn đóng vai trò quan trọng. Không ai ở Hoa lục muốn giết con gà đẻ trứng vàng.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist, Hồng Kông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét