Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Hoàng đế Napoleon giữa đời thường

Tác giả: Andrew Roberts



 


Vị tướng tài ba luôn thường trực tình yêu gia đình

“Anh là người duy nhất trên Trái đất này em dành cho một tình yêu chân thành và thường trực,” ông có lần viết cho anh trai Joseph của mình như vậy. Xu hướng miệt mài thúc đẩy lợi ích của gia đình sau này sẽ gây tổn hại đáng kể tới lợi ích của chính ông.

Xuất thân là người đảo Corse có nguồn gốc Italy của Napoleon sau này đã dẫn tới vô vàn chỉ trích từ những kẻ gièm pha. Một trong những tác giả người Anh viết tiểu sử về ông sớm nhất, William Burdon, đã nói về nguồn gốc Italy của ông: “Điều này có thể quy cho phần hung bạo tối tăm trong tính cách của ông ấy, vốn mang nhiều sự phản trắc của người Italy hơn là sự cởi mở và sống động của người Pháp.”

Tương tự, vào tháng Mười một năm 1800, nhà báo Anh William Cobbert mô tả Napoleon như “một kẻ hãnh tiến xuất thân thấp hèn đến từ đảo Corse đáng khinh bỉ!”

Khi Thượng viện Pháp đề xuất Napoleon trở thành hoàng đế vào năm 1804, Bá tước Jean-Denis Lanjuinais bình phẩm: “Cái gì! Chẳng lẽ các vị cam chịu với chủ nhân của đất nước mình xuất thân từ một chủng tộc có nguồn gốc tiện dân tới mức người La Mã còn chẳng thèm dùng làm nô lệ sao?”

Bởi ông là người Corse, nên người ta cho rằng Napoleon sẽ thù lâu nhớ dai, nhưng không có tư liệu nào ghi nhận nhà Bonaparte làm điều đó, và Napoleon đặc biệt nhân từ với một số người đã phản bội ông, như Bộ trưởng Ngoại giao Charles Maurice de Talleyrand và Bộ trưởng Cảnh sát Joseph Fouché.


Đứa trẻ khác biệt, bộc lộ sự “xuất chúng” ngay từ thuở thơ ấu


Napoleon mắc phải chứng ho khan khi còn là một đứa trẻ, đây có thể là triệu chứng nhẹ của bệnh lao không được phát hiện; việc giải phẫu tử thi sau khi ông qua đời cho thấy phổi trái của ông có dấu vết của bệnh lao đã khỏi từ lâu.

Tuy nhiên, hình ảnh quen thuộc vẫn được biết đến về một đứa trẻ yếu đuối sống thu mình lại thật khó tương thích với biệt danh trong gia đình của ông, “Rabulione” hay kẻ gây rắc rối.

Xét đến sự ít ỏi của những nguồn tư liệu đáng tin cậy, phần lớn giai đoạn đầu thời thơ ấu của Napoleon sẽ vẫn chỉ là phỏng đoán, tuy nhiên khó có thể nghi ngờ về việc ông đọc sách từ rất sớm và đọc rất nhiều, từ khi còn nhỏ đã quan tâm tới lịch sử và tiểu sử danh nhân.

Letizia Ramolino (mẹ của Napoleon) từng nói với một vị bộ trưởng trong chính quyền rằng con trai mình “không bao giờ tham gia các trò chơi của những đứa trẻ cùng trang lứa, nó luôn cẩn thận tránh xa chúng, và tìm cho mình một căn phòng nhỏ trên tầng ba của ngôi nhà, ở lại đấy và ít khi xuống dưới, dù để ăn với gia đình.

Ở trên đó, nó đọc không ngừng, nhất là những cuốn sách lịch sử.” Napoleon tuyên bố hồi 9 tuổi lần đầu tiên ông đọc cuốn La Nouvelle Héloïse (Nàng Héloïse mới) của Jean-Jacques Rousseau, một tiểu thuyết dày 800 trang về tình yêu và sự trả giá, và nói: “Nó đã làm thay đổi đầu óc tôi.”

“Tôi không hề nghi ngờ về ảnh hưởng mạnh mẽ của việc đọc sách từ sớm tới xu hướng và tính cách hồi nhỏ của cậu ấy,” người anh trai Joseph của ông sau này nhớ lại.

Người anh mô tả hồi ở trường tiểu học, khi học sinh được yêu cầu tới ngồi dưới cờ La Mã hoặc cờ Carthage, Napoleon luôn khăng khăng đòi đổi chỗ với anh trai và nhất quyết không chịu gia nhập bên Carthage thua cuộc. (Cho dù kém Joseph 18 tháng tuổi, nhưng Napoleon luôn có ý chí mạnh mẽ hơn.)

Trong cuộc đời sau này, Napoleon thường hối thúc các sĩ quan cao cấp của ông “đọc đi đọc lại về các chiến dịch của Alexander Đại đế, Hannibal, Julius Caesar, Gustavus Adolfus, Hoàng tha Eugene và Frederick Đại đế.

Đây là cách duy nhất để trở thành một vị tướng vĩ đại.” Lịch sử cổ đại cung cấp cho ông một bách khoa thư về các chiến thuật quân sự và chính trị, cùng những lời trích dẫn mà ông sẽ rút ra sử dụng trong suốt đời mình.

Nguồn cảm hứng này sâu sắc tới mức khi ngồi làm mẫu vẽ, thỉnh thoảng ông vẫn đút tay vào áo khoác, bắt chước những người La Mã mặc áo toga.

Tiếng mẹ đẻ của Napoleon là Corse, một thổ ngữ địa phương khá giống tiếng Genoa.

Ông được dạy đọc và viết bằng tiếng Italy ở trường, và học tiếng Pháp khi gần 10 tuổi, thứ tiếng ông luôn nói với giọng Corse rất nặng, với ‘ou’ cho ‘eu’ hay ‘u’ khiến ông phải đón nhận mọi lời trêu chọc tại trường học và trong quân đội.

Kiến trúc sư Pierre Fontaine, người trang trí và tân trang cho nhiều cung điện của Napoleon, từng nghĩ “thật không thể tin nổi một người ở địa vị của ông ấy” lại nói với khẩu âm nặng đến thế.

Napoleon không mấy thành thạo về ngữ pháp hay phát âm tiếng Pháp, cho dù vào thời kỳ chưa có việc chuẩn hóa phát âm, điều này chẳng mấy quan trọng và ông cũng không bao giờ gặp bất cứ khó khăn nào trong việc làm người khác hiểu mình.

Thời thơ ấu của Napoleon thường được mô tả như một vòng xoáy của những nỗi lo âu, nhưng chín năm đầu đời của ông ở Ajaccio trôi qua đơn giản và hạnh phúc, giữa gia đình, bè bạn và vài người hầu trong nhà.

Trong bộ sách đồ sộ của mình về lịch sử văn minh phương Tây, sử gia, triết gia người Mỹ Will Durant cùng vợ ông, bà Anne Durant đã đặt tên cho tập cuối của bộ sách, viết về thời kỳ lịch sử đầy biến động 1789-1815 ở châu Âu là “Thời đại Napoleon”.

Có lẽ đó là cách ghi nhận ngắn gọn và chính xác nhất vai trò của Napoleon Bonaparte trong việc định hình nên tiến trình lịch sử châu Âu của giai đoạn này, cũng như tạo ra tiền đề cho cơn bão cách mạng 1830-1848 sau đó.

Chẳng vậy mà bất cứ ai ham tìm hiểu về lịch sử cũng sẽ thích tìm hiểu về con người đặc biệt này. Trong gần 200 năm qua, kể từ sau khi cuốn tiểu sử dài hơi đầu tiên về trọn vẹn cuộc đời, sự nghiệp của Napoleon được Walter Scott xuất bản năm 1827, thật khó lòng thống kê hết những cuốn sách đã viết về ông, và chắc chắn sẽ không có năm nào trôi qua trong một thời gian dài nữa mà lại không có thêm ít nhất một cuốn sách mới ra đời ở đâu đó trên thế giới bàn về một khía cạnh nào đó của cuộc đời, sự nghiệp Napoleon.

Đọc hết cả “núi” sách theo đúng nghĩa đen này là việc bất khả thi, tuy nhiên chỉ cần một cuốn tiểu sử tóm lược khá toàn diện như Napoleon Đại đế của Andrew Roberts là đủ để những ai muốn tìm hiểu về nhân vật lịch sử có một không hai này, cho dù xuất phát từ bất cứ lý do nào, cũng tìm được cho mình một bức tranh tương đối ưng ý từ mọi góc độ, khía cạnh của một cuộc đời sôi nổi, phong phú và nhiều cung bậc thăng trầm đến mức chính chủ nhân của cuộc đời ấy đã phải thốt lên: “Đời ta quả là một cuốn tiểu thuyết.”

Napoleon từng thích trở thành nhà văn, thích trở thành tác giả của những thiên tiểu thuyết khi còn trẻ. Ông đã không làm được điều đó bằng ngòi bút trên trang giấy, song đã viết được một cuốn tiểu thuyết trường thiên bi tráng qua chính cuộc đời mình.

Mỗi trang của cuốn sách đó là một ngày đầy bận rộn ông đã trải qua từ khi là viên tướng trẻ 27 tuổi lên đường sang Italy bắt đầu chiến dịch đầu tiên của sự nghiệp cho tới khi ông ê chề rời khỏi chiến trường Waterloo ngổn ngang xác chết 19 năm sau để khép lại sự nghiệp đó.

Nói tới Napoleon đa số mọi người đều nghĩ tới một vị tướng, một Hoàng đế, những trận đánh. Nhưng không chỉ có thế.

Cuộc đời của Napoleon được Andrew Roberts lần lại qua từng giai đoạn trước hết là cuộc đời của một con người luôn muốn thách thức tất cả, luôn muốn tiến lên phía trước, không dừng lại trước bất cứ trở ngại nào cho tới khi kiệt sức.

Mỗi bạn đọc có thể tìm thấy từ cuộc đời ông những bài học phù hợp cho mình, có lẽ vì cuộc đời ấy hội đủ mọi cung bậc thăng trầm được đẩy lên mức cao trào nhất mà con người có thể trải qua, từ đói rách bần hàn tới cực đỉnh vinh quang, rồi từ cực đỉnh vinh quang trở thành một người tù bị lưu đày biệt xứ.

Nếu bạn là một người trẻ tuổi đang phải tay không bước vào cuộc sống với bao thách thức, Napoleon có thể là nguồn cảm hứng cho bạn để bạn thấy bằng ý chí, nghị lực, con người có thể ngược dòng vượt qua nghịch cảnh như thế nào để vươn lên.

Nếu bạn đang trên đỉnh của thành công, danh vọng, câu chuyện đời của Napoleon sẽ nhắc cho bạn hiểu mọi đỉnh cao đều rất chông chênh, như thời xưa ở thành Rome khi mỗi vị tướng khải hoàn trở về đều có một người vừa cầm vòng nguyệt quế giơ trên đầu anh ta vừa nói vào tai anh ta: “Mọi vinh quang chỉ là thoáng chốc”.

Nếu bạn đang nuôi dưỡng những hoài bão, tham vọng lớn lao, hãy đọc về cuộc đời Napoleon để chắc chắn bạn đã sẵn sàng trả cái giá khủng khiếp mà hiện thực hóa mỗi hoài bão, tham vọng lớn lao sẽ đòi hỏi ở bạn.

Nếu bạn phải chứng kiến mọi nỗ lực của mình kết thúc bằng thất bại, hãy đọc về Napoleon để hiểu rằng kết thúc cuối cùng bằng thất bại không có nghĩa là cả quá trình nỗ lực của bạn là hoàn toàn vô ích mà vẫn có giá trị riêng của nó, ít nhất nỗ lực đó của bạn, cũng như những gì Napoleon đã nỗ lực, là lẽ sống, là ý nghĩa của cuộc đời bạn, là minh chứng cho thấy bạn đã sống không hề vô vị, vô nghĩa.

Và nếu bạn là một người bình thường, cũng hãy đọc về cuộc đời và thời đại của Napoleon để cảm ơn cuộc đời đã cho bạn một cuộc sống bình thường, vì đôi khi những điều tưởng như bình thường hàng ngày với bạn lại là điều mà con người từng là Hoàng đế một tay che trời ở cả lục địa châu Âu khao khát ước ao mà không bao giờ có được.

Thời thế đã thay đổi, thế giới ngày nay không còn giống như thế giới của Napoleon hơn 200 năm về trước nữa. Thế nhưng tìm hiểu về con người khác thường đầy mâu thuẫn này vẫn sẽ đem đến cho mỗi chúng ta những chiêm nghiệm thú vị riêng, dù chúng ta có là ai đi nữa.

Nhưng có lẽ điều rõ rệt nhất chúng ta có thể cảm nhận được từ cuộc đời của Napoleon, đó là: mỗi con người đều có ước mơ, và hiện thực hóa ước mơ bằng nỗ lực của mình là điều đem đến ý nghĩa lớn lao nhất cho cuộc sống mỗi con người. Đó cũng chính là điều khiến cuộc sống của con người khác với cuộc sống của những sinh vật khác, vì chúng ta không chỉ sống, mà sống còn để cố gắng tạo nên những gì ta mong ước.

Với Napoleon, đó là giấc mơ theo đuổi sự vĩ đại, còn với mỗi chúng ta có thể là giấc mơ khác bình dị hơn, êm ả hơn. Dù là gì đi nữa, sống có ý nghĩa sẽ cho chúng ta được sống thêm một lần nữa như lời ca khúc Bạn chỉ sống hai lần (You only live twice) của Frank Sinatra:


“Bạn chỉ sống hai lần, dường như là vậy



Một lần cho chính bạn, và một cho những giấc mơ của bạn…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét