Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

Tuổi gì mà… lãnh đạo đất nước?!



Lại nói, hồi xưa, khi cướp được chính quyền từ thủ tướng Trần Trọng Kim, những người làm cách mạng đã nhanh chóng phủ nhận sạch sẽ công sức của các thành phần khác, toàn quyền lãnh đạo với danh nghĩa đảng có công.

Họ, những người cộng sản làm cách mạng, có tổ chức và tính tổ chức, có kiến thức khôn lanh trong việc cướp chính quyền và có kiến thức gian manh trong ngụy biện và hành xử để xây dựng và bảo vệ chế độ cho đến ngày nay. (Khôn lanh và gian manh như thế nào thì các bạn search google đọc tiếp hén.)

Đã gần trăm năm trôi qua, đất nước rõ ràng là có phát triển so với thời chết đói và đảng lấy đó làm lẽ rất tự hào, lên mặt để ghi hẳn vào điều 4 Hiến Pháp về vai trò độc tôn lãnh đạo của đảng đối với đất nước, dân tộc. Những ai có he hé mắt nhìn trộm qua các nước khác đều nhận ra VN đang ở vị trí nào và tụt hậu ra sao.

Bất kỳ ai có lương tri đều cảm thấy đau xót cho dân tộc khi sự tử tế, người tử tế đã mất đi nhiều. Bất kỳ ai có tình yêu đều lo sợ đất nước sẽ trở thành bãi rác và người dân thành nô lệ kiểu mới ngay trên chính quê hương mình. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những người lên tiếng, đấu tranh cho một VN tự do, dân chủ.

Có thể những người đấu tranh là những người có những vấn đề về nhiều mặt trong cuộc sống: kinh tế, đời sống, tình dục, nhân cách… bởi họ cũng là con người như cái lũ chúng ta đây, đầy khiếm khuyết.

Tôi nói nếu đảng trao quyền lực về tay nhân dân thì nhân dân tự khắc biết phải làm gì, nhiều người cho rằng tôi hoang tưởng. Họ nhìn vào những người đấu tranh hiện nay, nhìn vào lịch sử và họ sợ những người đấu tranh hiện nay trở thành lãnh đạo đất nước.

Rất nhiều người lo sợ nếu họ đấu tranh thành công thì lịch sử sẽ lặp lại, họ sẽ trở thành những người lãnh đạo bất tài vô dụng, tham lam, tranh ăn, xâu xé nhau, độc tài… đất nước sẽ vẫn vậy, có khi tệ hơn vì không ổn định. Xây dựng cái mới mà không tốt hơn cái cũ thì xây làm gì?

Đó là nỗi lo có thật và nó tràn lan, lây nhiễm tư tưởng từ người dân cho đến thành phần có học. Nó cản trở, tạo ra sức ỳ cho tiến trình thay đổi đất nước.

Khi một đất nước chuyển đổi thể chế chính trị, sẽ có trưng cầu dân ý để lựa chọn, sẽ có chính phủ lâm thời, sẽ có người trong bộ máy cũ ở lại làm việc theo cơ chế mới, sẽ có những người giỏi nhưng không tham gia vào bộ máy chính quyền được mời ra phụ trách các công việc chuyên môn, sẽ có thành phần giám sát, sẽ có sự giúp đỡ từ các nước, sẽ có sự giúp đỡ từ những trí thức ở hải ngoại, sẽ có những kế thừa từ tầng lớp du học sinh, sẽ có…

Và quan trọng nhất là bầu cử, tranh cử tự do. Người giỏi sẽ được tranh cử, được tổ chức các buổi vận động và trình bày, tranh luận tự do về kế hoạch cũng như năng lực của mình cho người dân thấy. Người dân được nhìn, nghe, thấy và lựa chọn lãnh đạo của mình, có quyền đuổi cổ nó xuống khi nó làm sai làm dở. Báo chí tự do là quyền lực thứ tư kiểm soát và vạch trần dối trá trong tích tắc. Nhân quyền, luật pháp được phổ biến để người dân biết mình có quyền gì và lãnh đạo chỉ là một thằng công bộc.

Một đất nước 90 triệu dân mà lo không có người tài giỏi để lãnh đạo thì nỗi lo đó một là vớ vẩn hai là trong tâm thế bất lực chán nản tuyệt vọng, ba là không hiểu gì hết về chính trị cơ bản.

Xin lỗi, tôi xin nói thẳng một câu, tục, anh em đấu tranh (trong đó có tôi) tuổi lxx gì mà được tự tiện lãnh đạo đất nước!?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét