Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Napoléon Bonaparte – Nhà lãnh đạo quân sự lừng danh thế giới



 napoleon-photo

Là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử và là hoàng đế nước Pháp, Napoléon Bonaparte (1769-1821) đã chinh phục phần lớn lãnh thổ Châu Âu trong vòng 16 năm.

Napoléon Bonaparte sinh ngày 15 tháng 8 năm 1769 tại đảo Corse, trong một gia đình có dòng dõi quý tộc. Được đào tạo tại trường quân sự, ông nhanh chóng thăng tiến. Đến năm 1796, ông đã trở thành chỉ huy quân đội Pháp tại Ý, và tại đây ông đã buộc Áo và các đồng minh phải ký các thỏa thuận hòa bình.[1] Năm 1798, Napoléon chiếm được Ai Cập (thuộc sự cai trị của Đế chế Ottoman thời đó) nhằm tấn công vào tuyến đường thương mại Anh-Ấn. Ông bị mắc kẹt sau khi hải quân Anh tiêu diệt hạm đội Pháp trong trận hải chiến sông Nile.[2]

Lúc này Pháp phải đối mặt với một liên minh mới – Áo và Nga hình thành liên quân với Anh.[3] Napoléon quay trở lại Paris nơi chính phủ đang chìm trong khủng hoảng. Sau một cuộc đảo chính vào tháng 11 năm 1799, Napoléon trở thành quan tổng tài thứ nhất (Premier consul). Năm 1802, ông được phong làm quan tổng tài trọn đời và lên ngôi hoàng đế hai năm sau đó. Ông giám sát quá trình tập trung hóa chính quyền, thành lập Ngân hàng Pháp, khôi phục lại tôn giáo chính thức của quốc gia là Công giáo La Mã, và cải cách luật với Bộ luật Napoléon (Bộ luật dân sự).

Năm 1800, Napoléon đánh bại quân Áo ở Marengo (Ý). Sau đó ông đàm phán một thỏa thuận hòa bình Châu Âu nhằm thiết lập quyền lực của Pháp tại lục địa. Năm 1803, Anh tái tuyên chiến với Pháp, sau đó có thêm Nga và Áo tham gia liên minh chống Pháp.[4] Chiến thắng của hải quân Anh trong trận Trafalgar (1805) giáng một đòn mạnh vào Pháp, khiến Napoléon từ bỏ kế hoạch xâm lược Anh. Ông chuyển mục tiêu và đánh bại liên quân Áo-Nga trong trận Austerlitz cùng năm. Napoléon chiếm thêm nhiều lãnh thổ, bao gồm cả việc sáp nhập lãnh thổ nước Phổ, giúp ông nắm quyền kiểm soát Châu Âu. Đế chế La Mã Thần thánh tan rã, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Westphalia được thành lập, và họ hàng cũng như những người thân cận của Napoleon được trao quyền lãnh đạo các quốc gia ở Châu Âu (Hà Lan, Westphalia, Ý, Napoli, Tây Ban Nha và Thụy Điển) trong vòng năm năm.

Năm 1810, Napoléon ly dị Joshephine de Beauharnais (hai người không có con) và tái hôn với con gái của hoàng đế Áo với hy vọng có được người nối dõi. Con trai ông ra đời một năm sau đó, cũng tên là Napoléon.

Chiến tranh Bán đảo (giữa Pháp với liên quân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Anh) nổ ra vào năm 1808. Những thất bại tốn kém của Pháp trong suốt năm năm sau đó đã làm cạn kiệt nguồn lực quân đội Pháp.[5] Cuộc xâm lược Nga năm 1812 dẫn đến một cuộc tháo chạy thảm hại của quân Pháp. Cục diện ngả theo hướng có lợi cho quân liên minh và đến tháng 3 năm 1814, Paris bị đánh chiếm. Napoléon bị lưu đày tại đảo Elba thuộc biển Địa Trung Hải. Tháng 3/1815 ông trốn khỏi đảo và hành quân tới thủ đô Paris. Trận Waterloo đã chấm dứt triều đại lần thứ hai ngắn ngủi của ông (Triều đại 100 ngày). Người Anh giam cầm ông tại hòn đảo St Helena biệt lập trên Đại Tây Dương. Ông qua đời tại đây vào ngày 5 tháng 5 năm 1821 (lúc mới 52 tuổi).

——————————–

[1] Chiến tranh Liên minh thứ nhất kéo dài từ năm 1792 đến năm 1797. Liên minh thứ nhất là một liên minh quân sự (1793-1797), gồm có Vương quốc Anh, Phổ, Áo, Napoli, Sardinia, Bồ Đào Nha và Hà Lan thuộc Áo, Đế quốc La Mã thần thánh và Vương quốc Tây Ban Nha (tới tháng 8/1796 thì Tây Ban Nha quay sang liên minh với Pháp). Các nước trong Liên minh thứ nhất đã tiến hành nhiều cuộc xâm lấn Cộng hòa Pháp bằng đường bộ và đường biển. Sau khi Pháp và Áo ký hiệp định sơ bộ Leoben ngày 17/4/1797, rồi tiếp theo là Hiệp ước Campo-Formio ngày 17/10/1797, Liên minh thứ nhất cũng tan rã, chỉ còn Anh tiếp tục chống Pháp. – ND

[2] Trận chiến sông Nile (hay còn gọi là Hải chiến Vịnh Aboukir) là một trận hải chiến lớn diễn ra giữa quân đội Anh và Pháp tại vịnh Aboukir từ ngày 1-3/8/1798. Trận đánh là đỉnh cao của một Chiến dịch hải quân diễn ra trên biển Địa Trung Hải trong suốt ba tháng trước đó: lực lượng viễn chinh do Napoléon Bonaparte chỉ huy đã bị đánh bại bởi lực lượng của Anh do Đô đốc Horatio Nelson chỉ huy. Trận chiến đảo ngược tình hình chiến lược ở Địa Trung Hải và trao cho Hải quân Hoàng gia Anh vị trí thống trị cho đến khi chiến tranh kết thúc. Nó cũng khuyến khích các nước châu Âu khác chống lại Pháp, và là một yếu tố trong sự bùng nổ của cuộc chiến tranh với Liên minh thứ hai. – ND

[3] Chiến tranh Liên minh thứ hai kéo dài từ 1798 đến 1802. Khi Napoléon dẫn đoàn quân viễn chinh Pháp sang Ai Cập, thì các quốc gia chống Pháp đã lập ra Liên minh thứ hai gồm Vương quốc Anh, Đế quốc Nga, Áo, Thụy Điển, Đế quốc La Mã Thần thánh, Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ,Vương quốc Napoli và Sicilia, Haiti cùng với quân nổi dậy Chouan ở Pháp và quân nổi dậy ở Bỉ để cùng nhau kìm hãm Cách mạng Pháp, đánh bại chế độ cộng hòa, đồng thời tái lập chế độ quân chủ. Bên phe Pháp gồm có Cộng hòa Pháp, các nước Cộng hòa vệ tinh của Pháp, Cộng hòa Batavia, Vương quốc Đan Mạch, Na Uy, quân nổi dậy Ireland. Sau khi đại bại tại Ai Cập, Pháp ký với Anh hòa ước Amiens ngày 25/3/1802, chấm dứt chiến tranh. – ND

[4] Chiến tranh Liên minh thứ ba kéo dài từ 1803 đến 1806. Liên minh thứ ba gồm Anh, Nga, Áo, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Napoli và Sicilia chống lại hoàng đế Napoléon Bonaparte cùng các đồng minh Tây Ban Nha, Ý, Bayern, Etruria, Batavia và công quốc Württemberg trong hai năm 1805, 1806. – ND

[5] Chiến tranh trên bán đảo Iberia nổ ra khi Napoléon cất quân chinh phạt Bồ Đào Nha vào năm 1807 với sự hỗ trợ của Tây Ban Nha. Sau đó Napoleon xâm lược luôn cả Tây Ban Nha, phế Vua Carlos IV rồi đưa anh trai mình là Joseph Bonaparte lên ngôi. Tuy vậy cuộc chiến tốn kém và đẫm máu kéo dài làm Pháp suy yếu, và sau khi để thua quân liên minh, Napoleon đã thoái vị. Sau này ông đã mô tả cuộc Chiến tranh Bán đảo là trung tâm của sự thất bại chung cuộc của mình. – ND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét