Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Kỳ 4: Người đứng đầu cơ quan tự sát





Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chưa đầy một tháng sau khi Cơ quan điều tra của Bộ Nội vụ vào cuộc, trưa 5/3/1993, dược sĩ Phan Văn Tín, Vụ trưởng Vụ Quản lý dược đã tự sát chết tại nhà riêng. Cái chết thương tâm của dược sĩ Tín đã gây sốc trong dư luận. Đến thời điểm lúc bấy giờ đã có hàng chục bài báo phanh phui những sai phạm tại Vụ Quản lý dược. Nhưng ngay lúc đó báo chí hầu như không thông tin về cái chết này.

Tuy nhiên sau đó hai tuần, đám tang của người đứng đầu Cơ quan Quản lý dược có lẩn quất trong một bài thơ: “Câu đối/Vòng hoa/Mấy dòng chữ “Nhàn du tiên cảnh”./”Kính viếng vong hồn”…/Treo, xếp đầy quanh chiếc áo quan/Tôi gặp mấy kẻ xênh xang “rầu rĩ”/Người “đột tử” đem cho họ niềm vui./Trước vành móng ngựa/Họ tha hồ cãi chối/Người chết đâu bác được lời cung đổ tội/Trên bàn thờ vơ vắt khói hương/Người qua đời/Thản nhiên điểm từng khổ mặt/Những kẻ đẩy xô ông tới cái chết “đáng mừng” (Báo An Ninh Thủ Đô ra ngày 21/3/1993)

Tại phía Nam, một số cơ quan ngôn luận cũng bắt đầu nhảy vào cuộc tiếp tục phanh phui những sai phạm tại Cơ quan Quản lý dược với những hàng tít lớn như “Đằng sau cái chết của ông vụ trưởng”…

 

Hơn một năm sau, ngày 25/6/1994, trong báo cáo “hệ thống hóa và bổ sung” các tư liệu, chứng cứ cho kết luận thanh tra của mình, chính Thanh tra Bộ Y tế cũng đã mất thêm nhiều công sức để quay lại với vấn đề này. Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục khẳng định: “Các vi phạm và cố ý làm trái thông tư, chỉ thị của Bộ Y tế về việc cấp giấy phép cho công ty nước ngoài nhập thuốc vào Việt Nam và cấp số đăng ký cho từng mặt hàng thuốc là đúng sự thật. Có những vi phạm là nghiêm trọng và gây hậu quả xấu, ảnh hưởng tới lợi ích của Nhà nước và nhân dân”. Với tư cách là người đứng đầu Vụ Quản lý dược, dược sĩ Tín phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm nói trên. Tuy Thanh tra Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý rằng đối với những sai phạm ấy, hai cá nhân là “dược sĩ Tạ Ngọc Dũng, Phó vụ trưởng và dược sĩ Phan Xuân Lễ, chuyên viên cao cấp thư ký thường trực hội đồng là những người trực tiếp thực hiện và đảm nhận công việc”.

“Những vụ việc tiêu cực ở Vụ Quản lý dược thời điểm đó có thật không? Mức độ nghiêm trọng và hậu quả của những vi phạm đó; Trách nhiệm và liên đới trách nhiệm của Vụ trưởng Vụ Quản lý dược trong các sai phạm xảy ra tại Vụ Quản lý dược; Những biện pháp và hình thức xử lý của Bộ Y tế, của các cơ quan bảo vệ luật pháp nếu có đối với dược sĩ Phan Văn Tín: có phải là áp đặt, trù dập quá đáng không? Vậy thì cái chết của dược sĩ Tín gắn với trách nhiệm đối với những vấn đề xảy ra tại Vụ Quản lý dược như thế nào? Đó là một logic đúng. Không nên xem xét theo một phương pháp ngược lại là: Từ cái chết thương tâm của dược sĩ Tín để quay lại phủ nhận các sai phạm xảy ra tại Vụ Quản lý dược, dù sai phạm đó là sai phạm hành chính hay hình sự; chỉ nhấn mạnh vào đóng góp của dược sĩ Tín trong quá khứ mà quên trách nhiệm và những sai phạm của các cán bộ có trách nhiệm tại Vụ Quản lý dược, kể cả dược sĩ Tín để làm nhiễu thông tin, để kẻ xấu, kẻ có tội không những đổ vấy thêm tội cho dược sĩ Tín mà còn tấn công trở lại các lực lượng tích cực trong cuộc đấu tranh này” – kết thúc bản báo cáo nêu trên, Thanh tra Bộ Y tế đã nhấn mạnh như vậy.

Đặc biệt, trước khi tự sát, dược sĩ Tín cũng đã kịp gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế bản kiểm điểm cá nhân của mình để giải trình một số vấn đề chung quanh kết luận của đoàn thanh tra.

Và đúng như tinh thần của bài thơ chúng tôi đã trích dẫn ở trên, tuy “người chết đâu bác được lời cung đổ tội” nhưng chính bản kiểm điểm của dược sĩ Tín đã chỉ rõ cho những người thừa hành pháp luật lúc bấy giờ phải tiếp tục “sờ gáy” những cá nhân nào. Ông Tín thừa nhận việc “một số thuốc và nguyên liệu không thông qua Hội đồng xét duyệt là có thật”. Và trình bày rõ: “Theo nguyên tắc đã được Hội đồng xét duyệt thông qua và có ý kiến của bộ trưởng thì tất cả thuốc, nguyên liệu muốn được cấp SĐK phải hội đủ các điều kiện quy định và được Hội đồng xét duyệt thông qua. Sau từng phiên họp, thư ký có trách nhiệm dựa vào biên bản để hướng dẫn bộ phận máy tính làm các thủ tục như phân loại, ghi số đăng ký để lãnh đạo vụ thông qua. Lãnh đạo vụ không có quyền thêm bớt những ý kiến của Hội đồng xét duyệt. Tin vào Thư ký ủy viên thường trực Hội đồng xét duyệt (tức dược sĩ Phan Xuân Lễ – PV), tôi đã không kiểm tra trước khi ký”.

Giải thích vấn đề vì sao Vụ Quản lý dược đã cấp số đăng ký cho 91 công ty nước ngoài mà không thu một đồng lệ phí nào theo đúng quy định của Bộ Y tế lúc bấy giờ, ông Tín trình bày: “Việc thu lệ phí các công ty nước ngoài tôi đã giao cho dược sĩ Tạ Ngọc Dũng. Tôi chưa hề nhận được báo cáo về vấn đề này, khi thanh tra tôi mới biết. Lãnh đạo vụ chưa bao giờ có chủ trương không chấp hành quy chế. Sai sót của tôi là vì quá nhiều việc nên chưa đôn đốc kịp thời”.

Và đúng 20 ngày sau khi xảy ra cái chết của dược sĩ Tín, ngày 25/3/1993, Cục Cảnh sát điều tra – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã quyết định khởi tố vụ án hình sự tại Vụ Quản lý dược để điều tra.


Thanh Niên
Hoàng Hải Vân – Võ Khối
15-6-2004

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét