Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

15138 - Thủ tướng nói ‘không’ là… có đó!




Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dài 51 cây số, nối đoạn cao tốc Bến Lức – Trung Lương đến Mỹ Thuận) lại có thể phải ngưng thi công thêm một lần nữa. Công trình xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công vào giữa năm 2009, dự trù sẽ hoàn tất vào giữa năm 2013.
Lúc đầu, Công ty Phát triển đường cao tốc BIDV được chọn làm nhà đầu tư nhưng chưa đâu vào đâu thì BIDV tuyên bố bỏ cuộc. Dự án bị bỏ dở cho tới năm 2015 thì Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận được chỉ định làm nhà đầu tư và dự trù sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Về nguyên tắc, chỉ những doanh nghiệp hội đủ cả năng lực tài chính lẫn năng lực thi công, giàu kinh nghiệm trong quản trị - điều hành mới được chọn làm nhà đầu tư của những dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lại không có tiền nên năm 2016 thì ngưng.
Tổng vốn đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ 14.678 tỉ đồng giảm xuống còn 9.668 tỉ đồng nhưng thời hạn hoàn thành được kéo ra đến đầu năm 2020.
Giữa năm 2017, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tái khởi động. Từ thời điểm này, thỉnh thoảng công chúng lại nghe hình thức đầu tư dự án là PPP (hợp tác công tư).
PPP là cách gọi chung về quan hệ hợp tác giữa chính quyền và tư nhân trong việc phát triển hạ tầng giao thông. PPP có nhiều hình thức khác nhau: Hình thức gần như ai cũng biết là BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao, tư nhân tự thiết kế, thi công rồi khai thác, sau khi thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi thì giao công trình cho chính quyền).
Các hình thức còn lại là BT (xây dựng – chuyển giao, tư nhân thiết kế, thi công, khi hoàn thành thì giao công trình cho chính quyền). BLT (xây dựng – cho thuê – chuyển giao, tư nhân bỏ vốn xây dựng rồi cho chính quyền thuê công trình, khi chính quyền trả đủ vốn lẫn lãi thì giao hẳn công trình cho chính quyền), BTO (xây dựng – chuyển giao – vận hành, tư nhân và nhà nước cùng thiết kế, cùng xây dựng, sau đó chuyển giao cho chính quyền quản lý nhưng tư nhân được phép khai thác trong một thời gian nhất định)...
Khi Dự án xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tái khởi động, hệ thống công quyền Việt Nam bảo rằng, dự án được thực hiện theo hình thức BOT. Tên của doanh nghiệp được chỉ định làm nhà đầu tư cũng thể hiện điều đó. Tuy nhiên chẳng hiểu chính quyền xem xét, lựa chọn nhà đầu tư thế nào mà Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lại không tự lo được vốn, việc thực hiện dự án lúc “on”, lúc “off”?
Chuyện thỉnh thoảng thiên hạ nghe bảo rằng, Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương là dự án PPP hình như có liên quan đến chuyện nhà đầu tư dù vẫn là Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (theo tên, phải lo toàn bộ vốn cho đúng kiểu) nhưng vì đột nhiên chuyển cách gọi thành rất chung chung là PPP nên mới có việc chính quyền tỉnh Tiền Giang mạnh dạn lấy 228 tỉ từ công khố tạm ứng cho… nhà đầu tư. Bộ GTVT mạnh miệng kiến nghị chính phủ đề nghị Quốc hội “phân bổ 500 tỉ từ ngân sách để hỗ trợ Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương” (1)…
***
Ai cũng biết cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng dù rất nhiều người muốn biết song chắc chắn là rất ít người được cho biết tại sao Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn giữ được vai trò nhà đầu tư chính khi dự án đình trệ?
Cả khu vực ĐBSCL đã chờ nhà đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương ban cho cơ hội phát triển kinh tế - xã hội đã gần năm năm. Lúc Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận được giao trách nhiệm tái khởi động dự án, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL vẫn như chỉ mành treo chuông do nhà đầu tư chọn nhầm đối tác!
Khi mời gọi Công ty Yên Khánh tham gia liên danh, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận không dè cổ đông quan trọng nhất trong việc bơm tiền giúp hoàn tất công trình lại “tanh banh, té bẹ” vì sân trước của Công ty Yên Khánh là Công ty Thái Sơn đột nhiên bị… cày xới tung tóe!
Sự kiện Thượng tá Đinh Ngọc Hệ, hỗn danh Út Trọc - sản phẩm của quân đội nhân dân anh hùng, lẫy lừng một thời gian dài từ Bắc vào Nam - đột nhiên rớt từ đỉnh xuống đáy đã khiến toàn bộ hệ thống phía sau Út Trọc mất sân, làm nhiều dự án BOT, dự án BT được giới thiệu đều vì “quốc kế, dân sinh” cùng chao đảo như cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương (2).
Năm ngoái, Công ty Thái Sơn rồi Công ty Yên Khánh trở thành bia cho hệ thống bảo vệ pháp luật ngắm bắn, việc thi công cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương thêm một lần chựng lại. Đó không phải là yếu tố duy nhất khiến hệ thống ngân hàng cảm thấy bất an. Những ngân hàng hứa cho nhà đầu tư vay tiền còn lạnh gáy vì mức lãi mà nhà đầu tư phải trả cho các khoản xin vay là 10,8%/năm, trong khi phương án tài chính xác định khả năng khả năng của nhà đầu tư chỉ có thể đáp ứng ở ở mức 7,8%/năm. Hệ thống ngân hàng hiện đang đòi, vốn tự có của nhà đầu tư phải chiếm 30% giá trị suất đầu tư, chính quyền phải dùng ngân sách hỗ trợ tối thiểu 20,5% tổng mức đầu tư (2.575 tỉ).
Vào thời điểm này, chỉ có 6/25 gói thầu trên công trường xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương đang được thực hiện. Nhiều nhà thầu đã ngưng làm việc vì không được nhà đầu tư trả tiền. Một số nhà thầu không còn tiền trả lương cho công nhân. Đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa kêu gọi các nhà thầu ngồi xuống, cùng xác định “điểm dừng kỹ thuật” để “sẵn sàng tổ chức triển khai lại khi điều kiện thuận lợi”.
***
Khu vực ĐBSCL – vựa lúa giúp Việt Nam duy trì an ninh lương thực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm nhờ gạo và các loại nông sản, thủy sản xuất cảng – trở thành nổi tiếng vì chỉ bị buộc đóng góp chứ không được nhận lại gì. Do thiếu đầu tư thỏa đáng cả về hạ tầng lẫn giáo dục, y tế cộng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ĐBSCL tụt dần xuống đáy, cư dân khu vực này lũ lượt bỏ xứ tha phương cầu thực.
Trước những chỉ trích kịch liệt về cách đối xử thiển cận, bạc bẽo đối với ĐBSCL, năm 2017, chính quyền Việt Nam công bố nghị quyết về “phát triển bền vững ĐBSCL”. Tháng 6 vừa qua, chính quyền Việt Nam tổ chức đáng giá hai năm thực hiện nghị quyết này. Kết quả vẫn chỉ là chưa có gì đáng kể. ĐBSCL tiếp tục tiến dần đến chỗ suy kiệt cả về nhân lực lẫn các nguồn lợi tự nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, tiếp tục thề thốt: Ít nhất hai năm/lần, chính phủ sẽ mở diễn đàn có quy mô lớn để thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển ĐBSCL chứ không phải chỉ đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện sẽ giống như người ta nói “nước đổ lá môn”, chảy tuồn tuột hết. Thêm một lần nữa, ông Phúc thề hàng năm sẽ xem những gì đã nói, đã làm đến đâu và phải làm gì thêm để phát triển ĐBSCL, giúp khu vực này ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” (3).
Thực tế thì sao? Hãy nhìn vào Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tại sao vẫn tìm mọi cách (lấy 228 tỉ từ công khố tạm ứng cho nhà đầu tư, xin Quốc hội trích 500 tỉ từ ngân sách hỗ trợ nhà đầu tư) giúp Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận duy trì tư cách nhà đầu tư, thậm chí với xu hướng như đã thấy, không loại trừ khả năng chính phủ còn trích thêm 2.575 tỉ từ ngân sách để hệ thống ngân hàng yên tâm cho nhà đầu tư vay thêm tiền?
Khi phần lớn tiền rót vào Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tiền từ công quỹ và tiền vay ngân hàng chứ không phải nội lực của nhà đầu tư, khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là huyết mạch, tạo ra, mở thêm cơ hội cho ĐBSCL phát triển, tại sao chính quyền không đầu tư trực tiếp vào dự án này mà vẫn để cả khu vực quan trọng như ĐBSCL phụ thuộc vào Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang toan tính xác định “điểm dừng kỹ thuật”?
Tuyên bố của ông Phúc: Không để những gì đã hứa hẹn, cam kết với cư dân ĐBSCL như “nước đổ lá môn” – chỉ mới cách nay hai tháng. Chẳng lẽ Thủ tướng cũng õng ẹo, cũng đẩy đưa, cũng toan tính lừa tình, trộm cắp niềm tin, nên nói không là… có, chắc chắn là có và Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chính là bằng chứng sinh động nhất?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét