Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

15184 - Căn cứ Incirlik : Lá chủ bài của Ankara để đối đầu Mỹ



Máy bay tiếp nhiên liệu trên không Boeing KC-135R Stratotanker của Không lực Hoa Kỳ hạ cánh xuống căn cứ Incirlik ở Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/08/2015.REUTERS/Murad Sezer

Các lời đe dọa cũng như quyết định gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo chiến đấu cơ F-35 của Mỹ không làm Ankara rúng động. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua từ Nga có thể sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2020. Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại dám đương đầu với Mỹ trong vụ này ?
Theo nhận định của giới chuyên gia, câu trả lời nằm ở căn cứ quân sự Incirlik. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga đang đặt Hoa Kỳ và thậm chí khối NATO trong thế khó xử. Bởi vì, theo đô đốc James Stavridis, cựu tư lệnh lực lượng liên minh tại châu Âu, trên kênh MSNBC hồi tháng 8/2018, « mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một sai lầm địa chính trị vô cùng to lớn ».
Là thành viên của khối NATO từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm một vị trí chiến lược quan trọng cho phép kiểm soát lối vào vùng Biển Đen và trong một chừng mực nào đó có thể ngăn cản tầu chiến Nga thâm nhập Địa Trung Hải.
Khối NATO tận dụng được địa thế của Thổ Nhĩ Kỳ, mà căn cứ không quân Incirlik là một trường hợp điển hình. Đây là nơi cất giữ các loại bom hạt nhân chiến thuật B-61, đóng giữ một vai trò quan trọng trong các chiến dịch liên quân chống quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tại đây còn có hệ thống radar báo động tân tiến Kurecik.
Quyết định gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo F-35 chỉ là một biện pháp tối thiểu. Trên thực tế, Hoa Kỳ có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế mà luật CAATSA [Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act] cho phép. Theo luật này, Washington được quyền trừng phạt những quốc gia nào ký hợp đồng mua vũ khí của Nga.
Thế nhưng, khả năng này khó có thể áp dụng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlüt Çavuşoğlu không ngần ngại đe dọa : « Nếu Hoa Kỳ thể hiện thái độ thù nghịch đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ đi trước một bước ». Một cách cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trục xuất lính Mỹ ra khỏi căn cứ Incirlik hoặc hạn chế tầm hoạt động của hệ thống radar Kurecik.
Trang mạng thông tin về quân sự Opex360 nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ dùng căn cứ Incirlik để dọa dẫm các đồng minh. Năm 2017, vào lúc căng thẳng giữa Ankara và Berlin gia tăng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm các nghị sĩ Đức đến thăm nhóm binh sĩ Đức có mặt tại căn cứ này để vận hành 6 chiếc tiêm kích Panavia Tornado ECR trong khuôn khổ liên quân chống thánh chiến.
Trong bối cảnh này, căn cứ Incirlik đối với Mỹ và các nước thành viên khác của NATO là một vấn đề thật sự nan giải. Nên chăng đã đến lúc tìm một căn cứ khác để thay thế Incirlik ? Đây cũng chính là điều Lầu Năm Góc đang trăn trở từ nhiều tháng nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét