Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Kỳ 7: Lại chuyện ông Trần Mai Hạnh và tạp chí Nhà báo và công luận

 
                    Ông Trần Mai Hạnh, TBT đầu tiên của tạp chí NB&CL. Nguồn: NB&C

Giữa lúc cuộc điều tra vụ án bị kéo dài theo chiều hướng “chìm xuồng”, nhiều cán bộ chuyên viên có tâm huyết tại cơ quan quản lý dược lúc bấy giờ cũng đã không thể ngồi yên mà liên tục đứng ra viết đơn khiếu nại cơ quan điều tra gửi lên các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước… thì đột nhiên trên tạp chí Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam xuất hiện những lời lẽ được chuẩn bị công phu để tích cực bảo vệ cho những kẻ có hành vi vi phạm pháp luật tại Cơ quan Quản lý dược của Bộ Y tế, đồng thời “nã đạn” ngược lại những nhà báo đã có công phanh phui vụ tham nhũng tày đình này.
Cuộc “giải vây” bằng sức ép công luận vào thời điểm đó đã bắt đầu vào tháng 6/1994, đúng dịp kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam, bằng một bài viết đăng gần đầy 3 trang báo trên tạp chí Nhà báo và Công luận số 11 nhân danh việc “góp ý phê bình đồng nghiệp” với hàng tít lớn Nhìn lại một số bài báo điều tra về “Một vụ tiêu cực lớn ở Bộ Y tế”. Bài báo này mở đầu như sau: “Những năm gần đây, mảng thông tin báo tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được dư luận xã hội quan tâm do tình hình tệ nạn xã hội phức tạp (…). Tuy nhiên, bên cạnh những bài điều tra các hành vi tội phạm với những phát hiện chuẩn xác, cũng còn một số bài đưa tin sai lệch, quy kết trách nhiệm cá nhân thiếu căn cứ, gây tác hại không nhỏ. Xin dẫn chứng về trường hợp các bài điều tra phát hiện dấu hiệu tội phạm ở Vụ quản lý dược – Bộ Y tế đăng trên một số báo phát hành cuối năm 1992, đầu năm 1993”.

Để bào chữa cho những sai phạm trong việc cấp phép cho các công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc vào Việt Nam của phó vụ trưởng Vụ Quản lý dược Tạ Ngọc Dũng đã bị hai tác giả Từ Tâm và Hà Khanh phanh phui quyết liệt đăng trên Báo Thanh tra các số ra vào tháng 12/1992 và tháng 1/1993, tác giả bài viết đăng trên tạp chí Nhà báo và Công luận nói trên đã săm soi vạch lá tìm sâu để “chộp” một số chi tiết phụ chưa chính xác rồi “chụp mũ” các nhà báo chống tiêu cực là đã thông tin sai sự thật. Cuối cùng, tác giả lớn tiếng “chốt” lại: “Tôi chưa có đủ thời gian và điều kiện để đối chiếu tất cả những thông tin đã được đưa ra công luận về “Một vụ tiêu cực lớn của Bộ Y tế” song, chỉ trong một bài điều tra mà đã có chừng ấy sự việc viết sai sự thật cũng đủ đáng được nêu lên để rút kinh nghiệm.

Trách nhiệm của các tác giả ký tên dưới bài báo đã rõ, song có điều tôi muốn nói thêm là: cách nhận định bản chất sự việc và quy kết trách nhiệm sai lệch như trên không chỉ có ở bài báo đã dẫn mà còn được thể hiện trên một số tờ báo khác viết cùng đề tài và xuất hiện cùng thời điểm. Vậy, các phóng viên đã căn cứ vào những nguồn tài liệu nào, do ai cung cấp để viết bài? Tôi cũng hiểu rằng, Luật báo chí quy định: các phóng viên có quyền không tiết lộ địa chỉ người cung cấp nguồn tin, song, nếu làm việc này vì mục đích làm sáng tỏ một âm mưu, thủ đoạn nào đó không phù hợp với pháp luật và đạo lý thì lại là việc khác”.

Ngưng một kỳ, đến số 13 phát hành vào tháng 7/1994, tạp chí Nhà báo và Công luận tiếp tục xuất hiện những lời lẽ bảo vệ cho những kẻ có tội và “tấn công” hai tác giả chống tiêu cực của Báo Thanh tra lúc bấy giờ với một thái độ quyết liệt hơn. Những lời lẽ ấy như sau: “Điều cuối cùng tôi muốn nói là: việc nêu vấn đề để bàn luận trên báo của tôi là có mục tiêu cụ thể, có phạm vi giới hạn nhất định. Tôi không đề cập đến toàn bộ sự việc ở Vụ Quản lý dược. Trong phạm vi bài báo đã công bố, tôi chỉ đề cập đến một số điểm mà Từ Tâm và Hà Khanh đã đưa tin không đúng sự thật. Chúng ta hãy tranh luận trên những điều đó, không nên suy diễn rộng ra. Ví dụ, đối với ông Tạ Ngọc Dũng, tôi đã dẫn chứng và chỉ ra: ông là người không có liên quan đến công việc của hội đồng cũ cũng như hội đồng mới…”. Vào thời điểm lúc bấy giờ ông Trần Mai Hạnh là Tổng biên tập tạp chí Nhà báo và Công luận.

Và Ban biên tập cùng Chi hội Nhà báo báo Thanh tra lúc bấy giờ đã không thể “nhịn” được. Trong công văn ngày 25/6/1994 do Tổng biên tập Báo Thanh tra Đặng Thu Viện ký gửi lên Ban thư ký Hội Nhà báo Việt Nam có lẽ là “đòn phản pháo” đầu tiên vào “thành trì” của ông Trần Mai Hạnh. Công văn nêu: “Với những tài liệu điều tra của mình, chúng tôi có quyền và có đủ khả năng bảo vệ cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề đã nêu. Hiện vụ án đã được xác định là trọng điểm, đang được khẩn trương làm rõ, vì cớ gì Nhà báo và Công luận lại cho mình cái quyền công khai được chỉ trích Báo Thanh tra và tác giả loạt bài Một vụ tiêu cực lớn ở Bộ Y tế bằng những tài liệu thiếu căn cứ và suy diễn? Đứng trên góc độ trách nhiệm trước cuộc đấu tranh chống tiêu cực; về đạo đức nghề nghiệp báo chí; về tình đồng chí và đồng nghiệp mà Hội Nhà báo Việt Nam theo đuổi thì tạp chí Nhà báo và Công luận làm như thế có nên chăng?”.

Tuần báo Thanh tra số ra ngày 27/7/1994, khi trở lại vụ tiêu cực lớn này, đã viết: “Chúng tôi lấy làm lạ là tại sao trên tạp chí của Hội Nhà báo, nhất là trong một số báo kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam (21/6) lại cho đăng một bài chỉ trích báo Thanh tra và các tác giả viết bài Một vụ tiêu cực lớn ở Bộ Y tế phanh phui những sai phạm, tiêu cực trong khâu quản lý dược của Bộ Y tế? Phê bình, trao đổi ý kiến, rút kinh nghiệm là việc bình thường và cần thiết. Nhưng ai cũng biết rằng khi phê bình một tờ báo hay một tác giả trong sự đưa tin, đăng bài thì điều cần trước hết là phải trung thực, công bằng, khách quan, phải nhìn nhận những điều đúng, những động cơ mục đích chân chính, chứ không phải thói săm soi, rình chộp lấy một đôi thiếu sót phụ rồi thổi phồng lên và chĩa mũi nhọn vào chỉ trích, thậm chí quy chụp… Thái độ cố tình lờ đi sự đúng đắn và lợi ích đại cục để săm soi tiểu tiết theo cách la lối rõ to trước một cọng rơm mà cố tình lờ đi cái xà trong con mắt, mưu toan làm cho độc giả thấy cây mà không thấy rừng, một thái độ không phê bình xây dựng mà chỉ nhằm chỉ trích như vậy, theo chúng tôi là hoàn toàn xa lạ với đạo đức của người làm báo cách mạng. Chúng tôi chắc rằng khi giao nhiệm vụ, ban thư ký Hội Nhà báo Việt nam đã không giao cho tạp chí Nhà báo và công luận nhiệm vụ chỉ trích đồng nghiệp báo Thanh tra, nhất lại là với một bài phản ánh một vụ tiêu cực lớn mà chính đối tượng bị phê bình lại không những thừa nhận mà còn hoan nghênh việc phê bình phản ánh đó”.

Và như mọi người đều biết, sau đó ông Trần Mai Hạnh lại sử dụng tờ báo của Hội Nhà báo Việt Nam để thực hiện một “phi vụ” tày đình khác – “phi vụ” chạy tội cho Năm Cam. Và cho đến giờ này chúng tôi vẫn chưa thể nói trong hai “phi vụ” đó thì “phi vụ” nào nghiêm trọng hơn và “phi vụ” nào ông Trần Mai Hạnh “thu hoạch” được nhiều hơn…


Thanh Niên
Hoàng Hải Vân – Võ Khối

18-6-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét