Nguyên Tổng bí thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh (phải) ngồi trên một chiếc ghế chạm trổ đầu rồng màu vàng tại nhà riêng khi đã về hưu.
Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật
Truyền thông trong nước, vào ngày 29 tháng 7 cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Nẵng và chuyển hồ sơ qua Tòa án Nhân dân quận 4 để tiến hành xét xử sơ thẩm về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh sờ soạng bé gái trong tháng máy hồi đầu tháng 4 vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm vì vụ án này được tòa thông báo xử kín phiên sơ thẩm và tòa án đã trả hồ sơ hai lần, yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong cùng ngày 29 tháng 7, truyền thông quốc nội cũng loan tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ba ngày trước đó đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản thi hành kỷ luật với hình thức tương tự hồi đầu tháng 6.
Báo giới cho biết ông Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải bị kỷ luật là do vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Hồi tháng 11/2018, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải kết hôn với ca sĩ Đinh Hiền Anh, Hoa hậu doanh nhân quý bà thế giới năm 2017 gây xôn xao dư luận, qua chia sẻ của “cô dâu” về mối tình nồng ấm của hai người kể từ khi “chú rể” còn chưa ly dị vợ.
Hai trường hợp vừa được báo chí đăng tải không phải là cá biệt, mà theo công bố của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra trong ngày 26 tháng 7 thì có hơn 100 tổ chức Đảng và xấp xỉ 8.000 đảng viên vi phạm bị kỷ luật trong nửa đầu năm 2019. Trong đó, một tổ chức đảng và 13 đảng viên cả đương chức lẫn nghỉ hưu thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 ghi nhận tăng 21 trường hợp cán bộ tham nhũng so với cùng kỳ năm 2018 và tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật và xử lý hình sự lên đến hơn 70 người. Đây là con số được thống kê nhiều nhất so với các khóa gần đây.
Đài RFA nêu thắc mắc của không ít người cho rằng có phải chiến dịch “đốt lò” do ông Nguyễn Phú Trọng phát động nhằm làm trong sạch hóa nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thật sự không mang lại hiệu quả nào, bởi vì số cán bộ bị xử lý, kỷ luật ngày càng đông hơn trước và được nghe Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:
“Là một người quan sát, tôi thấy rằng là đến lúc ông Trọng lên giữ chức Tổng Bí thư thì ông có ý định như thế nhưng đã quá muộn rồi vì nhiều quá. Thứ hai, điều nghiêm trọng hơn là như chúng ta còn nhớ thời ông Nguyễn Sinh Hùng còn làm Chủ tịch Quốc hội thì trong cuộc họp ở Quốc hội, trước thắc mắc của nhiều người liên quan vấn đề cán bộ tham nhũng, hư hỏng nhiều quá và cần phải xử lý, ông Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời tỉnh queo rằng ‘Nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc’. Tức là câu nói đó cho chúng ta thấy được hàm ý về hiện tượng cán bộ hư hỏng, tham nhũng, lạm quyền, có hành vi đạo đức không tốt…là chiếm gần tuyệt đại bộ phận.”
Quan điểm của Nhà báo Võ Văn Tạo nhận được sự đồng tình của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà chúng tôi có dịp trao đổi. Họ cho rằng tình trạng cán bộ hư hỏng, tha hóa tại Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn và nghiêm trọng hơn. Một trường hợp điển hình được các nhà quan sát tình hình Việt Nam đề cập đến là nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Hình ảnh ông ngồi trên chiếc ghế “ngai vàng” tại tư gia trong lúc tiếp đón Ban Bí thư Trung ương Đoàn đến chúc Tết Ất Mùi, hồi trung tuần tháng 2 năm 2015 gây phẫn nộ trong dư luận.
Mặc dù Báo Tiền Phong Online gỡ bỏ tấm hình ông Nông Đức Mạnh ngồi trên ghế gỗ chạm rồng vàng ngậm ngọc xanh, nhưng những lời bình luận về bức hình đó vẫn luôn được nhắc tới mỗi khi dân tình có dịp nói về đời sống của các quan chức Việt Nam như, với đồng lương nhận lãnh thì làm sao ông Nông Đức Mạnh có thể sắm được cơ ngơi và bộ ghế gỗ trị giá hàng tỉ đồng hay bản thân ông từng học Trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội và từng du học tại Học viện Lâm nghiệp Leningrad, ở Liên Xô thì làm thế nào ông Nông Đức Mạnh có thể sử dụng bộ bàn ghế gỗ như thế khi nạn phá rừng bị lên án gay gắt tại Việt Nam? Riêng về đời sống cá nhân của ông Nông Đức Mạnh, cư dân mạng còn bàn tán qua những tờ đơn của con gái ông Nông Đức Mạnh là bà Nông Thị Bị Liên kiện Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Huyền Trâm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức đảng viên trong mối quan hệ tình cảm với cha của bà.
Sẽ còn tiếp diễn
Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại phiên họp thứ 16 diễn ra vào hôm 26 tháng 7 nhận định, công tác xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý là “không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể đó là ai” trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông Trọng cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức về nhiều mặt ngày càng đông thì sẽ dẫn đến nguy cơ Đảng không còn uy tín lãnh đạo đối với nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vậy, các nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng việc tiến hành xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên hiện nay chỉ là bề nổi nhằm xoa dịu dư luận như nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi nhận định rằng:
“Kỷ luật cái quái gì khi cách chức mà người ta không còn giữ nữa, còn phạm những tội tày đình nhưng trong Đảng cũng chỉ đến mức cảnh cáo thôi. Không thể nói vì như thế rồi để có thể làm trong sạch và làm vững mạng Đảng được đâu. Tôi không tin.”
Còn về mặt xử lý pháp luật các trường hợp cán bộ, đảng viên, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:
“Thứ nhất luật pháp dường như đã lờn với họ, không đủ hiệu lực để làm họ sợ để họ tuân thủ luật pháp nữa. Thứ hai là sự coi thường pháp luật của những cán bộ đó. Cán bộ công nhân viên chức đúng ra phải là những người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ luật pháp nhưng họ lại không thực hiện được thì điều này đáng trách là trách từ cả hai phía.”
Không chỉ tình trạng cán bộ, đảng viên ngày càng bị dư luận phản ánh lạm quyền, tha hóa, hư hỏng mà dân chúng thường nói cửa miệng là “quan chức coi trời bằng vung” ở khắp các địa phương và diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước Việt Nam. Một hiện tượng khác cũng được ghi nhận là tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều người có những việc làm sai trái, nhưng lại vênh vang có mối quan hệ với giới chức chính quyền nhằm đe dọa những ai dám tố cáo họ. Trường hợp mới nhất gây xôn xao trong dư luận là vụ việc hành khách Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Đất Lành, đi trên một chuyến bay vào sáng ngày 28 tháng 7 đã có hành vi sờ soạng nữ hành khách đi cùng chuyến bay và còn đe dọa có mối quan hệ rộng với quan chức khi tiếp viên trưởng đến xử lý vụ việc.
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam nói với RFA rằng những hậu quả đã và đang diễn ra trong xã hội Việt Nam như vậy là do nguồn cơn bản chất của Đảng Cộng sản lãnh đạo, bởi vì Đảng độc quyền và tuyệt đối lãnh đạo sẽ dẫn đến sự suy thoái và tình trạng cán bộ, đảng viên suy đồi đạo đức, tha hóa, hư hỏng là lẽ đương nhiên.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hồi trung tuần tháng 3 năm 2017 từng lên tiếng với báo giới rằng cần phải có chương trình hành động về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn sự tha hóa của cán bộ như ông đã đề cập từ Hội nghị cuối cùng của Trung ương khóa VIII để chuẩn bị cho Đại hội IX của Đảng nhưng đáng tiếc là cơ chế kiểm soát quyền lực quá chậm.
Trong khi đó, cả người dân trong nước và dư luận quốc tế kêu gọi Việt Nam cần thay đổi đa nguyên chính trị và cho truyền thông hoạt động độc lập thì mới có thể kiểm soát được quyền lực và giải quyết được gốc rễ của vấn đề và đất nước mới được tiến bộ, phát triển. Còn bằng ngược lại thì như nhận định của Nhà báo Võ Văn Tạo rằng:
“Việt Nam vẫn cứ độc tài, độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản thì tôi cho rằng tham nhũng, xấu xa hư hỏng về đạo đức…sẽ còn dài dài và việc làm của ông Trọng, tôi cho rằng như dã tràng xe cát Biển Đông.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét