BBC NEWS TIẾNG VIỆT
Nhiều tham vấn và phản biện chính sách độc lập ở Việt Nam có khuynh hướng vượt ra khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản, do đó các góp ý 'thường không được lắng nghe', thậm chí có tổ chức còn bị giải thể, theo một luật sư từ Sài Gòn.
Tuy nhiên, để tìm ra được những tham vấn và phản biện có giá trị, giới lãnh đạo Việt Nam cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, thậm chí "vượt khỏi nguyên tắc cơ bản" về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, để "gạn đục, khơi trong", Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm trong một trao đổi qua bút đàm với BBC News Tiếng Việt, mà sau đây là toàn văn nội dung.
BBC: Luật sư nhận xét như thế nào về mô hình, cách thức và tính hiệu quả trong tiếp thu ý kiến tham mưu, tư vấn, phản biện trong xây dựng chính sách canh tân và phát triển đất nước bởi Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN)?
Luật sư Lê Công Định: Do các ban ngành trong bộ máy nhà nước nhận được tài trợ từ các dự án hợp tác phát triển của nước ngoài, nên mô hình họ thường sử dụng là tổ chức hội thảo mời các chuyên gia đến phát biểu và góp ý, hoặc tổ chức các nhóm nghiên cứu chuyên đề, nên các tham vấn chuyên môn như vậy thường rất thực tế và có giá trị.
Tuy nhiên, tôi không có thông tin về việc tổ chức thực hiện các đề xuất đó.
BBC: Mô hình (các mô hình) này có những đặc trưng gì là phổ biến, đáng lưu ý nhất và có thể so sánh nó ra sao với những mô hình (phổ biến hay tương đương) ở quốc tế, hay khu vực đang thông dụng hiện nay?
LS Lê Công Định: Do các chương trình tài trợ này áp dụng chung cho các nước đang phát triển, nên mô hình tiếp nhận ý kiến đóng góp nêu trên thường giống nhau ở những nước này.
Điều kiện để được lắng nghe?
BBC: Đâu là điều kiện chính để việc tham mưu, tư vấn, phản biện chính sách trong các lĩnh vực trên có thể được tham khảo, chấp nhận hoặc bảo lưu, dễ phát huy khả thi hơn hiệu quả tư vấn, phản biện?
LS Lê Công Định: Trong chế độ toàn trị cộng sản, mọi ý kiến tham vấn, phản biện phải tôn trọng và bảo đảm quyền lãnh đạo của đảng cộng sản đối với nhà nước và xã hội, thì mới được lắng nghe và chấp nhận. Đó là nguyên tắc cơ bản.
BBC: Theo ông, biên độ chấp nhận các tư tưởng canh tân, đổi mới hay cải tổ của Nhà nước và ĐCSVN thời gian gần đây và hiện nay, nhất là trong bối cảnh trước Đại hội 13 của Đảng CSVN thế nào? Có vùng cấm, vùng hạn chế, nhạy cảm và vùng có thể được chấp nhận, bảo lưu hay không? Nếu có đó là gì?
LS Lê Công Định: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển biến lớn về chính trị và xã hội, xuất phát từ vấn đề nhân sự của đảng cầm quyền.
Người ta hy vọng những nhà lãnh đạo trẻ có kiến thức quản lý kinh tế sẽ nắm giữ vị trí quan trọng của bộ máy nhà nước. Họ chính là những người dễ chấp nhận những ý tưởng canh tân hơn.
Vai trò của tư vấn, phản biện độc lập?
BBC: Trong tư vấn, tham vấn, phản biện chính sách canh tân và phát triển ở Việt Nam hiện nay và tới đây, có cần vai trò của các giới tư vấn, phản biện độc lập, các tổ chức nghiên cứu (think tank) độc lập hay không, nếu có thì chúng nên được tổ chức, vận hành như thế nào cho được hiệu quả, khả thi?
LS Lê Công Định: Vai trò của các nhóm tư vấn hay think-tank độc lập rất quan trọng trong việc tham vấn và phản biện chính sách.
Tuy nhiên, những tổ chức này đều có khuynh hướng vượt ra khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản.
Do vậy, các góp ý của họ thường không được lắng nghe, thậm chí chính những tổ chức đó còn bị giải thể.
BBC: Từ quan sát của ông, Việt Nam (Đảng, nhà nước, giới hoạch định chính sách) nên ưu tiên cải thiện điều gì và như thế nào để nâng cao chất lượng, tính hiệu quả, khả thi của việc hoạch định chính sách trong các lĩnh vực nói trên?
LS Lê Công Định: Việt Nam cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý thẳng thắn, thậm chí vượt khỏi nguyên tắc cơ bản về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, để "gạn đục, khơi trong" tìm ra được những tham vấn và phản biện có giá trị.
Hoạch định chính sách bao giờ cũng liên quan đến vấn đề thể chế chính trị, vì đó là cơ chế thực thi chính sách.
Tránh né đụng chạm vấn đề thể chế chính trị sẽ dẫn đến tình trạng chỉ muốn lắng nghe điều gì mình thích nghe, thì đó không còn là tham vấn hay phản biện nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét