Ông A Ga và Lương Xuân Dương trong số thành viên phái đoàn 17 quốc gia gặp tổng thống Trump tại Oval Office ngày 17 tháng Bảy.
Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, nhà kinh doanh Donald Trump có một biểu lộ về mối quan tâm của ông đối với nhân quyền nói chung và tự do tôn giáo nói riêng.
‘Việt Nam?’ - Trump hỏi
Biểu lộ ấy hiện ra khi Tổng thống Trump tiếp đón nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ 17 quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam là Mục sư Tin Lành A Ga - một người Thượng Tây Nguyên, và đạo hữu Lương Xuân Dương - một tín đồ Cao Đài nằm trong nhóm nạn nhân bị đàn áp tôn giáo. Cuộc tiếp đón này diễn ra bên cạnh Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo từ 16-18/7/2019 tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quy tụ ngoại trưởng của 100 quốc gia và các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, với thông điệp kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo toàn cầu.
Cuộc tiếp đón trên được mô tả “Tổng thống Trump hỏi thăm ghi nhận của họ về tình hình tự do tôn giáo tại các nước và ông chăm chú lắng nghe những chia sẻ”.
Sự thay đổi của Trump, từ không quan tâm hoặc quá ít quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo trước đây, sang một cuộc gặp trực tiếp của ông với những nạn nhân tôn giáo bị bách hại có thể xuất phát từ làn sóng chỉ trích Trump từ nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế về tự do tôn giáo.
Và cũng có thể từ chính Trump.
Hẳn sự chú tâm hơn hẳn của Tổng thống Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế đã khiến Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo vào năm 2019 có nét khác biệt khá nhiều so với những hội nghị trước đây. Bởi theo ông Võ Văn Ái - chủ tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Tại Paris, Pháp, thì “Chúng tôi từng sang hoạt động tại Hoa Kỳ từ lâu, điều trần tại quốc hội Hoa Kỳ cũng lắm lần, nhưng có thể nói tổ chức tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lần này qui mô hơn hết. Bởi lần này không chỉ là nói đến những ví dụ hay những trường hợp đàn áp tôn giáo tại các quốc gia trên thế giới mà lần này rất quan trọng và đặc biệt là Hoa Kỳ muốn đưa vấn đề tranh đấu cho tự do tôn giáo thành một chiến lược toàn cầu chứ không phải chỉ binh vực cho một tôn giáo này hay một tôn giáo kia hay vấn đề những người bị đàn áp không mà thôi…”.
Còn với tự do tôn giáo ở Việt Nam - xứ sở được ví như ‘đất nước lệ tuôn hình chữ S’?
Đạo hữu Cao Đài Lương Xuân Dương đã kể với đài VOA Việt ngữ: “Rất tuyệt vời. Tổng thống đã lắng nghe nguyện vọng của mỗi người. Ông hỏi lại một vài điểm cần thiết và bắt tay với nhiều người”, và “Tôi đã nói với Tổng thống rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo. Tôi muốn Tổng thống giúp cho Việt Nam có tự do tôn giáo và rằng Việt Nam cần được đưa trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo CPC. Tổng thống hỏi lại tôi: ‘Việt Nam?’, tôi trả lời ‘Vâng đúng vậy’ và cảm ơn Tổng thống”.
CPC là gì vậy?
Chế tài và trừng phạt
CPC (Countries of Particular Concern) là Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.
Theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, chính phủ Hoa Kỳ phải đưa vào danh sách CPC các chính quyền nào nhúng tay vào hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo. Theo định nghĩa trong luật Hoa Kỳ, vi phạm tự do tôn giáo là các hành vi cấm đoán, hạn chế hay trừng phạt việc tụ tập ôn hoà để sinh hoạt tôn giáo, kể cả việc tùy tiện bắt “đăng ký” sinh hoạt tôn giáo; việc tự do phát biểu về tôn giáo của mình; quyền đổi tôn giáo hay tín ngưỡng; quyền dưỡng dục con theo niềm tin tôn giáo riêng.
Theo định nghĩa của đạo luật trên, vi phạm “đặc biệt trầm trọng” có nghĩa là “mang tính hệ thống, đang tiếp diễn, và nghiêm trọng” và bao gồm các hành động như bỏ tù, giam giữ dài hạn mà không quy tội, bắt đi mất tích, đánh đập, tra tấn, hãm hiếp, cưỡng bức tái định cư số đông, hoặc “khước từ trắng trợn quyền được sống, được tự do, hoặc được an toàn bản thân”.
Theo luật Hoa Kỳ, quốc gia trong danh sách CPC phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt leo thang: phản đối; cảnh cáo; hoãn hay đình chỉ các trao đổi văn hoá hay khoa học; hoãn, đình chỉ hay huỷ bỏ các chuyến công du; chấm dứt, hạn chế hay đình chỉ các khoản viện trợ; yêu cầu các định chế tài chánh tư và quốc tế hạn chế tiền cho vay và không tài trợ; cấm bán hay chuyển vũ khí và kỹ thuật cho quốc gia đó; cấm các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ không ký các hiệp ước xuất nhập cảng với quốc gia đó.
Đồng thời luật cũng trừng phạt các giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về sự đàn áp tôn giáo bằng cách không cấp visa vào Hoa Kỳ cho đương sự và các người trong gia đình.
Vẫn đàn áp khốc liệt các tôn giáo ly khai
Tháng 11/2006, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Đó cũng là thời gian mà nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải có một số nhân nhượng về nhân quyền và tôn giáo, cũng đồng thời với tương lai tham gia vào WTO mở ra trước mắt họ.
Nhưng chẳng bao lâu sau đó, chính thể độc tài ở Việt Nam đã tái vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của công dân. Từ đó đến nay, các tôn giáo ly khai bị đàn áp thẳng tay và tàn bạo. Hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Hội đồng liên tôn Việt Nam - tổ chức phối hợp giữa 5 tôn giáo độc lập trong Công giáo, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài - đã nhiều lần gửi thư phản đối ra quốc tế, khẳng định tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn chưa có gì cải thiện, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng.
Cũng trong những năm gần đây, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đòi Hoa Kỳ phải đưa Việt Nam trở lại Danh sách CPC.
Năm 2015, lần đầu tiên, giới lập pháp Hoa Kỳ thống nhất cao về việc đưa điều kiện tự do tôn giáo vào TPA (quyền đàm phán nhanh cho Hiệp định TPP).
Hầu như năm nào Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ cũng phải nhắc lại: “Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước. Những tổ chức tôn giáo không xin phép chính phủ để hoạt động phải đối mặt với những rủi ro là bị chính quyền địa phương đe dọa và quấy nhiễu”. Những bản báo cáo này cũng cho biết ở Việt Nam vẫn còn khoảng 150 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, rất nhiều người trong số này bị giam giữ vì lý do đức tin tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo. Những tù nhân đã được trả tự do hiện vẫn phải đối mặt với những truy bức từ phía chính quyền.
Kiến nghị đáng chú ý nhất của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ là chính phủ Mỹ sử dụng danh sách các quốc gia được quan tâm đặc biệt của Bộ Tài chính và từ chối cấp visa đối với những cá nhân và cơ quan vi phạm quyền con người, bao gồm vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.
Nếu Việt Nam ‘tái hòa nhập’ CPC?
Trong thời gian đầu chấp nhiệm chức vụ tổng thống, Donald Trump đã bị chỉ trích khá nhiều về sự lơ là đối với nhân quyền và tự do tôn giáo trên thế giới. Nhưng vào năm 2019, đã bắt đầu có sự thay đổi trong Trump, đặc biệt là thay đổi trong quan điểm của vị tổng thống này đối với Việt Nam.
Một điểm trùng hợp khó có thể xem là ngẫu nhiên là ít ngày trước lần đầu tiên biểu lộ mối quan tâm với tự do tôn giáo tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thăng tiến Tự do Tôn giáo năm 2019, Trump đã đã bất ngờ nóng nảy khi nêu bật cái tên Việt Nam như ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’, đồng thời diễn ra hai động thái song hành: trong khi Bộ Tài chính Mỹ suýt chút nữa đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, thì Bộ Thương mại Mỹ đã thẳng tay áp thuế hơn 430% đối với mặt hàng thép Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ nhưng có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Cái nhìn của Trump đối với hoạt động chính trị, tự do tôn giáo và có thể cả với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đang thay đổi. Thay đổi theo chiều hướng mà giới đấu tranh dân chủ nhân quyền có thể bằng vào đó để có được niềm hy vọng lớn hơn về sức ép của chính phủ Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam trong thời gian tới về cải thiện nhân quyền.
Kể từ năm 2006 khi được Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, giờ đây chính thể Việt Nam đang gần với triển vọng “tái hòa nhập” CPC hơn bao giờ hết. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam và cả thể chế cầm quyền - vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm - sẽ càng dễ sa chân sụp đổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét