Thông báo tuyển dụng tại một cơ sở tìm việc làm ở San
Francisco, California, Hoa Kỳ (Ảnh chụp ngày 04/02/2010)REUTERS/Robert
Galbraith/File Photo
Đem lại 3 % tăng trưởng cho kinh tế Mỹ, nhiệm vụ bất khả
thi. Tổng thống Trump sẽ thất vọng. Sau sáu tháng cầm quyền, chính sách kích cầu
của chủ nhân Nhà Trắng chưa đem lại kết quả mong đợi. Từ IMF đến OCDE đều hạ dự
báo tăng trưởng của Hoa Kỳ. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa bi quan hơn
khi cho rằng, nền kinh tế số 1 thế giới có nguy cơ bị suy trầm.
Trong báo cáo công bố ngày 24/07/2017 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế
IMF lạc quan về viễn canh tăng trưởng chung của thế giới nhưng thận trọng trong
trường hợp của Hoa Kỳ khi đưa ra nhận định : tổng sản phẩm nội địa của Mỹ trong
hai năm 2017 và 2018 chỉ tăng 2,1 %.
Nhiều yếu tố giải thích cho sự dè dặt đó của IMF. Thứ nhất
là chính sách tăng chi được Donald Trump hứa hẹn sẽ "khiêm tốn" hơn
mong đợi. Thứ hai biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân còn đang đợi
được cứu xét.
Hạ tuần tháng 4/2017 tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một
sắc lệnh, chỉ đạo cho bộ Tài Chính cải tổ thuế khóa : xóa 2.000 tỷ đô la thuế
cho người dân và doanh nghiệp trong 10 năm. Kế hoạch giảm thuế được tổng thống
Trump đánh giá là "lịch sử" đó còn phải vượt qua cửa ải của Quốc Hội
Lưỡng Viện Hoa Kỳ.
Thất vọng vì chính sách kinh tế của Donald Trump
Tháng Giêng 2017 vài ngày trước khi nhà tỷ phú Donald Trump
chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cũng IMF đã tăng dự báo tăng
trưởng vì cho rằng các doanh nhân đang tin tưởng vào "hiệu ứng"
Trump. Ngay những ngày đầu ở Nhà Trắng, chính quyền mới đã liên tục ve vãn các
doanh nhân với những hứa hẹn từ giảm thuế đến tăng các khoản chi tiêu công cộng,
đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng với mục đích nâng tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ
lên 3 % ngay từ năm 2018 và giữ được mức độ tăng trưởng này một cách lâu bền.
Sáu tháng sau, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ghi nhận "các dự án
kinh tế của chính phủ Mỹ vẫn còn trong vòng thai nghén" và mục tiêu bơm
thêm hơn 1 điểm tăng trưởng vào guồng máy kinh tế Hoa Kỳ là điều "không tưởng".
Ngoài ra, IMF lo ngại trước những bất công xã hội ngày càng
lớn tại Mỹ. Đành là Hoa Kỳ đang trải qua chu kỳ tăng trưởng dài nhất từ năm
1850 tới nay và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ 4,3 % là giấc mơ hoàn toàn ngoài tầm tay
của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng Hoa Kỳ là nơi có tới 13,5 % dân số trong cảnh
nghèo khó. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nền công nghiệp phát triển và
giàu có nhất thế giới.
Trong bài phân tích đăng trên tuần báo Le Point ngày
21/07/2017, kinh tế gia Nicolas Baverez đưa ra một nghịch lý : nước Mỹ đang trải
qua một chu kỳ thịnh vượng dài nhất từ giữa thế kỷ thứ 19, nhưng rủi ro rơi vào
suy thoái lại cao hơn bao giờ hết. Một khi mà "chính sách tiền tệ trở lại
bình thường", tức là các ngân hàng trung ương trên thế giới, đứng đầu là
Fed của Mỹ, đóng van tín dụng tiêu thụ và đầu tư sẽ giảm mạnh, lãi suất ngân
hàng mà chính phủ Mỹ phải trả cho các chủ nợ tăng lên.
Tổng nợ công của Hoa Kỳ cho đến tháng Giêng 2017 lên tới
19.947 tỷ đô la (theo thống kê của bộ Tài Chính Mỹ ngày 20/01/2017).
Trả lời ban Việt ngữ RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân
Nghĩa báo trước là kinh tế của Hoa Kỳ sẽ bị suy trầm và có lẽ kịch bản đó còn xảy
ra sớm hơn dự kiến.
RFI: Liệu kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm trong giai đoạn
sắp tới hay không?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi xin mở đầu bằng câu hỏi ngược là suy
trầm hay “récession” là gì ? Định nghĩa tại Hoa Kỳ là ta gặp suy trầm khi đà
tăng trưởng giảm sút trong hai quý liền, tức là trong sáu tháng liên tục. Nếu
đà sản xuất không tăng, dù chậm hơn, mà lại sụt thì người ta mới gọi là suy
thoái, thoái có nghĩa là lui. Nếu suy thoái lan rộng ra nhiều khu vực và kéo
dài trong thời gian thì đấy là khủng hoảng. Nói vắn tắt thì ta chỉ biết kinh tế
có bị suy trầm hay không là sau sáu tháng kiểm tra sản lượng đã qua, tức là có
khi kinh tế đang bị suy trầm mà mình chưa biết.
Thứ hai, người ta nghiệm thấy là sau Thế chiến II, từ 70 năm
qua, kinh tế Mỹ bị sáu lần suy trầm, thường xảy ra sau mỗi chu kỳ sáu bảy năm,
dài nhất là tám năm. Chính là vì e sợ tình huống đó sau vụ Tổng suy trầm
2008-2009 mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đắn đo không tăng lãi suất trong một giai
đoạn quá lâu. Bây giờ, nếu nhớ là nạn suy trầm lần trước chấm dứt vào Tháng Bảy
năm 2009, cách nay đúng tám năm, thì việc kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nữa là
một kịch bản xin gọi là bình thường mà ta nên chờ đợi, không trong năm nay thì
năm tới.
RFI: Vấn đề đặt ra là khi một nền kinh tế bị chựng lại thì
có hai đòn bẩy để khởi động lại cỗ xe kinh tế. Đó là tăng ngân sách Nhà nước và
hạ lãi suất chỉ đạo để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Cả hai chìa khóa đó đã và
đang được sử dụng rộng rãi, vậy Hoa Kỳ có phép lạ nào khác không ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi cho là khó cựa. Khi sản suất sút giảm
và thất nghiệp tăng trong chu kỳ suy trầm một vài năm thì người ta có hai loại
giải pháp kích thích. Một là biện pháp ngân sách hay thuế vụ của chính quyền là
tăng chi và giảm thuế. Hai là biện pháp tiền tệ là Ngân hàng Trung ương hạ lãi
suất và bơm tiền vào thị trường. Hiện nay, ngân sách liên bang Hoa Kỳ bị bội
chi quá nặng và vay quá nhiều, việc tăng chi khó được đảng Cộng Hòa chấp thuận
và việc giảm thuế lại bị đảng Dân Chủ chống đối.
Việc tranh cãi bất tận về ngân sách cho tài khóa tới và về kế
hoạch cải tổ thuế khóa do chính quyền Trump và Hạ Viện Cộng Hòa đề nghị cho thấy
giới hạn của giải pháp ngân sách. Còn lại giải pháp tiền tệ thì với lãi suất
quá thấp, chưa tới 2%, và lượng tiền 4.500 tỷ đã bơm ra mà chưa kịp hút về, Fed
cũng chẳng thể kích thích được kinh tế như ý muốn.
Sau cùng, cũng phải nói rằng suy trầm là chu kỳ bình thường
khi các doanh nghiệp cần tái tổ chức lại hệ thống sản xuất và tai họa có khi
kéo dài chính là do các biện pháp kích thích nhắm vào mục tiêu chính trị. Đấy
là “liều thuốc đổ bệnh” như chúng ta đã thấy sau lần suy trầm trước, năm
2008-2009.
RFI: Nếu kinh tế Mỹ bị suy thoái, thì hậu quả sẽ là gì cho
Hoa Kỳ và cho các nền kinh tế khác ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Với Hoa Kỳ thì sản lượng kinh tế có thể
giảm mất chừng ba điểm bách phân trong hơn một năm trời, nhưng khó khăn đó cũng
là cơ hội tái phối trí cơ cấu sản xuất và không là thảm kịch sinh tử. Thảm kịch
chỉ xảy ra nếu các chính trị gia nhảy vào ăn có với liều thuốc đổ bệnh, nhất là
2018 lại là năm có bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống.
Nhưng với các nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất cảng và sức
tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ thì khi kinh tế Mỹ bị suy trầm và tiết giảm tiêu
thụ, các nền kinh tế này bị ảnh hưởng nặng. Bị nặng nhất sẽ là kinh tế Đức với
hậu quả lan rộng cho cả khối euro và nhiều nước Liên Âu, trước tiên là cho Pháp
và Anh, là hai bạn hàng lớn của Đức sau Hoa Kỳ. Sau đó, mâu thuẫn kinh tế và an
ninh giữa Hoa Kỳ và Đức sẽ càng tăng cho tới khi hai lãnh tụ lại lườm nhau
trong Thượng đỉnh G20 năm tới tại Buenos Aires Achentina.
Bị nặng hơn Đức, với hậu quả có thể lan ra toàn cầu chính là
kinh tế Trung Quốc. Không lệ thuộc vào xuất cảng bằng nước Đức nhưng Trung Quốc
vẫn cần giới tiêu thụ Hoa Kỳ vì ảnh hưởng tới 4% của Tổng sản lượng và khi vẫn
giàng đồng bạc vào Mỹ kim, trong khi Bắc Kinh phải đối mặt với các bài toán
cùng nan giải là giữ cho đà tăng trưởng khỏi sụt, và kềm hãm trái bóng địa ốc
và tín dụng và tránh nạn thất thoát tư bản.
Nếu kinh tế Mỹ bị suy trầm, Trung Quốc sẽ gặp vấn đề lớn bên
trong và vì là nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới và mua bán nhiều với
các nền kinh tế đang phát triển, vấn đề của Trung Quốc sẽ chi phối nhiều nước
khác. Vì vậy, ta nên cài dây lưng an toàn khi chào đón năm 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét