Trong khi dược sĩ Tạ Ngọc Dũng bị khởi tố về một tội danh
“rất nhẹ” và cuối cùng được “tha bổng” như chúng tôi đã nêu ở bài trước,
thì dược sĩ Phan Xuân Lễ, nhân vật có đủ bằng chứng phạm tội lại hoàn
toàn vô can trước một cuộc điều tra kéo dài. Nếu quyết tâm lật lại vụ án
thì không cần phải mất nhiều công sức, các cơ quan có trách nhiệm vẫn
có thể thấy ngay những chứng cứ không thể chối cãi của một cuộc chạy tội
vô cùng trắng trợn…
Sau khi cơ quan điều tra được bàn giao toàn bộ hồ sơ thanh tra và đã
tiến hành khởi tố vụ án thì tại Vụ Quản lý dược, một ê-kíp lãnh đạo mới
cũng đã được Bộ Y tế kịp thời bố trí để thay thế cho những người bị đình
chỉ công tác. Và ngay sau khi nhận chức Vụ trưởng Vụ Quản lý dược, phó
tiến sĩ Nguyễn Vi Ninh đã giao nhiệm vụ cho 2 nhóm chuyên viên tiến hành
kiểm kê toàn bộ số hồ sơ thuốc nước ngoài đăng ký nhập khẩu vào Việt
Nam mà những người tiền nhiệm đã để lại. Với tư cách là chuyên viên Vụ
Quản lý dược, nguyên ủy viên kiêm thư ký hội đồng xét duyệt, là người
phải chịu trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản hồ sơ nên dược sĩ Phan Xuân
Lễ cũng được tham gia nhóm kiểm kê thứ hai. Báo cáo kết quả đợt kiểm kê
kéo dài hơn 1 tháng này cho thấy có đến 158 mặt hàng thuốc đã được cấp
số đăng ký nhưng hoàn toàn không có hồ sơ. Toàn bộ những sự việc này đã
được thể hiện đầy đủ trong báo cáo đề ngày 14/5/1993 của nhóm thẩm định
trình lên lãnh đạo Bộ Y tế. Hơn 1 năm sau, vào tháng 6/1994, tình tiết
đặc biệt quan trọng này tiếp tục được khẳng định lại trong báo cáo hệ
thống hóa và bổ sung chứng cứ của Thanh tra Bộ Y tế.
Thế nhưng khi “gọi hỏi” dược sĩ Lễ về những sai phạm tày đình nói
trên, cơ quan điều tra cho rằng: “Anh Lễ đã trình được 152/158 hồ sơ tài
liệu danh mục tên thuốc các hãng nước ngoài xin đăng ký mà bản gốc anh
Lễ đang lưu tại tủ làm việc ở Vụ dược” (?). Và vì đã “điều tra” được kết
quả như vậy nên dược sĩ Lễ tất nhiên cũng được xem là không có tội gì.
Cần nhớ rằng việc kiểm kê là do chính Vụ Quản lý dược tiến hành, bản
thân dược sĩ Lễ cũng có mặt trong cuộc kiểm kê (dù ông Lễ không chịu ký
vào biên bản). Đây là tài liệu bổ sung các chứng cứ cho kết luận thanh
tra của Bộ Y tế. Suốt trong thời gian kiểm kê và hệ thống hóa các chứng
cứ thanh tra, dược sĩ Lễ đã hoàn toàn không thể “trình” được hồ sơ,
nhưng hơn 1 năm sau, ông Lễ “đùng một cái lại” trình được cho cơ quan
điều tra 152 bộ hồ sơ “lưu trong tủ làm việc”, nghĩa là ông Lễ đã “để
quên” 152 bộ hồ sơ trong tủ làm việc của mình, đến nỗi suốt thời gian
dài kiểm kê ông không tìm thấy.
Chúng tôi xin lưu ý với bạn đọc rằng, mỗi một bộ hồ sơ đăng ký thuốc
không phải là một xấp giấy mà có tới 3 quyển dày, khổ lớn, kèm theo đó
là 5 hộp thuốc mẫu do công ty nước ngoài nộp. Một bộ thôi đã chiếm một
thể tích không nhỏ ở nơi lưu giữ rồi. Nhưng có tới 158 bộ, nghĩa là có
tới 480 quyển khổ lớn cộng với gần 800 hộp thuốc mẫu. Bởi vậy, không thể
“để quên” một khối lượng khổng lồ tài liệu và hiện vật như vậy trong
cái “tủ làm việc” của ông Lễ được. Nói “để quên” 5 hay 7 bộ hồ sơ cũng
không thể có, huống hồ “quên” đến 158 bộ.
Mặc dù một đứa trẻ cũng không thể tin được chuyện “để quên” vô lý đó,
nhưng chúng tôi chưa có cơ sở để khẳng định cơ quan điều tra đã cố tình
kết luận một vấn đề cực kỳ phi lý như vậy để tha bổng kẻ có tội. Điều
chúng tôi muốn nói ở đây là, chính cuộc điều tra kéo dài suốt gần 2 năm
trong một hoàn cảnh các đối tượng có liên quan hoàn toàn không bị áp
dụng biện pháp ngăn chặn nào, nên họ có thừa khả năng và thời gian để
hợp thức hóa tài liệu đối phó với sự trừng phạt của pháp luật. Trong
trường hợp này, dù ông Lễ có đủ thời gian và điều kiện để đối phó, nhưng
ông ta không thể “lấy thúng úp voi”, không thể biến “đen” thành “trắng”
được. Nhưng điều vô cùng khó hiểu là ông ta không thể qua mặt nhóm kiểm
kê của Vụ Quản lý dược nhưng vì sao ông ta lại qua mặt cơ quan điều tra
một cách ngoạn mục như vậy?
Và vấn đề cũng chưa dừng lại ở đó. Xem lại toàn bộ tài liệu kết luận
của Thanh tra Bộ Y tế mà cơ quan điều tra lúc bấy giờ đã được tiếp nhận
để thụ lý điều tra, chúng tôi còn thấy nổi lên hàng loạt nội dung quan
trọng khác đã được “bỏ qua” theo hướng có lợi cho dược sĩ Lễ. Chẳng hạn
thanh tra đã phát hiện và kết luận Vụ Quản lý dược (mà người trực tiếp
thực hiện là dược sĩ Lễ) đã cấp tổng cộng 371 số đăng ký cho các công ty
nước ngoài mà không thông qua hội đồng xét duyệt (hay nói chính xác là
cấp lậu) và cũng đã phân tích rõ: “Dược sĩ Phan Xuân Lễ, thư ký thường
trực kiêm thuyết trình viên của hội đồng xét duyệt, người trực tiếp thực
hiện và đảm nhận mọi hoạt động cấp số đăng ký phải đặc biệt chịu trách
nhiệm…”. Thế nhưng cơ quan điều tra đã hoàn toàn “lơ” đi hành vi vi phạm
pháp luật nghiêm trọng này. Tương tự, với những bộ hồ sơ chưa đầy đủ
tính pháp lý và có dấu hiệu giả mạo được trình cho Hội đồng xét duyệt
cấp số đăng ký, đã bị Thanh tra “lật tẩy” nhưng cơ quan điều tra cũng
“quên” luôn.
Tất nhiên dược sĩ Lễ không dại gì mà “biếu không” các công ty dược
nước ngoài những số đăng ký thuốc đó. Nhưng để được cấp một số đăng ký
“khống” như vậy, các công ty dược phải chi mấy trăm đô la, mấy ngàn đô
la hay mấy chục ngàn đô la thì không ai biết chính xác được, mặc dù đã
có những đơn, thư tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.
Vấn đề khó hiểu nữa là, liên tục nhiều năm sau đó, đã có những đơn,
thư tố cáo, yêu cầu làm rõ vụ án, làm rõ những tình tiết mà chúng tôi
vừa nêu – những đơn, thư đó đã gửi đến nhiều cơ quan chức năng, nhưng
tất cả đều rơi vào im lặng. Thật là đáng sợ!
Thanh Niên
Hoàng Hải Vân – Võ Khối
17-6-2004
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét