Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

15202 - Bãi Tư Chính : Việt Nam nên để ngỏ khả năng kiện Trung Quốc




    Báo chí Việt Nam lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính.Copy d'écran
Sau khi cho tàu khảo sát Đại Dương Địa Chất 8 được tàu hải cảnh và dân quân hộ tống vào thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, phía nam Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa từ đầu tháng 07/2019, Trung Quốc vẫn bám trụ tại chỗ, bất chấp những tuyên bố công khai phản đối và lời kêu gọi rút đi của Việt Nam.
Theo ghi nhận của giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Mỹ, người đầu tiên tiết lộ hành động này của Bắc Kinh, thì cho đến ngày 28/07, tàu khảo sát Trung Quốc vẫn hoạt động trong khu vực, thậm chí còn có thêm tăng viện là chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 3901.
Tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này ? Phản ứng của Việt Nam có đủ mạnh hay chưa và phải làm thêm những gì ? Tình hình có thể diễn biến ra sao ? Đây là một số câu hỏi mà Ban Việt Ngữ RFI đã nêu lên với giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc, thuộc Đại Học New South Wales.
Sau đây là toàn văn phần hỏi-đáp của RFI với giáo sư Thayer.
RFI: Tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này ?
Carl Thayer: Có thể nhìn dưới hai góc độ để trả lời cho câu hỏi này : Hành động của Trung Quốc xuất phát từ những quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, hoặc là xuất phát từ quyết định mang tính chiến lược của giới lãnh đạo cao cấp.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông có thể là quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, nhưng chồng lấn trên các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Lầm tưởng là Việt Nam đã bị khuất phục sau vụ Repsol
Lần lượt vào tháng 07/2017 và tháng 03/2018, Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô trong khu vực Bãi Tư Chính. Rất có thể là các quan chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát, khác hẳn với số lượng 80 chiếc hoặc nhiều hơn nữa, đã tháp tùng theo giàn khoan Hải Dương 981 (HYSY-981) vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014.
Sự kiện một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc rời vùng Bãi Tư Chính, rồi sau đó di chuyển vào trong vùng biển Malaysia là dấu hiệu cho thấy là quyết định (đưa tàu vào sách nhiễu Việt Nam) được đưa ra ở cấp điều hành.
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á cho rằng Trung Quốc tìm cách “trừng phạt” vì Việt Nam đã bật đèn xanh cho chi nhánh tập đoàn Nga Rosneft tại đây tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy nhiên, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy đoán vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Muốn gây sức ép trên Việt Nam để phá Mỹ
Nhìn từ góc độ chiến lược, Trung Quốc có thể là đang tìm cách chống lại thái độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để phá Hoa Kỳ.
Thái độ quyết đoán mới của Mỹ bao hàm việc tăng cường các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn công của dân quân biển Trung Quốc sẽ bị Mỹ coi như là một cuộc tấn công bằng lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay, Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
RFI: Tình hình tại Bãi Tư Chính sẽ diễn biến ra sao ?
Carl Thayer: Không có khả năng Trung Quốc sẽ giữ tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong khu vực sau khi hoàn thành công việc khảo sát. Vào năm 2014, Trung Quốc đã rút giàn khoan Hải Dương 981, trên cơ sở là giàn khoan này đã hoàn thành công việc và một cơn bão nhiệt đới đang đến gần.
Do Bãi Tư Chính nằm ở cực nam Biển Đông, Trung Quốc không có khả năng triển khai một hạm đội hùng hậu xuống tận nơi, như trường hợp đội tàu từ 80 đến 100 chiếc mà họ đã tung ra vào năm 2014.
RFI: Giáo sư nhận thấy phản ứng của Việt Nam về vụ Trung Quốc gây hấn ở Bãi Tư Chính như thế nào? Có đủ mạnh hay không?
Carl Thayer: Việt Nam đã công khai tuyên bố rằng họ sử dụng nhiều kênh khác nhau, trong đó có việc phản đối bằng công hàm ngoại giao, để yêu cầu tàu Hải Dương Địa Chất 8 dừng hoạt động và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Đấy là bước cần thiết đầu tiên để giải quyết tình huống này, nhưng có thể là chưa đủ nếu Trung Quốc từ chối rút tàu khảo sát.
RFI: Điều tốt nhất mà Việt Nam có thể tiến hành để đuổi Trung Quốc là gì ?
Carl Thayer: Việt Nam nên tiếp tục làm những gì đã làm. Việt Nam cần tiếp tục yêu cầu tàu Hải Dương Địa Chất 8 rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và phải đòi Trung Quốc đàm phán ở cấp độ thích hợp.
Việt Nam nên vận động các thành viên ASEAN khác hỗ trợ cho mình và xúc tiến các biện pháp thiết thực như tổ chức hoạt động chung giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, đặc biệt là với Malaysia và Philippines.
Việt Nam nên tìm hiểu những lợi thế và bất lợi trong quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Đồng thời, lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam nên đẩy mạnh các hoạt động chung với Nhật Bản và Hoa Kỳ, còn Hải Quân Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các cường quốc để nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền.
Cuối cùng, Việt Nam nên để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp pháp lý quốc tế chống lại Trung Quốc theo Phụ lục VII của UNCLOS theo tiền lệ mà Philippines đã đặt ra. Điều này sẽ gây áp lực trên Trung Quốc, buộc nước này hành động phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét