Thứ Hai, 3 tháng 7, 2017

Việt Nam nên có quan hệ tốt với các đảng đối lập Campuchia

Kính Hòa - RFA




Thủ tướng Hun Sen tại biên giới Việt Nam-Campuchia, ở tỉnh Tboung Khmum ngày 21/06/17.AFP


Trong cuộc bầu cử cấp địa phương tại Campuchia vào đầu tháng Sáu năm 2017, Đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập giành được nhiều thắng lợi, mặc dù Đảng đương quyền của Thủ tướng Hun Sen vẫn chiếm vị thế thượng phong. heo các nhà quan sát chính trị khu vực thì một tương lai cầm quyền tại TCampuchia của Đảng Cứu nguy Dân tộc là chuyện có thể xảy ra. Việt Nam phải ứng xử ra sao trong viễn cảnh đó?

Quan hệ với các đảng phải chính trị

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore là người đầu tiên đặt vấn đề là Việt Nam nên có một mối quan hệ chính thức với đảng đối lập lớn nhất Campuchia hiện nay là Đảng Cứu nguy Dân tộc. Theo Tiến sĩ Hiệp, hiện Việt Nam chỉ có quan hệ với đảng Nhân dân Cách mạng của Thủ tướng Hun Sen (gọi tắt là CPP).

Chúng tôi đã liên lạc với Phòng Chính trị, Đại Sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia để tìm hiểu về vấn đề này thì được trả lời rằng nơi đây không có nhiệm vụ trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề được đặt ra.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam giải thích tại sao Việt Nam chỉ có mối quan hệ với đảng của Thủ tướng Hun Sen:

“Mối quan hệ giữa các đảng phái chính trị với Việt Nam có vấn đề lịch sử. Trong đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, mà mọi người nói là đảng của ông Hun Sen, có mối quan hệ hết sức đặc biệt với Việt Nam, có gắn bó rất lâu dài, cho nên tất nhiên người ta cảm thấy có mối khăng khít hơn. Còn những đảng phái khác đối lập với đảng đó thì rõ ràng là có mối quan hệ không tốt đẹp.”

Theo các tài liệu đã được công bố hiện nay thì ông Hun Sen đã từng đào thoát sang Việt Nam dưới thời chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cai trị Campuchia. Sau đó ông cùng với quân đội Việt Nam trở lại Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.

Ngày 21 tháng Sáu vừa qua, kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông Hun Sen đã thăm Việt Nam và ông đã thực hiện một chuyến đi mang tính biểu tượng rất cao, tái lập lại hành trình của ông xuyên qua biên giới hai nước vào năm 1977.

Giải thích nguyên do tại sao hiện nay Việt Nam không có kênh liên lạc chính thức với Đảng Cứu nguy Dân tộc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đưa ra ba lý do: thứ nhất là giữa Việt Nam và Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia chưa có sự tin cậy đầy đủ, thứ hai là có thể Việt Nam e ngại làm phật lòng Đảng Nhân dân Cách mạng đang nắm quyền, thứ ba là có thể Việt Nam thấy chưa cần thiết vì Đảng Nhân dân Cách mạng vẫn chiếm thế thượng phong về chính trị tại Campuchia.

Đứng trước khả năng Đảng Cứu nguy Dân tộc có thể nắm quyền ở nước láng giềng Campuchia, Tiến sĩ Trần Công Trục nói:

“Các chính khách, các nhà làm chính trị cần lưu ý điều này. Vì rõ ràng là mình không thể làm thay được nhân dân Campuchia. Nếu một đảng được nhân Campuchia ủng hộ mà trước đây không có quan hệ tốt đẹp với anh thì anh phải tìm cách thay đổi, tìm cách giữ mối quan hệ. Tất nhiên không phải là mối quan hệ mình áp đặt người ta, mà là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, dù họ trong lịch sử có những vấn đề gây cấn hay mâu thuẫn. Tôi nghĩ những người lãnh đạo đất nước khôn ngoan, thì người ta sẽ tìm cách giữ mối quan hệ đảng, để rồi từ đó duy trì được mối quan hệ truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.”

Theo thông tin từ Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì những sự thay đổi đã bắt đầu, vì trong một lần đến thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, ông Sam Rainsy, một lãnh tụ đối lập có tiếng ở Kampuchia thuộc đảng Cứu nguy dân tộc, dường như đã tiếp xúc với tòa đại sứ Việt Nam tại đây.

Vấn đề biên giới

Một trong những vấn đề gây mâu thuẫn giữa phía đối lập tại Campuchia và Việt Nam là vấn đề phân định biên giới giữa hai nước. Ông Sam Rainsy luôn cho rằng rằng trong quá trình phân định biên giới, Việt Nam đã lấn nhiều đất đai của Campuchia.

Tiến sĩ Trần Công Trục, người hiểu rõ vấn đề này nói với chúng tôi:

“Trong quá trình vận động bầu cử thì rõ ràng là đảng của ông Sam Rainsy dùng vấn đề biên giới để đả kích đảng CPP, mà trong đảng đó ông Hun Sen giữ vai trò quan trọng, để hạ uy tín. Đây cũng là một thủ thuật chính trị thôi. Ví dụ như bản đồ chẳng hạn, họ tìm cách đưa ra bản đồ nhưng không phải là bản đồ gốc, bị cạo sửa, không đúng. Cách đây một thời gian không lâu thì chính ông Sam Rainsy đã nói rằng thôi không nói chuyện biên giới nữa. Ví dụ như vậy. Tôi nghĩ đây là những thủ thuật của những nhà chính trị cạnh tranh nhau trong chính trường hết sức phức tạp của Campuchia.”

Trong hai năm 2015, 2016 có xảy ra những xung đột nhỏ ở biên giới hai nước, trong đó những nghị sĩ của đảng đối lập Cứu nguy dân tộc chỉ trích Việt Nam lấn đất của Campuchia, cũng như chỉ trích đảng CPP là nhân nhượng Việt Nam trong vấn đề biên giới.

Tiến sĩ Trần Công Trục cho biết là hiện nay việc phân định biên giới trên đất liền giữa hai nước dựa theo các bản đồ của người Pháp để lại, và việc cắm mốc biên giới đã hoàn thành 90%, phần còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Tuy nhiên ông cho biết là việc phân định biên giới trên biển vẫn chưa đạt được nguyên tắc chung, vì phía Campuchia muốn sử dụng đường phân định do toàn quyền Pháp Jules Brévié thời Đông Dương thuộc địa để lại. Phía Việt Nam lại muốn xác định biên giới trên biển dựa theo Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982.

Tiến sĩ Trần Công Trục dự đoán cách ứng xử vấn đề biên giới của Campuchia nếu như ông Sam Rainsy của phía đối lập nắm được chính quyền:

“Nếu như ông ấy được nhân dân Campuchia tín nhiệm, nếu ông ấy vì đất nước Campuchia, vì mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam cho sự ổn định của đất nước Chùa tháp, thì tôi nghĩ rằng ông ấy cũng phải theo lập trường khách quan như các chính thể khác đã làm. Tôi nghĩ là như vậy, và tôi tin rằng nếu như người Việt Nam vẫn giữ lập trường đúng đắn như từ trước đến nay đã làm, tránh đi sự áp đặt lợi dụng, mà phải thực sự khách quan, thì chắc chắn tôi tin rằng công việc đó sẽ được giải quyết vì đó là cái việc đầu tiên bất cứ một nhà nước nào cũng cần quan tâm giải quyết xử lý, mới tạo được sự phát triển ổn định cho đất nước đó.”

Cùng quan điểm với ông Trần Công Trục, tác giả Vannarith Chheang hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng Campuchia không thể có được hòa bình và phát triển nếu không có được quan hệ tốt với một lân bang trực tiếp và đang phát triển mạnh là Việt Nam. Tác giả kêu gọi các đảng chính trị Campuchia không nên sử dụng Việt Nam như một con bài chính trị trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét