Ngày 20/9 vừa qua, trong buổi Hội
thảo góp ý dự án Luật An ninh mạng do đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức,
ông Trần Quốc Tú, Phó phòng Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp TP.HCM đã đề nghị thêm
tội danh “xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ” vào luật của Việt Nam.
Phi lý!
Giải thích về lý do đưa ra đề nghị
nghiêm cấm xúc phạm, bôi nhọ lãnh tụ, ông Tú nói rằng gần đây trên các trang mạng,
các phần tử phản động chống phá đang ra sức xuyên tạc, bôi nhọ các lãnh tụ cách
mạng Việt Nam. Đồng thời, tung hô và ca ngợi các nhân vật tay sai, cộng tác với
đế quốc, thực dân trước đây. Theo ông Tú thì mục đích của việc này là để hạ bệ
thần tượng, gây hoang mang, hoài nghi và bất mãn trong quần chúng nhằm tiến đến
mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy ông kết luận rằng đây là
hành vi nguy hiểm, trực tiếp ảnh hưởng đến chế độ và an ninh quốc gia.
Trao đổi với RFA, Giáo sư Tạ Văn
Tài, giảng viên Khoa Luật tại đại học Havard, Mỹ nhận định rằng một số người
trong Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất hoang mang và lo sợ thần tượng của chế độ
sẽ sụp đổ. Ông phân tích:
Theo tôi nghĩ, đó là do họ lo sợ
việc chỉ trích ông Hồ Chí Minh, được một số Đảng viên Đảng Cộng sản cho là thần
tượng của chế độ. Tuy nhiên nhiều người trong nước vẫn thấy ông cụ có nhiều
khuyết điểm nên họ muốn xem xét lại thần tượng.
Giáo sư Tạ Văn Tài nhắc đến một vụ
việc từng xôn xao dư luận liên quan đến Giáo sư Ngô Bảo Châu. Vào hôm
19/05/2016, cũng là sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, trên Facebook cá nhân của
mình, Giáo sư Châu viết: "Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân
hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta."
Bình luận này nhận được trên dưới
20.000 người "thích", hàng trăm bình luận và cả ngàn lượt chia sẻ
nhưng đã được gỡ bỏ sau khoảng hai giờ kể từ khi đăng.
Ngay sau đó trên mạng xã hội đã
lan truyền những bài viết lên án Giáo sư Ngô Bảo Châu như “Tiếc cho nhân tài
Ngô Bảo Châu”; “Ngô Bảo Châu - một con trâu biết làm toán” hay “Ngô Bảo Châu -
một con chó phản chủ…”.
Một bài trong số này đăng trên
blog có đoạn viết: "Ngô Bảo Châu tiếp tục cổ súy cho các hành động sai
trái chống phá đất nước của những tên phản động như Lê Công Định, Nguyễn Đình
Thục, Đặng Hữu Nam, Mẹ Nấm..."
Theo quan điểm của Giáo sư Tạ Văn
Tài thì những câu nói của Giáo sư Ngô Bảo Châu được cho là có liên quan đến ông
Hồ Chí Minh không có gì là nặng nề. Ấy vậy mà đã bị một bộ phận dư luận “ném
đá” dữ dội. Huống chi là những người bị cho là bôi nhọ lãnh tụ thì người ta muốn
hình sự hóa tội danh này cũng là dễ hiểu.
Luật sư Hà Huy Sơn, thuộc đoàn luật
sư Hà Nội nêu ra những vấn đề trong đề xuất thêm tội bôi nhọ lãnh tụ và luật
pháp Việt Nam:
Thứ nhất, theo tôi, trong hệ thống
pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm ai là lãnh tụ cả. Thứ hai, theo Hiến pháp
2013 của Việt Nam thì các công dân đều bình đẳng như nhau, không phân loại là
lãnh tụ là công dân loại 1 hay các công dân khác là công dân loại 2. Còn về
chuyện bảo vệ uy tín, danh dự cá nhân của công dân thì trong Bộ luật Dân sự người
ta đã quy định rồi. Cho nên ý kiến đó tôi thấy là vô lý!
Xã hôi văn minh không ai có!
Đầu tháng 7 vừa qua, nhà hoạt động
dân chủ nhân quyền Trần Hoàng Phúc, cũng là một thành viên của YSEALI- nhóm
Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thành lập, đã bị
bắt theo điều 88 Bộ luật hình sự. Sau khi anh Phúc bị bắt, trên mạng xuất hiện
nhiều bài viết nói rằng anh đã xúc phạm tới ông Hồ Chí minh, kèm theo một bức
hình cho là của nhà tranh đấu trẻ, đang đạp chân vào chân dung ông Hồ.
Tuy nhiên mẹ của anh Phúc, và các
nhà hoạt động thân quen với anh đều khẳng định rằng người trong hình không phải
là Trần Hoàng Phúc.
Trang vntb.org viết: “Việc Cơ
quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt giam Trần Hoàng Phúc tiếp tục
là bài học đắt giá cho những kẻ chống chế độ, chống Nhà nước. Đặc biệt, đối với
những kẻ xúc phạm anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân Việt Nam không bao
giờ tha thứ!”
Dòng status trên Facebook của
Giáo sư Ngô Bảo Châu hôm 19/5/2016. hoangsaparacels.blogspot
Luật sư Võ An Đôn, đoàn Luật sư
Phú Yên cho rằng việc bổ sung thêm luật cấm bôi nhọ lãnh tụ là không nên và
không cần thiết. Ông cho biết hiện tại luật của Việt Nam đã nói rõ nếu ai thấy
mình bị xúc phạm thì có thể kiện ra tòa. Theo ông, nếu cho điều này vào luật sẽ
ảnh hưởng rất nhiều tới quyền của người dân:
Lãnh tụ thì mỗi người có quyền
tôn trọng trong tấm lòng của mình. Nhưng một người nào đó không tôn trọng thì
không thể bắt buộc người ta phải tôn trọng hay có cái nhìn khác hay đánh giá khác.
Đó là quyền cá nhân của họ. Luật mà bắt buộc người ta phải tôn trọng, không được
nói ra sự thật là vi phạm quyền tự do ngôn luận của con người.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi rằng
liệu quốc tế có luật nào quy định người dân không được bôi nhọ lãnh tụ không,
Giáo sư Tạ Văn Tài nói rằng ở các nước văn minh không hề có luật kiểu này và
ông khẳng định đây là quyền phê phán lịch sử của nhân dân. Ông nói Việt Nam nếu
muốn phát triển văn minh hơn, cũng không nên đưa những điều như vậy vào luật:
Các xã hội văn minh họ có chủ
trương là một người đã quá vãng thì coi như một nhân vật lịch sử và người ta
hay nói là để lịch sử phán xét. Cho nên các nước văn minh như Hoa Kỳ chẳng hạn
họ không cho là nói xấu hay phê bình một cách thẳng thắn người đã chết rồi là mắc
tội phỉ báng. Phỉ báng chỉ dành cho người còn sống vì họ cần danh dự của họ để
sống một cách hiên ngang, thì nói xấu hay nói sai sự thật về người đó mới là phỉ
báng. Còn khi người đó đã chết rồi thì người ta có quyền phê bình thẳng thắn để
tạo dư luận lịch sử.
Nói xấu hay nói tốt cho người đã
chết rồi, dù là nhân vật vĩ nhân đi chăng nữa là quyền phê phán lịch sử của
nhân dân.
Cho nên nếu làm ra luật như vậy sẽ
bị thế giới văn minh cười cho chết luôn.
Không chỉ với lãnh tụ, từ đầu năm
nay, Việt Nam liên tục có nhiều hành động nhằm bảo vệ uy tín của lãnh đạo cấp
cao. Trong phiên họp Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, một số đại biểu đã đề nghị bổ
sung quy định nghiêm cấm xúc phạm, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Trước đó Việt Nam cũng yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2.200 video nói xấu, bôi nhọ
lãnh đạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng yêu cầu Facebook loại bỏ những tài khoản giả
mạo lãnh đạo Nhà nước.
Nhận xét về hành động “ráo riết”
bảo vệ hình ảnh lãnh đạo và lãnh tụ của Việt Nam, luật sư Võ An Đôn cho rằng họ
lo sợ một khi hình ảnh tốt đẹp về người đứng đầu không còn nữa, điều đó có thể ảnh
hưởng đến cả chế độ. Giống như trong một tôn giáo, người ta xây dựng một hình
tượng đẹp đẽ để mọi người tin tưởng và noi theo. Khi mọi người không còn tin
vào hình tượng đó nữa, thì tôn giáo đó cũng không thể tồn tại:
Người ta không muốn làm xấu đi
hình ảnh lãnh đạo hay lãnh tụ của mình. Cứ nói là bôi nhọ chứ thực ra nhiều người
nói sự thật. Lãnh đạo Nhà nước nếu cảm thấy mình bị xúc phạm thì cứ khởi tố người
nói xâu mình ra tòa. Yêu cầu người đó công khai xin lỗi, bồi thường. Nếu vụ việc
mang tính hình sự thì cứ khởi tố vì luật có sẵn hết rồi.
Giáo sư Tạ Văn Tài cũng có quan
điểm tương đồng, ông nói rằng nhiều người trong Đảng Cộng sản đang lo sợ và hoảng
hốt trước sự rung rinh của chế độ. Nếu càng ngày sự thật càng phơi bày ra, thì
nhân dân có thể sẽ nổi loạn lật đổ. Ông cho rằng Việt Nam nếu muốn được coi là
quốc gia dân chủ thì phải để người dân được quyền phê bình, và chỉ sử dụng luật
phỉ báng để ngăn chặn trường hợp phê bình bừa bãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét