Phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án cháu Đỗ Đăng Dư bị đánh chết
trong trại tạm giam vào năm 2015 đến nay đã hoãn tới lần thứ 6, mà hầu hết các
trường hợp là giống nhau.
Sau khi hoãn phiên toà lần thứ 5 cách đây gần hai tháng, tôi
đã có văn bản đề nghị triệu tập những người tham gia tố tụng và nếu họ không đến
thì tòa có thể áp dụng biện pháp dẫn giải đến phiên xử. Tôi đã dự tính trước một
tháng trước ngày mở phiên toà lần này để làm sao toà có đủ thời gian triệu tập
cũng như trích xuất những người đó, nhưng tại phiên toà hôm nay, vắng mặt tất cả
những người cần thiết và quan trọng trong vụ án, gồm bị cáo, một nhân chứng
cùng buồng bị cáo, giám định viên và những quản giáo của trại tạm giam có liên
quan.
Nữ chủ toạ phân trần có vẻ như rất bất lực trước các lệnh
triệu tập của toà.
Tôi không thể hiểu nổi quyền năng của toà được ấn định trong
Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức toà án nhân dân để làm gì trước những
người tham gia tố tụng mà làm cơ sở cho hành vi tố tụng của mình?
Ba vị thẩm phán (Toà án cấp cao) sau khi nghe ý kiến của luật
sư, của vị đại diện viện kiểm sát, đã buộc phải hoãn phiên toà một lần nữa trước
sự thất vọng thực sự của luật sư cũng như sự bức xúc của gia đình những người bị
hại khi đi lại quá nhiều lần mà một phiên toà mãi vẫn chưa đi qua được phần thủ
tục bắt đầu.
Trước đó, những người thân của bị hại và cả bị cáo cũng bị
ngăn không cho vào phiên toà để tham dự mặc dù là phiên toà công khai, nên buộc
luật sư phải đề nghị thư ký xuống sân toà để dẫn họ lên tham dự phiên toà để chứng
kiến hình hài của luật pháp trước mắt mình.
Chúng ta đã quy định trong Bộ luật Hình sự tội cản trở các
hoạt động điều tra, truy tố và xét xử; tội khai báo gian dối và tội cố tình
ngăn cản thực thi công lý. Nhưng có lẽ để áp dụng những quy phạm ấy vào hoạt động
pháp lý có lẽ còn một khoảng cách quá xa vời.
L.V.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét