Một căn nhà ở vùng Vịnh San Francisco, 4 phòng
ngủ và 2 phòng tắm rưỡi, đang được rao bán với giá 680 nghìn đôla-Ảnh Bui Van Phu
Hôm 18/7 vừa qua Hiệp hội Chuyên viên Địa ốc Hoa Kỳ
(National Association of Realtors - NAR) đã phổ biến tài liệu về mua bán nhà ở
Mỹ. Bản báo cáo cho thấy số công dân nước ngoài, trong đó có Việt Nam, mua bất
động sản tại Hoa Kỳ tăng nhiều so với năm trước.
Việt Nam xếp hạng 9, với 3,06 tỉ đôla được sử dụng trong việc
mua nhà ở Mỹ. Đứng đầu bảng là Trung Quốc với 31,7 tỉ, sau đó là Canada 19 tỉ,
Anh Quốc 9,5 tỉ, Mexico 9,3 tỉ và Ấn Độ 7,8 tỉ.
Theo số liệu của NAR thì tổng số tiền người nước ngoài chi
cho việc mua nhà ở Mỹ trong năm qua, tính từ tháng 4/2016, là 153 tỉ đôla, tăng
49% so với năm 2016. Số tiền đó để mua 284.455 đơn vị gia cư, nhiều nhất ở các
bang Florida, California và Texas.
Công dân nước ngoài chi tiêu cho việc mua nhà ở Mỹ chiếm 10%
tổng số tiền mua bán nhà trên toàn quốc Hoa Kỳ.
Sự kiện người nước ngoài có thể mua được nhà và cơ sở kinh
doanh tại Mỹ không phải là điều mới lạ, vì từ nhiều thập niên qua Hoa Kỳ đã có
chính sách rất mở trong việc này.
Không chỉ những đơn vị gia cư hay cơ sở thương mại giá vài
trăm nghìn đô mà công dân nước ngoài có thể làm chủ, trên thực tế, nếu muốn,
người nước ngoài còn có thể mua những toà nhà cao tầng sang trọng, những cơ sở
thương mại giá vài trăm triệu hay cả tỉ đôla. Công dân từ Trung Quốc, Nhật Bản
và Anh Quốc hiện đang làm chủ nhiều cơ sở thương mại lớn ở Mỹ.
Đối với người Việt trong nước, cơ hội để thực hiện "Giấc
mơ Mỹ" được mở ra từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam nối lại bang giao năm 1995 và
trong hai thập niên qua, quan hệ song phương đã phát triển về nhiều mặt, trong
đó có giáo dục với số sinh viên Việt Nam qua Mỹ du học hiện nay mỗi năm lên đến
hai chục nghìn.
Trong những năm đầu của thiên niên kỷ này phần lớn sinh viên
du học là con cháu quan chức nhà nước, sau đó những người giầu cũng có thể cho
con du học Mỹ.
Từ đó việc mua nhà, thay vì ở thuê, cũng là một cách tiết kiệm
và đầu tư lâu dài của công dân Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ vì giá nhà
trong thập niên qua tăng trung bình 5% một năm. Ở những khu có đông người Việt
như Quận Cam hay Thung lũng Điện tử San Jose mức tăng còn cao hơn.
Căn cứ vào số liệu của NAR, giá nhà trung vị mà công dân nước
ngoài đã chi trong năm qua là 302.290 đôla cho một đơn vị, cao hơn giá cho toàn
nước Mỹ là 235.792 đôla.
Vài vạn công dân Việt Nam đã có nhà ở Mỹ
Công dân Việt Nam chi hơn 3 tỉ đô thì số tiền đó đã mua được
khoảng 10 nghìn đơn vị gia cư trong năm qua. Nếu tính cả một thập niên qua thì
cũng đã có vài vạn công dân Việt đang làm chủ bất động sản tại Hoa Kỳ.
Vấn đề đặt ra, mà truyền thông trong nước cũng đã nêu lên tuần
qua, là tuy số tiền lên đến 3 tỉ đôla được người trong nước chi tiêu ở Hoa Kỳ,
nhưng việc chuyển ngân không qua đường chính thức của các ngân hàng. Sự kiện
này cho thấy có những đường dây chuyển tiền chui mà công dân Việt Nam đã sử dụng
để đem tiền vào Mỹ.
Việc này liên quan đến số tiền 10 tỉ đôla được cho là từ người
Việt hải ngoại gửi về nước mỗi năm, trong đó nhiều nhất từ Mỹ. Ngân khoản đó có
thực sự được chuyển về trong nước, hay chỉ được chuyền tay qua những dịch vụ
mua bán tại Hoa Kỳ.
Tài liệu của NAR cho thấy 44% công dân nước ngoài mua nhà trả
bằng tiền mặt và có 10% mua nhà trên 1 triệu đôla.
Chuyện công dân Việt Nam mua nhà hay cơ sở thương mại tại Mỹ
đã có từ nhiều năm qua.
Năm 2009 một công ty của ông Trầm Bê mua khu thương mại
Vallco ở vùng San Jose với giá 64 triệu đôla, trả tiền mặt. Vài năm sau bán đi
lời được vài chục triệu. Có những công dân Việt cũng đã làm chủ khách sạn ở khu
du lịch Fisherman's Wharf ở thành phố San Francisco, vườn nho ở Napa.
Năm 2012 cả nước Việt Nam xôn xao với tin một người từ Việt Nam
đã mua được thị trấn nhỏ Budford ở Hoa Kỳ với giá 900 nghìn đôla.
Budford của tiểu bang Wyoming nằm trên xa lộ 80, là đường
xuyên bang từ San Francisco đến New York. Thị trấn nhỏ này được biết đến là nơi
có dân số ít nhất nước Mỹ, chỉ vỏn vẹn có một cư dân, nhưng ở đó có một trạm
xăng, tiệm cà phê và tạp hóa, một căn nhà ba phòng ngủ và có số bưu cục riêng.
Trong buổi đấu giá trên mạng với người mua từ hơn 40 quốc
gia, ông Phạm Đình Nguyên từ Việt Nam đã giành mua được thị trấn này. Sau đó
ông thêm tên Phindeli vào Budford để quảng cáo thương hiệu cà phê Việt Nam.
Sự kiện ông Trầm Bê hay ông Phạm Đình Nguyên mua được bất động
sản và cơ sở kinh doanh tại Hoa Kỳ cho thấy chính sách mua bán nhà cửa, cơ sở
thương mại tại Mỹ rất mở cho người nước ngoài.
Những năm của thập niên 1990, người Hoa từ Hong Kong cũng đã
ào ạt vào Mỹ đầu tư, mua nhà, lập cơ sở kinh doanh vì lo sợ tương lai bất định
của điạ tô này trước ngày Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc.
Giấc mơ Mỹ của công dân Hoa Kỳ, của thường trú nhân hay của
người nước ngoài tạm cư thì cũng là mua được một căn nhà làm nơi sinh sống.
Theo Cục Thống kê Dân số, con số người Mỹ làm chủ một căn
nhà hiện nay là 64%, giảm xuống từ 69% trong gần một thập niên qua.
Ở California, số người làm chủ được căn nhà chỉ có 54%. Trước
sự kiện nhiều công dân nước ngoài đổ tiền vào bất động sản, trả tiền mặt với
giá cao hơn thị trường, đã có những phản ánh với chính quyền tiểu bang vì đẩy
giá lên đã khiến nhiều cư dân không thể mua được nhà.
Dù chính trị nội bộ Hoa Kỳ gần đây có những bất ổn, nhưng
công dân ngoại quốc vẫn muốn đổ tiền vào Mỹ đầu tư. Theo ông Lawrence Yun, kinh
tế gia hàng đầu của NAR, thì đầu tư vào Hoa Kỳ vẫn có lợi, vì đất nước này là
nơi an toàn để sống, làm việc và đầu tư.
So sánh với các nước tư bản phát triển khác, Hoa Kỳ vẫn luôn
mở cửa chào đón những ai có thể đem tiền hay đem trí tuệ vào đầu tư và lập nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét