Ghi nhận từ giao ban báo chí ở các tòa soạn tại Sài Gòn tuần lễ cuối cùng của tháng 7-2019, tuyến bài về viện phí sẽ tăng rất cao ở bệnh viện công lập đang được chuẩn bị, với dòng lệnh phân công tác nghiệp quen thuộc: “Yêu cầu có đề cương nghiệp vụ trễ nhất…”.
Bệnh viện công của người giàu
Theo thông tin từ Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên, từ ngày 01-10-2019, mức trần Bộ Y tế quy định là 500.000 đồng/lượt khám theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt là hạng 1 tuyến trung ương, hạng kế tiếp là 400.000 đồng/lượt khám. Giường bệnh loại 1 là loại phòng đơn (1 giường bệnh/phòng, có khu tiếp khách riêng) là 4 triệu đồng/ngày đêm.
Mức phí này chưa bao gồm phí mời chuyên gia, nếu mời chuyên gia thì bệnh nhân và bệnh viện có giá thỏa thuận. Các cơ sở y tế tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mức phí y tế yêu cầu của một số dịch vụ cao hơn 20-30% so với dịch vụ cùng loại ở các tỉnh, thành khác.
Mức phí dịch vụ y tế theo yêu cầu hiện tại phổ biến ở bệnh viện công lập là từ 300.000 đến 700.000 đồng/lượt khám. Phí giường bệnh từ 1 đến 6 triệu đồng/ngày đêm tùy loại phòng đơn, phòng đôi hay 4 người bệnh/phòng.
Câu hỏi đặt ra, phải chăng rồi đây ở các bệnh viện công lập, khu khám theo yêu cầu sẽ mở rộng, khu khám người nghèo sẽ thu hẹp, hoặc ít có bác sĩ, điều dưỡng lui tới?
Đầu tư nhiều, hiệu quả ít
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chi tiêu cho y tế đang tăng nhanh ở các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đặc biệt, đáng chú ý ở các nước thu nhập thấp và trung bình, là những nước có tỷ lệ gia tăng cao chi tiêu cho y tế (trung bình 6% mỗi năm) so với các nước thu nhập cao (4% mỗi năm).
Trước đó, một báo cáo của Tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá, Việt Nam có tỷ lệ chi tiêu y tế so với GDP cao so với nhiều nước giàu hơn trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, nhưng kết quả lại thấp hơn nhiều.
Giải thích cho nghịch lý trên, World Bank đưa ra các nguyên nhân. Thứ nhất, các cơ chế chi trả cho cơ sở dịch vụ tại Việt Nam chưa tạo được động lực phù hợp. Thứ hai là sự phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ tập trung ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thay vì chăm sóc y tế ở tuyến cơ sở. Thứ ba là mức chi tiêu quá cao cho dược phẩm.
Theo ghi nhận, chi tiêu cho dược phẩm chiếm 43% tổng chi cho y tế hoặc 2,7% GDP (số liệu năm 2010) cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, và hơn nhiều so với mức bình quân các nước OECD (chỉ 16% tổng chi cho y tế hoặc 2% GDP).
Về dịch vụ y tế, World Bank khuyến cáo Việt Nam cần cân nhắc tăng cường năng lực cho Bảo hiểm xã hội, hoặc một tổ chức khác trong việc giám sát và đánh giá động lập về chi phí hiệu quả trong việc sử dụng y tế.
Về “Kết quả đánh giá độc lập chung thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) tại Việt Nam” do World Bank công bố, trên thang điểm 48 thì Việt Nam có 0 điểm về “Bền vững”, 8 điểm về “Đã chứng minh được về thực hiện IHR”, 25 điểm về “Đã xây dựng được về thực hiện IHR”, 15 điểm “Còn hạn chế về thực thi IHR”.
“Tuy nhiên, trong hệ thống y tế lấy bệnh viện làm trung tâm này, các trạm y tế xã vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân: cán bộ y tế thường không đủ năng lực chuyên môn, thiếu kỹ năng trong các lĩnh vực như sơ cứu, khám phát hiện sớm quản lý các bệnh không lây nhiễm và ít có cơ hội được đào tạo liên tục; danh mục thuốc cán bộ y tế xã được phép kê đơn rất hạn chế; ít có điều kiện thực hiện xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Do vậy, bệnh nhân ít tin tưởng vào chất lượng dịch vụ tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và thường chọn lên tuyến trên mặc dù bản thân họ phải chịu chi phí cao hơn và thủ tục phiền toái hơn rất nhiều”. (Trích báo cáo của World Bank, xem bản đầy đủ tại http://bit.ly/330OhHo).
Như vậy, “thường chọn lên tuyến trên” ở đây chính là hệ thống bệnh viện công lập được gọi là ‘đầu ngành’ tập trung tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mức phí y tế yêu cầu của một số dịch vụ cao hơn 20-30% so với dịch vụ cùng loại ở các tỉnh, thành khác.
Những ghi nhận ý kiến ban đầu từ người dân
Trần Minh Trung: “Chúng ta đang sử dụng ngân sách để xây dựng bệnh viện công phục vụ cho những người giàu, người nghèo thì cứ chờ đấy! Không có tiền thì ráng chịu, bệnh nặng mà muốn có bác sĩ tốt chữa bệnh cho thì phải mời chuyên gia và khi đó phải mặc cả về tỷ lệ ăn chia”.
Hoàng Tuân: “Tiền xây dựng bệnh viện công là tiền ngân sách, tiền của dân, xong rồi bệnh viện lại biến thành khu khám, chữa bệnh, lưu trú giá cao để hưởng lợi, còn dân nghèo ít tiền vẫn khổ...”.
Trần Công Thành: “Rồi đây bác sĩ giỏi sẽ phục vụ bệnh nhân giàu (VIP), bệnh nhân nghèo thì được ‘bác sĩ nghèo’ chuyên môn phục vụ. Có tiền mua tiên cũng được”.
Trần Duyên: “Hãy tính chi phí khám chữa bệnh theo mức lương thấp nhất hiện nay của người lao động để họ có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế. Bệnh viện công mà mở rộng khám chữa bệnh theo yêu cầu thì sẽ tăng gánh nặng về viện phí cho người dân nhất là dân nghèo”.
Nguyễn Dân: “Khu vực để trực và khám việc ai nấy làm, viện phí thì bệnh viện thu để tự thu chi chớ bác sĩ có lấy riêng đâu mà sợ phân biệt giàu nghèo?. Nguồn thu tăng đời sống y bác sĩ tốt hơn thì người bệnh sẽ hy vọng bác sĩ mỉm cười thường xuyên với mình...”.
+ Ảnh biểu đồ: Chi tiêu cho y tế từ nguồn chi trả trực tiếp từ tiền túi của người dân đều giảm dần qua các năm tại tất cả các nước trên thế giới (nguồn từ WHO). Riêng Việt Nam thì luôn tăng, đặc biệt là từ đầu tháng 10 tới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét