Viet-studies - Nguyễn Văn Chiến
Xin nói ngay rằng “Thủ tướng lạ” không hề là… “Thủ tướng Trung Quốc”. Nhớ mấy năm xưa khi các ngư phủ miền Trung liên tiếp bị tấn công, đánh đập, thậm chí bị bắt cóc đòi tiền chuộc mà báo chí nhà nước ta vẫn ê a một điều “tàu lạ”, hai điều “tàu bạn”; đã có người lên Internet nhắc nhở sử gia – đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nên ý tứ, cụ thể là đổi tên thành… Dương Lạ hay Dương Bạn cho khỏi phạm húy!
Từ “lạ” ở trên chỉ ngụ ý là vượt ra ngoài “common sense”, tức ra ngoài phạm vi của nghĩa lý hay trí khôn thông thường.
Diễn tả bằng tiếng lóng bình dân là “ở cõi trên”, hay “ở trển xuống”.
Trong bài “Cãi với ông thủ tướng người xứ cãi” tôi từng nhắc đến cái lạ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là khâu đột phá quan trọng”. Cụm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” này đã được mang ra nhét vào lỗ tai của dân ta từ mấy chục năm rồi mà thủ tướng cũng lấy đó làm “khâu đột phá quan trọng” được, có lẽ ngài là loại người không sống trên cõi trần!
Gần đây, VnExpess ngày 4.7.2019, VnExpress thông tin “Thủ tướng: ‘Các Bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất’”: “Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến tháng 6, ngày 4/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nền kinh tế đã đi qua 6 tháng đầu năm 2019 trong bối cảnh tình hình thế giới trì trệ, có nhiều bất trắc, biến động nhanh.”
Cũng đúng là logic của người cõi trên!
“Tình hình thế giới trì trệ” có nghĩa là thế giới hầu như bất động, tiến rất chậm.
Thủ tướng vừa mới bảo thế giới “trì trệ”, tiến rất chậm, chư kín kẽ răng lại nói tiếp rằng thế giới “biến động nhanh”, lối suy nghĩ của thủ tướng quả là vượt ra ngoài khuôn khổ của không – thời gian.
Ta sống trong không gian ba chiều, cỡ thiên tài như Albert Eistein thêm chiều nữa là thời gian, bảo là thời gian co rút, không gian trương nở.
Cỡ thủ tướng nhà mình cũng vậy!
Sau đây tôi xin cập nhật một bản tin nói lên tính chất “vượt tầm cỡ” của thủ tướng.
Ngày 30.6.2019 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ “trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (NXP) tại lễ hội hoa sen Nhật – Việt tại thành phố Kinokawa, tỉnh Wakayama, Nhật Bản, sáng 30/6” .
Tôi xin đi thẳng vào bài:
1. NXP: Xin Kính thưa ngài Ni-cai Tô-si-hi-rô, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam,
Thưa Ngài Ni-xa-ca I-ô-xi-nô-bư, Thống đốc Tỉnh Oa-ca-i-a-ma,
Thưa Ngài Na-ca-mư-ra Xin-di, Thị trưởng thành phố Ki-nô-ca-oa,
Thưa Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam,
Thưa các bạn Nhật Bản và Việt Nam thân mến
Góp ý và nhận xét:
– Nói sai, nói thừa!
– Trừ nước CHXHCN Việt Nam có bí thư tỉnh ủy và chủ tịch (phó bí thư), còn lại đứng đầu một tỉnh thì gọi là tỉnh trưởng. Người Anh dùng từ Governor nhưng áp dụng cho từng “không gian địa lý” khác nhau, khi dịch sang tiếng Việt ta phải xem đất đặt tên: đứng đầu ngân hàng quốc gia thì nói là thống đốc, đại diện vua hay nữ hoàng cai quản một thuộc địa ta gọi là toàn quyền, đứng đầu một tỉnh thì gọi là tỉnh trưởng!
– Thị trưởng là quan chức đứng đầu một thành phố. Nói “Thị trưởng Ki-nô-ca-oa” là đủ, sao thủ tướng lại nói thừa là “Thị trưởng thành phố Ki-nô-ca-oa”?
2. NXP: Hôm nay, tôi rất vui mừng cùng đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đến thăm tỉnh Oa-ca-i-a-ma (Wakayama) tươi đẹp, hiếu khách và tham dự Lễ hội Hoa sen Việt Nam – Nhật Bản, sự kiện đặc biệt dành riêng cho loài hoa cao quý được cả người dân Việt Nam và Nhật Bản yêu thích.
Góp ý và nhận xét:
– Việt Nam có câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùi mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Sau này có thêm câu (của Bảo Định Giang?):
Tháp Mười đẹp nhất có sen
Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ
Tuy nhiên “tình cảm” của người Việt với hoa sen nay đã khác.
– Thứ nhất, thủ tướng cần biết là từ lâu giới trí thức – nghệ sĩ Bắc Hà (thí dụ nhà thơ Phùng Quán) rất dị ứng với sự “thanh cao” loại “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hoa sen như thế đã vong ân, bội nghĩa, sống nhờ bùn mà làm cao, làm sang, khinh miệt bùn lầy.
– Thứ hai, thủ tướng cũng cần biết thêm là bấy lây nay hoa sen đã bị mang ra “trây” còn tồi tệ hơn bùn, thể hiện qua những tấm hình mà thỉnh thoảng dân mạng Việt Nam la ó trên mạng xã hội:
– Mượn từ “lon” mà Cục trưởng văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương e ngại rằng sẽ có người “thêm mũ, thêm dấu”, tôi xin diễn tả bức hình trên:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần “lon” mà chẳng hôi tanh mùi “lon”
(Cũng xin mở ngoặc thắc mắc luôn một thể: Không rõ bà cục trưởng kia có thấy ngại cho “thuần phong mỹ tục” hay không khi thủ tướng đi đông đi tây, đặc biệt là đi các nước nói tiếng Anh và được giới thiệu là “Mr Phúc” hay “Sir Phúc”?
3. NXP: Càng đặc biệt hơn khi tại Lễ hội này, chúng ta được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen Việt Nam, đã vượt muôn vạn dặm đường từ đất nước Việt Nam xa xôi để cùng khoe sắc với hoa sen Oga Nhật Bản, những bông hoa bừng nở từ hạt giống đã ngủ yên hai nghìn năm trong quá khứ. Đó là một minh chứng sống động cho sự kết nối tinh thần sâu sắc, bền chặt giữa nhân dân hai nước chúng ta.
Góp ý và nhận xét:
– Đây là kiểu suy diễn “ngụy nhân quả” (post hoc fallacy). Việt Nam có hoa sen, Nhật cũng có hoa sen, hạt sen Nhật ngủ yên 2000 năm rồi nay thứ giấc, việc này có quan hệ gì đến “sự kết nối tinh thần sâu sắc, bền chặt giữa nhân dân hai nước”?
– Theo thủ tướng thì hoa sen Nhật mới được nhân giống trở lại từ những hạt giống hai ngàn tuổi, tức từ lúc Thiên Chúa Giáng Sinh, lúc nước ta còn nằm trong tình trạng Bắc thuộc. Thế mà sự “sự kết nối tinh thần sâu sắc, bền chặt” ấy không đủ để ngăn cản nạn nói năm 1945, tức mới hơn nửa thế kỷ trước!
4. NXP: Thưa Quý vị,
Giao lưu giữa hai nước chúng ta bắt đầu từ hơn 1000 năm trước, được xây dựng, vun đắp qua quá trình giao lưu nhân dân, văn hóa, thương mại và cả những mối lương duyên đầy ý nghĩa. Giữa đất nước, con người Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, cũng có nền văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống, coi trọng chuẩn mực đạo đức; người dân cần cù, chăm chỉ, kiên cường.
Từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp Việt Nam (nay là Miền Trung) đã tới Nara, kinh đô Nhật Bản để giới thiệu Âm nhạc của Lâm Ấp thời đó và tới nay vẫn được biểu diễn trong những nhạc khúc của nhã nhạc Nhật Bản, đó cũng là sự đồng điệu về thanh âm với Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam ngày nay. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17, rất nhiều thương thuyền của Nhật Bản đã cập cảng Hội An, một thương cảng quốc tế phồn vinh ở miền Trung Việt Nam thời kỳ đó, khu phố Nhật Bản cũng dần được dựng lên tại Hội An, mà giờ đây là điểm đến yêu thích của muôn vạn du khách Nhật Bản.
Góp ý và nhận xét:
– Đây không chỉ là “ngụy nhân quả” mà là ngụy biện toàn phần. Thủ tướng dựng lên một chuyện không có để rút ra một kết luận chỉ để sướng miệng.
– Đến Nhật đọc diễn văn nhắc chuyện “nhà sư ‘Việt Lâm Ấp’ đến Nhật từ thế kỷ thứ tám”, thủ tướng làm ta nhớ tới hai ông tổng thống Mỹ. Trong bài nói chuyện tại Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 17.11.2000, nguyên Tổng thống Bill Clinton đã viện dẫn rằng hai thế kỷ trước ông Thomas Jefferson đã mang giống lúa Việt về trồng tại nông trại của mình ở Virginia, sau đó (1945) đến lượt Hồ Chí Minh nhắc tên và mượn ý bản tuyên ngôn dân quyền của ông Jefferson trong bài Tuyên ngôn độc lập. Mười sáu năm sau ông Obama cũng nhắc lại câu chuyện thú vị này khi đến Hà Nội.
– Tuy nhiên câu chuyện mà thủ tướng nêu ra chỉ khiến ta nhớ đến lời của Hồ Quý Ly “Đọc được bao nhiêu sách mà dám nói chuyện Hán Đường”!
– Vương quốc Lâm Ấp (Lin Yi) tồn tại từ khoảng năm 192 đến khoảng năm 605, tức cuối thế kỷ thứ 2 đến đầu thế kỷ thứ 7, thế mà ít nhất là một trăm năm sau (thế kỷ thứ 8) lại có “nhà sư Phật Triết của Lâm Ấp Việt Nam”!
– Nhưng Lâm Ấp là tiền thân của vương quốc Champa. Đó là vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam, ly khai từ quận Nhật Nam thời Bắc thuộc. Vương quốc này được xem là giai đoạn khởi đầu cho lịch sử Champa, mở đầu cuộc gặp gỡ giữa văn minh Trung Hoa và Ấn Độ tại bán đảo Đông Dương, Lâm Ấp sử dụng chữ Phạn làm ngôn ngữ chính thức.
– Ta không thể đánh giá cả một đảng qua hành vi hủ hóa của một ông bí thư chi bộ, và ta không thể vì một cố ông bí thư tốt người tốt nết mà ca ngợi cái đảng “thoái hóa, biến chất”! Cứ chấp nhận vương quốc Lâm Ấp kéo dài đến thế kỷ thứ 8 đi, nhưng chuyện một nhà sư như thế đâu đáng để nêu lên cái gọi là “quá trình giao lưu nhân dân, văn hóa, thương mại và cả những mối lương duyên đầy ý nghĩa”?
– Khi khai thác câu chuyện trên để minh họa cho tình hữu nghị Việt-Nhật, thủ tướng đã hóa phép cho thời gian giãn ra thêm hơn một thế kỷ! Nhưng chưa đủ, thủ tướng còn tiện thể cho “không gian địa lý” trương nở, phình to ra, chạy dài mấy vĩ tuyến.
– Thử ôn lại xem lãnh thổ Việt trong thời kỳ đầu lập quốc cho đến khi nhà sư “Lâm Ấp Việt Nam đi Nhật” đã bể dâu như thế nào:
i. Đầu tiên là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng trong truyền thuyết bao gồm đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã và đồng bằng Sông Lam.
ii. Thời Bắc thuộc lãnh thổ Việt (bị Tàu đô hộ) kéo dài tớ Hà Tĩnh hiện tại. Thỉnh thoảng các quan cai trị Giao Chỉ tiến đánh Chiêm Thành, chiếm thêm vùng đất từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân nhưng không giữ được lâu vì Chiêm Thành thường phản công giành lại.
iii. Việt Nam giành lại độc lập sau khi Ngô Quyền đánh bại nhà Nam Hán vào năm 938. Lãnh thổ lúc này gồm khu vực Bắc Bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, tương đương với lãnh thổ Văn Lang.
iv. Tới tận năm năm 1069, Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành và sau đó vua Chiêm cắt vùng đất phía bắc dâng cho Đại Việt. Vùng đất này thuộc tỉnh Quảng Bình và một phần Quảng Trị. Năm 1306 Chế Mân dâng châu Ô và chậu Rí cho vua Trần Anh Tông để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân của Đại Việt, đó nam Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế ngày nay.
– Như vậy thì khái niệm “nhà sư Lâm Ấp – Việt Nam” của Thủ tướng không chỉ buồn cười mà còn sặc giọng “bành trướng”. Vì lẽ bọn “bành trướng bá quyền Bắc Kinh” cũng sử dụng những luận điểm tương tự để dạy con trẻ chúng nhằm chúng hiểu rằng lãnh thổ Việt Nam hiện tại vốn là của Tàu.
– Nói theo thủ tướng thì lịch sử nước Mỹ không chỉ gói gọn trong “hơn hai trăm năm văn hiến” mà cũng như nước ta, có dư bốn ngàn năm! Vì trước khi người Mỹ đặt chân đến ở đây đã có “người da đỏ American”, tương tự “nhà sư Lâm Ấp Việt Nam”.
5. NXP: Quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện và ngày nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đã trưởng thành trên tầm cao mới Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (3/2014).
Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, giao lưu hợp tác giữa các địa phương của Nhật Bản, trong đó có tỉnh Oa-ca-i-a-ma với Việt Nam đang phát triển tốt đẹp mang tính bổ trợ cho nhau và đạt nhiều kết quả thực chất về du lịch dịch vụ, nông nghiệp hiện đại, đã thành công trong mô hình phát triển bền vững. [..]
Góp ý và nhận xét:
Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn của ta. Việt Nam và Nhật hiện đang bị Trung Quốc tranh giành lãnh thổ nên việc trở thành “đối tác chiến lược” là điều dễ hiểu. Chuyện là vậy, nhung thôi, cũng đừng quá câu nệ mà chấp nhận lời tán dương hoa mỹ của ông thủ tướng.
– Nhưng “quan hệ hữu nghị… mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện” kiểu gì mà chỉ một “tỉnh Oa-ca-i-a-ma” cũng có thể quan hệ với nước Việt Nam như thể là một quốc gia độc lập?
6. NXP: Ca dao truyền thống Việt Nam có câu:
Hoa sen sao khéo giữ màu,
Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai
Xin được mượn câu ca dao mang đầy ý nghĩa này thay cho lời chúc Lễ hội hoa sen thành công tốt đẹp và chúc quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, quan hệ giữa Việt Nam và tỉnh Oa-ca-i-a-ma ngày càng phát triển mạnh mẽ, tình thân sâu sắc thắm màu, không phai.
Xin cảm ơn.
Góp ý và nhận xét:
– Nói “ca dao” là được rồi, sao phải chêm “ca dao truyền thống”?
– Nói thế, chắc là ông thủ tướng thừa nhận sự tồn tại của “ca dao phi truyền thống” thí dụ như mấy câu từ Bắc truyền vào Nam sau năm 1975:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ có đài có xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ có nhà, có ti vi
Mỗi người làm việc bằng tư
Để cho cán bộ ăn dư, có thừa
Mỗi người làm việc bằng năm
Để cho cán bộ chúng nằm chúng ăn!
Tóm lại thủ tướng không chỉ “lạ” mà còn sai, sai rất nhiều.
Nói về sai thì trên đời này có nhiều kiểu sai: sai do sơ suất, sai do dốt, sai do ngu.
Kỳ tới tôi sẽ bàn thêm về chuyện này!
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-6-19
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét