Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Kỳ 5: Vì sao những kẻ có tội được thoát tội?




Logo Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế


Sau khi dược sĩ Phan Văn Tín – một người được coi là “hiền hành và yếu đuối” – tự sát, vụ án trở nên phức tạp. Những người có tội trong vụ án tìm mọi cách đổ tội cho ông…
Trong bản báo cáo hệ thống hóa và bổ sung tư liệu, chứng cứ cho kết luận thanh tra Vụ Quản lý dược sau đó, Thanh tra Bộ Y tế thể hiện sự “trân trọng một cán bộ có nhiều đóng góp như dược sĩ Phan Văn Tín, xúc động trước cái chết của một con người vốn hiền lành và yếu đuối” và cho rằng cái chết của dược sĩ Tín làm cho vấn đề trở nên phức tạp, gây rắc rối khó khăn cho pháp luật. Quả đúng như vậy, một số cá nhân có hành vi sai phạm bắt đầu đổ tội cho ông.

Rõ nét nhất là khi cơ quan bảo vệ pháp luật đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: “Vì sao không thu lệ phí khi cấp giấy phép cho công ty nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam?”. Mặc dù, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, trước khi qua đời, dược sĩ Phan Văn Tín đã kịp giải thích vấn đề này trong bản kiểm điểm cá nhân gửi Bộ Y tế nói rõ là việc này được giao cho dược sĩ Tạ Ngọc Dũng, ông chưa hề nhận được báo cáo về vấn đề này, đến khi có kết quả thanh tra, ông mới biết là không thu.

Lúc bấy giờ mặc dù đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Vụ Quản lý dược từ ngày 25/3/1993, nhưng phải mất gần 8 tháng sau, đến đầu tháng 11/1993, Cơ quan điều tra vụ mới “tìm ra” một đối tượng đầu tiên để khởi tố bị can là ông Tạ Ngọc Dũng (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý dược đã bị Bộ Y tế tạm đình chỉ công tác từ cuối tháng 12/1992). Song, giữa chuỗi sai phạm tày đình mà Thanh tra Bộ Y tế phát hiện trước đó, bị can Tạ Ngọc Dũng lại cũng được cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm về một hành vi rất nhẹ, được ghi chi tiết tại quyết định khởi tố bị can số 65 ngày 2/11/1993 là “không làm đầy đủ trách nhiệm trong việc thu lệ phí công ty của các công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc và dược liệu vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thực tế, chỉ riêng một tình tiết này thôi cũng đủ thấy bị can Tạ Ngọc Dũng lúc đó đã được cơ quan điều tra “ưu ái” như thế nào. Vấn đề “không thu lệ phí khi cấp giấy phép cho công ty nước ngoài nhập khẩu thuốc vào Việt Nam” được Thanh tra Bộ Y tế xác định là “vi phạm nghiêm trọng, cố ý làm trái quy định của Bộ Y tế” và đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của ông Tạ Ngọc Dũng, người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Thế nhưng từ chỗ “cố ý làm trái…”, nói rõ hơn là một tội hoàn toàn do cố ý, cơ quan điều tra đã “chuyển hóa” tình trạng của ông Dũng xuống thành “thiếu trách nhiệm…”, một mức độ nhẹ hơn rất nhiều.

Và có lẽ do dược sĩ Tín đã qua đời, không thể “bác được lời cung đổ tội” nên cũng chỉ với một câu hỏi trên về vấn đề thu lệ phí của các công ty nước ngoài, câu trả lời của ông Dũng mà cơ quan điều tra ghi nhận là… “Khi chuẩn bị hồ sơ của các công ty để trình hội đồng xét duyệt, anh Dũng đã báo cáo anh Tín về vấn đề lệ phí công ty như thế nào? Anh Tín nói: “Anh cứ chuẩn bị tốt hồ sơ các công ty để lãnh đạo Vụ trình hội đồng, còn việc lệ phí tôi đã báo cáo với lãnh đạo Bộ”. Vì có ý kiến anh Tín như vậy nên các phiên họp của hội đồng anh Dũng chỉ chuẩn bị hồ sơ để trả lời các chất vấn về công ty, anh Dũng cũng không thấy lãnh đạo Bộ có ý kiến gì về việc thu lệ phí này”.

Và hậu quả của riêng việc “miễn thu lệ phí” này đã gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia ở thời điểm đó số tiền lên đến hơn 200 ngàn USD. Theo cơ quan điều tra thì nguyên nhân là “do Vụ Dược không đi bàn với Bộ Tài chính để định mức thu”. Từ đó cơ quan điều tra nhận định rằng: “Trách nhiệm chính thuộc về ông Tín và ông Châu (là người tiền nhiệm của ông Tín), nhưng cả hai ông đều đã chết”. Còn đối với Tạ Ngọc Dũng, cơ quan điều tra xác định: “Tạ Ngọc Dũng cũng có trách nhiệm nhưng chỉ là vai trò thứ yếu”.

Đối với những sai phạm trong việc thu lệ phí cấp số đăng ký cho mặt hàng thuốc nhập vào Việt Nam, những ghi nhận của cơ quan điều tra cũng cho thấy dược sĩ Phan Xuân Lễ, người chịu trách nhiệm chính, đã hoàn toàn “nhẹ nhõm” khi đổ sạch trách nhiệm cho người quá cố. Chỉ nghe qua một đoạn dưới đây chắc rằng những người có trách nhiệm đều không khỏi kinh hãi cho cái gọi là “quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ” tại Vụ Quản lý dược thời bấy giờ. Cơ quan điều tra đã ghi lại lời khai của ông Phan Xuân Lễ như sau: “Ông Lễ được giao nhiệm vụ tập hợp hồ sơ, nghiên cứu soạn thảo các văn bản phục vụ cho việc đăng ký thuốc. Hồ sơ xin đăng ký đến Vụ Dược bằng các đường khác nhau: gửi bưu điện, gửi hàng không, gửi Việt kiều về nước nộp, nhờ các công ty trong nước đăng ký hộ, hoặc nộp trực tiếp. Khi tài liệu đến Vụ Dược thì ai ở nhà người đó tiếp nhận sau đó giao cho ông Lễ chuẩn bị trình hội đồng xét duyệt. Do vậy khi nhận được hồ sơ không thể thu được ngay lệ phí. Anh Tín – Vụ trưởng đã có chỉ đạo với ông Lễ là: thu sau, điều quan trọng nhất là không được để vì cấp số đăng ký mà thiếu thuốc phục vụ”.

Có gần 1.500 mặt hàng thuốc đã được cấp số đăng ký, tổng số tiền lệ phí phải thu về cho ngân sách được tính ra lên đến hơn 283 ngàn USD nhưng đã bị “chẻ nhỏ” ra thu nhỏ giọt trong suốt thời kỳ dài. Đến thời điểm Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc vẫn còn phải “treo nợ” gần 130 ngàn USD nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật đã nhận xét rằng “việc này không có dấu hiệu tội phạm”.

Trong một đơn kiến nghị đề ngày 24/6/1993, một chuyên viên, công tác lâu năm tại Vụ Quản lý dược đã phản ánh: “Chúng tôi cho rằng tiến trình điều tra còn chậm, nhiều vụ việc chưa được làm rõ trắng đen và công minh nên tình hình bất ổn ở Vụ Quản lý dược ngày càng phức tạp hơn. Đặc biệt trong 3 nội dung thanh tra và điều tra, thì có một vấn đề mấu chốt và cơ bản đó là việc quản lý tài sản, tài chính của 2 chương trình viện trợ quốc tế POD và EDV còn nhiều điều chưa rõ ràng, khuất tất, mờ ám, còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ chưa trả lời”.

Những linh cảm dự báo cho một kết cục “chìm xuồng” của vụ án này đã bắt đầu từ đó. Và cũng trở thành sự thật vào đúng một năm sau. Ông Tạ Ngọc Dũng là bị can duy nhất trong vụ án này, được tại ngoại hầu tra và cuối cùng đã được tha bổng bằng quyết định đình chỉ điều tra vào ngày 19/4/1995.


Thanh Niên
Hoàng Hải Vân – Võ Khối
15-6-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét