Gia đình ông Hà Văn Nam kêu cứu khi ông bị bắt hồi tháng 3/2019
Một tòa án cấp huyện ở tỉnh Bắc Ninh hôm 30/7 tuyên ông Hà Văn
Nam phải chịu phạt 30 tháng tù giam về tội "gây rối trật tự công
cộng". Cùng
bị kết án với ông Nam trong phiên sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân huyện Quế Võ là 6
người khác trong độ tuổi từ 26 đến 35, với các bản án từ 18 đến 36 tháng tù
giam.
Theo
quan sát của VOA, ông Hà Văn Nam, 38 tuổi, được nhiều người sử dụng mạng xã
hội, một số nhà hoạt động, nhà báo, luật sư xem như một “người hùng” chống các
trạm thu phí BOT bẩn, đồng thời họ cho rằng ông bị “vu oan” khi nhà chức trách
bắt và kết tội ông.
Khái
niệm BOT bẩn nói đến các trạm thu phí đặt sai vị trí hoặc thu phí quá thời hạn
cho phép tại các đoạn quốc lộ hoặc cây cầu được các công ty tư nhân xây mới
hoặc cải tạo theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).
Vụ
việc đẩy ông Nam vào tù xảy ra hôm 31/12/2018, tại trạm thu phí BOT Phả Lại. Ở
thời điểm đó, báo chí nhà nước nói khoảng 100 người cùng nhiều ô tô đã “tập
trung dừng đỗ” tại trạm, “không chịu mua vé”, đồng thời “cản trở” các phương
tiện giao thông khác.
Thông
tin được đưa ra tại tòa hôm 30/7 nói rằng hành động của nhóm 7 người, trong đó
có ông Nam, khiến đơn vị vận hành phải mở thanh chắn cho xe cộ đi qua miễn phí,
còn gọi là “xả trạm”, dẫn đến “thất thoát hơn 23 triệu đồng”.
Ngoài
hình phạt tù, tòa còn buộc các bị cáo bồi thường khoản tiền thất thoát và các
bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo một bản tin của trang Soha.
Theo
nội dung phần bào chữa mà VOA nhận được, luật sư Hà Huy Sơn, đại diện pháp lý
cho ông Nam, lập luận rằng ông “không có lỗi cố ý trực tiếp gây ra ách tắc giao
thông” trên quốc lộ, cũng như không “gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc
gây đình trệ hoạt động công cộng”. Tuy nhiên, phần bào chữa của luật sự Sơn
không tác động được đến phán quyết của tòa.
Một
số nhà hoạt động và những người thường lên tiếng vì tiến bộ xã hội ở Việt Nam,
như các ông bà Võ Văn Tạo, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hồ Nhật Thành, Trần Quốc
Quân, Phạm Đoan Trang, đã lập tức lên tiếng phản đối bản án tòa vừa tuyên. Theo
thông tin VOA có được, họ cho rằng đó là bản án “bất công, oan khuất” do chế độ
“công an trị” áp đặt.
Một
ngày trước phiên tòa, hôm 29/7, Ân xá Quốc tế đăng trên trang web của họ một
thông cáo trong đó nói ông Hà Văn Nam “bị cho là tội phạm” chỉ đơn giản vì ông
“phê phán tình trạng tham nhũng tràn lan” qua việc phát video trực tiếp trên
mạng (live stream) được nhiều người theo dõi.
Khẳng
định ông Nam chỉ tường thuật “một cách ôn hòa” về những gì ông coi là “bất
công, vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam”, Ân xá Quốc tế đưa ra lời
kêu gọi chính quyền phải “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Nam,
cũng như “bãi bỏ mọi cáo buộc chống lại ông ấy".
Công
chúng Việt Nam trở nên bất bình từ mùa hè 2017, sau khi những cuộc điều tra độc
lập của một số nhà báo và người dân cho thấy một số trạm BOT đặt sai vị trí
hoặc thu phí quá thời hạn cho phép.
Nhiều
tài xế đã phản kháng tại nhiều nơi trên cả nước bằng cách dùng tiền lẻ để trả
phí, hoặc dừng xe tranh cãi với nhân viên thu phí, gây ùn tắc.
Các
hoạt động phản đối nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí trên các quốc lộ nóng lên
thêm trong tháng 2/2019, cả tại hiện trường lẫn trên mạng xã hội.
Đầu tháng 3, một đơn vị công an tỉnh
Bắc Ninh bắt giữ ông Hà Văn Nam và những người liên quan. Kể từ đó đến nay,
theo quan sát của VOA, thông tin về các động thái chống BOT bẩn hầu như không
thấy xuất hiện trên mạng xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét