Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Các ban chỉ đạo đặc biệt, mục đích chính trị hay phát triển?

Kính Hòa - RFA




 Một nhóm người thiểu số Tây Nguyên tị nạn tại Campuchia gặp đại diện Liên Hiệp Quốc. 12/2014.
Một nhóm người thiểu số Tây Nguyên tị nạn tại Campuchia gặp đại diện Liên Hiệp Quốc. 12/2014. AFP


Trong tổ chức chính trị của Việt Nam hiện nay có ba ban chỉ đạo cấp vùng, ở ba vùng địa lý khác nhau của Việt Nam là Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam bộ. Hoạt động của các ban này như thế nào? Nhằm mục đích gì?

Các vấn đề tôn giáo và sắc tộc

Ban chỉ đạo Tây Bắc được thành lập vào năm 2004, phụ trách các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam. Hiện đứng đầu Ban này là ông Nguyễn Văn Bình, một Ủy viên Bộ chính trị.

Ban chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập vào năm 2002, phụ trách một vùng rộng lớn ở cao nguyên Trung phần Việt Nam. Người phụ trách ban này là Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam.

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, thành lập vào năm 2004, phụ trách khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay ban này do Phó Thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị Vương Đình Huệ đứng đầu.

Sự thành lập các ban này được thực hiện bởi các quyết định của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, chứ không phải do Chính phủ Việt Nam ban hành. Trong các sắc lệnh thành lập các ban chỉ đạo đặc biệt đều có ghi rằng nhiệm cụ của các ban chỉ đạo là xác định phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ba vùng đất Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam bộ có một đặc điểm chung là có nhiều sắc tộc thiểu số, và những giáo hội tôn giáo mà nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo không công nhận.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, người từng làm việc trong cơ quan an ninh Việt Nam cho biết:

“Các vấn đề tôn giáo và sắc tộc là những yêu cầu để thành lập ba ban này. Trước đây Chính phủ có từ 18 đến 20 ban thì có ba ban chỉ đạo đặc biệt, tức là ba vùng Tây, gọi là ba Tây, gồm Tây Bắc, chủ yếu là vấn đề đạo Tin Lành, sau này có đạo Dương Văn Mình. Tây Nguyên cũng đạo Tin Lành, Tây Nam thì có Đạo Phật giáo Hòa Hảo.”

Vào năm 2015, một bản tin trên truyền hình Việt Nam có tường thuật về một buổi họp của Ban chỉ đạo Tây Bắc, trong đó các vị đại biểu có nhấn mạnh đến chuyện là không để các đối tượng xấu lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trước đó, vào năm 2011, tại vùng Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã có một cuộc biểu tình của một số người dân tộc thiểu số Hmong có liên quan đến những tổ chức tôn giáo của họ mà Chính phủ không công nhận. Chính quyền đã huy động quân đội đến giữ trật tự. Nhiều người Hmong đã trốn chạy khỏi miền Tây Bắc sang Thái Lan tị nạn.

Tại Tây Nguyên, vào tháng Bảy năm nay, báo chí Việt Nam đưa tin nói rằng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã trở thành đầu mối chỉ đạo giải quyết những vấn đề chính trị, các cuộc biểu tình bạo động. Trong những năm 2001, 2004 vùng Tây Nguyên đã chứng kiến những cuộc biểu tình đòi tự trị của các sắc tộc thiểu số. Quân đội đã được điều động, và vùng Tây Nguyên bị cô lập trong vài ngày. Những sự việc này đã làm cho vài trăm người dân thiểu số bỏ chạy sang Campuchia và Thái Lan tị nạn.

Tại Tây Nam Bộ là những vấn đề giáo hội Phật giáo Hòa Hảo không được nhà nước công nhận. Sự kiện mới nhất là một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo là ông Vương Văn Thả bị bắt vào tháng Năm, 2017. Ngoài ra đôi khi tại vùng này cũng có những chuyện rắc rối với cộng đồng người Khmer Krom theo Phật giáo Tiểu thừa, như vào năm 2015, một số chùa của người Khmer phản đối chính quyền về việc sử dụng những con dấu khác nhau.

Ông Phạm Chí Dũng nhận xét về các ban chỉ đạo đặc biệt này:

“Việc chỉ đạo, quản lý các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tây Bắc, Tây Nguyên, và Tây Nam, đã gây ra những hậu quả lớn về nhân quyền, vi phạm nhân quyền. Mà đó là vấn đề cộng đồng quốc tế, Mỹ, phương Tây, châu Âu rất quan tâm, luôn luôn chỉ trích và lên án Việt Nam các vấn đề nhân quyền ở các khu vực đó.”

Kinh tế hay chính trị?

Như đã đề cập trong phần đầu, trong các sắc lệnh thành lập các ban chỉ đạo đặc biệt đều có ghi rằng nhiệm cụ của các ban chỉ đạo là xác định phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên theo một số nhà quan sát thì các ban này được thành lập cho mục đích chính trị mà thôi.

Cuối tháng 9/2017, sau một hội nghị lớn về phát triển bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một số viên chức cao cấp của chính phủ đã đề nghị thành lập một Ban điều phối chung cho hoạt động kinh tế và phát triển của vùng này. Chúng tôi có đặt câu hỏi với Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện biến đổi khí hậu tại Cần Thơ là tại sao không sử dụng một cơ cấu đã có sẳn là Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông trả lời:

“Ba cái ban của ba vùng đó nặng về vấn đề chính trị xã hội, chứ không phải những vấn đề kinh tế, vấn đề phát triển.”

Về quyền lực thực tế của ba ban này, có những ý kiến cho là nó không có quyền lực thực sự. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, nói với chúng tôi:

“Các ban này là các ban của đảng, theo dõi các tổ chức đảng ở các vùng ba Tây đó. Nói chung là nó mang tính chất tư vấn cho trung ương, tham mưu làm tư vấn chứ không có quyền lực, quyền lực là ở các tỉnh.”

Vào tháng 9, 2017, một vụ bê bối đã xảy ra tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho biết là đã kỷ luật hàng loạt cán bộ của ban này, kể cả ông Phó trưởng Ban Nguyễn Phong Quang. Nguyên nhân của việc kỷ luật này là do những sai phạm về quản lý đất đai, và bổ nhiệm nhân sự sai qui định.

Một cựu Ủy viên trung ương đảng không muốn tiết lộ danh tánh nói với chúng tôi:

“Tôi nghĩ nó có những mặt được và những mặt chưa được. Nhưng phải nói là nó có tính trung gian nhiều, mà chuyện này thì hồi mới lập ra đã thấy là nó có tính trung gian. Bởi vì ở dưới là có cấp tỉnh, ở trên thì có cơ quan lãnh đạo chung của trung ương rồi. Nhưng vì nó có đặc thù là xa xôi hẻo lánh, khó khăn, đồng bào các dân tộc ít người, vì có đặc thù như thế nên mới sinh nó ra.”

Ông cho rằng có thể trong những kỳ họp của đảng cộng sản vào cuối năm nay, đảng sẽ quyết định có nên duy trì các ban chỉ đạo đặc biệt này hay không.

Ông Nguyễn Minh Nhị tiếp lời:

“Đúng rồi, người ta cũng phê phán dữ lắm. Thì cái chuyện này người ta lập ra, mình đâu có quyền nói nó nên duy trì hay không, mà mình thấy nó như vậy. Nó có những cái rất là rắc rối, phiền phức, nhưng mà người ta lập ra thì người ta có yêu cầu của người ta mình đâu có biết.”

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì việc duy trì hay không các ban này phụ thuộc vào cách đánh giá tầm quan trọng của những vấn đề chính trị, nếu đảng cộng sản thấy những vấn đề chính trị vẫn là mối bận tâm hàng đầu thì họ vẫn sẽ duy trì các ban này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét