Tình hình Biển Đông ngày một căng thẳng, đã đến lúc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và không hề dấu diếm ý đồ làm bá chủ ở Biển Đông, thông qua đường Lưỡi Bò chủ quyền 9 đoạn, bất chấp luật pháp quốc tế. Trong lúc đó, với phương châm "America first" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng đã phần nào làm giảm vai trò sen đầm quốc tế của nước Mỹ trên toàn cầu. Điều đó đã tạo điều kiện cho Trung quốc, với tiềm lực kinh tế và khả năng quốc phòng vượt trội so với các nước trong khu vực, việc sẽ chiếm được 90% diện tích của Biển Đông là điều không mấy khó khăn.
Vấn đề Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc quấy nhiễu ở Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam trong những ngày vừa qua đã làm cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang xấu đi rất nhanh. Việc người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng ngày 25/7/2018 đã thông báo cho biết, Việt Nam đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự việc được đánh giá là đỉnh điểm, sau một thời gian phía Vietjn Nam nín nhịn và im lặng.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam trước sau như một, luôn luôn khẳng định, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia khác và sẽ duy trì “chính sách ba không”. Cụ thể là: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác...
Trong việc chỉ đạo các đối sách trước những diễn biến phức tạp trong tình hình biển Đông, nhà nước Việt Nam cụ thể hóa bằng phương châm: “4 tránh, 3 không” và “9K”. Cụ thể là:
- “4 Tránh”: 1. Tránh xung đột về quân sự; 2. Tránh bị cô lập về kinh tế; 3. Tránh bị cô lập về ngoại giao; 4. Tránh bị lệ thuộc về chính trị.
- “3 Không”: 1. Không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào; 2. Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự chống lại các nước khác. 3. Không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với nước khác.
- 9K là: 1. Kiên quyết; 2. Kiên trì; 3. Khôn khéo; 4. Không khiêu khích; 5. Kiềm chế; 6. Không nổ súng trước; 7. Không mắc mưu khiêu khích; 8. Không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo; 9. Không để xảy ra xung đột.
Cho đến giờ phút này, có thể khẳng định nhà nước Việt Nam đã vận dụng khá thành công chính sách ba không của họ, chứ không bị thất bại như một số ý kiến lầm tưởng. Những ngày gần đây có ý kiến cho rằng, trong cuộc xung đột tại Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam gần đây, Việt Nam đã thất bại bởi chính sách ba không. Cụ thể là, vì nguyên tắc ba không này đã khiến Việt Nam không thể đi theo bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác, trong trường hợp này là dựa vào Mỹ để chống lại Trung Quốc.
Những người này họ đã nhầm khi nghĩ rằng, chính sách đối ngoại của Việt Nam là chính sách bất biến. Mà họ không biết rằng, chính sách ba không của Việt Nam đang duy trì, thực chất chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Còn trên thực tế, việc vận dụng mềm dẻo chính sách này đã cho phía Việt Nam có thể mở rộng khả năng hành độngnhiều hơn - tức là vẫn có thể "hợp tác" trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng với các quốc gia khác.
Đó chính là lý do vì sao, ngoài mặt Hà Nội luôn tránh công khai nói đến sự thỏa thuận hay các quan hệ quân sự với Hoa kỳ, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều bằng chứng cho thấy Hà Nội đang đi theo Mỹ để chống lại Trung Quốc. Cũng bởi vì trong khuôn khổ hợp tác, Việt Nam vẫn khẳng định họ vẫn có thể hỗ trợ một quốc gia khác nếu họ bị tấn công và ngược lại. Hay như trong chủ trương Việt Nam không tham gia các liên minh quân sự, nhưng trên thực tế Hà Nội đã vận dụng một cách linh hoạt nguyên tắc này. Như việc tháng 05/2018, Việt Nam đã mời Ấn Độ tham gia một cuộc tập trận chung hải quân ở Biển Đông, điều chưa từng có trong tiền lệ. Dù rằng cuộc tập trận này ai cũng biết Việt Nam và Ấn độ cùng có chung một mục đích nhằm răn đe Trung Quốc.
Sự so sánh về chính sách đối ngoại nói chung cũng như các hành động cụ thể, để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông giữa Việt Nam và Philippines là ví dụ điển hình nhất để cho thấy việc dựa hẳn vào Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông là điều không phù hợp.
Kể cả bỏ qua bài học năm 1974, khi Mỹ không hề có bất cứ phản ứng gì khi Quần đảo Hoàng sa thuộc chủ quyền của VNCH bị Trung quốc cưỡng chiếm, hay việc Philippines mất bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc tháng 6/2012, trong lúc VNCH và Philippines và Hoa Kỳ đều là những đồng minh thân cận.
Giải thích về sự vô trách nhiệm đối với Hoa Kỳ với các đồng minh trước kia, Giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời BBC gần đây đã cho rằng: "Mà kể cả với các đồng minh cũ, lâu nay ở bên châu Âu, kể cả những tổ chức đa phương như là Nato thế này, thế kia, Trump cũng chẳng cần, thì một nước Việt Nam nhỏ bé xa, không có lợi ích kinh tế lớn bằng Trung Quốc, thì Việt Nam không thể dựa vào Mỹ trong lúc này được.". Đồng thời, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng bình luận: "Với Philippines, tôi thấy Rodrigo Duterte hoàn toàn đúng, là bởi vì Mỹ trong quá khứ đã không để ý đến vấn đề Philippines bị khó khăn với Trung Quốc. Thì bây giờ đối với Trump mà như vậy, Duterte thách thức là Mỹ muốn làm gì, thử thách thức (Trung Quốc) coi, hãy cho tôi biết, nhưng Mỹ có làm gì đâu?".
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Hoa Kỳ đặt dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, thì càng không được dựa vào Mỹ. Vì vẫn theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, "Trump thì sẽ không làm gì, Trump thì hôm nay nói thế này, ngày mai đổi ý thế kia. Mà Trump là một người chuyên nghĩ đến cái lợi trước mắt, cho nên cái lợi trước mắt đối với Trung Quốc như vậy là bao nhiêu công ty, hãng ở bên Mỹ buôn bán với Trung Quốc. Và "Trump nói phía ngoài như thế thôi, nhưng chúng ta thấy vấn đề Huawei thế này, thế kia như thế thôi, nhưng Trump sẽ cho các công ty đó bán hàng, nên không thể dựa vào Trump được.
Có lẽ vì thế đó cũng là lý do, dưới nhan đề "Chống Trung Quốc ở Biển Đông: Việt Nam làm gương cho Duterte?" đăng trên trang website RFI đã không ngần ngại nhận định rằng: "Trong lúc Việt Nam có phản ứng dứt khoát nhằm ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, Philippines, một nước Đông Nam Á khác mà vùng đặc quyền kinh tế (gần đây nhất là tại khu vực Bãi Cỏ Rong) bị Trung Quốc xâm phạm, lại không nói gì. Thậm chí, trong thông điệp gởi toàn quốc hôm 22/07/2019, tổng thống Duterte lại công khai nhắc lại quan điểm “chủ bại” của ông khi cho rằng Trung Quốc đã “chiếm hữu và kiểm soát” được Biển Đông rồi, sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại hùng hậu hơn Philippines gấp bội, vì thế không nên đụng với Bắc Kinh.
Trước hai cách phản ứng chống lại các hành động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thay vì có phản ứng khiếp nhược trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, Manila nên học tập cách ứng phó của Việt Nam."
Dù rằng, việc nổ ra xung đột Trung -Mỹ trên Biển Đông là khó có thể xảy ra, vì các bên sẽ hết sức kiềm chế vì sẽ hứng chịu những hậu quả không lường. Đặc biệt là phía Trung Quốc, một khi xung đột trên Biển Đông nếu xảy ra thì con đường vận chuyển hàng hóa quan trọng bậc nhất của Trung Quốc sẽ tê liệt thì nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc sẽ ngắc ngoải. Song thói thường của Trung Quốc luôn luôn là, "Mềm nắn, rắn buông", chính vì thế có thể thấy rằng, chính quyền Trung Quốc chỉ già mồm, chứ không dám đánh. Vì thế thái độ cầm chừng như Hoa Kỳ hiện nay trên Biển Đông, đã tạo cơ hội cho Trung Quốc đã đang và sẽ tiếp tục ngày càng lấn tới.
Những người có xu hướng ủng hộ các giá trị tự do, dân chủ theo kiểu Mỹ, luôn luôn muốn, Việt Nam cần phải ngả hẳn, thậm chí là dựa hẳn vào Mỹ và cần thiết còn phải trở thành một đồng minh chiến lược, thông qua việc tham gia một liên minh quân sự trong đó có Mỹ để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông là điều hết sức sai lầm.
Một câu hỏi được đặt ra là, "Nếu Việt Nam ngả hẳn hay dựa vào Hoa kỳ để chống lại Trung Quốc, khi chưa xảy ra xung đột Biển Đông thì điều gì sẽ xảy ra?" . Và câu trả lời là, với vị trí địa lý có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đã nắm chắc trong tay con bài Campuchia và đã thôn tính Lào gần xong, thì liệu Việt Nam khi đó có đứng vững với "nạn phỉ" hay sự bất mãn của các sắc tộc ít người ở vùng biên giới của mình hay không? Đừng bao giờ so sánh Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài loan trong việc dựa vào Hoa Kỳ, vì vị trí địa lý của các quốc gia này là ba hay bốn mặt toàn là biển, họ không có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc.
Đó là chưa kể đến các chính sách trả đũa về kinh tế và trên nhiều lĩnh vực khác, trong lúc nền kinh tế Việt Nam phần lớn là dựa vào Trung Quốc như hiện nay. Đừng quên Trung Quốc là "vua" kích động các sắc tộc thiểu số để gây bất ổn và với sức mạnh kinh tế có trong tay, thì họ có thể hành xử với Việt Nam các kiểu, nếu như họ muốn.
Mọi lý thuyết về chính trị, an ninh là màu xám và cái đó không phải là bất biến. Một khi môi trường an ninh thay đổi thì khi đó chính sách đối ngoại của Việt Nam chắc chắn sẽ phải thay đổi. Nghĩa là, khi Biển Đông xảy ra xung đột giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc, lúc đó chính sách "ba không" của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi, vì khi nó không đáp ứng được. Chắc chắn lúc đó Việt Nam sẽ không có bất kể lựa chọn nào khác, mà dứt khoát phải lựa chọn chỗ đứng một bên cho mình. Lúc đó vẫn chưa muộn.
Chắc chắn 100%, nếu Việt Nam không dựa vào Mỹ thì sẽ mất trắng toàn bộ chủ quyền trên Biển Đông. Song vào lúc này nếu xung đột trên biển chưa xảy ra, mà Việt Nam chủ động chọn phe (ngã hẳn vào phía Mỹ) thì sẽ mất tất cả và nhanh hơn.
Ngày 26 tháng 7 năm 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét