Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

15120 - Đừng để “thảm họa Formosa” trở thành nổi ám ảnh triền miên



Một góc nhà máy thép Formosa.
Một góc nhà máy thép Formosa. Ảnh AFP 

Môi trường có thực sự an toàn (!?)


Ông Võ Tuấn Nhân thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định Tại hội thảo báo cáo kết quả thiết lập mô hình số trị, tính toán đánh giá nước thải sau xử lí của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) ra vùng biển Sơn Dương diễn ra hôm 24/7/2019 tại Hà Tĩnh cho biết, FHS đã đầu tư 400 triệu USD để cải thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn Việt Nam. Và, với sự giám sát gần 3 năm qua của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa Học và Công nghệ Việt Nam, đến nay ông Nhân khẳng định: Môi trường miền Trung được công bố an toàn.
Ngay sau công bố của thứ trưởng Nhân, dư luận xã hội đặt nghi vấn, liệu rằng báo cáo kết quả có thực sự chính xác không; cơ sở nào đánh giá nước thải đạt chuẩn Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, giám đốc trung tâm công nghệ môi trường nhận định rằng, ông nghĩ thông tin công ty Formosa đạt chuẩn có thể chính xác. Ông giải thích.
“Từ khi xảy ra sự cố Bộ Tài nguyên môi trường có đưa hệ thống thiết bị giám sát tự động liên tục trong ba năm. Đến giờ vẫn giám sát liên tục và có phòng thí nghiệm tại đó và bên cạnh công ty cũng có thiết bị giám sát, các tỉnh trong khu vực cũng có thiết bị giám sát. Trong thực tế thì công ty Formosa vừa qua cũng đầu tư khá là nhiều tiền để cải tạo thiết bị như cải tiến hệ thống cốc khóa, thiết bị xử lý nước thải, rồi hồ chứa để tránh và phòng ngừa sự cố…thì tôi nghĩ rằng thông tin công ty đạt yêu cầu thì có thể chính xác.”
Ngoài ra, ông còn cho hay toàn bộ thiết bị đo đạc tại Việt nam không thể tự sản xuất nên phải nhập khẩu từ Đức, Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc và được giao cho Viện Công nghệ môi trường hoặc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - là các đơn vị uy tín nhất giám sát, nên khả năng chính xác cao.
Còn đối với chuyên gia môi trường - Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng, ông hoàn toàn không tin vào báo cáo kết quả này. Ông lý giải.
“Trước hết ai đo và đo bằng dụng cụ gì, đo những thời điểm nào, cách đo như thế nào, cách xử lý kết quả như thế nào với công bố của ông ta thì tôi không tin vào kết quả đó được.”
Đồng ý kiến với Tiến sĩ Khải, nhà báo Đỗ Cao Cường, người rất quan tâm đến vấn đề môi trường tại Việt Nam và cũng nhiều lần tiếp cận với người dân xung quanh khu vực nhà máy Formosa cho chúng tôi biết, hai tháng trước người dân tại khu vực Kỳ Anh có cho biết mùi hôi thối khắp nơi, mạt sắt từ quá trình luyện thép bay trong không khí dính cả vào mặt mọi người sống gần đó.
“Đối với sức khỏe của họ thì mạt sắt đó khi mà sản xuất thép các mạt đó nó bay thì chỉ cần lấy nam châm thì hút vào nó dính, nếu nó dính vào phổi thì nó phá hủy các cơ quan trong cơ thể của mình. Nguồn nước thì họ không giám uống và màu nước rất là ô nhiễm thâm chí ngay cả công an Hà Tĩnh họ còn bất lực và đề nghị Tổng cục môi trường kiểm tra kết quả của Formosa cũng như mẫu tại đó. Người dân họ nói rằng chả có thấy ai về kiểm tra nguồn nước của họ hay là kiểm tra sức khỏe của họ cả, không có cuộc nghiên cứu cụ thể giám sát được nên mọi công bố đó chỉ là nói mồm mà thôi không thể tin tưởng được.”

Quy chuẩn Việt Nam và quốc tế

Tại buổi hội thảo các chuyên gia môi trường Việt Nam nhận định rằng, báo cáo kết quả nước thải và khí thải trước khi xả ra môi trường tại nhà máy Formosa phù hợp với quy chuẩn Việt Nam và tiến gần với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Một góc khu vực cảng tàu của nhà máy thép Formosa.
Một góc khu vực cảng tàu của nhà máy thép Formosa. AFP
Tiến sĩ Hồ Long Phi – nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước - Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TPHCM nhận định rằng, đa số quy chuẩn tại Việt Nam nhẹ hơn nhiều so với thế giới.
“Quy chuẩn Việt Nam và quốc tế có nhiều điểm khác lắm, có những điểm Việt Nam có mà quốc tế không có và cả hai bên cùng có nhưng mà ở nhiều cường độ khác nhau, gần đây đa số cũng thiễn cận rồi, đa số trường hợp Việt Nam nó nhẹ hơn so với yêu cầu của thế giới.”
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cũng giải thích, nhiều lúc quy chuẩn của Việt Nam nghĩ đơn giản nhưng so với quốc tế quy chuẩn đó lại là quy chuẩn đòi hỏi khắt khe nhất, đặc biệt so với một số quốc gia trong khu vực Asian.
“Ví dụ đối với nước ngoài họ không có quy định độ màu còn Việt Nam thì có quy định độ màu của nước, nước thải để đạt được độ màu cũng rất là khắt khe. Các nước Châu Á họ cũng không quy định chỉ mỗi Việt Nam và Trung Quốc thì mới có quy định độ màu đó thôi. Nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng cố gắng để đạt được độ màu đó.”
Còn đối với nhà báo Đỗ Cao Cường, nếu theo tiêu chuẩn của Việt Nam thì sẽ không được khách quan, nguyên nhân vì sao, vị nhà báo giải thích.
“Ngay cả những cơ quan chức năng tại địa phương theo dõi sát sao nhất mà họ còn bất lực, đề nghị tổng cục môi trường kiểm sát các mẫu nên các tiêu chuẩn đó nó không được rõ ràng. Khi sở tài nguyên môi trường xuống thì theo quy chuẩn Việt Nam mình phải báo trước để chuẩn bị phong bì, có nhiều nhà máy trước khi họ tới họ kiểm tra thì những chất độc hại họ dọn dẹp rất là sạch, không thải khí độc và thậm chí họ lo lót, phong bì thì họ thoát. Còn theo tiêu chuẩn quốc tế thì họ có các cơ quan độc lập nên họ giám sát được, phải có các tổ chức xã hội dân sự và người dân giám sát thì mới tin tưởng được.”
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên kể từ tháng tư năm 2016 do xả thải các hóa chất trực tiếp ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo các tỉnh miền Trung. Hằng trăm ngàn người dân bị tác động bởi thảm họa này. Ngay sau khi sự cố xảy ra, tháng 7/2016, các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiên cứu phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung đã khẳng định, phải mất ít nhất 50 năm hệ sinh thái biển của các tỉnh miền Trung mới có thể phục hồi lại như trước.
Cũng cần phải nhắc lại lời của Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên –Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, khi ông tham gia bàn luận về các giải pháp làm sạch môi trường biển bị ô nhiễm, ông đã trả lời với truyền thông trong nước rằng: “Biển có khả năng tự làm sạch. Chúng tự hấp phụ và tự động nhả hấp phụ, nồng độ chỗ nào cao thì tự chuyển sang nơi có nồng độ thấp. Độc tố sẽ hòa tan dần dần và giảm đi theo thời gian”. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh: “Trong môi trường nước, kể cả trong nước biển, vi sinh vật tự phân hủy được. Tuy nhiên đó là giả định sẽ không có thêm chất thải gì tiếp thải ra nước biển, còn nếu vẫn còn chất thải ra biển thì chất thải sẽ cộng hưởng thêm”.
Theo như những gì PGS Trịnh Văn Tuyên nhấn mạnh, thiết nghĩ việc thẩm định “Môi trường miền trung an toàn” cần phải cân nhắc, nếu không, sự cộng hưởng của chất thải sẽ khiến biển không những không được an toàn mà ngược lại sự kiện 3 năm trước có thể sẽ lặp lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét