Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Ông chủ Playboy Hugh Hefner: Tay chơi bảo vệ tự do ngôn luận Mỹ







Người sáng lập tạp chí “người lớn” Playboy – Hugh Hefner – qua đời ở tuổi 91 khuya ngày 27/9/2017 giờ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự nghiệp lớn nhất cuộc đời ông không gắn liền với hình ảnh đầy “cởi mở” của những cô người mẫu “thỏ con” (bunnies) – như nhiều người thường biết đến, mà là một người luôn đi đầu trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận hơn 60 năm qua tại Hoa Kỳ – Hugh Hefner – đã vĩnh viễn ra đi.

Người ta biết nhiều về Hugh Hefner – tên thân mật là Hef – từ câu chuyện về con đường khởi nghiệp đáng nể. Với $8,000 đô la vay mượn bằng cách thế chấp đồ đạc trong nhà và huy động vốn từ gia đình, bạn bè, Hef đã bắt đầu sự nghiệp vào cuối năm 1952.

Bìa tạp chí đầu tiên của Playboy năm 1953 với cô đào Marilyn Monroe đã được thiết kế ngay trên chiếc bàn bếp tại căn hộ của ông ở Chicago. Ấn bản này thậm chí còn không có ngày tháng chính xác, vì ê-kíp của Hefner vốn không tiên liệu được họ có thể xuất bản tờ thứ hai hay không. Thế nhưng, Hefner đã thành công với thử nghiệm đầy táo bạo này, khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng cho tờ Playboy.

Tuy nhiên, ít ai biết về những giá trị mà Hugh Hefner đã đặt ra cho doanh nghiệp của mình, cũng như cho cả sự nghiệp đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận ở Mỹ từ đó cho đến nay.

Marilyn Monroe trên bìa ấn phẩm đầu tiên của tạp chí Playboy. Ảnh: Playboy Enterprises, Inc.

Một kẻ có thể tử vì đạo vì niềm tin vào Tu chính án thứ Nhất và quyền tự do ngôn luận

Con gái của ông – bà Christie Hefner – người điều hành sản nghiệp của Playboy từ thập niên 1990 đến nay, cho biết:

“Ngay từ những ngày đầu thành lập tờ tạp chí (Playboy), Hef đã có một niềm tin mãnh liệt rằng, các quyền tự do cá nhân chính là nền tảng cho tờ báo và triết lý biên tập của ông.

Vì cho rằng không có quyền (công dân) nào căn bản hơn các quyền được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất (của Hiến pháp Mỹ), nên ông luôn tâm niệm rất rõ ràng là cuộc đấu tranh để bảo vệ và củng cố những quyền ấy vốn không có điểm dừng.”

Thế nên, Hef không chỉ là một doanh nhân thành công, một người chỉ biết đắm chìm bên các phụ nữ trẻ đẹp nóng bỏng. Cả cuộc đời, ông còn dành một phần lớn cho việc đấu tranh cổ xúy cho những quyền tự do và dân sự, đẩy mạnh thực thi quyền con người trong xã hội.

Một trong 18 giá trị Playboy (Playboy’s 18 Philosophy) được Hugh Hefner tâm niệm trong mọi việc là:

“Tiến bộ xã hội đi kèm với một nhu cầu cấp thiết, đó là phải hoán đổi những tư tưởng lỗi thời bằng những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn.



Và muốn như thế, chúng ta phải có thứ văn hóa biết chấp nhận mở ra mọi phương pháp đối thoại, để tất cả các tư tưởng mới mẻ – không cần biết là chúng có vẻ sai lầm, không chừng mực hay kỳ dị đến đâu đi nữa – đều có cơ hội được tham khảo, được thử thách, và đến tận cùng là được xã hội chấp nhận hoặc chối bỏ một cách toàn bộ hay một phần.



Chính lợi thế quan trọng này của một xã hội tự do đã khiến cho chế độ độc tài trở nên lép vế, vì chỉ khi được tự do trao đổi tư tưởng thì những ý kiến tốt nhất mới giành được chiến thắng cuối cùng”.



-Hugh Hefner-

Playboy Clubs của Hugh Hefner những năm 1960 tại Chicago là câu lạc bộ duy nhất bỏ mặc các quy định về phân chia chủng tộc (segregation) tại Mỹ. Ảnh: Playboy Enterprises, Inc.

Với triết lý đó, Hugh Hefner là một người đi đầu trong nhiều cuộc cách mạng xã hội ở Mỹ.

Năm 1955, Hefner cho xuất bản trên Playboy một truyện ngắn của nhà văn Charles Beaumont. Đó là một câu chuyện tưởng tượng về những người đàn ông dị tính bị truy sát trong một thế giới mà người đồng giới là số đông.

Đáp trả lại cơn lũ của cơn giận dữ đến từ độc giả khi đó, Hefner đã viết: “Nếu mọi người cảm thấy truy sát người dị tính trong một xã hội đồng giới là một điều sai trái, thì cùng hành vi ấy khi hoán đổi trật tự vị trí của hai giới, cũng là một việc sai không kém”.

Thế nên, Hefner đã là một người cổ xúy cho quyền được kết hôn của người đồng giới từ những ngày đầu. Ông gọi cuộc đấu tranh của người đồng giới là “một cuộc chiến cho tất cả các quyền của chúng ta”.

Ông cũng là người chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Những năm của thập niên 1960 là thời kỳ mà mọi địa điểm công cộng đều bị phân chia bởi chủng tộc (segregation) tại đây. Thế nhưng, các câu lạc bộ Playboy (Playboy Clubs) ở Chicago của Hefner đã mời các nghệ sĩ diễn hài độc thoại người Mỹ gốc Phi châu đến trình diễn.

Về mặt ủng hộ tự do ngôn luận, Hefner luôn ủng hộ các cây viết với những ý tưởng mới lạ – như Beaumont – nhưng lại bị các nhà xuất bản và các tạp chí truyền thống từ chối. Vì thế, nhiều bài viết của các nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ như Joseph Heller, Margaret Atwood, và Norman Mailer, chỉ được đăng trên Playboy chứ chẳng có thể ở đâu khác.

Tạp chí Playboy còn có nhiều bài phỏng vấn được đánh giá cao, với những người nổi tiếng đương thời hoặc các nhân vật gây tranh cãi trong suốt 60 năm qua. Nổi bật nhất có thể kể đến là danh tài nhạc jazz Miles Davis năm 1962, hai nhà văn Vladimir Nabokov (Lolita) và Ayn Rand (The Fountainhead) năm 1964, mục sư nhân quyền Martin Luther King, Jr. năm 1965, cha đẻ của Apple – Steve Jobs năm 1985, John Lennon và Yoko Ono năm 1981.

Nhưng không chỉ thế, quan điểm biên tập của ông cũng luôn bắt cùng một nhịp thở với những thay đổi khác trong xã hội. Tờ Playboy từng là nơi vận động cho các quyền phá thai của phụ nữ và quyền được sử dụng chất gây nghiện một cách tự do hơn (liberal drugs right).

Dùng lợi nhuận để tài trợ những dự án bảo vệ quyền Tự do ngôn luận


Năm 1964, Hugh Hefner thành lập Quỹ Hugh Hefner với sứ mệnh bảo vệ Tu chính án thứ Nhất và quyền tự do ngôn luận ở Mỹ. Mục tiêu của quỹ là ủng hộ những tổ chức bảo vệ và cổ xúy các quyền dân sự và quyền tự do của người dân, đặc biệt là các dự án có liên quan đến Tu chính án thứ Nhất .

Những tổ chức từng được nhận tài trợ từ Quỹ Hugh Hefner bao gồm, tổ chức làm việc về quyền tự do học thuật – Foundation for Individual Rights in Education (FIRE), các tổ chức Student Press Law Center, People for the American Way, và ACLU (American Civil Liberties Union) chi nhánh Nam California.

Ngoài ra còn có Viện Nghiên cứu về giới tính và các quyền sinh sản – Kinsey Institute for Research in Sex, Gender, and Reproduction tại Đại học bang Indiana University – và tổ chức giải cứu trẻ em là nạn nhân của mại dâm, Children of the Night.

Năm 2006, Hefner đã quyên tặng một triệu đô la cho Ban lưu trữ phim ảnh và truyền hình của Đại học California UCLA để công chúng có thể xem những buổi chiếu miễn phí của các bộ phim do người Mỹ dàn dựng. Ông cũng thành lập chương trình Hugh M. Hefner Classic American Film Program tại đây. Năm 2007, ông tặng hai triệu đô la cho Khoa Nghệ thuật Phim ảnh của Đại học USC.

Được biết đến nhiều hơn cả có lẽ là giải thưởng Tu chính án thứ Nhất (Hugh Hefner Foundation First Amendment Award) mà Quỹ của Hefner trao tặng hằng năm cho những cá nhân nổi bật trong việc cổ xúy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Mỹ.

Tuy rằng hiện nay, quỹ này được con gái của ông, bà Christie Hefner, điều hành, thế nhưng, bà Christie Hefner vẫn thừa nhận rằng, nó hoạt động dựa trên những nguyên tắc của 18 điều triết lý mà Hef đã đặt ra trên dưới 60 năm trước.

Năm 2017, Quỹ đã trao giải Thành tựu trọn đời cho Giáo sư Luật Đại học New York (NYU) Burt Neuborne, một người có kinh nghiệm 45 năm đấu tranh bảo vệ các quyền tự do ở Mỹ.

Nhưng bên cạnh đó, lịch sử của giải thưởng này cũng từng gặp nhiều chỉ trích, khi trao giải cho những người gây nhiều tranh cãi hơn, ví dụ như nhà sản xuất phim Michael Moore.

Cuộc đời của Hugh Hefner cũng tương tự thế, cũng đầy tranh cãi.

Đối với một số người, ông tượng trưng cho những xu hướng trái đạo đức và thuần phong mỹ tục. Lại có những thời điểm, như vào thập niên 1970, người ta đã xem ông là một kẻ đối đầu với nữ quyền, vì nội dung hình ảnh của tờ báo Playboy và cả vì lối sống riêng tư của ông.

Nhưng ngược lại, cũng có rất nhiều nhà hoạt động xã hội – như bà Camille Paglia – lại gọi ông là một trong những người “kiến trúc sư trưởng của các cuộc cách mạng xã hội”.

Thế nhưng, có một điều về Hugh Hefner mà không ai chối cãi được: ông là một trong những công dân Hoa Kỳ đã dám đi đến tận cùng các giới hạn của bản thân và xã hội để bảo vệ Hiến pháp Mỹ, bằng việc thúc đẩy, bảo vệ, cũng như cổ xúy cho quyền tự do ngôn luận.

Như chính lời của ông đã tự nói về mình, Hugh Hefner là một kẻ dám mơ những giấc mơ phi thường, và những giấc mơ ấy đã trở thành một hiện thực mà chính ông không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.

“Và vì thế, tôi là một gã may mắn nhất hành tinh này” – Hugh Hefner.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét