Economist nêu con số nợ công của
Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính
đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim. (Hình: Trích từ
website của The Economist)
Tuần trước, Bộ Tài chính Việt Nam
loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim, tương
đương hơn hai triệu tỉ đồng, trong đó vay mượn ngoại quốc là 39,6 tỉ Mỹ kim,
vay mượn dân chúng trong nước là hơn 54 tỉ Mỹ kim.
Tình trạng nợ nần của Việt Nam
càng lúc càng trầm trọng và để có “gấu” vá “vai”, hệ thống công quyền tại Việt
Nam tiếp tục tìm đủ mọi cách để tăng nguồn thu từ thuế, phí song song với cắt
giảm chi tiêu cho phúc lợi công cộng. Mỗi gia đình, bất kể khu vực cư trú, từng
cá nhân, dẫu giàu hay nghèo giờ đều có thể cảm nhận sức nặng của nợ nần khi vật
giá gia tăng, kiếm sống khó hơn, chi tiêu phải dè sẻn hơn,…
Đã có rất nhiều phân tích về
nguyên nhân nợ nần gia tăng, Đảng CSVN, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng đã
ban hành không ít nghị quyết, chỉ đạo hàng loạt giải pháp nhằm giảm bội chi, kềm
giữ nợ nần nhưng thực tế cho thấy, bội chi và nợ nần của Việt Nam vẫn là một
nan đề.
Liệu còn lời giải nào cho nan đề
nợ nần và bội chi của Việt Nam?
Dường như là có nhưng câu trả lời
lại thuộc loại nằm ngoài “định hướng”…
***
Đầu tháng này, trong hội thảo về
“Việt Nam và trật tự thế giới mới”, diễn ra ở Budapest (Hungary), ông Vũ Quang
Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc, trình bày tham luận
“Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam”.
Chuyên gia - về phân tích tương
quan giữa các dữ liệu đã được thống kê với tác động của chúng tới kinh tế của một
quốc gia - này đã đưa ra hàng loạt các nhận định đáng chú ý: Nợ chính phủ Việt
Nam vay trực tiếp xấp xỉ 65% GDP. Nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước
đã vay thì tổng số nợ nần của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 431 tỉ Mỹ kim hoặc
hơn, con số đó tương đương 210% GDP (205,2 tỉ Mỹ kim). Ông Việt lưu ý thêm là nếu
cộng cả nợ của khối tư nhân thì tổng nợ của kinh tế Việt Nam có thể xấp xỉ 250%
GDP.
Nói cách khác, tính theo GDP, nợ
nần của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới!
Nợ cao, áp lực trả nợ tất nhiên sẽ
tăng. Khi không còn có thể vay mượn để chi tiêu và trả nợ, kinh tế sẽ rơi vào
khủng hoảng. Theo ước tính của ông Việt, với mức độ nợ nần trên 200% GDP và lãi
suất từ 9% đến 10%/năm như hiện nay, cộng với lạm phát khoảng 4% năm, GDP của
Việt Nam phải tăng ít nhất 10% mới đủ để… trả lãi. Đáng nói là trong bối cảnh
như hiện nay, Việt Nam chẳng có cách nào để đạt được mức tăng trưởng như thế.
Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng
là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng
tăng. Dựa trên những số liệu thống kê thu thập được từ một số nguồn khác nhau,
ông Việt đã lập hàng loạt biểu, bảng để chứng minh, chi tiêu của hệ thống công
quyền gia tăng không phải do gia tăng đầu tư hay trả nợ mà chỉ vì không kềm giữ
được chi thường xuyên.
Năm 2009, chi thường xuyên tương
đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới
65,5% tổng chi ngân sách. Ông Việt ước tính, chi thường xuyên của Việt Nam chiếm
tới 34% GDP. Vượt xa các quốc gia trong khu vực (Indonesia 21,7%, Singapore
14,9%,…)
Bởi nguồn thu giảm trong khi chi
tiêu không ngừng tăng, phải vay mượn để chi nên Việt Nam liên tục bội chi, tỉ lệ
bội chi khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (3%).
Một trong những lý do khiến Việt
Nam liên tục bội chi là vì phải nuôi đội ngũ công chức và viên chức càng ngày
càng đông (so với năm 2013, năm 2014, số lượng công chức tăng 4,1%, số lượng
viên chức tăng 9,8%). Tuy lương căn bản của công chức và viên chức tăng liên tục
(giữa năm 2016 đã tăng 5,2%, đến giữa năm 2017 lại tiếp tục tăng thêm 7,4%), đồng
nghĩa với việc phải tăng vay mượn để nuôi công chức và viên chức nhưng nhiều
người vẫn cho rằng lương công chức và viên chức Việt Nam còn quá thấp.
Theo ông Việt, nếu dựa vào mặt bằng
chung của nền kinh tế, nghĩa là tính theo GDP bình quân/người thì lương công chức
và viên chức ở Việt Nam cao hơn GDP bình quân/người gần 40%, tương đương với
Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự bất hợp lý trong chính sách lương bổng của công chức,
viên chức nằm ở chỗ lương được tăng đại trà thành ra lương công chức cấp dưới vẫn
rất thấp. Ông Việt cũng đã chỉ ra một yếu tố khác mà ông nhấn mạnh là “kỳ lạ”:
Việt Nam không hề kiểm soát lương của giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước
thành ra lương của giới này cao hơn lương của giới bổ nhiệm và kiểm soát họ.
Cũng vì vậy “không thể không dẫn đến lỗi hệ thống”.
Tuy nhiên đáng chú ý nhất trong
phân tích “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt
Nam” là chi tiêu cho quốc phòng và an ninh.
Trong tham luận vừa kể, ông Việt
đã trình bày rất cặn kẽ cách thu lượm dữ liệu, phương thức tính toán, theo đó,
năm 2014, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi cho ngành công an khoảng 6,4 tỉ Mỹ
kim, chi cho quân đội khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim (bao gồm cả mua sắm vũ khí, phương
tiện quốc phòng - khoảng 1,9 triệu Mỹ kim). Nếu tính theo tổng chi ngân sách,
chi cho công an chiếm 12%, chi cho quân đội chiếm 9%. Tỉ lệ chi của Việt Nam
cho quân đội tính trên tổng chi ngân sách ngang với Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ chi của
Việt Nam cho công an gấp sáu lần Hoa Kỳ (chi cho cảnh sát của Hoa Kỳ chỉ chiếm
2% tổng chi ngân sách).
Ông Việt nhận định chi tiêu cho
quân đội và công an nếu quá lớn “sẽ tạo ra áp lực mạnh vào các khoản chi tiêu
khác cho xã hội”. Theo ông Việt, sở dĩ Việt Nam phải chi một khoản khổng lồ cho
công an vì ngoài hoạt động bảo vệ, gìn giữ trật tự xã hội, công an Việt Nam
đang thực hiện những công việc mà các quốc gia khác xem là hoạt động dân sự
(Đăng ký hộ khẩu, Chứng nhận hạnh kiểm, Cấp hộ chiếu phổ thông, Đăng ký xe
máy...). Ông Việt đưa ra nhận xét tuy có thể làm vài chục triệu người vui nhưng
khiến hàng triệu người buồn là lực lượng công an quá đông sẽ không chỉ làm ngân
sách mất cân đối, gia tăng vay mượn để nuôi mà còn tạo tiền đề cho lạm dụng quyền
lực, tham nhũng, bất mãn gia tăng, gây bất ổn cho xã hội.
***
Nếu bỏ vài giờ xem “Tại sao bội
chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam”, có thể thấy ông Việt
đã soạn tham luận này một cách hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, kèm nhiều dẫn chứng,
nhận định xác đáng, gợi ra nhiều vấn đề, giải pháp cần ngẫm nghĩ, tất nhiên
không loại trừ khả năng cần tranh luận.
Tuy nhiên như mọi tham luận cùng
loại, “Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” sẽ
không đến nơi cần đến. Nó nằm ngoài “định hướng” của các tiến sĩ chuyên ngành
“xây dựng Đảng”, “tư tưởng Hồ Chí Minh”,… Nó dưới “tầm” hàng trăm tiến sĩ tốt
nghiệp những đại học kiểu như Southern California University for Professional
Studies.
Mỗi năm, vào mùa Hè, một số trí
thức người Việt sống tản mác ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam
lại tụ họp với nhau ở đâu đó để thảo luận về một chủ đề cụ thể có liên quan đến
hiện trạng và tương lai Việt Nam. “Việt Nam và trật tự thế giới mới” diễn ra hồi
đầu tháng này ở Budapest (Hungary) là một trong khoảng 20 cuộc hội thảo như vậy
trong 20 năm vừa qua. Những “Hội thảo mùa Hè”, rộng hơn là những nghiên cứu, khảo
sát, khuyến nghị của nhiều chuyên gia người Việt, mang đủ thứ quốc tịch khác
nhau, chỉ giống nhau ở chỗ cùng trăn trở về vận mệnh Việt Nam dù công phu, đầy
tâm huyết chỉ mới đạt được một kết quả chung: Minh họa rằng chủ trương “chiêu
hiền, đãi sĩ”, những lời mời gọi “hiến kế, góp sức xây dựng, phát triển” chỉ mới
là chiêu bài.
Đọc “Tại sao bội chi ngân sách
quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam” đi, bạn sẽ thấy… buồn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét