Quan thuế Hoa Kỳ kiểm tra lô hàng giày giả nhập cảng từ Trung Quốc tại cảng Long Beach, California. (Hình: Getty Images)
Bình luận gia Martin Wolf của nhật báo Financial Times vừa qua có một bài viết đến cuộc chiến 100 năm sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Âu Châu đã từng chứng kiến một cuộc chiến 100 năm. Nhưng cố nhiên ngày nay sẽ không phải là một cuộc chiến tranh nóng như kiểu cuộc chiến 100 năm cũ cho đến Thế Chiến Thứ Hai mà là một cuộc chiến tranh lạnh như kiểu giữa Mỹ và Liên Xô.
Lý luận của ông Wolf tế nhị hơn là bình thường nhiều. Theo ông Wolf, sự sụp đổ của Liên Xô để lại một lỗ hổng lớn trong chính trị đối ngoại Hoa Kỳ.
Cuộc “chiến chống khủng bố” không đủ để thay thế. Nhưng Trung Quốc thì hội đủ tất cả các điều kiện.
Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc chính là đối thủ ý thức hệ, quân sự và kinh tế mà nước Mỹ cần có. Thành ra đối đầu với Trung Quốc trên tất cả mọi phương diện trở thành nguyên tắc tổ chức cho các chính sách kinh tế, đối ngoại và an ninh của Mỹ.
Có ông Trump hay không thì không quan trọng. Ông tổng thống Mỹ có cái nhậy bén của một kẻ kích động thành ra nói lên một cái khuynh hướng của thời đại mà thôi. Ông không cần phải đưa ra những chi tiết. Công việc này đã có những kẻ khác cung cấp cho ông cả cái khung chính sách và những chi tiết. Mục tiêu là sự bá chủ của Hoa Kỳ, phương tiện hoặc là Hoa Kỳ kiểm soát Trung Quốc hay là cách ly Trung Quốc.
Thoạt mới đọc, người ta có cảm tưởng rằng Martin Wolf đã quá cường điệu hóa cuộc chiến mậu dịch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Thế nhưng vừa qua khi được đọc một số bài viết được trình bày tại Aspen Security Forum, một diễn đàn tụ tập nhiều nhà nghiên cứu và nhà làm chính sách về an ninh của Hoa Kỳ làm tôi có cảm giác rằng Martin Wolf đã không cường điệu hóa chút nào cả. Ngược lại là khác.
Tốc độ mà các nhà lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ thuộc đủ mọi khuynh hướng quay ra ủng hộ quan điểm “một cuộc chiến tranh lạnh mới” chống lại Trung Quốc là một điều mà có thể làm cho người ta chóng mặt. Chỉ mới cách đây 18 tháng, ai mà nói đến chuyện này đều bị chỉ trích là gây kích động tạo nên sợ hãi. Nhưng nay nó đã trở thành một sự đồng thuận. Ngay cả nếu ông Donald Trump không phải là tổng thống Hoa Kỳ và một người khác mềm dẻo hơn ông Tập Cận Bình làm lãnh tụ Trung Quốc, người ta cũng khó có thể thấy có cách nào ngăn chặn một cuộc đấu tranh giữa hai siêu cường chi phối chính trị thế giới trong phần còn lại của thế kỷ thứ 21.
Nói chung quan điểm của những người tham dự Aspen (phần lớn có thể nói là không ủng hộ ông Trump) chẳng hạn bao gồm hai điều.
1-Ông Trump đã đúng khi nhận định rằng Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất của Mỹ.
2-Nhưng hành động của ông Trump lại làm cho vấn đề trở thành tệ hại hơn. Nói một cách khác, ông Trump đã làm giảm đi hy vọng chiến thắng của Hoa Kỳ trong cuộc chiến sinh tử này.
Điều đáng sợ là những người chỉ trích Trump nay lo sợ rằng ông Trump sẽ nhượng bộ Trung Quốc giữ cho kinh tế Mỹ có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh bảo vệ cho cơ hội tái cử của ông.
Cách đây 5 năm, tất cả mọi người tại Washington đều vẫn còn đồng ý với quan điểm rằng toàn cầu hóa là tốt và kinh tế quốc tế là một trò chơi có tổng số dương. Tức là nếu Trung Quốc có trở nên giầu hơn nhờ Hoa Kỳ thì Hoa Kỳ cũng giầu hơn nhờ Trung Quốc. Thành công của nước này không có nghĩa là thất bại của nước kia. Đó cũng chính là sự đồng thuận có ít nhất là từ khi chiến tranh lạnh với Liên Xô kết thúc vào đầu thập niên 1990.
Thế nhưng cái sự đồng thuận Washington này đã chứng tỏ là không đúng hay ít nhất là quá đơn giản.
Kinh tế không thể nào tồn tại tách rời ra khỏi địa chính trị. Phát triển kinh tế của Trung Quốc đến một mức nào đó tự nhiên tạo ra một nguy cơ thực sự cho bá quyền của Hoa Kỳ trên thế giới. Điều này chúng ta ai cũng có thể chấp nhận.
Điều làm người ta lo ngại là Hoa Kỳ này đã đi quá mức về phía bên kia; coi mọi chuyện đều như là một cuộc đấu tranh phải có kẻ được kẻ thua. Và không đâu ta có thể thấy rõ hơn trong các ngành kỹ thuật cao.
Tất cả những ai có học qua kinh tế học đều biết và công nhận lý thuyết về “ưu thế tương đối” của Ricardo. Và một trong những hậu quả của nó là ta bao giờ cũng có lợi trong việc mở cửa nền kinh tế của mình ngay cả khi đối tác của ta bảo hộ thị trường của họ.
Nhưng nếu những hàng hóa và dịch vụ đó có quan hệ mật thiết với an ninh quốc gia thì sao? Phải chăng Trung Quốc lợi dụng sự cởi mở của kinh tế Hoa Kỳ để chiến thắng Hoa Kỳ thì sao? Vấn đề với việc đặt một câu hỏi như vậy là tự nó đã có câu trả lời rồi.
Nếu quả thật Trung Quốc tìm cách khai thác, ăn cắp, hay bắt chước các kỹ thuật cao của Hoa Kỳ để tìm cách chi phối Hoa Kỳ thì câu trả lời rõ ràng là Hoa Kỳ cần phải ngăn chặn và đóng cửa. Đó chính là chiều hướng mà nước Mỹ đang đi tới. Nhưng nếu ta đứng về phía Bắc Kinh và đặt câu hỏi phải chăng Hoa Kỳ đang tìm cách chặn không cho Trung Quốc tiến lên thì ta cũng có một đáp án tương tự với hậu quả là hai chàng khổng lồ đang từ từ tiến đến một cuộc chiến tranh một cách mù quáng.
Giống như chiến tranh lạnh là sự kiện chi phối hậu bán thế kỷ thứ 20, cuộc chiến tranh lạnh mới này sẽ chi phối toàn thế giới trong phần còn lại của thế kỷ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét