Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

15178 - Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, ngôi sao sáng mãi trong ‘Đêm Dày Lấp Lánh’





HÀ NỘI, Việt Nam (NV)– Tiến sĩ, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, một trong những con chim đầu đàn của phong trào đấu tranh dân chủ vừa qua đời lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật, 28 Tháng Bảy, 2019, thọ 84 tuổi. Tin do gia đình của ông đưa lên trang Facebook mà lúc sinh thời ông sử dụng. Ngay sau đó, mạng xã hội của những nhà đấu tranh dân chủ, đồng nghiệp, bạn bè của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang đều chia sẻ những dòng phân ưu.
Facebook của cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên kể lại: “Từ những năm phong trào đấu tranh còn ít người dám dấn thân, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, Giáo Sư Hoàng Minh Chính, cựu đại tá công an Lê Hồng Hà và nhà văn Hoàng Tiến được xem như ‘bộ tứ dân chủ’ gây không ít khó khăn, khổ sở cho nhà cầm quyền. Cũng giống như ông Hoàng Minh Chính và ông Lê Hồng Hà, ông Nguyễn Thanh Giang cũng từng phải đi tù để trả giá cho những việc làm can đảm và chính nghĩa của ông. Tôi có nhiều kỷ niệm với nhà hoạt động gạo cội này và may mắn được ông yêu thương, chỉ bảo ngay từ những bước chân đầu tiên chập chững bước vào con đường chông gai này.”
Nay, ông là người cuối cùng trong “bộ tứ dân chủ” ra đi.
Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang là ai?
Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang sinh năm 1936 tại Thanh Hóa.
Nhiều người biết đến ông trước hết là một nhà khoa học chuyên ngành Địa Chất-Vật Lý. Trong tài liệu về ông có cho biết ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên trong ngành địa chất được một tổ chức khoa học kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc mời trình bày về Cổ Từ Học trong hội thảo quốc tế ở Kuala Lumpur, Malaysia, năm 1980.
Đến khi ông về hưu năm 1996, mọi người bắt đầu biết đến ông là một nhà bất đồng chính kiến với những hoạt động nhằm cống hiến cho nền dân chủ.
Từ năm 1996, ông viết nhiều bài chỉ trích đảng Cộng Sản Việt Nam. Năm 1999, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt và giam giữ ông gần ba tháng.
Sau khi ra tù, ông sống tại Hà Nội và luôn bị những biện pháp canh giữ gắt gao của chế độ, thậm chí còn bị công an trấn áp tinh thần bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.



Cuốn “Đêm Dày Lấp Lánh” của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang. (Hình: boxitvn)

Người tin vào sức mạnh dân chủ
Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang kiên quyết theo đuổi phong trào đấu tranh dân chủ với phương pháp hoàn toàn bất bạo động, thể hiện qua những bài viết, thư từ góp ý gửi đến các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước. Ông sử dụng văn phong ôn hòa, chỉ rõ những tình trạng tiêu cực trong bộ máy công quyền, nêu ra những đường lối ông cho là cần phải thay đổi để dẫn đến nền dân chủ. Một trong những cách đó là tờ nguyệt san Tổ Quốc do ông và cựu Đại Tá Phạm Quế Dương thành lập, là nơi đăng tải bài viết của các nhà đấu tranh trong nước.
Tờ báo Tổ Quốc ra đời cũng là lúc Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang, cựu Đại Tá Phạm Quế Dương và kể cả những cây viết góp phần trong đó bị sách nhiễu, đàn áp nặng nề, vì họ nói lên những điều không bao giờ đăng tải trên “truyền thông lề phải.”
Năm 2002, nhân thời điểm cựu Đại Tá Phạm Quế Dương – cựu tổng biên tập Tạp Chí Lịch Sử Quân Sự thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự, Tổng Cục Chính Trị của Cộng Sản Việt Nam – đảng viên 50 năm quyết định trả thẻ đảng để phản đối việc ông Trần Độ bị khai trừ đảng (4 Tháng Giêng, 1999), ký giả Phan Dũng của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang. Những chia sẻ của ông 17 năm trước đã cho thấy một viễn cảnh rất rõ của chế độ độc đảng Việt Nam. Không những thế, những lời của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang nói với ký giả Phan Dũng ngày đó như một lời tiên tri về vận mệnh của những tri thức đảng viên Cộng Sản mấy mươi năm sau.
Ông nói với ký giả Phan Dũng, ông đã đến thăm ông Trần Độ và nói với ông Độ: “Nên xem việc bị khai trừ là bình thường và ông Trần Độ thế nào thì cứ là ông Trần Độ như thế thì ông Độ sẽ đi vào lịch sử.”
Đó chẳng phải lời tiên tri hay sao?
Theo ký giả Phan Dũng, ông Giang còn cho biết là ông đã nói cho giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam biết là họ đừng làm thế (khai trừ ông Độ), chẳng có lợi gì cho họ, vì chỉ gây nhiều buồn phiền cho những người có thiện tâm, những người sống có tình có nghĩa vì ai cũng đều thấy việc ông Trần Độ lên tiếng cho tự do dân chủ là xứng đáng làm.
“Năm đó, ông Giang bảo, chẳng riêng ông Phạm Quế Dương trả thẻ đảng, mà còn có đảng viên khác đã tỏ sự ủng hộ ông Trần Độ, nhưng ông Giang không quan tâm lắm đến vấn đề này, vì trong đất nước ta hiện nay còn có nhiều vấn đề khác đáng lo hơn nhiều, ông Trần Độ chỉ là một trong những vấn đề nổi cộm trong nhiều vấn đề khác phải lo lắng. Đó là các vấn đề ai cũng biết rồi. Vụ Thái Bình, Uy Nỗ, những thứ ấy đều là vấn đề cả chứ. Tôi hỏi ông Giang rằng trong tình huống hiện nay, liệu Việt Nam có yếu tố Gorbachev không, có yếu tố Ceaucescu không, có yếu tố Thiên An Môn không, ông trả lời rằng ‘chả cái gì rõ cả, nhưng cái gì cũng có, cũng giống như ngành địa chất học, nhiều chỗ tưởng không có mỏ, nhưng nếu huy động đủ trí tuệ thì có khi nó bùng nổ thành cuộc cách mạng đại kỹ nghệ.’ Ông Giang cười sảng khoái nhận định như thế,” ký giả Phan Dũng kể lại.
“Nhưng nếu huy động đủ trí tuệ thì có khi nó bùng nổ thành cuộc cách mạng đại kỹ nghệ.” Lời của ông chẳng phải lời tiên tri về vận mệnh dân tộc ngày nay hay sao?
Không biết vì đâu, hay từ đâu, mà khoảng gần 20 năm trước, ông đã có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh nhân dân, sức mạnh dân chủ.
Trả lời ký giả Phan Dũng về vận mệnh nước Việt sẽ ra sao nếu giới lãnh đạo vẫn độc tài không đi theo xu hướng chung của nhân loại? Liệu có như tình hình Indonesia, như Kosovo? Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang nói: “Tuy lo âu thế nhưng tôi vẫn tin vào nhân dân tôi, tin ở dân tộc tôi. Đến một lúc nào đó thì sẽ có một sự phát biểu chính thức của quần chúng, của nhân dân, của dân tộc. Lúc bấy giờ tôi cho là nhân dân tôi sẽ quyết định. Đến giờ phút quyết định, khi nhân dân thấy rằng không còn chịu đựng được nữa, thì nhân dân sẽ có biện pháp của nhân dân.”



Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang và nhạc sĩ Tạ Trí Hải bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 29 Tháng Mười, 2016. (Hình: Facebook Giang Nguyễn)

Đã một lần “chào vĩnh biệt”
Năm 2013, ông trải qua một cơn tai biến. Từ đó sức khỏe của ông kém dần đi. Bốn năm sau đó tuy có thể tự mình đi lại đôi chút, nhưng bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, vợ của ông, cho biết ông vẫn trong tình trạng quên trước, nhớ sau.
“Thỉnh thoảng ông lại nói cho tôi liều thuốc mê, cho tôi đi hiến tạng,” bà nói.
Năm 2017, có một thời điểm tưởng như ông đã phải rời cõi tạm, khi mà lúc đó, chính ông đã có đôi lời gửi đến mọi người và ông gọi đó là “chào vĩnh biệt” do sức khỏe không được tốt.
Khi ấy, qua một video do dịch giả Phạm Nguyên Trường ghi lại và đưa lên mạng xã hội, bằng giọng nói rất yếu, đôi mắt thì nhắm nghiền, Tiến Sĩ Phạm Thanh Giang chia sẻ với những người ở lại: “Tôi ân hận là tôi còn một cuốn nữa, đó là tuyển tập, tuyển lựa chiến tranh, tập hợp tất cả những ý kiến của tôi phát biểu với đất nước, đóng góp với đảng Cộng Sản Việt Nam cho nhân dân để làm sao để cho có những bạn trẻ thu thập lại…”
“Tất cả những ý kiến ấy, có những ý kiến không đúng, không thực tế nhưng chắc chắn có nhiều ý kiến đúng đắn. Tôi mong các thế hệ sau hãy nghiên cứu những cái đó để có thể sử dụng những gì có ích cho nhân dân, cho đất nước, thì tôi về bên thế giới bên kia tôi thấy sung sướng lắm,” ông nói.
Trong giây phút thập tử nhất sinh, lời chào vĩnh biệt mọi người của ông khi đó chính là ông nhắc đến đứa con tinh thần của mình, cuốn sách “Đêm Dày Lấp Lánh” – tâm huyết trong suốt những năm tháng đấu tranh của Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Giang. Ông viết về những gương mặt dấn thân cho một nền dân chủ.
“Mong rằng cuốn sách ấy sẽ đi vào lịch sử. Thế hệ sau sẽ nhớ lại chúng ta đã làm những gì? Chúng ta đã có những người kiên cường chứ không phải những người đê hèn chỉ biết sống cho cá nhân mà không biết hy sinh cho xã hội,” ông nói.
“Tôi thương yêu mọi người. Tôi yêu quý mọi người. Cho tôi xin được gửi lời chào vĩnh biệt mọi người.” Lời chào tạm biệt mọi người ba năm trước của ông nay đã được thực thi.
Nhưng, những người trẻ, thế hệ dấn thân tiếp nối sẽ thực hiện ước nguyện ông để lại. Họ sẽ tiếp tục đi theo con đường ông đang đi, theo như lời của nghệ sĩ Kim Chi từng nói: “Trở thành những ngôi sao lấp lánh trong đêm dày Cộng Sản.”
Lễ viếng sẽ được tổ chức vào 7 giờ 30 phút sáng đến 9 giờ 30 phút sáng 2 Tháng Tám, 2019 (tức ngày 2 Tháng Bảy năm Kỷ Hợi) tại nhà tang lễ Cầu Giấy, phố Trần Vĩ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét