Đài Loan cho dù là “lợi ích cốt lõi nhất”, nhưng trong chiến dịch tuyên truyền gây ảnh hưởng của mình, đối với Trung Quốc (TQ), đảo quốc nhỏ bé này chỉ là một phòng thí nghiệm. Từ những bài học kinh nghiệm có được ở Đài Loan, Bắc Kinh không ngừng vươn vòi ra những thực thể dân chủ khác, tìm cách khuấy đảo và dựng bàn đạp chiến lược.
Úc là mảnh đất rộng lớn màu mỡ cho mục đích đó.
Với hơn một triệu công dân gốc Hoa, đây là một trong những quốc gia phương Tây có số lượng người gốc Hoa đông nhất.
TQ lại là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Úc được đưa đến TQ. Trong năm 2017-18, tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước đạt gần 200 tỷ USD, nhiều hơn cả giá trị giao thương giữa Úc và Nhật Bản cùng Mỹ cộng lại (gần 150 tỷ USD).
Giống như Đài Loan, Úc cũng ở vào tình trạng mà mức độ phụ thuộc kinh tế vào TQ khiến nhiều người lo lắng, và lác đác luôn có những thông tin cảnh báo về các ảnh hưởng tiêu cực này.
Các tờ báo tiếng Trung phục vụ cho cộng đồng dân cư gốc Hoa ở đây, theo như đánh giácủa nhà nghiên cứu He Qinglian (Hà Thanh Liên), hầu hết đều phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính quyền Bắc Kinh, tương tự với “số phận” của rất nhiều kênh truyền thông Đài Loan.
Mua chuộc quan chức
Khác với Mỹ, Canada cùng nhiều nước Châu Âu, Úc lại không cấm những khoản tiền đóng góp tài trợ cho các hoạt động chính trị đến từ nước ngoài.
Kẽ hở này từ lâu đã bị chỉ ra, nhưng cũng giống như lo ngại về việc phụ thuộc vào TQ, trong suốt thời gian dài, mọi thứ được xoa dịu bằng những đồng tiền dồi dào đến từ hoạt động giao thương phát đạt giữa hai bên và các khoản tài trợ hậu hĩ từ những “nhà hảo tâm”.
Cho đến một buổi sáng đầu tháng 10/2015, khi các nhân viên điều tra của Cơ quan An ninh Tình báo Úc (Australian Security Intelligence Organization – ASIO) đột nhập khám xét nhà ở của Roger Uren, cựu trợ lý thư ký của Phòng Thẩm tra Thông tin Quốc gia Úc (Office of National Assessments – ONA), nơi có trách nhiệm báo cáo các tin tức tình báo tuyệt mật cho thủ tướng nước này.
Roger Uren là một chính trị gia kỳ cựu, được xem là chuyên gia hàng đầu về TQ của Úc, và từng là ứng viên cho chức vụ đại sứ Úc tại TQ. Ông là tác giả một quyển sách về trùm tình báo Khang Sinh, cánh tay phải khét tiếng của Mao Trạch Đông. Bạn bè quen biết đồn rằng Uren, giống như Khang Sinh, cũng có sở thích sưu tầm tranh (nghệ thuật) khiêu dâm.
Nhưng ASIO không có hứng thú với các hoạt động của Uren, ít nhất là trong đợt điều tra khám xét này. Họ tìm bằng chứng về vợ của ông, bà Sheri Yan.
Sheri Yan là một người TQ di dân đến Mỹ, gặp Uren, kết hôn và cùng chuyển về Úc sinh sống.
Trong khi Uren tiếp tục là một chuyên gia nổi tiếng về TQ, bà Yan lại phát triển tiếng tăm của mình như một chuyên gia gõ cửa nhà các quan chức TQ (với những người phương Tây muốn thiết lập quan hệ), đồng thời cũng là chuyên gia gõ cửa nhà những chính trị gia cấp cao ở phương Tây (dành cho những người TQ muốn tiếp cận họ).
Giáo sư John Fitzgerald của Đại học Swinburne Úc đánh giá bà Yan là người có “mối liên hệ rất thân thiết gần gũi với một số gia tộc cùng mạng lưới có thế lực và ảnh hưởng nhất ở TQ”. Còn cựu quan chức CIA Peter Mattis đánh giá những người như bà Yan tạo ảnh hưởng không chỉ bằng cách “làm được việc hay tiêm quan điểm của TQ vào trong các mạng lưới, mà còn có vai trò trong việc chỉ điểm, kiểu ‘người này là nhân vật chính, người kia rất quan trọng, và đây là các điểm yếu của họ’”.
Trong các khách hàng của bà, có Chau Chak Wing, một tỷ phú người Úc gốc Hoa, nổi tiếng là nhà tài trợ hào phóng cho các tổ chức từ thiện, trường học, và tổ chức chính trị của Úc.
Chau Chak Wing (Chu Trạch Vinh) là người có tên trong cuộc điều tra của FBI về hoạt động hối lộ John Ashe, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào thời điểm năm 2013, thông qua cầu nối là Sheri Yan.
John Ashe bị cáo buộc lợi dụng chức vụ trong Liên Hiệp Quốc để nhận hàng triệu USD hối lộ nhằm “bôi trơn” cho các phi vụ đầu tư. Chau Chak Wing được cho là đã chuyển 200.000 USD cho John Ashe để mời ông về diễn thuyết tại một hội nghị do Chau tổ chức.
John Ashe chết trước khi ra tòa để trả lời các cáo buộc. Sheri Yan nhận tội đưa hối lộ và chịu 20 tháng tù giam. Riêng Chau Chak Wing, xuất hiện trong tài liệu điều tra của FBI với mật danh CC-3, không bị truy tố.
Ông Chau còn kiện ngược lại các tờ báo Úc về tội phỉ báng (defamation) và đã được tuyên thắng trong một vụ vào đầu năm 2019 (tờ Sydney Morning Herald tuyên bố sẽ kháng cáo).
Chau Chak Wing có thật sự, thông qua sức mạnh kinh tế của mình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chính trường và xã hội Úc hay không, thời gian và rất nhiều cuộc điều tra có thể sẽ trả lời.
Nhưng những nghi ngờ vây quanh ông sẽ không dễ biến mất, khi ông là chủ của hai tờ báo được cho là “thân chính quyền cộng sản”, một ở TQ, một ở Úc, đặc biệt với việc ông từng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC, hay còn gọi là Chính Hiệp), một cánh tay nối dài của đảng Cộng sản TQ, là “mặt trận” (United Front) chuyên thực hiện các “nhiệm vụ chính trị được giao”. (Ông Chau phủ nhận không biết gì về “mặt trận” nào cả.)
Giống như các nhà tài phiệt của Đài Loan nằm trong vòng ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh, mối nghi ngờ về việc họ phục tùng chính quyền TQ không bao giờ là thừa.
Đó là lý do Chau Chak Wing là một trong hai cái tên được Duncan Lewis, giám đốc Cơ quan An ninh Tình báo Úc, nhắc đến liên tục trong cuộc gặp mặt với quan chức cấp cao của ba đảng chính trị lớn nhất của Úc, cảnh báo họ phải cẩn trọng khi nhận tài trợ từ những nhân vật này.
Cái tên còn lại gây lo ngại hơn cả Chau.
Giống như Chau, Huang Xiangmo (Hoàng Hướng Mặc) là một tỷ phú Úc gốc Hoa đi lên từ kinh doanh bất động sản, và là cái tên nổi tiếng trong giới chính trị Úc về mức độ “hảo tâm” của mình.
Khác với Chau, Huang không ngần ngại công khai quan điểm ủng hộ chính quyền TQ của mình.
Huang Xiangmo là người đứng đầu “Hội Xúc tiến Hòa bình Trung Quốc của Úc” (Australian Council for the Promotion of the Peaceful Reunification of China – ACPPRC).
Bất chấp việc nhiều lần khẳng định trước báo chí Úc rằng đây là tổ chức “độc lập, phi chính phủ, không liên hệ gì với đảng Cộng sản TQ”, trên thực tế, và ngay từ cái tên, đây là một tổ chức con của “Hội Xúc tiến Thống nhất Hòa bình TQ” (CCPPNR), vốn thuộc “Mặt trận Thống nhất” (United Front), chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản TQ.
Mục đích hoạt động của những “hội xúc tiến” này không chỉ là “ủng hộ các chương trình giao lưu kinh tế – văn hóa cùng đóng góp từ thiện” như lời của Huang. Đây là nơi tập hợp lực lượng chống lại các phong trào đòi độc lập dân chủ cho Đài Loan, Hong Kong, cũng như bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của TQ tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Mục đích này được thể hiện rõ qua một sự kiện diễn ra vào giữa tháng 6/2016. Thời điểm đó, Huang Xiangmo đã tuyên bố sẽ đóng góp 400.000 USD cho chiến dịch tranh cử của đảng Lao động Úc (ALP), một khoản tiền đảng này đang rất cần.
Cho đến khi Stephen Conroy, một thành viên cấp cao của ALP phát biểu trước báo giới, chỉ trích các hành động của TQ ở biển Đông là gây bất ổn và “lố bịch” (absurd). Conroy ủng hộ chính phủ Úc tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.
Bắc Kinh nổi giận. Huang quyết định hành động.
Ông gọi điện thông báo cho ALP rằng bình luận của Conroy đã khiến đảng này mất đi cơ hội nhận được khoản tài trợ hậu hĩ kia.
Thượng nghị sĩ Sam Dastyari, một ngôi sao đang lên của ALP, nhảy vào cố gắng cứu lửa.
Chỉ một ngày sau phát ngôn của Conroy, Dastyari cùng Huang tổ chức buổi họp báo với sự tham dự của các kênh truyền thông tiếng Hoa. Tại đây Dastyari khẳng khái “biển Đông là chuyện riêng của TQ” và trong vấn đề này, “nước Úc nên giữ vai trò trung lập, tôn trọng quyết định của TQ”.
Nỗ lực can đảm trên khiến Dastyari bị lửa cháy lan. Ông hứng chịu chỉ trích dữ dội từ truyền thông Úc, từ chính quyền, từ cả nội bộ đảng ALP, và cuối cùng mất ghế trong nghị viện.
Truyền thông điều tra phát hiện mối quan hệ đầy nghi vấn giữa hai người, khi Huang “trả giúp” khoản chi phí pháp lý 5.000 USD của Dastyari, còn Dastyari nhắn gửi Huang “cẩn thận bị tình báo Úc theo dõi”.
Người ta còn phát hiện Dastyari, dưới sự nhờ vả của Huang, đã trực tiếp và thông qua văn phòng của mình nhiều lần gọi điện hối thúc Bộ Di trú (Immigration Department) giải quyết hồ sơ xin nhập tịch làm công dân Úc của Huang.
Huang không biết rằng hồ sơ của mình bị giữ lại vì cơ quan tình báo nghi ngờ mối liên hệ giữa ông và chính quyền Bắc Kinh cùng các hoạt động gây ảnh hưởng của Huang tại Úc.
Huang tưởng mọi trục trặc đều có thể giải quyết theo cách ông đã làm ở TQ: nhờ quan chức bôi trơn.
Có lẽ đó là động cơ chính, ngoài lý do “từ thiện”, những ông trùm tài phiệt gốc TQ rất tích cực săn đón các quan chức cấp cao của Úc.
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr được mời về đứng đầu một học viện về quan hệ Úc – TQ do Huang đóng góp tài chính thành lập.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb ngay khi rời văn phòng nhận được ngay hợp đồng béo bở với mức lương hơn 600.000 USD một năm để làm tư vấn cho công ty của Ye Cheng, một tỷ phú gốc Hoa, thành viên của Chính Hiệp Trung Quốc.
Cựu Thủ hiến bang Victoria John Brumby thì nhận chức giám đốc tập đoàn Huawei tại Úc.
Cả ba cựu quan chức này đều lần lượt rời bỏ các chức vụ trong các tổ chức trên vào đầu năm 2019, trước khi đạo luật mới quy định về việc đăng ký khai báo hoạt động trong các tổ chức phục vụ lợi ích của nước ngoài có hiệu lực.
Không chỉ có các chính trị gia của Úc cọ quậy trong vòng xoáy ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh.
Thao túng sinh viên Trung Quốc ở Úc
Bàn tay của TQ còn thò vào nơi tưởng chừng vô hại nhất: các trường đại học.
Trên thực tế, xuất khẩu giáo dục là chuyện lớn của Úc.
Tính trong năm 2017, xuất khẩu giáo dục ở các cấp đã tạo ra 30 tỷ AUD (hơn 20 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này. Riêng giáo dục bậc cao tạo ra hơn 20 tỷ AUD.
Giáo dục là ngành xuất khẩu tạo ra doanh thu lớn thứ ba của Úc, đứng sau than đá và quặng sắt, và là ngành dịch vụ tạo ra giá trị lớn nhất.
Trong số các sinh viên nước ngoài đến Úc vào năm 2017, có hơn 230.000 người đến từ Trung Quốc, chiếm 30%, gấp gần ba lần so với nước đứng thứ hai là Ấn Độ.
Cần phải nói rõ một điều, rằng bản thân sự có mặt của sinh viên Trung Quốc, cho dù đông đảo đến đâu, không phải là vấn đề tiêu cực đối với môi trường đại học của Úc hay bất kỳ nước nào. Họ cũng giống như sinh viên của mọi nơi khác, đến một môi trường mới để được học những thứ mới.
Vấn đề ở chỗ chính quyền TQ không bao giờ xem con người là những thực thể tự do, đặc biệt là các công dân nước mình.
Trong mắt những chính quyền độc tài như Bắc Kinh, tất cả nhân loại (có lẽ tính cả bản thân họ) đều là những con cờ. Đã là những con cờ thì không được quyền tự do di chuyển, phải bị kiểm soát, điều khiển để phục vụ những mục tiêu, lý tưởng vĩ đại nào đó (mà ngoài bản thân họ, không ai chấp nhận nổi).
Rất nhiều sinh viên TQ ở Úc cảm thấy mình giống những quân cờ như vậy.
Nhất cử nhất động của họ đều có tai mắt dõi theo, thông qua những tổ chức như “Hiệp hội Học sinh Học giả Trung Quốc” (Chinese Students’ and Scholars’ Association – CSSA).
Các hiệp hội này, đăng ký và hoạt động dưới danh nghĩa các tổ chức phi chính phủ, đều có liên hệ chặt chẽ với đại sứ quán và các lãnh sự quán TQ.
Trong nhiều trường hợp, các sinh viên nhận được “lệnh” điều động người phục vụ những hoạt động theo ý của các cơ quan trên, đặc biệt là cho các show diễn chính trị.
Năm 2008, trong lễ rước đuốc cho Olympic, 10.000 sinh viên TQ đã được huy động trên hàng trăm chiếc xe buýt đổ về thủ đô Canberra nhằm “bảo vệ ngọn đuốc”.
Một quan chức cảnh sát có mặt khi đó đã nhận xét, “nếu Đại sứ quán Úc ở London phát ra lời kêu gọi sinh viên Úc cho sự kiện tương tự, sẽ chỉ có hai sinh viên với một con chó xuất hiện”.
Hoặc như khi Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường thăm Úc vào tháng 3/2017, CSSA, với sự “tài trợ” của Đại sứ quán TQ (cung cấp cờ, thức ăn, phương tiện di chuyển, luật sư hỗ trợ và cả “chứng nhận tham gia”) đã huy động hàng ngàn sinh viên chia thành hai đợt khởi hành từ 5 giờ sáng để chào mừng nhà lãnh đạo.
Một trong những lý do chính để đi đông và xuất phát sớm còn là nhằm ngăn cản các cuộc biểu tình chống cộng sản vốn thường diễn ra mỗi khi các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đi công du ở những nước phương Tây.
Các sinh viên tham gia được quan chức Đại sứ quán TQ đích thân huấn luyện, chia thành nhóm, và yêu cầu phải dõi mắt canh chừng “ngũ độc” – cách mà họ gọi những nhà hoạt động đấu tranh cho Tây Tạng, cho Tân Cương, cho Đài Loan, những thành viên của Pháp Luân Công, và những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.
Lupin Lu, chủ tịch của chi nhánh CSSA tại Đại học Canberra, đã thẳng thắn thừa nhận nếu có thông tin về các cuộc biểu tình phản đối chính phủ TQ, ví dụ về vấn đề nhân quyền, cô sẽ cảnh báo đại sứ quán để “giữ an toàn cho tất cả sinh viên” và “làm vì Trung Quốc”.
“An toàn” là thứ mà Tony Chang, một sinh viên TQ theo học tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT), nghĩ tới nhiều nhất khi cậu nhận được điện thoại từ người thân ở quê nhà báo rằng cha mẹ cậu đã được các nhân viên an ninh tới gõ cửa “mời đi uống trà”. Họ cảnh báo cha mẹ cậu về các hoạt động của con trai trong những phong trào đấu tranh dân chủ ở Úc.
Dừng những hoạt động chống cộng sản, nếu không sẽ có chuyện. Đó là thông điệp từ chính quyền Bắc Kinh mà Tony nhận được thông qua người thân của mình.
Người phải dè chừng không chỉ có các sinh viên TQ như Tony Chang.
Đã có nhiều trường hợp các giảng viên khi trình bày những đề tài “nhạy cảm” (đối với chính quyền TQ, nhưng với phần còn lại của thế giới lại hoàn toàn bình thường) như sự độc lập của Đài Loan, Hong Kong, hay các tranh chấp lãnh thổ giữa TQ với Ấn Độ… bị sinh viên TQ quay phim và đăng lên mạng. Những đoạn phim này sau đó nhanh chóng được các cơ quan truyền thông của Bắc Kinh thổi vào ngọn lửa dân tộc nồng nàn, kích động phản ứng từ người dân và buộc các giảng viên, lãnh đạo của trường hoặc phải xin lỗi hoặc làm việc với Đại sứ quán TQ để tìm cách xoa dịu.
Mới đây nhất, trong làn sóng phản đối của người dân Hong Kong với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, vào ngày 24/7 vừa qua các sinh viên Hong Kong tại Đại học Queensland Úc đã tổ chức biểu tình trong khuôn viên nhà trường để ủng hộ người dân tại quê nhà.
Lập tức, những sinh viên Trung Quốc đại lục đã xuất hiện với số lượng áp đảo, bao vây “đối phương” và mở loa đồng thanh hát quốc ca. Theo lời tường thuật, những thanh niên yêu nước đến từ đại lục này không chỉ thích hát, họ còn giật lại loa và xé nát biểu ngữ của “phe kia” trong sự kinh ngạc của những người nước ngoài có mặt tại đó. Xô xát đã xảy ra và lực lượng bảo vệ trật tự của trường phải xuất hiện để ngăn xung đột.
Ngay sau đó, một bản kiến nghị phản đối cuộc biểu tình này của sinh viên Hong Kong đã thu hút hàng ngàn lượt ủng hộ của sinh viên đại lục. Lãnh sự quán TQ cũng ngay lập tức ra tuyên bố ủng hộ “hành động yêu nước” của các sinh viên TQ, phản đối các hoạt động “kích động tinh thần chống TQ”, và “theo dõi sát sao” diễn biến của sự việc.
Cảm giác lúc nào cũng có tai mắt của một chính phủ độc tài giám sát mình khiến cho nhiều sinh viên TQ lẫn các giảng viên phải tự kiểm duyệt từng hành động cử chỉ, tránh đụng chạm đến những “ổ kiến lửa”.
Mối liên hệ giữa các hiệp hội sinh viên TQ cùng các cơ quan đại sứ, lãnh sự TQ, tùy vào mỗi chi nhánh CSSA, có lúc công khai, có lúc ngấm ngầm, có chỗ lại mập mờ, giấu được thì giấu, khai được thì khai.
Trong hầu hết các trường hợp, gần như không thể buộc tội những sinh viên tham gia, thậm chí đứng đầu các CSSA, là “gián điệp” của chính quyền TQ.
Lupin Lu, người được phỏng vấn nêu tên trong bài điều tra của tờ ABC, sau đó đã kiện tờ báo về tội “phỉ báng”, cho rằng những thông tin đưa lên đã gây tổn hại tinh thần và sức khỏe của cô, khiến cô hứng chịu nhiều chỉ trích bất công khi nhiều người hiểu lầm cô là “gián điệp” của Bắc Kinh.
Lupin nói rằng tiếng Anh của cô không tốt, đã hiểu lầm câu hỏi của phóng viên, nghĩ từ “protest” (biểu tình) có nghĩa là “riot” (bạo loạn), nên khi được hỏi đã không ngần ngại trả lời sẽ báo cho Đại sứ quán TQ về những người có ý làm loạn.
Tờ ABC và Lupin vào tháng 3/2019 đã dàn xếp thỏa thuận vụ kiện ngoài tòa án. Trong bản cập nhật của mình, ABC đã bỏ tên của Lupin Lu khỏi bài báo và ghi chú dưới cùng “Bài viết đã được thay đổi vì lý do luật pháp”.
Chứng minh bàn tay của chính quyền Bắc Kinh trong các hoạt động gây ảnh hưởng của họ ở nước ngoài là một việc cực kỳ khó khăn, và trong nhiều trường hợp, gần như là không thể.
Người ta không thể buộc tội ai đó chỉ vì họ thích, ủng hộ và bị ảnh hưởng bởi người khác. Đó không phải là cách một xã hội tự do vận hành.
Chỉ ở những xã hội phong kiến, nhà nước tôn giáo độc đoán, và chế độ cộng sản độc tài, việc thích và ủng hộ một bên “trái ý chủ” mới bị xem là tội.
Đây là nền tảng, cũng là cốt lõi sức mạnh của những xã hội dân chủ tự do, thứ mà nhiều người gọi là “sức mạnh mềm” (soft power).
Trung Quốc, với vô số tiền của vật lực và ý chí đổ vào cho những hoạt động gây dựng ảnh hưởng ở nước ngoài, cũng quyết tâm phô diễn thứ “sức mạnh mềm” của riêng họ.
Có một điều hiển nhiên phải nói rõ, bất kỳ quốc gia nào cũng thực hiện những hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho mình.
Nhưng trong khi nhiều thể chế dân chủ thực hiện việc tuyên truyền và gây ảnh hưởng đó qua “sức mạnh mềm” theo đúng nghĩa – làm người ta thích và muốn bắt chước học theo – thì chính quyền Trung Quốc lại có một cách thức ngược đời để “lấy lòng” thiên hạ.
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã gọi cách TQ thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng của mình là 3C: Covert, Coercive, Corrupting.
Hay như trong tiếng Việt, đó là 3Đ: Đội lốt, Đe nạt, Đút lót.
Càng đào sâu vén màn các hoạt động của TQ, người ta càng thấy nhiều Đ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét